Song Chi.
38 năm đã đi qua kể từ cái ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, khi Trung Cộng bất ngờ đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước.
So với những cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ và miền Nam VNCH, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 và thực tế kéo dài dai dẳng tới tận 1988, rất ít được nhà cầm quyền VN nhắc tới, nhất là từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức được bình thường hóa vào năm 1992.
Cuộc chiến tranh này trong nhiều năm đã bị lãng quên, từ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như chỉ nhắc đến một cách hạn chế trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, có rất nhiều người trẻ VN (và kể cả những người không phải là trẻ cho lắm nếu sinh ra trong những năm 70 của thế kỷ XX) không biết ngày 17.2 là ngày gì!
Nhưng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet và số lượng người Việt quan tâm, tìm hiểu về tình hình chính trị đất nước tăng lên, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974, hải chiến Trường Sa 14.3.1988…đã được những người yêu nước nhắc nhớ, và có một số hoạt động như cùng nhau tưởng niệm cũng như công khai vinh danh những người lính VNCH đã ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa, giúp đỡ người thân của họ v.v…Trong khi đó nhà cầm quyền vẫn hết sức hạn chế nhắc tới những sự kiện này (báo chí một vài năm gần đây có tiến bộ hơn) và khi người dân có những hoạt động tưởng niệm thì họ tìm cách ngăn chặn, quấy rối, xách nhiễu đủ mọi cách.
VN đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nội chiến lẫn ngoại xâm. Chỉ riêng trong thế kỷ XX, đã liên tiếp chiến tranh với Pháp, Mỹ, nội chiến hai miền Nam-Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ Me Đỏ, chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Cộng…nhưng tại sao thái độ của người dân và nhà cầm quyền đối với những cuộc chiến này, với những quốc gia từng một thời là kẻ thù này rất khác nhau?
Đối với cuộc chiến đánh Pháp, đánh Mỹ và VNCH, dù bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng hàng năm, cứ có bất cứ ngày tháng nào liên quan đến những sự kiện của các cuộc chiến đó là nhà cầm quyền lại tổ chức kỷ niệm, ăn mừng chiến thắng tưng bừng, báo chí truyền thông lại chạy hết công xuất để “tụng ca” chiến công của đảng cộng sản và bừng bừng lửa căm thù…Dù trong thực tế từ nhiều năm nay hai quốc gia này hoàn toàn không còn là mối lo ngại gì đối với nền hòa bình độc lập của VN, nhà cầm quyền VN đã bắt tay làm ăn, quan hệ ngoại giao kinh tế bình thường với Pháp, Mỹ, thậm chí đã nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ về nhiều mặt từ Pháp, Mỹ nhưng cứ có dịp là họ lại nhắc đến mối thù cũ với “thực dân Pháp, đế quốc Mỹ” và tìm cách đánh bóng lại cái “hào quang chiến thắng” để lấy đó làm lớp son tô phết lên khuôn mặt đã quá rệu rã mục nát của chế độ.
Trong khi đó đối với Trung Cộng, vết thương chiến tranh giữa hai nước còn mới hơn rất nhiều, dù đã bình thường hóa quan hệ nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đánh phá VN bằng nhiều thủ đoạn từ an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội cho tới an toàn thực phẩm, môi trường…, Trung Quốc vẫn đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đến sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, độc lập chủ quyền của VN. Nhưng đảng và nhà nước cộng sản VN lại coi Trung Cộng là anh em là bạn tốt, không những hết sức quỵ lụy, hèn hạ khiếp nhược mà còn mở toang cửa ngõ về nhiều mặt, rước giặc vào nhà.
Người dân thì khác. Tình cảm của người dân rõ ràng, công bằng và minh bạch.
Điều đó xuất phát trước hết từ thái độ của các nước Pháp, Mỹ và Trung Quốc khi họ từng có thời gian chiến tranh hay thậm chí đô hộ VN như Pháp, Trung Quốc. Dù cũng đô hộ, cũng bóc lột người VN nhưng ít nhất, người Pháp cũng xây dựng, mở mang dân trí, giúp đỡ nhiều cho đất nước, dân tộc VN. Hoa Kỳ có chiến tranh với VN nhưng trong cuộc chiến đó, họ đã là đồng minh của VNCH, họ không những chỉ đổ tiền của, vũ khí mà còn đổ xương máu cùng chiến đấu bên cạnh những người lính VNCH, họ đã giúp miền Nam về nhiều mặt để miền Nam VN khi đó thực sự phát triển hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Sau chiến tranh, họ đã có những nỗ lực muốn bù đắp lại những năm tháng chiến tranh, sự việc hàng triệu người Việt có mặt trên đất Mỹ theo những chương trình tỵ nạn, thuyền nhân, HO, đoàn tụ…là những gì mà họ muốn làm để phần nào đền bù lại hành động bỏ rơi đồng minh trước kia.
