You are here

Đôi điều về Nhóm Nghiên cứu Thể chế

Ảnh của nguyenvubinh

       Ngày 09/6 vừa qua tại Hà Nội, Nhóm Nghiên cứu Thể chế đã ra mắt dư luận và cộng đồng mạng xã hội Facebook. Với một thông báo ngắn gọn như sau:

       THÔNG TIN

Kính thưa quý vị!

Sau một thời gian chuẩn bị, cũng như trao đổi bàn bạc, một số anh em chúng tôi xin được thông tin tới quý vị, hôm nay chúng tôi ra mắt Nhóm Nghiên cứu Thể chế. Nhóm Nghiên cứu Thể chế là một nhóm học thuật, chúng tôi tập hợp nhau trên tinh thần học thuật và tập trung nghiên cứu về thể chế dân chủ. Hiện nay nhóm mới chỉ có 4-5 người, trong tương lai sẽ mở rộng, thu nạp thêm các thành viên, trên cơ sở đồng thuận về học thuật. Chúng tôi trân trọng đưa ra Dự án Xây dựng Thể chế Dân chủ để trình bày với giới khoa học, các tổ chức chính trị và toàn thể đồng bào, mong nhận được sự góp ý, chỉ giáo và phản biện từ quý vị.

Thành viên của Nhóm Nghiên cứu Thể chế:

1- Nguyễn Vũ Bình, nhà báo, đại diện Nhóm
Số điện thoại: 0987572844; Email: thanglongdoicho@gmail.com
2- Hà Huy Toàn, nhà nghiên cứu Triết học Chính trị
3- Lê Anh Hùng, nhà báo, dịch giả
Số điện thoại: 01292091829; Email: leanhhung2020@gmail.com
4- Bùi Văn Thuận, giáo viên, thư ký Nhóm

Liên hệ Nhóm:
Nguyễn Vũ Bình, dđ: 0987572844

Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của quý vị trong các hoạt động nghiên cứu và trao đổi học thuật của Nhóm.

Nhóm chúng tôi có một trang web để hoạt động, xin được giới thiệu
http://nghiencuutheche.com/

Xin chân thành cảm ơn quý vị!
Trân trọng,

Hà Nội, ngày 09/6/2107
Thay mặt cho Nhóm Nghiên cứu Thể chế
Nguyễn Vũ Bình

       Trong trang web của Nhóm, đã có dự án Xây dựng Thể chế Dân chủ, những sách báo, tài liệu liên quan tới dự án, cũng như lời giải thích về lý do việc đề xuất Dự án Xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam:

       - Qua tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam một thời gian khá dài, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam sắp có sự thay đổi chế độ xã hội. Chính vì vậy, yêu cầu có những dự phóng, đề án, dự án về xây dựng thể chế dân chủ là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Chúng tôi tập hợp nhau lại và xây dựng nên dự án này, ngõ hầu đáp ứng yêu cầu trên.

      - Trải qua các nghiên cứu về phương thức tổ chức xã hội (xây dựng thể chế dân chủ), chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều khiếm khuyết và lỗ hổng của bản thân các thể chế dân chủ hiện hành, và cách thức xây dựng thể chế hiện nay trên thế giới. Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra một phương thức tổ chức và cách thức xây dựng thể chế dân chủ có thể khắc phục được những khiếm khuyết và thiếu sót đó. Chúng tôi mạnh dạn đưa dự án của nhóm để trình bày với giới khoa học, các tổ chức chính trị, đảng phái và toàn thể đồng bào, mong được sự góp ý, chỉ bảo và phản biện của quý độc giả trong và ngoài nước.

       Mục tiêu của Nhóm Nghiên cứu Thể chế:

     a/ Mục tiêu cao nhất của nhóm Nghiên cứu Thể chế là đưa dự án này ra công luận để nhận được sự phản biện, góp ý và hoàn thiện dự án. Sau đó, nếu may mắn, dự án nhận được sự đồng thuận, được chấp nhận áp dụng vào việc xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam chính là giấc mơ biến thành hiện thực của toàn thể nhóm chúng tôi.

     b/ Nếu không hoặc chưa được áp dụng, chúng tôi cũng đã trình bày được một cách tiếp cận khác, một phương thức tổ chức xã hội có khác biệt với phương thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên toàn thế giới. Và mục tiêu phổ biến dự án của chúng tôi không chỉ bó hẹp trong trong phạm vi xây dựng thể chế dân chủ chỉ của Việt Nam mà là phương thức xây dựng thể chế dân chủ chung cho tất cả các quốc gia muốn có tự do, dân chủ. Đây là mục tiêu thiết thực nhất của chúng tôi.

     c/ Mục tiêu cuối cùng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tìm hiểu cách thức xây dựng thể chế dân chủ, các định chế dân chủ và sự vận hành của các thành phần, lực lượng trong một thể chế dân chủ.

