You are here

Tết tù

Tôi thụ án hai năm. Hai cái Tết trong tù. Hai đêm giao thừa, với hai cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Một điên dại. Một buồn lắng. Hai cái Tết, hai đêm giao thừa, chắc... đến chết không quên!

Trại giam Hoà Sơn: đón giao thừa trong tiếng chó người

Tết 2014. Hoà Sơn, Đà Nẵng là trại tạm giam, không có khu chính trị riêng biệt. Tù chính trị bị nhốt chung với hình sự. Tôi bị tống vào buồng với một thằng án giao thông, và một lão già án lừa đảo giả mạo giấy tờ.

Một đêm giao thừa khủng khiếp! 

Chẳng hiểu, bọn tù hình sự nơi khác có vậy không. Chứ ở đây, chúng như những bầy thú hoang. Buồng nào buồng nấy bê hết xô chậu ra gõ. Rồi đập tường. Rồi đạp cửa. Rồi cười. Rồi hét rú. Rồi nhiều thằng còn giả tiếng chó sủa, gâu gâu ăng ẳng suốt đêm.

Điên tiết. Tôi hét vọng sang "này các cháu, làm người không muốn sao lại cứ làm chó thế?". Tưởng chúng nể tình bớt rú hét đi, ai dè càng khuya càng khiếp, hết buồng này sang buồng khác, những tràng chó người "gâu gâu ăng ẳng" đến man rợ.

So với các trại khác, Hoà Sơn là trại... súc vật nhất, cực kỳ súc vật. Súc vật từ kiểu hạn chế, ngăn cấm gần như mọi đồ dùng không cho đem vào buồng giam, kể cả giấy vệ sinh. Đến thức ăn gia đình tiếp tế cũng bị bóp xé, rồi đổ tống vào những bao ni lông, trông lỏng bỏng như cho... lợn, chó vậy. 

Chó từ miếng ăn, đến những tiếng chó người ăng ẳng đón giao thừa.

Trại 6: rượu tù và tiếng hát Ka Nu

Tết 2015. Khu tù chính trị cách ly với hình sự, nên không biết bọn hình sự trại này Tết nhất ra sao.

Để chuẩn bị đón Tết, gần hai tháng trước, tôi đã âm thầm ngâm... rượu! Ba ký nho gia đình gửi vào đợt thăm nuôi, không dám ngắt ăn dù chỉ một quả. Để dành, bóp nát, xong trộn với đường, thêm ít nước lạnh, cho vào hai chai nhựa Lavie, loại 5 lít.

Thú nhất là hằng ngày giơ cái chai lên, ngắm những dòng bọt ga sủi thành tăm. Cực thú, chỉ nhìn thôi đã ừng ực nơi cuống họng.

Được chừng mươi, mười lăm ngày là nghe mùi. Mở nắp, cho thêm một viên C sủi. Để... ngắm hơn tuần nữa là coi như đạt rượu chuẩn. Vang Đà Lạt có mà gọi bằng cụ!

Trò ngâm rượu này, tôi học được từ khi ở Trại B14. Không chỉ nho, ở B14, tôi còn ngâm cả rượu gạo. Là cơm nguội thừa, để dành mươi mười lăm ngày được chừng mấy vốc. Cũng bóp trộn với đường (thứ này không cho nước), rồi ủ chừng tháng rưỡi, hai tháng là cơm nó lên men. Trông vàng vàng nhừa nhựa. Thử miếng đầu, hơi nhờn nhợn. Nhưng cái vị chua chua nhờn nhợn ấy, nhai kỹ, ngấm tí thì ôi chao là quyến rũ. Vốc thêm vài miếng là mặt phừng phừng tưng tưng ngay.

Ấy, là khởi nguồn những lọ rượu tôi ngâm khi còn ở B14, buồng giam B12, tầng hai, cùng với bạn tù Vi Nghĩa Hoà. Rượu chuẩn đến độ, tôi hay đùa "khi ra tù, anh em mình mở lò rượu, gọi là rượu ông Nhất ông Hoà B14 nhỉ?". 

Tội mấy buồng bên. Nghe B12 có rượu ngâm uống mà thèm, cứ bắt tôi kê miệng vào tường thủ thỉ tả cái mùi vị rượu nho thế nào, có giống rượu ngoài đời không, rồi rượu gạo ăn thấy ra sao để... say tưởng tượng.

Đến mức thằng bạn tù sát bên (buồng 14), quê Bắc Ninh, sau khi nghe tôi ra tù, đã tức tốc bay vào Đà Nẵng, tìm tận nhà tặng một chai Chivas 18 (hắn ra tù trước).

