Trường Sơn trơ trọi, không còn một bóng cây, thay vào đó là những nông trường trá hình của các tập đoàn, công ty, thủy điện… Bây giờ, nhắc về Trường Sơn, người ta không thể mô tả “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt bên mưa quay” để chỉ bên Lào nắng đốt, bên Việt Nam mưa trút nước như trước được nữa. Bởi bên Việt Nam bây giờ nắng đốt còn khiếp hơn bên Lào.
Cả một duyên hải dài 3260 kilomet Việt Nam bây giờ cũng trơ trọi, khô khốc, sinh vật biển ngày càng thiếu vắng, biển hết nhiễm độc chỗ này thì gây ngập mặn hoặc hạn mặn ở chỗ khác. Mũi nhọn kinh tế Ngư Nghiệp Việt nam trở thành cái dùi cui đầu cũng như đuôi, dù có cố mài cỡ nào cũng không thể nhọn ra được.
Bauxite Tây Nguyên, các mỏ khoáng sản Việt Nam bị vắt cạn kiệt và hậu quả của nó là để lại một khối ô nhiễm khổng lồ, để lại một mối đe dọa khủng khiếp trên đầu nhân dân. Và đặc biệt, hầu hết các ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam đều báo lỗ, đều phải nhờ đến chính phủ bù lỗ. Và tiền ở đâu ra để chính phủ bù lỗ cho các tập đoàn khoáng sản này? Đó là tiền ngân sách từ thuế của nhân dân hoặc tiền vay nợ nước ngoài. Cả hai khoản tiền này dân đều phải trả bằng cách đóng thuế qua nhiều hình thức, trong đó, xăng dầu tăng giá, vật giá leo thang cũng là một lối đi riêng của thuế.
Bán đảo Sơn Trà, câu chuyện xây dựng, phá nát bán đảo này chỉ mới dậy lên trong vài tuần nay, sau khi vụ việc một khu phố Trung Quốc xây dựng kín cổng cao tường ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng bị phanh phui. Nhưng thực tế, câu chuyện phá nát Sơn Trà có từ ba năm nay. Không biết bạn đọc còn nhớ hình ảnh một con voọc chà vá cái chạy ra đường, gặp người nào thì rượt người đó được quay trên bán đảo Sơn Trà mà lúc đó, người ta kháo với nhau rằng con voọc này bị điên. Nhưng thực ra, do người ta xây dựng, tác động đến chỗ sinh sống của nó, nó là con đầu đàn đứng ra chiến đấu chống lại sự xâm lăng này. Nhưng có vẻ như cuộc chiến chính nghĩa của con voọc đã hoàn toàn thất bại, hàng loạt công trình nởi lên ở bán đảo Sơn Trà!
Gần đây, câu chuyện lấy lại vỉa hè của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nổi đình nổi đám, đặc biệt, ngôi sao Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân quận 1, Sài Gòn. Có thể nói là cuộc dọn dẹp vỉa hè của ông Hải vừa có tính quyết liệt của thời bao cấp, lại vừa có tính gắt máu của các đội quân hồng vệ binh. Người ta ví von Đoàn Ngọc Hải là cơn lốc của Sài Gòn cũng không sai. Nơi nào Hải đi qua, nơi đó để lại những vỉa hè đổ nát, nham nhở và cây những hàng cây cụt đầu, ứa nhựa cùng với tiếng thở dài cùa người dân.
Tự dưng, thấy đời sống của người dân thành phố cũng chẳng khác mấy đời sống của những con voọc tội nghiệp nơi bán đảo Sơn Trà hay muôn thú trên núi rừng Trường Sơn. Cái sự giống nhau này phải nói là giống một cách lạ thường và cũng đau đớn một cách lạ thường! Và thậm chí hậu quả của nó cũng giống nhau đến lạ thường. Vì sao?
Vì nếu như trên rừng, muôn thú bị săn đuổi và xua đuổi bằng những cuộc “cải tạo rừng” thành những công trình mang tính chất vĩ mô, có tính quốc dân gì đó và cuối cùng, muôn thú sống không nổi, hết đất sống phải tràn sang Lào, Campuchia hoặc bị chết dần chết mòn trên đường đi. Với cư dân thành phố, đặc biệt là thành phố Sài Gòn, cuộc ruồng bố, trưng thu những năm sau 1975 đã xua đuổi, đẩy hàng triệu người dân đang sống yên lành nơi thành phố ra đại dương để tìm một vùng đất khác có thể sống được, để đi tìm miền đất hứa. Nhưng tưởng câu chuyện này chấm dứt khi đất nước đổi mới, nhưng không, câu chuyện trốn chạy của những lương dân vẫn chưa bao giờ ngưng. Vì trong cuộc dẹp vỉa hè lấy lại lề đường của nhà nước hiện nay, có hai vấn đề: Đó là tiền đề của một cuộc mở rộng lòng đường sắp tới với mức gía đền bù thấp, nếu không muốn nói là rẻ mạt; Một cuộc tị nạn môi trường manh nha.
