You are here

Hàng hóa nước và chiến lược phát triển thủy lợi bền vững (Bài 2)

Ảnh của nguyenvubinh

     Phần II: Hàng hóa nước và chiến lược phát triển thủy lợi bền vững

     Khi đã xác định được nguyên nhân cốt lõi và các nguyên nhân khác dẫn tới những hạn chế, khó khăn trong ngành thủy lợi, cần phải có giải pháp khắc phục triệt để, toàn diện. Giải pháp triệt để chính là tìm ra cơ chế khắc phục nguyên nhân cốt lõi, xóa bỏ cơ chế bao cấp (cấp phát và xin - cho) trong ngành thủy lợi. Tiến sĩ Trần Nhơn đã đưa ra ý tưởng cần xây dựng thị trường hàng hóa nước để chuyển đổi toàn bộ cơ chế bao cấp trong đầu tư của ngành thủy lợi thành cơ chế tái sản xuất vốn, để ngành thủy lợi có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Phương châm “lấy thủy lợi nuôi thủy lợi” là giải pháp đột phá giải quyết tận gốc rễ các vấn nạn của ngành thủy lợi, đưa thủy lợi thành ngành kinh tế đầu tàu cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

     Để hình thành và xây dựng được thị trường hàng hóa nước và khắc phục các mặt tồn tại và hạn chế trong ngành thủy lợi, cần quán triệt nhận thức và thực hiện các vấn đề quan trọng sau đây.

     I/ Hàng hóa nước trong ngành thủy lợi và xây dựng thị trường hàng hóa nước

     1- Hàng hóa nước của ngành thủy lợi

     Mọi người đều biết một ngành nào đó được gọi là ngành kinh tế hay kinh tế dịch vụ nếu nó có đầy đủ các yếu tố: vốn cố định, vốn lưu động, công nhân, sản phẩm và lợi nhuận. Ngành thủy lợi - các công trình thủy lợi do các xí nghiệp kinh doanh dịch vụ thủy lợi đảm nhiệm - cũng có đầy đủ các yếu tố nói trên, nên nó cũng phải được coi là ngành kinh tế có chức năng dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân. Nước tự nhiên chưa phải là hàng hóa, nhưng nước có sự tác động của con người, có sức lao động con người trong đó, như lọc nước, dẫn nước qua kênh mương, đường ống tới tay người sử dụng, thì nước đó là hàng hóa. Sản phẩm nước đó cũng có hai thuộc tính: giá trị sử dụng (thỏa mãn nhu cầu nào đó của sản xuất đời sống) và có giá trị (có lao động vật hóa và lao động sống kết tinh) nên có giá cả, và để bán - nó cũng là hàng hóa. Với tư cách là hàng hóa nó phải có giá được tính đúng tính đủ, công trình phải được hoàn vốn để tái tạo vốn mới, không chỉ giản đơn mà còn mở rộng.

     2- Nét đặc thù của ngành kinh doanh dịch vụ thủy lợi

     Xuất phát từ việc xác định ngành thủy lợi không phải là ngành sản xuất vật chất thuần túy mà là ngành kinh tế dịch vụ, nhưng ngoài cái chung vẫn có những nét đặc thù sau:

     - Công trình thủy lợi là sản phẩm đơn chiếc, có thời gian xây dựng dài.

     - Vốn đầu tư lớn và được xây dựng đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương.

     - Công trình thủy lợi chỉ có thể bắt đầu phát sinh tác dụng sau một thời gian xây dựng.

     - Tính hiệu quả đa ngành đối với công trình. Các hộ sử dụng sản phẩm (dịch vụ) của công trình thủy lợi sẽ tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc về năng suất, chất lượng sản phẩm và do đó thu được một khoản lợi nhuận siêu ngạch to lớn.

     - Sản phẩm của xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi là sản phẩm duy nhất không có cạnh tranh, không thể nhập ngoại để thay thế.

     - Không mua bán theo kiểu trao tay trực tiếp mà thanh toán trước hoặc sau một chu trình theo hợp đồng ký kết.

     - Khách hàng của ngành thủy lợi nói chung là ổn định.

     3- Xây dựng thị trường hàng hóa nước

     Để xây dựng được thị trường hàng hóa nước, cần có các giải pháp đồng bộ, từ nhận thức tới việc xác định chủ thể, đơn vị kinh doanh và các vấn đề liên quan.

     - Đổi mới nhận thức: xóa bỏ nhận thức cũ lỗi thời, xây dựng nhận thức mới trong xã hội phù hợp với cơ chế thị trường có điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ngành, các cấp có liên quan.

     - Xác định các xí nghiếp quản lý và khai thác thủy nông là đơn vị kinh doanh dịch vụ thủy lợi, kinh doanh hàng hóa nước. Các xí nghiệp thủy nông cần quán triệt phương châm tự thân vận động, biến khả năng thành hiện thực.

