You are here

Dân chúng Ai Cập thách đố giới nghiêm, quân đội lơ là

Việt Long, biên tập viên RFA
2011-01-30
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak triệu tập phiên họp với các tư lệnh quân sự hôm chủ nhật, tỏ ra vẫn muốn nắm giữ chính quyền, trong khi hằng chục ngàn người biểu tình thách đố lệnh giới nghiêm ban đêm, chế diễu lực lượng quân sự bao vây họ tại công trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo.

AFP photo
Người dân Ai Cập đốt xe cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình ở phía bắc thành phố Suez đòi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hôm 28/1/2011.
Ít nhất trên 100 người đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ bằng bạo lực trên đường phố với cảnh sát và quân đội.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ mối quan ngại về xứ đồng minh Ai Cập đông dân và hùng mạnh nhất trong khối Á Rập, khi tuyên bố Hoa Kỳ trông mong một sự chuyển giao quyền hành trong trật tự ở Cairo bằng những cuộc tuyển cử tự do và công bằng.
Trong lúc cuộc chống đối sắp bước sang ngày thứ bảy, giới quan sát đồng thanh nhận định rằng sự ủng hộ của các cấp chỉ huy trong quân đội là yếu tố then chốt để giữ vững chế độ trong khi các trụ cột khác của chế độ cầm quyền lần lượt gãy đổ.
10 ngàn người tập trung tại công trường Tahrir để bày tỏ sự bất mãn trước tình trạng nghèo đói, áp bức, thất nghiệp và tham nhũng.
 Lúc lệnh giới nghiêm bắt đầu, máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự bay ngang bầu trời công trường, xe tăng và xe quân sự xuất hiện thêm, siết chặt vòng vây, nhưng không một ai trong đoàn biểu tình di chuyển khỏi công trường.
 Cuộc họp tại phủ Tổng thống ở Cairo có sự tham dự của tân phó Tổng thống và là tư lệnh tình báo Ai Cập Suleiman, bộ trưởng quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sami al-Anan, cùng nhiều tướng lãnh chỉ huy quân sự cao cấp.

Hàng chục ngàn người Ai Cập biểu tình ở Công trường Tahrir, Cairo hôm 30.01.2011 đòi Tổng thống từ chức. AFP Photo/Miguel Medina.
 

Những người biểu tình tại Cairo và Alexandria không muốn thấy cơ cấu cai trị của ông Mubarak được thay thế do thành phần sĩ quan quân đội thân cận với ông.
 Cựu Giám đốc Cơ quan nguyên tử năng quốc tế và là khôi nguyên giải Nobel hòa bình Mohamed ElBaradei trở về nước từ mấy hôm nay và lập tức trở thành lãnh tụ mới của phong trào chống đối, được phe đối lập cử làm đại diện nói chuyện với chính phủ Mubarak.
 Ông ElBaradei tuyên bố sự kiện ông Mubarak bổ nhiệm phó Tổng thống và những thay đổi gần đây là quá ít ỏi và muộn màng. Ông yêu cầu Tổng thống Mubarak rời khỏi chính quyền ngay hôm chủ nhật, và nói sự ra đi của ông Mubarak là điều lợi cho chính ông ta và cho đất nước Ai Cập.
 Trong khi lực lượng cảnh sát không còn có mặt trên đường phố để cản phá những vụ cướp bóc, thì quân đội canh gác các trụ sở chính phủ tỏ ra lơ là trong việc thực hiện lệnh giới nghiêm, thân thiện với thành phần biểu tình thay vì đàn áp hay ngăn cản họ.
 Xe tăng cũng bị xịt sơn khẩu hiệu chống Tổng thống Mubarak. Binh sĩ khi được hỏi tại sao để cho dân sơn khẩu hiệu như vậy, đã trả lời đó là ý kiến của nhân dân, quan điểm của nhân dân.
 Chính phủ có hành động cản trở các hoạt động của Internet và điện thoại tinh khôn, người biểu tình bỏ dùng điện thoại, gõ cửa từng nhà kêu gọi xuống đường.

Bài bình luận

"Trong khi lực lượng cảnh sát không còn có mặt trên đường phố để cản phá những vụ cướp bóc, thì quân đội canh gác các trụ sở chính phủ tỏ ra lơ là trong việc thực hiện lệnh giới nghiêm, thân thiện với thành phần biểu tình thay vì đàn áp hay ngăn cản họ." Một hành động khôn ngoan trong tình thế hỗn loạn. Quân đội sinh ra để bảo vệ chủ quyền đất nước chứ không phải để bắn giết đồng bào mình khi họ xuống đường đấu tranh bất bạo động. Hy vọng QDND Việt Nam sẽ lấy đó làm gương trong hoàn cảnh tương tự