Phần I
Một số khái niệm và nhận thức chung
I/ Một số khái niệm
Thể chế chính trị: Thể chế chính trị là hệ thống các định chế, các giá trị, các chuẩn mực hợp thành những nguyên tắc tổ chức và vận hành của một chế độ chính trị. Nó là hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc và là cơ sở chính trị, xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội.
Định chế: Toàn bộ quy định có tính chất pháp lí đối với một vấn đề nhất định.
Dân chủ: là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Thể chế dân chủ: Là hệ thống các định chế, các giá trị, các chuẩn mực về tự do, dân chủ hợp thành những nguyên tắc tổ chức và vận hành của chế độ dân chủ bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
II/ Nhận thức chung
Căn cứ vào các khái niệm và sự quan sát trong thực tế, chúng ta thấy rằng, việc xây dựng thể chế dân chủ là vấn đề lớn và vô cùng phức tạp. Quá trình này cần bảo đảm hai yêu cầu quan trọng: Một là, bảo đảm việc vận hành của các định chế, đại diện là hệ thống bộ máy nhà nước được nhịp nhàng, trôi chảy không bị khuyết hãm, ách tắc và thiên lệch. Hai là, phải bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Trên thực tế, như chúng ta biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 150 quốc gia có thể chế dân chủ, nhưng chỉ có chưa tới 30 quốc gia người dân được tự do, hay còn gọi là các quốc gia có thể chế dân chủ tự do. Số còn lại, hơn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Có hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên.
Thứ nhất, Việc xây dựng thể chế dân chủ chưa gắn kết được mục tiêu tối thượng bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân. Nói cách khác, những lý thuyết về dân chủ cũng như việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới chưa xác định và chỉ ra được, định chế nào trực tiếp bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân? Chỉ có xác định được định chế trực tiếp và cốt lõi này, và xây dựng thể chế dân chủ tập trung và xoay quanh định chế cốt lõi đó mới bảo đảm được tự do cho cá nhân con người.
Thứ hai, cách thức xây dựng thể chế dân chủ, các bước tiến hành và thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ chưa đúng đắn, chuẩn xác để bảo đảm xây dựng hành công một chế độ dân chủ.
Như vậy, phần lớn các quốc gia mới chỉ bảo đảm được một yêu cầu về xây dựng thể chế dân chủ, đó là sự vận hành của hệ thống các định chế, hay bộ máy nhà nước. Một số quốc gia đã thực hiện thêm được một phần yêu cầu quan trọng thứ hai, đó là bảo đảm các quyền con người. Tuy nhiên, ngoại trừ Hoa Kỳ (và cả Hoa Kỳ cũng chưa có định chế cụ thể, trực tiếp), chưa có quốc gia nào thực hiện được phần quan trọng nhất trong yêu cầu thứ hai: khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Dự án xây dựng thể chế dân chủ này, được trình bày và phổ biến nhằm khắc phục khiếm khuyết trong nội dung nhận thức về dân chủ, và xây dựng thể chế dân chủ cũng như cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ.
Chúng tôi đã nghiên cứu và xác định được, cần có một định chế để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình, đó là định chế về tòa án nhân quyền. Với định chế này, người dân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình khi bị xâm phạm. Trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ và vận hành bộ máy nhà nước, xu thế vi phạm các quyền con người là không thể tránh khỏi. Chỉ có tòa án nhân quyền, với đầy đủ sự độc lập và quyền lực tuyệt đối, với sự chủ động của chính người dân bị vi phạm, mới bảo vệ được quyền con người của họ. Để định chế tòa án nhân quyền có thể hoạt động được thực chất và hiệu quả, chúng ta cần có thêm một số định chế khác hỗ trợ. Đó là các định chế trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do, dân chủ cho người dân; định chế về cơ quan thông tin - nhân quyền và hỗ trợ pháp lý cho người dân; cuối cùng là định chế quan trọng, miễn phí cho người dân khi tham gia tự bảo vệ các quyền con người của mình. Định chế này rất quan trọng, vì những người dân nghèo vẫn có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình.
Tựu trung lại, trên cơ sở cách thức xây dựng thể chế dân chủ của thế giới hiện nay, chúng ta cần bổ sung thêm một số định chế, trong đó có định chế cốt lõi tòa án nhân quyền để bảo đảm được mục tiêu tối thượng của một nền dân chủ, đó là bảo đảm và bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Phần II
Xây dựng thể chế dân chủ - nội dung và cách thức thực hiện
Chúng ta cần minh định lại một lần nữa, việc xây dựng thể chế dân chủ, về cơ bản vẫn dựa vào cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Chỉ có một khác biệt, đó là bổ sung định chế cốt lõi, và các định chế hỗ trợ định chế cốt lõi có thể vận hành trôi chảy, hiệu quả. Đồng thời có sự điều chỉnh về cách thức (thời gian và các bước tiến hành) xây dựng so với trước đây. Trong phần xây dựng các định chế, chúng tôi chỉ trình bày sơ lược bản chất, ý nghĩa và những đặc thù của các định chế.
