You are here

Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại dài lâu ? (III)

Trong bài này, tôi tiếp tục đưa ra cách nhìn thứ ba về tương lai của nền chính trị độc tài tại Việt Nam hiện nay. Một số không ít những người làm phân tích, bình luận về các vấn đề Việt Nam cho rằng, nếu sự khủng hoảng về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường vẫn tiếp tục và không có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hoặc giảm bớt hậu quả, thì thực tế sẽ đào thải cái mô hình chính trị đi ngược lại với các quy luật của cuộc sống, mô hình đang tồn tại và đang là nguyên nhân của mọi khủng hoảng ở Việt Nam lúc này. Chính khủng hoảng sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ.

Tôi tạm tổng kết một số lý do làm cơ sở cho cách nhìn nhận này, mà tôi nắm bắt được từ các phản ứng của dư luận xã hội :

1/ Hệ thống chính trị bị tha hoá, bị lũng đoạn ở mọi cấp độ và sự bất lực của ĐCSVN trong việc chống lại sự tha hoá và lũng đoạn của đảng viên các cấp.

Nhận định này rất thống nhất, kể cả ở các nhà quan sát, bình luận, lẫn ở các tầng lớp dân chúng, và điều này được thừa nhận ngay cả trong nghị quyết của ĐCSVN qua các kỳ đại hội khác nhau. Nếu đọc các nghị quyết của đảng từ những năm 80 của thế kỷ trước sẽ thấy rằng điều này đã được chính ĐCSVN  đề cập đến.

Người ta không thể không thống nhất với nhau ở điểm này, bởi vì nhìn đâu cũng thấy dẫn chứng. Ở đây chỉ nêu một điểm, thuộc dạng cốt yếu nhất : càng hô hào chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển. Đảng không chỉ thất bại vào năm 2012, khi không thể kỷ luật được « đồng chí X », mà kể từ đó, tham nhũng hoàn toàn thắng lợi trên toàn quốc, trở thành nỗi quốc nhục. Gần đây nhất, nỗ lực chống tham nhũng rốt cục chạm tới được một nhân vật thuộc cỡ tầm tầm bậc trung là Trịnh Xuân Thanh. Nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh lại trở thành một ví dụ tiêu biểu cho sự thất bại của hệ thống chính trị trong việc cố gắng làm trong sạch đội ngũ. Chẳng những Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam, thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, mà những đối tượng liên quan đến vụ việc cũng chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng. Có người bình luận ngoài lề, bên ly cà phê rằng : « nếu Trịnh Xuân Thanh biết trước chỉ bị đảng khiển trách nhẹ nhàng như vậy thì chắc không việc gì phải trốn chạy, phải để interpole truy nã làm gì. Vì bỏ trốn nên mới bị truy nã, bây giờ thành ra to chuyện. »

Nghịch lý mà ĐCSVN đang phải đối diện là : Một mặt, đảng biết rõ muốn trở nên vững mạnh thì phải có các cơ chế để kiểm soát quyền lực, kiểm soát sự lạm quyền của các đảng viên, phải làm trong sạch đảng, phải giải quyết các vấn đề của quốc gia : chủ quyền, môi trường, an sinh xã hội, văn hoá, đạo đức ; mặt khác, muốn có cơ chế kiểm soát quyền lực thì không có cách nào khác là phải có một bộ máy pháp luật đúng nghĩa, một bộ máy pháp luật đảm bảo tam quyền phân lập, điều này thì đảng lại không chấp nhận.

Vì thế, đối diện với nghịch lý này, đảng đang chọn giải pháp « phê bình, tự phê bình », một giải pháp chẳng bao giờ có hiệu quả trong việc chống các tệ nạn trong đảng, kể cả từ thời Hồ Chí Minh còn sống. Phê bình, tự phê bình chỉ có tác dụng làm nhụt ý chí của một số trí thức phản kháng trước đây (mở ngoặc để nói rằng số trí thức này hồi đó còn tin và sợ đảng), nhưng giờ đây giải pháp này chẳng còn bất kỳ một tác dụng nào, nếu không muốn nói rằng nó còn khuyến khích và thúc đẩy các tệ nạn phát triển mạnh hơn.

