You are here

Dự án xây dựng thể chế dân chủ Việt Nam (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

...

3 - Đa nguyên đa đảng

     Đa nguyên hiểu theo nghĩa của từ ngữ, đó là nhiều nguồn gốc, nhiều khởi nguồn. Trong chính trị, đa nguyên được hiểu là sự đa dạng về ý thức hệ. Ý thức hệ là hệ thống nhận thức giải thích thực tại và định hướng cho tương lai. Như vậy, đa nguyên có nghĩa là có nhiều cách tiếp cận giải thích thực tại và định hướng tương lai. Định chế đa nguyên là những quy định để công nhận, xác nhận xã hội có nhiều xu hướng, con đường nhận thức thực tại khách quan cũng như nhiều cách thức xây dựng và phát triển xã hội.

     Đa đảng là sự thể chế hóa của đa nguyên, tức là mỗi đảng đại diện cho một ý thức hệ, và các đảng cọ sát để hoàn thiện ý thức hệ, đồng thời đấu tranh để được cầm quyền, và sử dụng ý thức hệ của đảng mình dẫn dắt đất nước, điều hành và quản lý bộ máy nhà nước.

     Đảng chính trị là một tập hợp người cùng theo đuổi một ý thức hệ có mục tiêu đấu tranh giành chính quyền (thông qua bầu cử) để triển khai và áp dụng con đường, cách thức quản lý và điều hành đất nước của đảng mình. Một chế độ dân chủ là một chế độ chấp nhận và công nhận có nhiều con đường và cách thức phát triển đất nước cũng như dẫn dắt, quản lý, điều hành bộ máy nhà nước để có được tiến bộ xã hội. Đảng chính trị khi vận động bầu cử, muốn thu hút được cử tri phải phản ánh được nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Chính vì vậy, định chế đa nguyên đa đảng góp phần tích cực vào việc xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngoài ra, đảng chính trị đối lập còn là đối trọng quyền lực, luôn giám sát và chỉ ra những khiếm khuyết của đảng cầm quyền để bộ máy của nhà nước ngày càng hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hơn.

     Khi đảng được xây dựng thành tổ chức và có bộ máy hoạt động, sẽ có nhiều doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động của đảng. Quá trình này nếu không có cơ chế và sự giám sát thường xuyên sẽ dẫn tới sự méo mó trong hoạt động đảng phái. Cần phải có quy định trích kinh phí hoạt động cho các đảng phái với những điều kiện nhất định.

     4/ Bầu cử

     Bầu cử là một quá trình đưa ra quyết định của người dân để chọn ra người nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền. Bầu cử là cơ sở pháp lý cho việc hình thành các cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước.

     - Các nguyên tắc bầu cử:

     + Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu: bảo đảm để mọi công dân không phân biệt sắc tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.

     + Nguyên tắc bình đẳng: mọi công dân có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nội dung của nguyên tắc bình đẳng là mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo...

     + Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: công dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, công dân trực tiếp bầu ra đại diện của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào.

     + Nguyên tắc bỏ phiếu kín: không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri nhằm bảo đảm tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri.

     Bầu cử là định chế không chỉ bảo đảm tìm ra được những người tài đức, có khả năng đảm nhận những chức vụ trong chính quyền mà còn là hoạt động phản ánh được nguyện vọng của nhân dân về các chương trình hành động của các đảng phái trong từng giai đoạn.

     5/ Kinh tế thị trường

     Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

     Định chế kinh tế thị trường bảo đảm quyền sở hữu tài sản, một quyền tự do cá nhân cơ bản của con người Đây là một quyền quan trọng của con người. Không có quyền sở hữu tài sản, tất cả các quyền khác là bất khả thi. Bởi vì con người phải tự duy trì đời sống của mình, cho nên người nào không có quyền đối với sản phẩm do nỗ lực cá nhân mình tạo ra thì sẽ không có cách nào sống được. Người nào sản xuất mà bị những kẻ khác chiếm đoạt sản phẩm, thì ắt là nô lệ. Dưới một góc quy chiếu khác, kinh tế thị trường chính là thể chế trong kinh tế, để bảo đảm tự do cho cá nhân trong việc kinh doanh, trong lĩnh vực kinh tế.

     Định chế kinh tế thị trường cần bảo đảm những vấn đề cơ bản sau đây.

     a/ Nguyên lý kinh tế thị trường

     Trước hết và trên hết, một nền kinh tế thị trường muốn vận hành và hoạt động hiệu quả, cần phải tuân thủ các nguyên lý, mà những nguyên lý này không thể bị vi phạm và can thiệp nếu không muốn có một sự biến dạng hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh của nên kinh tế.

- Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trong các sách về kinh tế thị trường, các tác giả thường ít đề cập tới yếu tố này. Lý do là, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là điều đương nhiên trong các nước tư bản, nơi các tác giả viết sách về kinh tế thị trường. Trong nguyên lý này, yếu tố sở hữu tư nhân về đất đai là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường và còn là yếu tố xúc tác quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường.

- Thị trường quyết định giá cả tất cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Cung - Cầu sẽ quyết định giá cả các loại hàng hóa là tiền đề quan trọng cho việc thị trường phân bổ có hiệu quả các yếu tố của quá trình sản xuất như vốn, lao động, công nghệ…Bất kỳ một sự can thiệp, tác động nào dẫn tới việc giá cả hàng hóa không được định đoạt bởi tương quan cung - cầu sẽ làm biến dạng và méo mó toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

- Tương quan giữa lượng tiền tệ được phát hành và lưu thông với lượng hàng hóa được sản xuất ra ở mỗi quốc gia cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tỷ lệ giữa lượng tiền phát hành cần tương ứng với lượng hàng hóa mà quốc gia (nền kinh tế) sản xuất được. Nếu mối tương quan này bị phá vỡ, ví dụ lượng tiền in ra lớn hơn tỷ lệ tương quan với lượng hàng hóa sản xuất được sẽ dẫn tới lạm phát, làm đảo lộn các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

     b/ Môi trường thể chế của nền kinh tế thị trường

      Ngoài việc bảo đảm các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, các quốc gia cũng cần xây dựng môi trường thể chế cho hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Xây dựng môi trường thể chế bao gồm xây dựng các bộ luật, các quy tắc ứng xử, cũng như môi trường xã hội xung quanh các hoạt động kinh tế. Các yếu tố quan trọng nhất của môi trường thể chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường bao gồm:

     - Tính trung thực, công khai và minh bạch của thông tin trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta đều biết rằng, muốn quyết định sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có đầy đủ các thông tin về mọi vấn đề liên quan tới các mặt hàng, ngành hàng mà họ dự định tham gia kinh doanh. Nếu không có đầy đủ các thông tin khách quan, trung thực, các doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư. Nếu cứ quyết định kinh doanh trong khi không có đầy đủ các thông tin trung thực, sự thất bại là không tránh khỏi.

      - Tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền kinh tế thị trường. Bất kể quốc gia nào, muốn nền kinh tế thị trường phát triển và hiệu quả, đều phải tạo dựng sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần tham gia, trong toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đây cũng chính là một trong số các chức năng của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.

      - Xây dựng môi trường lành mạnh cho các hoạt động chung của xã hội cũng như các hoạt động trong nền kinh tế. Đây chính là việc xây dựng cơ chế luật pháp và giáo dục để hạn chế và ngăn chặn tham nhũng ở các quốc gia. Tham nhũng là yếu tố tác động rất tiêu cực vào sự phát triển và hiệu quả của bất kỳ nền kinh tế nào.

     Ngoài các yếu tố trên, việc tạo lập đồng bộ các thị trường (thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai…), và một số yếu tố khác góp phần xây dựng nên môi trường thể chế cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

     c/ Tác động chính sách

     Song song với việc bảo đảm các nguyên lý của kinh tế thị trường, xây dựng môi trường thể chế trong nền kinh tế thị trường, các Chính phủ còn có các chính sách tác động vào nền kinh tế nhằm làm phẳng bớt các chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chính phủ trong các nhiệm kỳ cụ thể. Ví dụ, các chính sách tiền tệ, là việc tăng hay giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế; chính sách tài chính, là việc tăng giảm chi tiêu của Chính phủ, tác động tới đầu tư; ngoài ra là các chính sách trợ giá nông sản, chính sách xuất nhập khẩu…Tuy nhiên, các chính sách của các chính phủ dân chủ tác động tới nền kinh tế thị trường bao giờ cũng căn cứ vào: 1- nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời bảo đảm không vi phạm các nguyên tắc, nguyên lý và quy luật của thị trường; 2- các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và ổn định.

     6/ Tự do ngôn luận

     Tự do ngôn luận là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Tự do ngôn luận cũng đồng nghĩa với tự do biểu đạt, diễn đạt và tự do thể hiện.

     Quyền tự do ngôn luận được thừa nhận như là một quyền cơ bản của con người trong điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và trong những công ước quốc tế khác.