I/ Xây dựng các Định chế
1 - Hiến pháp dân chủ
Hiến pháp dân chủ là một văn kiện quy định một hệ thống những nguyên tắc chính trị căn bản để kiến thiết và xây dựng chính quyền cũng như dẫn dắt cuộc sống và tiến hóa của một cộng đồng quốc gia.
Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân.
a. Yêu cầu cơ bản nhất của một hiến pháp dân chủ. Yêu cầu cơ bản nhất của một hiến pháp dân chủ là xác quyết các quyền con người (quyền cơ bản và quyền công dân), đồng thời xác quyết cách thức (định chế) quan trọng nhất để bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Trong thực tế, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và các công ước kèm theo chính là văn bản đầy đủ nhất về quyền con người. Hiến pháp dân chủ có thể sử dụng ngay văn bản có giá trị phổ quát này. Hiến pháp dân chủ cũng cần xác quyết định chế quan trọng, trực tiếp nhất bảo đảm các quyền con người của mỗi cá nhân, trong dự án này chính là định chế Tòa án Nhân quyền.
b. Xác quyết các định chế quan trọng làm cơ sở xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp dân chủ cần xác quyết về các định chế quan trọng như: Tam quyền phân lập; Đa nguyên đa đảng; Kinh tế thị trường; Nhà nước liên bang (tản quyền); Bầu cử, ứng cử tự do; Tự do ngôn luận....
c. Một số yêu cầu quan trọng với hiến pháp dân chủ
- Hiến pháp dân chủ cần bền vững nhưng không bất động. Yêu cầu bền vững cực kỳ quan trọng vì hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật chơi cơ bản nhất của xã hội. Nếu thay đổi có thể gây ra xáo trộn trong sinh hoạt quốc gia và gây đổ vỡ nhiều dự án. Sự bền vững của dự án là điều không thể thiếu, bởi có bền vững người dân mới yêu tâm đầu tư vào tương lai. Ngược lại, bền vững không có nghĩa là bất động, hiến pháp phải thích nghi với thời đại. Không nên tu chỉnh hiến pháp một cách tùy tiện, nhưng cũng không nên khóa chặt cánh cửa đối với những tu chỉnh cần thiết.
- Hiến pháp dân chủ cần hướng tới sự hội nhập và toàn cầu hóa trong tương lai. Quá trình toàn cầu hóa đã và đang khởi động, tuy lúc thăng lúc trầm nhưng đó là xu hướng không thể đảo ngược. Một hiến pháp hiện đại cần chuẩn bị sẵn các phương án để hội nhập cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị với trào lưu chung của nhân loại.
2 - Tam quyền phân lập
Định chế Tam quyền phân lập là định chế cơ bản để xây dựng nhà nước dân chủ. Định chế này ra đời cùng với sự xuất hiện của các nhà nước dân chủ. Trước khi chế độ dân chủ xuất hiện, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào trong tay một cá nhân hoặc một nhóm người. Việc tập trung tất cả quyền lực như vậy đã dẫn tới sự độc tài, chuyên chế của nhà nước. Đồng thời, theo nhiều nghiên cứu, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng và tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Chính vì vậy, việc phân chia quyền lực để chống lại sự độc tài, lạm quyền và chuyên chế là giải pháp quan trọng.
Tam quyền phân lập là định chế phân chia quyền lực nhà nước theo nguyên tắc kiềm chế và đối trọng để ngăn chặn lạm dụng quyền lực, độc tài và chuyên chế. Sau khi quyền lực được phân chia, phải làm cho các nhóm quyền lực đó chỉ được phép hoạt động trong quy định của pháp luật.
Việc phân chia quyền lực của nhà nước thành ba nhánh, với các chức năng chính, cụ thể như sau:
- Lập pháp: Biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân - quốc hội.
- Hành pháp: Là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập.
- Tư pháp: Là việc giải quyết xung đột giữa các cá nhân, trừng trị tội phạm. Các thẩm phán được lựa chọn từ nhân dân và chỉ xét xử theo pháp luật.
Đối với định chế Tam quyền phân lập, điều quan trọng cần lưu ý là việc phân chia quyền lực giữa các nhánh cần cân bằng, hợp lý không để xảy ra sự lấn át quyền lực từ nhánh này với nhánh khác, đồng thời cần có cơ chế ngăn chặn sự kết hợp có tính chất móc ngoặc, đi đêm giữa các nhánh quyền lực. Kinh nghiệm của thế giới trong vấn đề này khá đầy đủ, phong phú và hiệu quả...
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 21/02/2017
N.V.B
Bài bình luận gần đây