Ở vấn đề thứ nhất, cuộc mở rộng lòng đường sắp tới với giá đền bù rẻ mạt, điều này dễ nhận thấy. Bởi trước đây đây đã từng có lần nhà nước mở đường và lòng đường mở rộng vào sát lề đường, lề đường lại mở cắt vào diện tích của dân, nhà nước phải đền bù phần đất và nhà (bị đập hoặc cắt hỏng) này nhằm kiến tạo lề đường. Và sau khi kiến tạo lề đường mốc lộ giới cũng gần với phần mái hiên nhà dân, hai bên đường trồng cây xanh. Nhưng rồi, đùng một cái, cây xanh bị cắt bỏ, bất kì thứ gì nằm hai bền lề đường đều bị đập bỏ, lòi ra một con phố nham nhở và những vỉa hè đổ nát.
Nếu nhìn theo cách mà trước đây người ta đã làm ở quận 6, cứ đổ cao con đường lên đến mức ngang mái hiên, thậm chí cao gần tới nóc nhà dân và những gia đình sống hai bên đường trước đây vốn là nhà mặt tiền, đùng một cái trở thành những cái chuồng heo giữa thành phố, không có lối ra vào, phái trước là con đường cao ngất chắn ngang, cảm giác như đang sống trong hầm hay trong một cái chuồng. Đương nhiên, nhà nước đã không có bất kì chính sách đền bù hay hỗ trợ gì cho những gia đình gặp nạn “chuồng heo” này. Bây giờ, khi mà vỉa hè được dọn, một cách “thông thoáng nhất, ngay cả cái tam cấp để bước vào nhà hay đường dẫn để dắt xe vào nhà cũng bị đập mất, người dân chẳng thể nói gì được và đương nhiên người ta nhận thấy rằng phần mình được quyền sinh sống bắt đầu từ chỗ dấu vết nhà nước đâp bỏ và chấm dưng ở cuối nhà.
Giả sử mai mốt do yêu cầu về giao thông, kẹt xe, nhà nước mở rộng lòng đường chồng lên lể đường và kẽ một đường dành cho người đi bộ (khả năng này rất cao bởi vì động thái chặt hết cây xanh vỉa hè cho thấy điều đó) thì sao? Thì lúcđó, nhà dân ở sát đường, đúng nghĩa là sát đường, và vẫn có lối cho người đi bộ. Và nếu dân ở không nổi nữa thì dân đi. Và cũng rất có thể, nhà dân lại tiếp tục bị cắt để dành chỗ trồng cây xanh vỉa hè bởi “yêu cầu về mỹ quan và khoảng xanh cho thành phố thúc bách”! Và lúc đó, nếu người dân thấy không chịu nổi nữa thì đi!
Và hầu như xâu chuỗi lại toàn bộ các động thái của nhà nước cũng như các nhóm lợi ích đã làm với nhân dân, cho thấy rằng họ đang qui hoạch một cách toàn triệt trong vấn đề phân tầng, phân tầng, phân nhóm và chia ranh giới giữa giàu, có quyền lực với nghèo, thấp cổ bé miệng. Và đâu đó cũng manh nha một cuộc tổng trưng thu nhân danh tập thể. Câu nói của ông Hải khi trả lời người phụ nữ đại diện khách sạn New Word rằng “Chị không thể lấy quyền lợi của chị để đánh đổi với quyền lợi của 11 triệu dân trong thành phố này!” cho thấy điều đó.
Bởi làm gì mà quyền lợi tạo cảnh quan, tạo không gian đẹp để kinh doanh, để đóng thuế cho nhà nước ở một góc nhỏ quận 1 lại ảnh hưởng đến quyền lợi của 11 triệu dân thành phố? Có bao nhiêu người dân thành phố đi bộ qua vỉa hè trước New Word khi nó được dọn dẹp sạch các bồn hoa hay các bệ gỗ trang trí? Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất với mỗi ngày bao nhiêu chuyến bay cất cánh, hạ cánh, với mùa mưa thì ngập nước, với không gian chật chội vì diện tích đã bị lấy làm sân golf, nó có ảnh hưởng đến đời sống của người dân thành phố hay không, sao các ông, các bà im hơi lặng tiếng, không dám đụng tới?
Tất cả các hành động gần đây của giới chức, của các nhóm lợi ích chính trị tại Việt Nam chỉ cho thấy họ đang đẩy nhân dân lùi dần vào chỗ bí. Và khi không còn chịu nổi nữa thì tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế, tị nạn giáo dục, rồi sắp tới đây không chừng sẽ có tị nạn môi trường. Và nhìn theo góc này, giữa người thành phố và những con voọc chà vá ở Sơn Trà lại có gì đó bi thảm rất giống nhau!
Bài bình luận gần đây