     - Tạo ra môi trường thuận lợi và hành lang cần thiết cho hoạt động của các xí nghiệp quản lý khai thác thủy nông. Trên cơ sở xác lập mối quan hệ và sự khác nhau giữa chức năng quản lý nhà nước về mặt kinh tế và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh. Xí nghiệp thủy nông ngoài cố gắng chủ quan, đòi hỏi có môi trường cần và đủ - môi trường thuận lợi để thực hiện chức năng của mình. Nói cách khác, xí nghiệp cần có sự ổn định về mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Xí nghiệp còn đòi hỏi phải có hành lang cần thiết để xí nghiệp hoạt động đúng hướng, đúng luật pháp. Môi trường và hành lang nói trên gắn với hai nhóm loại công cụ kinh tế (cơ chế chính sách kinh tế) và công cụ luật pháp.

     - Tổ chức sắp xếp lại bộ máy của ngành thủy lợi theo hướng cơ chế hoạch toán kinh doanh toàn ngành.

     II/ Đổi mới nhận thức và pháp luật về ngành thủy lợi

     Cần phải trang bị nhận thức đầy đủ về vai trò ngành thủy lợi, về xu hướng đổi mới của ngành theo các quy luật của thị trường đối với người dân, nhưng trước hết là các cán bộ ngành thủy lợi, nông nghiệp và nông dân. Hoạt động thủy lợi gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của xã hội. Nước trong thiên nhiên (nước mặt, nước ngầm, nước trong khí quyển) là tài nguyên đặc biệt, dễ bị tổn thương, không thể thay thế. Hoạt động thủy lợi (sản xuất kinh doanh hàng hóa nước, cung ứng dịch vụ nước - cấp nước, hạn chế tác hại của nước) phải được quản lý, tổ chức bảo đảm phát triển bền vững (tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao) thông qua xã hội hóa hoạt động thủy lợi:

     1. Xã hội hóa hoạt động thủy lợi trước hết phải tách quản lý nhà nước về nước (thủy lợi) ra khỏi quản trị sản xuất thủy lợi. Nhà nước thực hiện quản lý thủy lợi bằng hệ thống pháp luật, bằng quy hoạch và chiến lược phát triển, bằng cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và tiêu dùng nước bền vững, có hiệu quả.

     2. Phải cơ cấu lại các tổ chức quốc doanh sản xuất thủy lợi theo hướng tước bỏ các hoạt động mang tính quản lý nhà nước, phát triển hạch toán như các doanh nghiệp khác. Gắn với việc cơ cấu lại, phải tiến hành cổ phần hóa các công ty thủy lợi quốc doanh. Tùy tình hình, yêu cầu cụ thể mà xác định tỉ lệ phần vốn nhà nước thích hợp.

     3. Khuyến khích bằng cơ chế, chính sách để các tổ chức xã hội, tư nhân (trong và ngoài nước) bỏ vốn đầu tư vào thủy lợi, từ khai thác nguồn nước đến cung ứng dịch vụ nước, hoạt động sản xuất kinh doanh theo pháp luật và chính sách (tạo động lực, phát huy nội lực) của nhà nước.

     Để xã hội hóa ngành thủy lợi thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển thủy lợi bền vững, trong tình thế hiện tại, cần đổi mới tư duy trên các điểm then chốt sau đây:

     a. Đối với xã hội, không được coi nước là vô hạn, là của trời cho, phải nhận thức các nguồn nước là tài nguyên quý và có hạn, nhất là trong tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay. Phải nhận thức dịch vụ cấp nước và hoạt động giảm thiểu tác hại của nước là thành phần trong các yếu tố vật chất thiết yếu tạo nên giá trị của dịch vụ. Vì vậy, phải sử dụng nước có hiệu quả và tiết kiệm thông qua định giá sản phẩm hàng hóa nước hợp lý, khoa học; giá cả tương thích với giá trị và giá trị sử dụng.

     b. Về phía Nhà nước, phải xem xét thủy lợi là đối tượng điều chỉnh chứ không phải là công cụ của pháp luật, chính sách. Ngành thủy lợi được đối xử công bằng như các ngành nghề khác trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động của ngành này (về địa giới phân chia, về cơ cấu tổ chức, về chính sách đặc thù…) phải phù hợp với tính kết cấu hệ thống của các lưu vực sông ngòi, nguồn nước chứ không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

     Để phát triển thủy lợi bền vững, tất yếu phải xây dựng ngành thủy lợi theo hướng kinh tế thị trường. Xã hội hóa chính là quá trình phát triển mang tính quy luật của ngành này.

     III/ Đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về thủy lợi

     Đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước (trong đó nội dung cơ bản là thủy lợi) phải quán triệt quan điểm quản lý tập trung thống nhất và nhằm tới mục tiêu xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, bao cấp tràn lan, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ, khai thác tài nguyên nước và cung ứng dịch vụ nước. Dưới đây là những điểm then chốt của vấn đề này.

