Ngày 24.2.2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Trọng đã khẳng định “... chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Dư luận xã hội hồ hởi đón nhận tin này như một bước tiến bộ trong nhận thức của người đứng đầu đảng CSVN, bởi người ta nghĩ rằng ông Trọng sẽ "tuốt gươm" để xử lý một vài cá nhân có các sai phạm để làm gương. Dù rằng với mục đích lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân, giữa lúc uy tín của đảng CSVN nói chung và cá nhân ông Trọng nói riêng đã ở mức thấp nhất chưa từng thấy.
Vấn đề mà dư luận thắc mắc đó là, một vài người đó ông Nguyễn Phú Trọng đã ám chỉ ai?
Đó có phải là những cán bộ đã có các sai phạm trầm trọng trong vụ xả thải của Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm trầm trọng vùng biển thuộc 4 tỉnh Bắc Trung bộ, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người? Hay là Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu hàng trăm tỷ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; hoặc mới nhất là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trong "nghi án" sử dụng xe công biển số giả? v.v...
Nhưng nếu biết rằng, trước câu nói “... vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người” thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rằng chúng ta "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót nhưng vì sự tiến bộ chung". Đây là điều đã gây ra sự thất vọng của nhiều người, qua đó nó thể hiện tư duy che chắn, thiếu ý thức thượng tôn pháp luật của ông Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Và có lẽ ông Trọng không ý thức được một điều cơ bản của pháp luật đó là, những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắt buộc chung phải thi hành hay thực hiện đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan? Nghĩa là trước luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng không có sự nhân nhượng, ưu đãi cho bất cứ cá nhân hoặc thành phần nào trong xã hội. Bất kể cả các quan chức cấp cao.
Đó là sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, cụ thể là đảng viên được dung túng bởi Chỉ thị 15 là một bằng chứng rõ ràng nhất. Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 7/7/2007, về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.
Theo Chỉ thị này, các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. Nghĩa là, công an không được quyền tổ chức xử lý theo trình tự pháp luật quy định đối với đảng viên, nếu như không được tổ chức đảng, cấp uỷ quản lý trực tiếp đảng viên đó ra văn bản đồng ý.
Qua đó cho thấy một lỗ hổng rất lớn của thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay nói chung và hệ thống luật pháp kiểu Xã hội Chủ nghĩa. Đây là hệ quả của thứ tư duy về luật pháp sai trái, khi cho rằng, bất kỳ nhà nước nào trong quá trình tồn tại và phát triển cũng đều coi pháp luật là một công cụ quan trọng để bảo vệ quyền thống trị của giai cấp thống trị trong xã hội. Tới mức họ còn hiểu rằng, Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, ở đó thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Cần phải khẳng định điểm mấu chốt nhất của chủ nghĩa Marx-Lenin là chế độ công hữu hóa tư liệu sản xuất và chống chế độ người bóc lột người. Thực tế ở Việt nam hiện nay, Đảng CSVN đang hướng tới một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, với việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế, chấp nhận kinh tế tư nhân, để rồi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thậm chí gần đây đã coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.
Điều đó đã cho thấy, trên thực tế Đảng CSVN đã hoàn toàn từ bỏ luận điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin và không còn kiên định với Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Marx-Lenine như họ tuyên truyền.
Theo các nhà bình luận, việc theo đuổi Chủ nghĩa Xã hội theo Chủ nghĩa Marx-Lenin thực chất chỉ là tấm bình phong nhằm khẳng định sự độc tôn chính trị của một nhóm người đang nắm giữ quyền lực. Cho dù Việt nam, là một quốc gia đã và đang cố gắng theo đuổi nền Kinh tế thị trường tự do hoàn chỉnh.
Thể chế chính trị chắp vá như vậy ở Việt Nam hiện nay, được duy trì bởi hệ thống luật pháp XHCN đã gây nên biết bao nhiêu hệ lụy và đang tàn phá đất nước trong mọi mặt xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục...
Ví dụ cụ thể là vấn đề gia đình Thứ trưởng Công Thương và khối tài sản khủng tại Bóng đèn Điện Quang đang rộ lên trong lúc này. Dù rằng việc cổ phần hoá các doanh nghiệp là đúng đắn trong cơ chế Kinh tế thị trường. Song nếu xét dưới góc độ Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn khẳng định sẽ tiếp tục kiên định đi theo con đường CNXH, thì đó là việc đi ngược lại với nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin. Nghĩa là, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết đảng sai, nhưng vẫn chống tự diễn biến và tự chuyển hóa (!?)
Và những ông bà chủ tư bản "đỏ" đội lốt đảng viên đã mắc chính cái bẫy của họ, do cái cơ chế chắp vá đó đã gây ra.
Trường hợp bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và gia đình, sở hữu nhiều cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang chỉ là một trong hàng chục ngàn trường hợp như thế. Cũng tương tự như thế, vụ những cán bộ lãnh đạo các địa phương, các bộ, các ngành đã có các sai phạm trầm trọng trong vụ tiếp tay cho Formosa Hà Tĩnh mà Ban Kiểm tra TƯ vừa ra thông báo. Đó chính là do hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không chỉ không đủ năng lực kiểm soát, chồng chéo mà còn bị vô hiệu hóa.
Điều nguy hiểm là với sự độc quyền chính trị này đã vô hiệu hóa cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực nhà nước. Dẫn tới tình trạng vô trách nhiệm, do thiếu sự kiểm soát dẫn tới mất dần thế cạnh tranh để vươn lên của đảng cầm quyền. Tình trạng này kéo dài dẫn tới việc tạo ra các lỗ hổng rất lớn. Đó là, tạo nên tình trạng người lãnh đạo có quyền lực nhưng không đi đôi với trách nhiệm, điều đó dẫn tới tình trạng tham nhũng phổ biến, tràn lan và kéo dài không bị kiểm soát và xử lý. Do việc các cán bộ lãnh đạo ở các cấp vi pháp luật gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, tuy vậy họ hoàn toàn không bị xử lý.
Việc cố tình bám víu vào cái chủ nghĩa Marx-Lênin là một sự hoàn toàn sai trái phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội của Đảng CSVN. Đáng tiếc vì tham quyền cố vị và muốn đặc quyền đặc lợi, những một nhóm lãnh đạo trong đảng CSVN, mà người đầu têu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã cố tình duy trì một chủ thuyết phản động, phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Bằng chứng là Nghị quyết TW4, về vấn đề chống tự diễn biến và tự chuyển hóa.
Nguy hiểm hơn là họ thừa biết những cái đó là sai trái, là sự cản trở cho sự phát triển của đất nước và dân tộc, nhưng vì quyền lợi cá nhân bọn họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để duy trì quyền lực. Kể cả việc vẫn tiếp tục kiên định theo con đường của chủ nghĩa Marx-Lenin, thực chất cũng chỉ là việc câu giờ hòng kéo dài quyền lực, hòng vơ vét và trục lợi cho bản thân.
Quy luật của muôn đời của tự nhiên luôn luôn là cái thiện phải chiến thắng cái ác, cái đúng đắn và phù hợp quy luật chắc chắn sẽ chiến thắng sự sai trái và sai lầm. Những kẻ cố tình kìm hãm vòng quay của bánh xe lịch sử thì lũ chúng sẽ bị chính bánh xe lịch sử nghiền nát
Ngày 26 tháng 02 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây