Ghi chép, nhân một bản tin của báo chí Nhà nước – về Mỹ và Việt Nam
Năm 1995, trong buổi học cuối cùng của môn chính trị, tôi được nghe ông thầy (cũng là bí thư đảng ủy) nói với giọng tức giận “đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về”.
Ông nói vậy, bởi Việt Nam và Mỹ mở lại bang giao vào tháng 7-1995. Lúc đó, đại diện nước Mỹ là tổng thống Bill Clinton, còn Việt Nam là thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tâm trạng hoang mang và tức giận đó của ông bí thư đảng ủy, là điều mà tôi vẫn nhìn thấy ở những người bỏ một đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, rồi bất chợt một ngày cảm thấy bị hụt hẩng vì cảm giác như mình bị phản bội – đồng thời mơ hồ mình có thể bị bỏ rơi vào lúc nào đó.
20 năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ, Việt Nam đã có những cuộc phối hợp đầu tiên giữa quân đội hai nước. Mặc dù đó chỉ là khởi đầu các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương.
Vào tháng 8/2015, hải quân Việt Nam dè dặt bước vào cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương, là bước đi gấp rút sau sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc tiến vào vùng của Việt Nam trong năm 2014. Vai trò của một cựu thù lúc này ở VN thật đầy tính “ấm áp”.
Đến thời điểm đó, rất nhiều người già đã bỏ một đời đi theo lý tưởng cộng sản mà tôi gặp lại, đều thay đổi. “Trung Quốc mới chính là kẻ thù”, tôi nghe những câu nói như vậy thường xuyên và lớn giọng hơn. Thậm chí, có những người đã cùng tham gia xuống đường chống Trung Quốc rồi bị đánh đập hay tù đày.
Hơn vậy, tôi nghe khắp trên các con đường mình đi qua, từ Nam chí Bắc, là những lời bàn không chỉ về kẻ thù của Việt Nam mà còn bàn về những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù của Việt Nam. Nghe như một cuộc chuyển mình rầm rộ mà thinh lặng.
Hôm nay, hàng không mẫu hạm của Mỹ nói sẽ ghé vào Cam Ranh với cuộc “bảo trì” đầy ý nghĩa, nhất là sau khi Bắc Kinh ép Hà Nội phải ngừng khoan dầu trên biển, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa sang Mỹ. Tôi lại nhớ về ông bí thư đảng ủy đó.
Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây “thù địch”. Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại. Bất chấp trong đất nước này, các đại học VN vẫn ép sinh viên phải lèn chặt chủ nghĩa Marx-Lenin như công cụ tư tưởng sống còn của chế độ.
Hôm nay, chỉ còn lại rơi rớt những lời ngợi ca Trung Quốc bạn vàng công khai từ một ít tướng lĩnh, hay luận điệu hằn học được huấn luyện của lớp thanh niên bị nhồi sọ phục vụ. Nhưng mỗi lúc, những âm thanh đó càng ngày càng tẻ nhạt và vô ích. Đôi khi, có thể đó là thành phần phải bị hy sinh để giữ lại thể diện hữu nghị trước những khúc quanh lịch sử khó lường sẽ đến.
Vài năm sau nữa, lớp người rơi rớt ấy có đập bàn hằn học cho số phận của mình, như ông bí thư đảng ủy mà tôi nhìn thấy không?
Tất cả như một sân khấu vĩ đại. Mà nhân dân là khán giả xuyên suốt. Sân khấu lúc có tiếng súng và nhà tù, lúc có hoan hô và đả đảo. Trò diễn cứ liên hồi, nỗi niềm rồi chỉ còn lại nhân dân im lặng cảm nhận.
Tham khảo:
Bài bình luận gần đây