You are here

Cờ Vàng và Formosa (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

       ... Bước ngoặt của việc tôn vinh cờ vàng là ngày 09/4/2017, tại xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã có 4-5 lá cờ vàng tung bay trong cuộc biểu tình của người dân yêu cầu đền bù thỏa đáng, đóng cửa Formosa và làm sạch môi trường. Đây là sự kiện lớn, chấn động vì cờ vàng xuất hiện 4 đến 5 chiếc, lại trong một cuộc biểu tình, chống Formosa cũng chính là chống lại sự bao che cho Formosa, tức là chống lại chế độ. Chính sự kiện này đã tăng thêm sức mạnh cho những người yêu lá cờ vàng trong nhiều ngày tháng tiếp theo. Sự kiện ông Vương Văn Thả, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã công khai treo lá cờ trong các cuộc livestream trên facebooks đã dẫn tới sự kiện công an, côn đồ bao vây, vây hãm gia đình ông gần một tháng. Ngày 18/5 vừa qua, ông Vương Văn Thả đã bị nhà cầm quyền bắt giam sau gần một tháng phong tỏa, cô lập gia đình ông. Đối với ông Vương Văn Thả, ngoài sự việc treo lá cờ vàng, ông còn dùng loa công suất lớn để tại nhà tố cáo, lên án nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và đàn áp người dân. Điều này có nghĩa, việc treo cờ vàng của ông cũng chỉ là một yếu tố trong việc ông và gia đình bị phong tỏa, và cuối cùng là ông bị bắt.

       Hai sự việc đơn thuần liên quan tới lá cờ vàng, và hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy rõ một quyết tâm dập tắt phong trào tôn vinh lá cờ vàng của người dân. Đó là sự kiện anh Nguyễn Hữu Tấn bị giết, bị cắt cổ chết tại đồn công an ở Vĩnh Long, và sự kiện công an cùng côn đồ đập phá nhà anh Nguyễn Tăng Vĩnh Phú ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Sài Gòn. Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ một điều. Việc tôn vinh, treo lá cờ vàng tại nhà, hoặc cầm đi quay phim chụp ảnh không hề vi phạm một điều khoản nào trong tất cả luật pháp hiện hành ở Việt Nam. Trong luật pháp Việt Nam hiện nay, không hề có điều nào có thể truy tố, khép tội người dân treo hoặc cầm cờ vàng. Nhà cầm quyền không thể dùng việc bắt bớ, khởi tố để đe dọa để từ đó dập tắt phong trào tôn vinh lá cờ vàng. Chính vì vậy, họ đã phải dùng tới những biện pháp khác, đó là biện pháp vô cùng dã man, tàn bạo, đó là giết người để đe dọa những người khác hành động trong việc tôn vinh lá cờ vàng. Sự kiện về cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn đã chứng minh cho lập luận này.

       Vào ngày 30/4 vừa qua, tại thị xã Bình Minh và huyện Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long xuất hiện nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ treo ở một số cột điện. Ngày 02/5 anh Nguyễn Hữu tấn bị bắt, với một lực lượng công an, theo gia đình cho biết, khoảng 200 người. Đây là số lượng người đông một cách bất thường, bởi vì những người đấu tranh lâu năm và có tiếng, số người đến bắt cũng chỉ vài ba chục người là nhiều. Số người nhiều bất thường đến bắt anh Nguyễn Hữu Tấn như vậy chỉ có thể lý giải bằng hai nguyên nhân: áp lực của việc phải tìm ra người, nhóm người treo cờ vàng ngày 30/4 đối với công an Vĩnh Long là rất lớn, và việc sử dụng số lượng người đông như vậy chính là để uy hiếp tinh thần người bị bắt ban đầu. Khi đã bắt anh Nguyễn Hữu Tấn vào đồn công an, việc tra tấn để tìm ra đầu mối, tìm ra người treo cờ ngày 30/4 là đương nhiên. Việc tra tấn dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn có thể có hai lý giải sau đây. Thứ nhất, với áp lực phải tìm ra người, nhóm treo cờ vàng ngày 30/4 quá lớn với công an Vĩnh Long dẫn tới việc tra tấn quá tay (trường hợp anh Tấn không liên quan việc treo cờ, hoặc có liên quan nhưng bản lĩnh không nhận) đưa tới cái chết cho anh Tấn. Khi anh Tấn đã chết trong tình huống này (không cố tình giết), an ninh đã biến cái chết của anh Tấn thành sự ám ảnh, răn đe những người có ý định tôn vinh lá cờ vàng, bằng cách cho cắt cổ anh Tấn và khâu lại. Thứ hai, ngay từ đầu, công an đã có mục tiêu và mục đích giết anh Nguyễn Hữu Tấn để tạo ra nỗi khiếp sợ cho những người còn có ý định treo, tôn vinh lá cờ vàng. Có lẽ chỉ có công an, an ninh liên quan vụ này mới có thể trả lời được câu hỏi này. Việc giết, hoặc sử dụng cái chết của anh Nguyễn Hữu Tấn trong việc đe dọa, tạo ra nỗi sợ hãi cho người dân là một sự thật, một chiến lược dập tắt phong trào tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ mới manh nha và có dấu hiệu bùng phát. Nếu không phải đó là một động thái đe dọa, răn đe “giết gà dọa khỉ”, “giết một người, vạn người sợ” thì không ai có thể giải thích nổi cái chết thảm khốc và oan khuất của anh Nguyễn Hữu Tấn vừa qua. Nhiều người đã thắc mắc, nếu công an muốn giết người thì quá đơn giản, có thể có nhiều cách mà không ai biết, hoặc chứng minh được công an, an ninh liên quan đến cái chết của họ. Nhưng tại sao với việc sử dụng một lực lượng công an lớn đến như vậy, bắt người công khai lại để xảy ra một cái chết cực kỳ dã man, tàn bạo như vậy? Chỉ có thể lý giải, công an, an ninh có chủ trương thực hiện một sự kiện như vậy để tạo ra nỗi sợ hãi trong dân chúng, nhằm dập tắt phong trào tôn vinh lá cờ vàng mà thôi.