       Cách tiếp cận và sự khác biệt của Dự án Xây dựng Thể chế Dân chủ

       Dân chủ: là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.

       Thể chế dân chủ: Là hệ thống các định chế, các giá trị, các chuẩn mực về tự do, dân chủ hợp thành những nguyên tắc tổ chức và vận hành của chế độ dân chủ bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.    

     Căn cứ vào các khái niệm và sự quan sát trong thực tế, chúng ta thấy rằng, việc xây dựng thể chế dân chủ là vấn đề lớn và vô cùng phức tạp. Quá trình này cần bảo đảm hai yêu cầu quan trọng: Một là, bảo đảm việc vận hành của các định chế, đại diện là hệ thống bộ máy nhà nước được nhịp nhàng, trôi chảy không bị khuyết hãm, ách tắc và thiên lệch. Hai là, phải bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.

     Trên thực tế, như chúng ta biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 150 quốc gia có thể chế dân chủ, nhưng chỉ có chưa tới 30 quốc gia người dân được tự do, hay còn gọi là các quốc gia có thể chế dân chủ tự do. Số còn lại, hơn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Có hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên.

     Thứ nhất, việc xây dựng thể chế dân chủ chưa gắn kết được mục tiêu tối thượng bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân. Nói cách khác, những lý thuyết về dân chủ cũng như việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới chưa xác định và chỉ ra được định chế nào trực tiếp bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân? Chỉ có xác định được định chế trực tiếp và cốt lõi này, và xây dựng thể chế dân chủ tập trung và xoay quanh định chế cốt lõi đó mới bảo đảm được tự do cho cá nhân con người.

     Thứ hai, cách thức xây dựng thể chế dân chủ, các bước tiến hành và thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ chưa đúng đắn, chuẩn xác để bảo đảm xây dựng hành công một chế độ dân chủ.

     Như vậy, phần lớn các quốc gia mới chỉ bảo đảm được một yêu cầu về xây dựng thể chế dân chủ, đó là sự vận hành của hệ thống các định chế, hay bộ máy nhà nước. Một số quốc gia đã thực hiện thêm được một phần yêu cầu quan trọng thứ hai, đó là bảo đảm các quyền con người. Tuy nhiên, ngoại trừ Hoa Kỳ (và cả Hoa Kỳ cũng chưa có định chế cụ thể, trực tiếp), chưa có quốc gia nào thực hiện được phần quan trọng nhất trong yêu cầu thứ hai: khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.

     Dự án Xây dựng Thể chế Dân chủ này, được trình bày và phổ biến nhằm khắc phục khiếm khuyết trong nội dung nhận thức về dân chủ, và xây dựng thể chế dân chủ cũng như cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ.

     Chúng tôi đã nghiên cứu và xác định được, cần có một định chế để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình, đó là định chế về tòa án nhân quyền. Với định chế này, người dân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình khi bị xâm phạm. Trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ và vận hành bộ máy nhà nước, xu thế vi phạm các quyền con người là không thể tránh khỏi. Chỉ có tòa án nhân quyền, với đầy đủ sự độc lập và quyền lực tuyệt đối, với sự chủ động của chính người dân bị vi phạm, mới bảo vệ được quyền con người của họ. Để định chế tòa án nhân quyền có thể hoạt động được thực chất và hiệu quả, chúng ta cần có thêm một số định chế khác hỗ trợ. Đó là các định chế trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do, dân chủ cho người dân; định chế về cơ quan thông tin - nhân quyền và hỗ trợ pháp lý cho người dân; cuối cùng là định chế quan trọng, miễn phí cho người dân khi tham gia tự bảo vệ các quyền con người của mình. Định chế này rất quan trọng, vì những người dân nghèo vẫn có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình.

     Tựu trung lại, trên cơ sở cách thức xây dựng thể chế dân chủ của thế giới hiện nay, chúng ta cần bổ sung thêm một số định chế, trong đó có định chế cốt lõi tòa án nhân quyền để bảo đảm được mục tiêu tối thượng của một nền dân chủ, đó là bảo đảm và bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân./.

Hà Nội, ngày 12/6/2017

N.V.B