Cỏn Trung Quốc đối với VN, chưa bao giờ có cái gì thực sự tốt đẹp cả. Sự giúp đỡ của Trung Cộng đối với Bắc Việt trong cuộc chiến tranh đánh Mỹ trước hết cũng xuất phát từ quyền lợi và những tính toán của Bắc Kinh. Khi trở mặt đánh nhau, thì dù chỉ là một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng cái cách mà họ giết sạch, đốt sạch, tàn phá đến tận cùng các tỉnh biên giới, cho thấy họ không có một chút nhân bản, họ cố tình gây hậu quà càng nặng cho VN bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Hậu chiến tranh, Trung Cộng tiếp tục đánh phá VN bằng nhiều thủ đoạn thâm độc như vừa nói ở trên.
Cho tới bây giờ, có thể nói đa số người Việt đều cảm thấy vui mừng và mong muốn mối quan hệ giữa VN với Pháp, Mỹ ngày càng tốt đẹp. Đa số người Việt ngưỡng mộ thể chế tự do, dân chủ, pháp quyền, những giá trị về tự do, bình đẳng, tôn trọng nhân quyền, cũng như những thành tựu đáng nề về nhiều mặt của Pháp hay Mỹ. Đa số người Việt có người thân, bạn bè đang làm việc, sinh sống, học hành tại Pháp, Mỹ và mong muốn vĩnh viễn khép lại quá khứ với Pháp, Mỹ.
Ngược lại, có thể nói phần lớn người Việt không chịu được cái thể chế độc tài, chính sách ngoại giao hung hăng, ngạo mạn, bắt nạt nước nhỏ của Trung Cộng, những thủ đoạn khác nhau mà Bắc Kinh đã và đang sử dụng để khống chế, kìm hãm, phá hoại VN…Người Việt nhìn chung có một thái độ dè chừng, cảnh giác trước Bắc Kinh.
Chính là thái độ, cách hành xử, đường lối chính sách của Trung Cộng sau chiến tranh đã làm cho người Việt khó quên được thù cũ và tiếp tục cảnh giác. Thêm vào đó, sự khiếp nhược, tiếp tay Trung Cộng tàn phá đất nước của nhà cầm quyền VN càng làm cho người dân thêm căm giận.
Kể từ khi cướp được chính quyền ở miền Bắc, rồi cưỡng chiếm miền Nam và độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, đảng và nhà nước cộng sản đã phản bội đất nước, phản bội nhân dân VN rất nhiều lần.
Từ cái lý tưởng “xây dựng một xã hội XHCN công bằng, không có người giàu kẻ nghèo, không có bất công, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc” cho tới hiện thực xã hội VN hôm nay là một sự phản bội trắng trợn. Rồi tất cả những gì họ từng lên án chế độ thực dân Pháp, chế độ tư bản, lên án miền Nam VNCH là chế độ tay sai, bán nước…nay họ lặp lại với một mức độ công khai, tệ hại hơn gấp trăm gấp ngàn lần.
VN ngày hôm nay lạc hậu thua xa các nước láng giềng, đất nước bị tàn phá về mọi mặt bởi một bộ máy độc tài tham nhũng nặng nề, xã hội bại hoại, con người bị đánh mất đi rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, hàng chục triệu người vẫn chạy ăn từng bữa trong lúc hàng triệu người khác bỏ nước ra đi làm thuê, làm osin, làm gái…khắp nơi.
Bao nhiêu xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống cho những cuộc chiến tranh, bao nhiêu cuộc đời bị chiến tranh đánh cắp, bao nhiêu gia đình ly tán vì chiến tranh và những bi kịch thời hậu chiến…tất cả để được gì? Để VN trở thành như thế này sao? Để cho một nhúm người và guồng máy của họ tha hồ vơ vét, làm giàu, hưởng thụ còn hơn 95% dân chúng tiếp tục khốn khổ khốn nạn sao?
Nhưng sự phản bội lớn nhất là thái độ của nhà nước này đối với Trung Cộng, đối với cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, các trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa, những người đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải… khi coi giặc là bạn, cố tình quên lãng quá khứ đồng thời đàn áp lòng yêu nước cùa người VN.
