You are here

Đồng Tâm, uy tín lãnh đạo và tập trung dân chủ

Giải quyết khủng hoảng ở Đồng Tâm cần lãnh đạo có uy tín cá nhân để người dân có thể đặt niềm tin.

Tiếc thay, cách thức vận hành quyền lực ở Việt Nam hiện nay không thể tạo ra một kiểu lãnh đạo như vậy.

Nhận định này không phải đơn thuần dựa trên quan sát các dữ kiện lịch sử, mà quan trọng hơn, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức quan trọng bậc nhất của mô hình đảng leninist: Tập trung dân chủ.

Theo đó, bất kì đảng viên nào cũng không được nói hay làm trái nghị quyết - tức là quyết định của tập thể cấp uỷ đảng của mình. Bằng không sẽ bị buộc rời bỏ hàng ngũ với kết cục không thể tồi tệ hơn. Đảng viên quèn cấp thôn hay Uỷ viên Bộ Chính trị đầy quyền lực như Trần Xuân Bách thì cũng không khác nhau một khi đã nói và làm trái nghị quyết.

Điều này giải thích vì sao nhiều đảng viên có thể rất tử tế ở phương diện cá nhân, song lại trở thành con người khác mỗi khi xuất hiện trong không gian quyền lực. Để không bị loại bỏ hàng ngũ, họ đã phải trải qua vô số trường hợp trong đó họ phải nói và làm trái những gì họ tin là đúng - nhiều đến mức họ còn không tin vào chính bản thân họ nữa, thì làm gì còn chuyện uy tín cá nhân với cộng đồng và xã hội.

[Chẳng hạn trong vụ Đồng Tâm này, ngay cả khi Chủ tịch Chung muốn thoả hiệp với dân làng để giải quyết ôn hoà nhưng Thường trực Thành uỷ Hà Nội - cấp uỷ của ông Chung - quyết ngược lại thì liệu ông Chung có chấp nhận rời bỏ hàng ngũ để bảo vệ những gì ông tin là đúng hay nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của tập thể cấp uỷ?]

Đây cũng là một trong những lí do quan trọng nhất khiến trong xã hội do đảng leninist cầm quyền, lòng tin luôn dưới đáy. Và chính họ cũng bất lực khi đứng trước một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội.

Sinh ra từ tập trung dân chủ, gây dựng sức mạnh và cầm quyền nhờ tập trung dân chủ để rồi tiêu vong bởi tập trung dân chủ là như vậy.