     1. Xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của quản lý nhà nước

     Cần sớm khắc phục, xóa bỏ nhận thức Nhà nước đảm đương tất cả mọi việc, từ tổ chức bảo vệ, khai thác tài nguyên nước đến cung ứng dịch vụ nước cho các nhu cầu thay vì đây chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả xã hội: doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phục vụ cộng đồng các hộ dùng nước theo những điều kiện ràng buộc công khai minh bạch được quy định bởi pháp luật. Nhà nước chỉ là người hướng dẫn, giám sát thực hiện. Để thực hiện được yêu cầu này, phải sửa đổi, bổ sung luật pháp nhằm xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước theo hướng:

     + Nhà nước là người duy nhất và trực tiếp ban hành pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch để điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác tài nguyên nước và cung ứng dịch vụ nước của xã hội.

     + Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát thực hiện việc bảo vệ nguồn nước, môi trường nước, phòng chống tai họa do nước gây ra.

     + Nhà nước chủ yếu tạo điều kiện, môi trường để hình thành ngành kinh tế nước nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời trực tiếp tham gia ở mức độ thật cần thiết nhằm nắm giữ khả năng điều tiết thị trường này. Nhà nước chỉ trực tiếp tổ chức thực hiện các khâu mà các thành phần kinh tế khác không thể hoặc chưa có khả năng đảm nhiệm.

     Xác định nhiệm vụ chức năng của quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước còn cần các quy định, chế tài để các cơ quan quản lý nhà nước không sa đà vào các hoạt động sự vụ quản lý sản xuất kinh doanh dịch vụ nước.

     2. Thực hiện quản lý nhà nước tập trung thống nhất kết hợp phân công phân cấp hợp lý

     Để xóa bỏ tình trạng phân tán, chia cắt hiện nay, phải thực hiện quản lý nhà nước tập trung thống nhất kết hợp phân công, phân cấp hợp lý.

     a. Trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đảm đương vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp đối với tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trong mọi lĩnh vực.

     + Thay mặt Chính phủ trình ban hành các đạo luật về tài nguyên nước.

     + Giúp Chính phủ xây dựng và ban hành các chính sách vĩ mô về bảo vệ, khai thác tài nguyên nước và cung ứng, sử dụng dịch vụ nước.

     + Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước, quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước. Trình Chính phủ hoặc theo thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn, định mức quốc gia về tài nguyên nước, môi trường nước, dịch vụ nước...

     + Thực hiện quyền quản lý nhà nước về phòng chống tai nạn do nước gây ra, bảo vệ môi trường nước.

     b. Các Bộ khác (Nông nghiệp & PTNT, Xây dựng, Công thương, Giao thông Vận tải...) thực hiện nhiệm vụ chức năng quản lý nước chuyên ngành; đại diện sở hữu nhà nước đối với vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nước chuyên ngành.

     Từng bước xóa bỏ chế độ Bộ chủ quản đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt còn rất nặng nề ở lĩnh vực thủy nông. Trong lĩnh vực thủy nông đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo tự đầu tư, tự quản lý, khuyến khích cạnh tranh để hạ giá thành dịch vụ nước từ nhiều thập niên qua (ví dụ, cơ chế đấu thầu đường nước ở An Giang theo QĐ 244/QĐ.UB, ngày 12/2/1991), nhưng chưa được quan tâm tổng kết để nhân rộng mà chỉ “mải mê” bám vào cơ chế “xin - cho” làm triệt tiêu nội lực và động lực phát triển trong khi nguồn vốn ngân sách rất hạn hẹp.

     3/ Đề xuất thành lập bộ Thủy lợi và quản lý thiên tai

      Với những bất cập trong việc phân cấp và quản lý nhà nước đối với ngành thủy lợi nêu ở phần trên, để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển hàng hóa nước và phát triển bền vững ngành thủy lợi, tiến sĩ Trần Nhơn và các cán bộ ngành thủy lợi đã mạnh dạn đề xuất việc thành lập Bộ Thủy lợi và Quản lý thiên tai, là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện các chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước đầy đủ như  Điều 57 Luật Tài Nguyên Nước; thống nhất quản lý tài nguyên nước về điều tra, đo đạc, thống kê tài nguyên nước, cả nước mặt và nước ngầm; về dự báo phát triển, xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, chiến lược, kế hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại của nước, bền vững, hiệu quả cao, đồng thời nắm chắc và có kế hoạch đối phó với các hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với nước ta (chủ yếu cũng là bảo vệ, khai thác sử dụng nước và phòng chống thiên tai); về chỉ đạo quản lý các công trình thủy lợi và phòng chống lụt, bão an toàn; về quản lý tốt vốn đầu tư thủy lợi, thực hiện quan hệ quốc tế về nước được thuận lợi. Trên cơ sở giao cho Bộ này chức năng và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn các loại hồ chứa nước bất kỳ thuộc sở hữu của ai; về bảo đảm an toàn của hệ thống chống lụt, chống úng giảm nhẹ thủy tai; về bảo đảm nguồn nước cho các ngành dùng nước như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp… mà phân  rõ chức năng quản lý nhà nước với các Bộ khác về  thuỷ điện, về giải quyết cấp và tiêu thoát nước cho đô thị, về phát triển giao thông thuỷ nội địa, về bảo vệ chất lượng nước./.

Hà Nội, ngày 25/01/2017 

N.V.B