You are here

Cần phân biệt giữa đấu tranh dân chủ và hoạt động (làm) chính trị (Bài 1)

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong quá trình tham gia vào phong trào dân chủ, chúng ta đã từng nghe quan điểm của nhiều người về vấn đề tham gia hoạt động đấu tranh dân chủ và làm chính trị. Có rất nhiều người đã nói rằng, họ chỉ nói lên sự thật, chỉ lên tiếng cho quyền con người chứ không muốn và không thích làm chính trị. Nhiều người nói rằng, chính trị là thủ đoạn, là nhơ bẩn và không bao giờ họ tham gia. Một số người lên tiếng phê phán những người có đạo, hoặc chức sắc tôn giáo đang tham gia vào phong trào dân chủ là bỏ bê đạo pháp, tham gia hoạt động chính trị, đi ngược lại các giáo lý tôn giáo của những người này. Có nguời lại cho rằng, cần phải có người hoạt động đấu tranh (làm chính trị) chuyên nghiệp...Vậy đấu tranh dân chủ và hoạt động chính trị, làm chính trị có phải là một hay không? Có liên quan gì tới nhau hay không? Chúng ta cần làm rõ các quan điểm đúng đắn về vấn đề này để những người đã, đang và sẽ tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ thông suốt trong nhận thức và hành động.

     Trước hết, về mặt lý thuyết, lý luận hoạt động đấu tranh dân chủ và hoạt động chính trị hoàn toàn không liên quan gì tới nhau. Hoạt động đấu tranh dân chủ, theo nghĩa rộng nhất của từ này, bao gồm toàn bộ những hoạt động nhằm mục đích cuối cùng là thay đổi chế độ xã hội. Cụ thể là chế độ độc tài toàn trị cộng sản sang chế độ dân chủ. Đặc trưng quan trọng nhất trong hoạt động đấu tranh dân chủ là tính đối kháng trong các hoạt động của những người tham gia. Nhưng hoạt động chính trị, theo khái niệm chính trị học hiện nay, đó là những hoạt động của các đảng phái, các tổ chức chính trị cạnh tranh nhau để lãnh đạo và quản lý đất nước, theo một khuôn khổ pháp luật đã được tất cả người dân đồng thuận. Đặc trưng của các hoạt động chính trị là đối trọng, đối lập giữa các lực lượng, đảng phái. Đó là sự đối trọng về quyền lực, đối lập về quan điểm, tức là giữa những tổ chức đảng phái bình đẳng, cạnh tranh nhau, tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng về đường lối chính sách của tổ chức, đảng phái của mình. Như vậy, chúng ta có ngay nhận xét, hai vấn đề hoàn toàn khác và không liên quan gì tới nhau.

     Có những ý kiến, khi nói về chính trị, lại hàm ý các hoạt động của cá nhân, quan chức trong hệ thống đảng và nhà nước hiện nay. Nhưng hàm ý này, nếu đem gắn kết với hoạt động đấu tranh dân chủ thì sự vô lý còn lớn hơn khi nói tới hoạt động chính trị đảng phái nêu trên. Hoạt động của các cá nhân, hoặc quan chức trong hệ thống đảng và nhà nước hiện nay chỉ là những thủ đoạn để cạnh tranh, luồn lách và tranh đoạt để vươn lên các nấc thang cao hơn trong hệ thống cai trị hiện hành. Những người đấu tranh dân chủ hầu hết không nằm trong hệ thống và không sử dụng các phương thức đó trong hoạt động của mình. Một lần nữa, hoạt động đấu tranh dân chủ hoàn toàn không liên quan đến làm chính trị như mọi người thường nói.

     Ý nghĩa đích thực của hoạt động đấu tranh dân chủ đó chính là cách mạng. Những người tham gia vào phong trào dân chủ đang góp phần vào công cuộc cách mạng của đất nước. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của hoạt động đấu tranh dân chủ là thay đổi một chế độ xã hội, thay đổi một phương thức tổ chức xã hội - và đó là một cuộc cách mạng. Chính vì vậy, những hoạt động và những người đang hoạt động đấu tranh dân chủ có thể gọi là làm cách mạng, chứ không phải là làm chính trị.