     Tự do ngôn luận trong thời hiện đại được hiểu là một quyền đa diện bao gồm không chỉ quyền biểu đạt hay phát tán thông tin và tư tưởng, mà còn bao gồm ba khía cạnh sau.

     - Quyền tìm kiếm thông tin và tư tưởng

     - Quyền tiếp nhận thông tin và tư tưởng

     - Quyền chia sẻ thông tin và tư tưởng

     Quyền tự do ngôn luận được áp dụng cho mọi phương tiện truyền thông, dù bằng cách nói, viết, tài liệu in ấn, qua internet hay các hình thức nghệ thuật. Điều này có nghĩa rằng, việc bảo vệ tự do ngôn luận như một quyền không chỉ nói đến nội dung mà còn nói đến phương tiện biểu đạt.

     7/ Nhà nước liên bang (tản quyền)

     Nhà nước liên bang là một định chế quan trọng, nó phân chia quyền lực nhà nước theo chiều dọc, và phát huy tối đa tiềm năng của các vùng, miền có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau trong một quốc gia. Tuy là một định chế quan trọng của thể chế dân chủ, nhưng nó chưa được nhìn nhận một cách chuẩn xác và đầy đủ. Định chế này mới chỉ hiện diện ở xấp xỉ 30 quốc gia có thể chế dân chủ. Về cơ bản, nhà nước liên bang có những ưu thế vượt trội sau đây.

     - Thứ nhất, nhà nước liên bang hay tản quyền là một sự bảo đảm cho dân chủ. Các tiểu bang không thể xuất hiện độc tài vì thẩm quyền chỉ giới hạn trong các vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội và có sự giám sát, chế tài của chính quyền trung ương. Ngược lại, chính quyền trung ương cũng không thể là độc tài vì phần lớn sinh hoạt của người dân nằm trong tay chính quyền tiểu bang. Nếu chính quyền trung ương không được tín nhiệm sẽ bị nhân dân thay thế, vì chính quyền trung ương không thể khống chế được dân chúng. Như vậy, do sự giám sát và chế ước lẫn nhau, các sinh hoạt chính trị sẽ bảo đảm dân chủ.

     - Thứ hai, phát huy tốt nhất những tiềm năng của các vùng miền, cũng như giảm bớt những phiền phức về mặt thủ tục, hành chính. Trong sinh hoạt kinh tế, việc không phải đưa vấn đề lên cấp trung ương mà có thể quyết định ngay tại chính quyền vùng, miền sẽ giảm bớt nhiều phí tổn và thời gian. Đồng thời, chính quyền vùng miền, hay tiểu bang sẽ được phản ánh ngay lập tức những khó khăn của tiểu bang, và có phương án giải quyết tức thì. Nếu tập trung ở trung ương, vấn đề của các tiểu bang lớn, đô thị lớn sẽ thu hút sự chú ý, còn các vùng miền thường bị lãng quên. Tản quyền đóng góp một cách quyết định vào sự ổn vững của quốc gia. Nó khoanh vùng những vấn đề và tránh cho quốc gia nhiều khủng hoảng đáng lẽ chỉ xảy ra ở một vùng, đối với chính quyền vùng. Hơn nữa, nó còn giúp cho quốc gia thực hiện những cải tổ lớn mà không rơi vào hỗn loạn.

     - Thứ ba, tản quyền làm giảm bớt xung đột đảng phái, bảo đảm cho hòa hợp dân tộc và văn minh trong sinh hoạt chính trị. Một chính đảng có thể cầm quyền cấp trung ương, nhưng lại là đối lập trong nhiều tiểu bang. Xung khắc chính quyền với đối lập sẽ giảm bớt sự gay gắt.

     Muốn thực hiện thành công định chế nhà nước liên bang, cần có những điều kiện sau. Một là, mỗi vùng, hay tiểu bang phải có đủ khả năng tự tồn tại và phát triển được. Có nghĩa là phải có đủ các điều kiện về dân số, diện tích, tài nguyên hoặc điều kiện địa lý. Hai là, tản quyền không khuyến khích ý đồ ly khai. Để giải quyết vấn đề lý khai cần giới hạn thẩm quyền của chính quyền tiểu bang. Đó là các tiểu bang không được có quân đội, luật pháp tiểu bang không được mâu thuẫn với luật pháp liên bang, không có tiền tệ riêng, không được tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý có nội dung chính trị, các vùng, tiểu bang không được ký các hiệp ước với nhau...(tham khảo sách Tổ Quốc Ăn năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng)...

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 22/02/2017

N.V.B