Đó là chuyện rượu khi còn ở B14.

Quay lại Trại 6. Ngâm được hai chai. Tết Dương 1/1/2015, khui một chai. Chia đều anh em 3 buồng, lai lai mấy ngày. Sợ hết nên ai cũng nhịn dành, uống rượu mà nhón nhén như... thuốc bổ.

Xong, cái sái (xác) rượu cho thằng Ka Nu buồng 3 ngâm thêm nước hai.

Chai còn lại để dành Tết Âm. Đúng đêm ba mươi. Lần này thì chơi sạch, không dành nhịn nữa. 5 lít, chia đều 3 buồng, 8 người. Tôi thì không xi nhê gì, chỉ tạm hơi lâng lâng. Còn thằng Phương (Trương Việt Phương) thì đỏ rực như mặt trời, ôm đàn hát. Hát đến... gục xuống sàn, miệng phì phèo bọt dãi, rồi ngáy nữa, ôi chao là ngáy, rền rung cả khu tù chính trị.

Rơlan Thick thì gục ngay tại trận, mửa lênh láng. Bắt tội! Đã cất công ngâm rượu cho chúng uống, giờ lại hành xác một mình lọ mọ múc nước xối, kinh ơi là kinh. Cái mùi sốc óc, như muốn oẹ theo nó.

Buồng 2, thằng Thuận nghe đâu cũng ói. Lão Tiến thuộc loại không màng rượu lắm, lại vừa qua cú tai biến tay chân còn run. Nguyễn Kim Nhàn thì chỉ cỡ vài ly, vừa đủ để... làm thơ!

Buồng 3, Kso Chung gần như không rượu, hắn chỉ nhấp chiếu lệ. Ka Nu thì uống kinh. Tửu lượng thằng này khá. Và khi có vài chén vào thì hết "giấc mơ Chapi", "ly cà phê Ban Mê" "đi tìm lời ru mặt trời", đến "đôi chân trần"... 

Ôi chao là tuyệt. Tiếng nó hát nhẹ, thoảng, như gió ấy chứ không lên gân như nhiều gã đàn ông khác. Vọng vang, vời vợi, cùng với tiếng ghi ta phiêu vút như réo gọi tới tận đất trời Tây Nguyên xa xăm của hắn vậy. 

Giao thừa. Thằng Phương vẫn miệt mài ngáy. Rơlan Thick thì mềm như sợi bún. Buồng 2 cũng đã im bặt. Chỉ còn tiếng đàn và giọng hát Ka Nu. 

"To lên, hát to lên, đừng ngủ Ka Nu nhé, hát nữa đi Ka Nu ơi!" - Tôi hét lên bảo Ka Nu hát. "Anh thích bài gì em hát tặng, hai anh em mình thức tới sáng đón Tết anh Nhất nhé! Đừng ngủ, phí rượu!" - Ka Nu như đồng cảm. 

Càng khuya, hắn hát nghe càng hay, réo rắt. 

Hay, nhưng buồn quá!

"Tôi muốn quên đi / tháng với ngày / cha đi lượm quả ngọt rừng / cho con đỡ đói qua đêm / Tôi muốn quên đi / đôi chân trần / cha đi lượm từng hạt thóc / cho con một bữa cơm chiều / Ôi ngày tháng / đôi vai gầy / run run tựa vào hàng cây / Ôi thời gian / hãy quên đi đôi chân cồng kềnh / cha đi giữa rừng hoang vu...".

Cứ vậy, đứng tựa song cửa nghe Ka Nu hát. Đâu chừng hơn 3 giờ sáng. Mấy thằng lính dắt chó đi tuần ngang, quát “ngủ đi”. Lúc đấy hắn mới chịu ngưng. 

Ấy là cái Tết, đêm giao thừa thứ hai trong tù. 

Hai năm. Hai cái Tết trong tù. Hai đêm giao thừa, với hai cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Một điên dại. Một buồn lắng. Hai cái Tết, hai đêm giao thừa, chắc... đến chết không quên!

...

Ngày cuối năm. Đêm nay giao thừa. Lại như vẳng vang đâu đấy tiếng đàn và giọng hát Ka Nu.

"Ở nơi ấy tôi đã thấy / trên ngọn núi cao / có hai người / chỉ có hai người yêu nhau i ì...".

Nhớ quá. Nhiều người đã ra tù. Còn Ka Nu, Tết này vẫn ở đấy. Trại 6 đêm nay, nó có lại ôm đàn, và có còn ai tựa song cửa tù nghe Ka Nu hát?