Không giải quyết được nghịch lý này, sự tha hoá của đảng sẽ tiếp tục ở mức độ còn cao hơn. Một hệ thống chính trị tha hoá và kém năng lực sẽ dẫn tới các hậu quả có thể theo hai hướng khác nhau : a) Nếu xã hội và con người Việt Nam đã hoàn toàn mất khả năng đề kháng thì hệ thống chính trị này sẽ tiếp tục tồn tại và sự tha hoá của nó đã và sẽ kéo theo sự tha hoá của toàn bộ xã hội, và ngược trở lại sự tha hoá của toàn bộ xã hội sẽ đảm bảo cho sự tồn tại cho đảng cầm quyền đã bị tha hoá. b) Nếu xã hội và con người Việt Nam còn đủ sức đề kháng nhất định thì họ sẽ không chấp nhận một mô hình chính trị đi ngược với các quy luật bình thường, và khiến cho cuộc sống của họ trở nên tồi tệ. Trong trường hợp này, sự tha hoá của đảng cầm quyền chính là lý do dẫn đến việc nó sẽ bị đào thải, có thể vào thời điểm mà các khủng hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị đạt tới một mức độ nhất định. Hiện nay khủng hoảng vẫn đang tiếp tục gia tăng. Bên dưới cái vỏ ngoài « ổn định chính trị » mang tính ngôn từ mà lãnh đạo không ngừng nhắc đi nhắc lại, mọi người dân VN đều cảm nhận được sự bất ổn không ngừng gia tăng của hệ thống.

2/ Sự tha hoá và khủng hoảng của bộ máy chính trị dẫn đến các khủng hoảng xã hội và sự mất niềm tin của dân chúng.

Điều này là hệ quả của điều thứ nhất đã trình bày trên đây. Tôi dẫn lại đây lập luận của một số người, nghe qua có vẻ rất lạ lùng :

-Đừng sợ việc đảng và chính quyền gia tăng đàn áp và bắt bớ. Càng đàn áp, càng bắt bớ, đảng sẽ tạo ra ít nhất hai hiệu ứng : a) người dân càng hiểu rõ hơn bản chất của chế độ và oán thán nó, b) khi gia tăng đàn áp, bắt bớ những người vô tội thì chế độ đánh mất lý do để biện minh cho sự tồn tại của mình. Tăng cường đàn áp sẽ tạo hiệu ứng ngược. Nó sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy vong của chế độ.

-Hãy cứ để cho Việt Nam mất hẳn vào tay Trung Quốc (mở ngoặc để nói rằng bản thân tôi khi nghe đến lập luận này cũng cảm thấy rất sốc). Những người nghĩ theo cách chứng minh rằng : người VN trong suốt lịch sử của mình, chưa bao giời chịu để mất nước, có những lúc đã mất vào tay TQ, vào tay Pháp, nhưng cuối cùng người Việt đều đứng lên để giành lại. Vì thế, nếu VN mất hẳn vào tay TQ thì đó là cơ hội để người VN lấy lại ý chí của mình, cái ý chí dường như đã bị đè bẹp trong gần nửa thế kỷ dưới sự cầm quyền của ĐCSVN. Lúc mất nước thật, người VN sẽ lại như Thánh Gióng, sẽ quật khởi và đoàn kết để chống thù trong, giặc ngoài.

3/ Thảm hoạ môi trường

Môi trường VN, dưới sự khai thác một cách vô trách nhiệm của các cấp chính quyền trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây đang phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Nhiều đơn vị sản xuất đang hoạt động với sự cho phép của chính phủ, trên thực tế, đang vận hành giống như những quả bom nổ chậm treo lơ lửng trên đầu người dân Việt Nam. Quả bom Formosa đã nổ, nhưng kíp nổ cũ sau khi phá hoại hàng trăm km bở biển miền trung lại tiếp tục được thay thế bằng kíp nổ mới. Cần chờ đợi nó sẽ lại nổ lần nữa. Những quả bom nổ chậm khác (như Bô-xít Tây nguyên) vẫn đang nằm chờ, giờ lại thêm thép Cà ná. Hạn hán và lũ lụt liên tục xảy ra, không những không giải quyết được, mà ngày càng sẽ trầm trọng. Một ví dụ rõ nét là đồng bằng Sông Cửu Long đang bị đe doạ trầm trọng.

Môi trường sống là yếu tố mang tính quyết định. Hãy hình dung vũ trụ có bao nhiêu giải ngân hà, mỗi giải ngân hà có bao nhiêu hành tinh, vậy mà chỉ có trái đất mới có môi trường cho sự sống. Khi môi trường sống bị đe doạ huỷ diệt chỉ vì sự quản lý yếu kém của hệ thống chính trị thì liệu 90 triệu người VN có chấp nhận không ? Bởi vì khi môi trường sống bị huỷ diệt, thì kể cả những người hưởng lợi từ hệ thống chính trị cũng sẽ không còn đất sống. Chẳng nhẽ 90 triệu người bỏ đi hết ? Và bỏ đi đâu ? Người VN, chắc chẳn sẽ phải hành động, dưới áp lực của môi trường sống. Năm 2016 đã là năm đánh dấu sự hành động của người dân cho môi trường sống của mình. Trong lúc đó thì hệ thống chính trị bộc lộ toàn bộ sự bất lực khi không thể giải quyết vấn đề Formosa. Dung dưỡng cho Formosa, chính là nuôi mầm diệt vong cho chế độ. Đấy là lập luận của những người nhìn nhận theo cách này.