Máu của người VN đã đổ xuống để xây dựng nên chế dộ này. Máu của người VN đã đổ xuống trong chiến tranh, vì những ngoại nhân nhưng khi chiến tranh đã qua đi từ lâu, máu của người VN vẫn tiếp tục đổ xuống vì chính bàn tay của nhà cầm quyền thông qua các công cụ như công an, cảnh sát cơ động, an ninh giả dạng côn đồ… nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện yêu nước, mong muốn đất nước thay đổi của người dân.
Nhà cầm quyền đã hết sức sai lầm khi tự tước đi sức mạnh lớn nhất của họ: trí tuệ của nhân dân (bằng chính sách giáo dục ngu dân, lạc hậu) và lòng yêu nước của nhân dân.
Không có nhân dân, khi chiến tranh xảy ra ai sẽ cứu họ? Tiếp tục quỳ gối trước kẻ thù ư?
Bài học Đặng Tiểu Bình dạy 38 năm trước, đảng cộng sản VN vẫn chưa ngộ ra. Hãy nhìn lại trong 38 năm đó, Trung Quốc đã xây dựng quốc phòng, quân đội hùng mạnh như thế nào so với năm 1979, đã tiến được những bước dài trong việc củng cố chủ quyền và biến biển Đông thành “ao nhà”, đã bồi đắp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trở thành những căn cứ quân sự, quân cảng đáng ngại, đã khống chế VN về mọi mặt, luồn sâu và có mặt khắp nơi từ Nam ra Bắc trên đất Việt ra sao…
Trong khi đó thì VN đã chuẩn bị được bao nhiêu về mặt pháp lý, ngoại giao, quân sự, quốc phòng, kinh tế cho tới văn hóa, giáo dục-trên cả hai khía cạnh: thoát Trung và đương đầu với một cuộc chiến tranh, nếu buộc phải? Đã vậy, đảng cộng sản VN tự nguyện trói tay mình không dám liên kết với bất cứ nước nào để ngăn ngừa họa xâm lăng trong tương lai gần!
Song điều nguy hiểm nhất không chỉ là việc yếu hơn về mặt tiềm lực quân sự, vũ khí hay không có đồng minh ủng hộ, mà là tinh thần chiến đấu. Chính đảng và nhà nước cộng sản VN đã tự làm mình hèn yếu đi bởi chỉ lo giữ chế độ mà không lo giữ nước, làm cho nhân dân trở nên bạc nhược, vô cảm hơn bởi chính sách ngu dân và sự sợ hãi, một điều mà trước đây trong mọi cuộc chiến với Tàu và với các nước khác, chưa bao giờ xảy ra.
Nếu chiến tranh lại nổ ra, VN liệu có được như VN của năm 1979 so với Trung Quốc khi ấy? Câu trả lời đã quá rõ!
Bài học lịch sử có thể không lặp lại nhưng nó phải được viết bởi nhân dân, một khi họ đã tỉnh thức, chứ không phải từ một đảng cầm quyền sẵn sàng đánh đổi tất cả cho sự tồn tại lâu dài của chính cái đảng ấy.
Cái gia của máu xương là cái giá lớn nhất. Phản bội lại xương máu của nhân dân cũng có nghĩa là ký vào án tử cho chế độ, vấn đề chỉ còn là thời gian-lâu hay mau, dài hay ngắn, tùy vào sự thức tỉnh, đồng lòng của người dân.
Còn đối với tất cả người dân VN, chúng ta không cho phép mình, con cháu mình được quên cái giá máu xương ấy, không được phép quên bất kỳ một sự kiện đau thương nào của lịch sử, như cái ngày 17.2 này, 38 năm về trước.
Nhớ, nhắc nhau cùng nhớ, không phải để kích động căm thù nhưng để cảnh giác. Như câu nói của Julius Fucik (1903-1943), chiến sĩ cách mạng Cộng hòa Séc, năm 1942 trong xà lim tử tù của Phát xít Đức khi ông đang viết cuốn sách nổi tiếng “Viết dưới giá treo cổ”: Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác! (Chính xác là “Nhân loại hỡi, tôi yêu tất cả – Hãy cảnh giác!")
Nhớ, nhắc nhau cùng nhớ, rằng mình là người nước Nam, con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…không thể lại để cho một tập đoàn Lê Chiêu Thống tiếp tục đưa đất nước này lún sâu vào cái vòng kiềm tỏa của Trung Cộng để rồi một ngày mở mắt ra, thấy mình đã không còn có quê hương, thấy mình đã trở thành dân Tây Tạng từ hồi nào không hay!
Bài bình luận gần đây