     Khi đã hiểu được hoạt động đấu tranh dân chủ và hoạt động chính trị khác nhau và không liên quan tới nhau, chúng ta cần quán triệt thêm một số vấn đề, để quá trình tham gia vào phong trào dân chủ hạn chế được các nhầm lẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động và trên một khía cạnh nào đó, vạch rõ các chiêu bài của dư luận viên muốn đánh tráo khái niệm, xóa nhòa ranh giới giữa các phương thức hoạt động.

     1/ Chuẩn bị tâm thế khi tham gia vào hoạt động dân chủ, vào phong trào dân chủ.

     Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của hoạt động đấu tranh dân chủ, sự khác nhau giữa hoạt động đấu tranh dân chủ và làm chính trị. Rất nhiều người không hiểu về vấn đề này, về guồng máy an ninh của chế độ hoạt động nên đã rất sốc khi gặp phải sự đàn áp và khủng bố của nhà cầm quyền Việt Nam. Khi chúng ta coi các hoạt động của chúng ta là hoạt động chính trị, làm chính trị thì mặc nhiên chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có những quyền con người và quyền công dân căn bản. Chúng ta không hề nghĩ, và không hề tưởng tượng được rằng, đối với chế độ, đối với bộ máy an ninh, chúng ta đã là đối tượng phản động, đối tượng nguy hiểm. Chẳng hạn, chúng ta đưa ra một số vấn đề về sự thật, khác hay ngược với những thông tin chính thống hoặc chúng ta tố cáo tham nhũng...chúng ta nghĩ rằng đó là điều bình thường, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Việc chúng ta đang làm, đó sẽ là điều mà hệ thống an ninh gọi là nguy hiểm cho chế độ. Và ngay lập tức guồng máy sẽ hoạt động bao vây và thu thập đầy đủ thông tin về chúng ta. Tất cả lực lượng đặc tình, tai mắt nhân dân khu vực ta đang sinh sống, rồi an ninh mạng...sẽ vào cuộc và guồng máy an ninh sẽ có đầy đủ các thông tin về bản thân và thân nhân của chúng ta. Như vậy, nếu hiểu được điều này, chúng ta sẽ chuẩn bị tâm thế khi tham gia khác với việc chúng ta nghĩ rằng, chúng ta làm chính trị, khi chúng ta có những quyền con người và quyền công dân tối thiểu.

     Một vấn đề quan trọng nữa, khi chưa chuẩn bị tâm thế đầy đủ, chỉ nghĩ rằng, việc nói lên sự thật và việc đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác là đúng, là bình thường chúng ta không biết rằng, nếu như bản thân chúng ta, gia đình chúng ta có vấn đề gì đó với pháp luật, ví dụ con nghiện hút, vợ làm công ty trốn thuế (mặc dù công ty nào hiện nay cũng phải trốn thuế mới tồn tại được) hoặc bản thân chúng ta bồ bịch, quan hệ ngoài luồng...an ninh sẽ tìm hiểu và xác định được ngay. Sau đó, họ sẽ lấy những khiếm khuyết này của chúng ta đưa ra mặc cả để yêu cầu tham gia làm việc cho an ninh, dưới nhiều góc độ. Nếu không đồng ý với họ, họ sẽ đưa các vấn đề đó ra xử lý. Phần lớn những người trong phong trào dân chủ làm việc cho an ninh đều rơi vào trường hợp này.

     Cuối cùng, nếu chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế đầy đủ khi tham gia vào đấu tranh dân chủ, chúng ta sẽ nghĩ, chúng ta không bao giờ bị bắt, không bao giờ phải ngồi tù. Khi không chuẩn bị tinh thần cho việc bị bắt, cho việc ngồi tù mà sự việc lại xảy ra, chúng ta sẽ bị sốc rất mạnh, vì sự khác biệt cực lớn cuộc sống bên trong và bên ngoài nhà tù, chúng ta sẽ bị gục ngã.

     Như vậy, chuẩn bị tâm thế cho việc tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Việc chuẩn bị tâm thế tốt phụ thuộc một phần vào nhận thức phân biệt giữa hoạt động đấu tranh dân chủ và làm chính trị...

Hà Nội, ngày 13/01/2017

N.V.B