4/ Các tượng đài nghìn tỉ và nợ công : bất ổn kinh tế

Các con số chính thức do nhà nước công bố đem lại ấn tượng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Đầu tư nước ngoài tiếp tục vào VN cũng là một sự đảm bảo cho một nền kinh tế xưa nay vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù thế, nhiều nhà bình luận về kinh vẫn đưa ra các cảnh báo không mấy lạc quan, thêm vào đó là các dấu hiệu thực tế như tích trữ vàng trong dân, giá sinh hoạt tăng, tỉ giá đô la tăng, tin đồn về đổi tiền, tin đồn về khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, tin đồn về mức độ thực sự của nợ công, các công ty lớn của VN bị sang tên cho các công ty nước ngoài…

Đồng thời, trong bối cảnh đó, các tượng đài trăm nghìn tỉ vẫn tiếp tục được phê duyệt bất chấp cái hầu bao còm cõi của ngân sách, bất chấp sự nghèo đói của người dân ở các vùng sâu vùng xa hay các vùng hạn hán, lũ lụt. Các công ty nhà nước vẫn tiếp tục được ưu tiên trong sự thua lỗ dưới sự bảo trợ của nhà nước. Đây là lý do khiến một số người cho rằng VN đang tích luỹ các điều kiện cho một cuộc khủng hoảng kinh tế, và họ cho tin tưởng rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế đủ tầm mức tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi của hệ thống chính trị. Những người này đã nhìn thấy một vài ví dụ sống động ở các nước trên thế giới. Tham nhũng, đầu tư không cần hiệu quả, chi tiền cho những dự án thua lỗ và vô bổ… là con đường dẫn thẳng tới Hy Lạp hay Venezuela.

5/ Nhận thức xã hội thay đổi

Trong khi thái độ bi quan chính trị cho rằng phong trào phản kháng, phong trào dân chủ ở VN hiện tại còn quá yếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi và yêu cầu của thực tế lịch sử, thì cũng tồn tại một thái độ lạc quan chính trị, cho rằng xã hội VN chuyển động với tốc độ nhanh từ khoảng mười năm nay.

Đã hình thành xã hội dân sự và một số tổ chức xã hội dân sự. Người dân đã vượt qua nỗi sợ, các phản ứng trên facebook phản ánh điều này. Chủ quyền bị đe doạ, môi trường bị bức tử… cũng là những yếu tố khiến cho người VN giờ đây sẽ buộc phải quan tâm đến các vấn đề xã hội chính trị, tức là quan tâm đến sự tồn tại của chính mình.

Một số hiện tượng xã hội tiêu biểu diễn ra trong năm 2016 khiến người ta có thể hình dung một năm 2017 cũng sẽ không kém phần sôi động. Lần đầu tiên các ứng viên độc lập tham gia ứng cử Quốc hội tạo thành một phong trào, thu hút không chỉ các nhà hoạt động xã hội mà cả các nghệ sĩ và các thành phần tự do trong xã hội. Lần đầu tiên hơn mười ngàn người dân đã xuống đường bảo vệ môi trường sống trong tinh thần ôn hoà bất bạo động, trong tình yêu cuộc sống và trong tình yêu của Thiên chúa. Lần đầu tiên xảy ra hiện tượng một MC truyền hình kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt chỉ sau ba ngày nhận được 16 tỷ đồng, gợi lên nhiều phân tích bình luận, nhưng có lẽ bình luận đáng ghi nhớ nhất là : hiện tượng này trả lại ý nghĩa cho hai từ « minh bạch » trong một xã hội đặc trưng bởi sự tham nhũng.

Một thái độ lạc quan chính trị nhìn nhận theo hướng : khủng hoảng xã hội và khủng hoảng chính trị chính là sự thử thách khả năng giải quyết khủng hoảng, là điều kiện để kiểm chứng bản lĩnh của các cá nhân và bản lĩnh của cả một dân tộc, và là điều kiện cho các hình thái chính trị mới hình thành.

Paris, 2/1/2017

Nguyễn Thị Từ Huy