You are here

Làm thế nào để đạo luật Magnitsky đi vào cuộc sống ở Việt Nam

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Dự luật Magnitsky đã được Quốc hội Hoa Kỳ đưa vào trong Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017. Ảnh VOA

Luật Magnitsky - Món quà trước thềm năm mới 2017

Kết thúc năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt bút ký, ban hành Bộ Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu vào ngày 9-12-2016.

Từ một đạo luật chỉ áp dụng cho Nga, nay trở thành đạo luật Nhân quyền toàn cầu, áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo đạo luật này, những cá nhân đàn áp nhân quyền trầm trọng sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và tài sản sẽ bị đóng băng ở Hoa Kỳ.

Theo đó, giới chức chính quyền hay những kẻ thừa lệnh hoặc hợp tác với chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quan chức cướp đoạt tài sản của dân và tham nhũng khi có hồ sơ đầy đủ đều phải chịu chế tài của Luật này.

Đây là tin vui với tất cả những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Trên thực tế, những người hoạt động dân chủ đã phải chịu đựng sự khủng bố, đánh đập, tước đoạt quyền công dân nhưng phải âm thầm chịu đựng. Tại Việt Nam, sự vi phạm nhân quyền diễn ra một cách có hệ thống và được sự bảo kê của chế độ. Tất cả những lá đơn kiện về vi phạm nhân quyền đều không được giải quyết, những kẻ vi phạm không bao giờ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dân oan bị tước đoạt ruộng đất, nhà cửa, kêu oan hàng chục năm trời không giải quyết được gì trước sức ỳ quá lớn của bộ máy tư pháp, hành pháp.

Với chế tài của đạo luật Magnitsky, trước việc những quan chức bị cấm nhập cảnh, bị trục xuất khỏi Mỹ và đóng băng tài sản, chắc chắn, những kẻ vi phạm nhân quyền sẽ phải chùn tay.

Để đạo luật Magnitsky đi vào cuộc sống:

Đạo luật Magnitsky áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, không nói ra thì ai cũng biết Việt Nam là một trong những nước bị nhắm đến trước hết vì thành tích nhân quyền tồi tệ ở đây.

Nhưng để đạo luật đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp của những nạn nhân của sự đàn áp nhân quyền với những người quan tâm đến tính khả thi của đạo luật này. Vấn đề này không hề đơn giản.

- Trước hết là cần phải tuyên truyền về đạo luật này. Hiện nay, số người biết về đạo luật Magnitsky chưa nhiều, và số nghĩ tới việc tận dụng đạo luật này để bảo vệ mình và bảo vệ phong trào dân chủ, bảo vệ dân oan còn ít hơn.

- Thứ hai là, dù đã có những địa chỉ có thể tiếp nhận hồ sơ nhưng chắc hẳn những người muốn tố cáo những vụ vi phạm nhân quyền  sẽ gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ. Không đơn giản là mấy lời tố cáo, chụp mấy cái hình hay quay video rồi gửi đi là được. Vậy một hồ sơ như thế nào là đầy đủ và hợp lệ? Điều này cần phải có sự tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ của những nhà hoạt động nhân quyền. Người hoạt động nhân quyền cần phải tìm hiểu về cách lập hồ sơ theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc khi đề nghị áp dụng chế tài của Luật Magnitsky đối với các đối tượng vi phạm. Trên cơ sở đó, hướng dẫn cho những nạn nhân của sự vi phạm lập hồ sơ hoặc gửi thông tin theo yêu cầu để có người giúp đỡ.

Việc này, các tổ chức xã hội dân sự cần quan tâm, có thể phối hợp giữa tổ chức này với tổ chức khác, có sự phối hợp chặt chẽ với những người hoạt động nhân quyền ở Mỹ quan tâm đến vấn đề này. Sau khi nắm chắc được cách thức làm hồ sơ rồi, cần phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, nếu không nên thì cũng đưa ra những địa chỉ tư vấn, chẳng hạn những email có thể giải đáp. Tốt nhất có một hội nhóm chuyên lo vấn đề này.

Sự tìm cách đối phó từ phía giới chức cầm quyền là một trở lực lớn. Vì như đã nói, cho đến nay, không một vụ tố cáo vi phạm nhân quyền nào thành công ở Việt Nam do sự bao che chằng chịt từ trên xuống dưới, động đến kẻ này thì ra kẻ khác theo kiểu “rút dây động rừng”. Thủ đoạn để chối tội là họ không để lại bằng chứng, không để người khác có thể ghi được bằng chứng. Một trong những thủ đoạn quen thuộc là gọi người lên đồn đánh chết rồi đổ cho do tự tử, do “sức khỏe biểu hiện bất thường” hoặc bắt người hoạt động nhân quyền vào đồn đánh rồi vứt ra đường. Với thủ đoạn này, nạn nhân gần như không thể ghi được hình ảnh, hay quay được video.

Tuy nhiên, cũng không hiếm những bằng chứng cụ thể đủ cơ sở có thể được Chính phủ Mỹ xem xét tới. Trong một lần gặp gỡ Liên minh Châu Âu, bà Barbara Lochbihler thuộc nhóm các nghị sỹ đối ngoại phụ trách khu vực Đông Nam Á của Nghị viện châu Âu tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi tôi kể chuyện anh Trương Văn Dũng và Lê Thiện Nhân bị cùm chân và anh Dũng bị đánh gãy 3 xương sườn trong đồn công an Thụy Khuê. Việc hai anh bị cùm chân có cả video mà chị Bùi Thị Minh Hằng quay được, có cả phim chụp của bệnh viện. Bà Lochbihler không hiểu tại sao những việc rõ ràng như thế mà không thể kiện được công an. Nhưng với đạo luật Magnitsky thì những vụ như này hoàn toàn có thể được xem xét đến.

Cho dù chỉ 1% vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bị chế tài, dăm ba quan chức bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, bị phong tỏa tài sản thì cũng đủ để tình trang vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sẽ đỡ đi ít nhiều.

Có một số ý kiến lo ngại, Luật Magnitsky sẽ không là cái gì đối với giới chức Việt Nam vì bản chất ngoan cố và phớt lờ công luận của họ. Họ quen chà đạp lên pháp luật và dư luận. Nhưng với đạo luật Magnitsky, việc chế tài đối với kẻ vi phạm nhân quyền sẽ ảnh hưởng đến cá nhân cụ thể vì một chế độ độc tài khi vi phạm nhân quyền sẽ phải thông qua những cá nhân cụ thể. Nếu từ trước tới nay những cá nhân này được chế độ bao che thì với đạo luật Magnitsky họ không có được sự bao che ấy. Họ sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng đến quyền lợi và bị tai tiếng. Danh sách những cá nhân bị chế tài đưa ra sẽ là lời cảnh tỉnh cho những kẻ khác.

Cũng có ý kiến cho rằng, đừng trông chờ vào bên ngoài, vấn đề dân chủ, nhân quyền do người trong nước tự lo. Đồng ý là như vậy nhưng lực lượng trong nước chỉ nên coi là cơ bản. Nhất là trong trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, cần biết tận dụng điều kiện từ bên ngoài. Nếu ai còn thấy không cần tác động từ bên ngoài thì cũng nên nhắc lại một ví dụ mà ai cũng biết: Không có sự giúp đỡ từ cộng sản quốc tế thì chủ nghĩa cộng sản đã không có đất sống ở Việt nam.

13-2-2017