       Sự kiện anh Nguyễn Tăng Vĩnh Phú, ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Sài Gòn đã sơn cờ vàng ba sọc đỏ ở cửa cuốn của gia đình, công an đã công khai dẫn côn đồ đập phá cửa hàng và gia đình anh đồng thời áp lực để anh xóa lá cờ, cuối cùng phải sang nhượng lại cửa hàng, cửa tiệm tạo mẫu tóc của mình. Sự kiện này, công khai đập phá nhà dân, bằng chính công an và côn đồ, ép người dân mất nghề, mất việc và thu nhập càng chứng tỏ quyết tâm dập tắt phong trào tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ của nhà cầm quyền Việt Nam.

       2/ Về mục tiêu dập tắt phong trào phản kháng formosa

       Thời gian vừa qua cũng là thời điểm nhà cầm quyền Việt Nam tập trung cho mục tiêu dập tắt phong trào phản kháng với vấn đề Formosa. Như các bài viết phân tích trước đây, nhà cầm quyền hơn ai hết hiểu rõ vấn đề ô nhiễm môi trường biển miền trung do công ty Formosa gây ra là vấn đề nan giải, không thể giải quyết được theo cách thức truyền thống, thông thường. Tức là việc điều tra, khảo sát công khai, minh bạch để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, làm sạch môi trường và truy tố  công ty Formosa là không thể thực hiện được. Với việc Formosa đã có đầy đủ các văn bản pháp lý mà nhà cầm quyền Việt Nam cấp, với việc lợi ích nhóm (tham nhũng, nhận hối lộ) từ các cấp cao nhất, và sức ép của Trung Quốc, nhà cầm quyền đã lựa chọn việc bảo vệ Formosa và đương đầu với sự phẫn nộ của dân chúng. Để thực hiện những tiếng nói phản kháng trong vụ việc Formosa, nhà cầm quyền đã làm được khá nhiều, và rất bài bản.

       Việc đầu tiên là họ vô hiệu hóa hoạt động của các hội, nhóm bằng cách đánh phá bên trong lẫn bên ngoài, để các hội nhóm vẫn còn tên gọi, nhưng không còn nhiều khả năng làm việc chung. Các hội nhóm vẫn còn, vẫn hoạt động nhưng chủ yếu dựa trên các hoạt động cá nhân, sự phối kết hợp, sức mạnh thực sự của tổ chức hầu như không còn nữa. Bước tiếp theo, nhà cầm quyền đã triệt để đàn áp các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, sử dụng cả những quân bài hai mang, dân chủ cuội để gây mâu thuẫn ngay từ việc hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường. Nhưng điểm nhấn trong việc này vẫn là sự đàn áp dữ dội, canh nhà người đấu tranh, và bắt bớ, đánh đập dã man người biểu tình. Như vậy, với cách thức này, nhà cầm quyền đã hạn chế tối đa sự ủng hộ, cổ vũ và hiệp thông của các trung tâm lớn đối với cuộc đấu tranh của người dân vì môi trường. Về cơ bản, họ đã khoanh vùng được cuộc đấu tranh của người dân miền trung trong phạm vi khu vực để xử lý. Nhưng điểm nóng nhất, mấu chốt nhất chính là người dân miền trung, phần lớn là những giáo dân Công giáo, được sự ủng hộ và dẫn dắt của các linh mục. Những cuộc đấu tranh của người dân miền trung chưa lúc nào ngơi nghỉ, và bất cứ khi nào người dân lên tiếng, cũng đều là số lượng người rất lớn, mặc dù chưa phải tất cả....

       (còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/5/2017

N.V.B