You are here

Đã “đổi mới” một lần, nhưng chưa đủ…

Ảnh của songchi

Song Chi.

Để “kỷ niệm” 30 năm đại hội VI của đảng cộng sản đưa tới quyết định “đổi mới”, báo VNExpress đăng một loại bài về VN thời trước, trong và sau “đổi mới”: “Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986”, “Những đêm dài thiếu đói trước đổi mới”, “Những chuyện 'cười ra nước mắt' thời tem phiếu”, “Cách ăn vận của người Việt thời bao cấp”, “Đường phố thủ đô những năm 1980” v.v…

Đọc những bài báo, xem lại những hình ảnh cũ, cảnh chen lấn, xếp hàng, những cửa hàng quốc doanh trống huếch hàng hóa nghèo nàn, những vật dụng cổ lỗ một thời, cách ăn mặc của người Việt thời bao cấp, nhất là người miền Bắc, rồi hình ảnh phố xá Hà Nội lúc bấy giờ….Nhớ lại một thời cả nước đói ăn đói mặc, túng thiếu đủ thứ …mà thấy rùng mình.

Miền Nam trước 1975 dù đang trong thời kỳ chiến tranh nhưng người dân từ thành thị đến nông thôn chưa bao giờ phải trải qua chế độ tem phiếu, xếp hàng cả ngày để mua lương thực, thực phẩm mà phần lớn là gạo mốc, sắn, bột mì, cao lương…cho tới miếng thịt, ký đường, cái quần đùi…, hàng hóa thì khan hiếm khổ sở như vậy!

Con người bị phụ thuộc vào tem phiếu, vào sổ gạo, bị kéo thấp ngang với con vật, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc co kéo sao cho đủ với số lương thực được phát và đồng lương chết đói, tranh giành nhau từng chút thịt, bánh xà phòng…khi được phân phối; đi làm thì nghĩ cách bớt xén, ăn cắp được cái gì của công, hoặc nghĩ cách nuôi gà nuôi lợn trong toilet, trồng rau ngoài balcon, làm thêm đủ thứ nghề tào lao vặt vãnh…Có những nghề “nổi tiếng” một thời hồi đó mà chỉ cần nghe là biết xã hội đói khổ thế nào như bơm mực bút bi, bơm quẹt ga, lộn xích xe đạp, lộn cổ áo sơ mi, hàn dép mủ, xếp hàng thuê…

Đến thời bắt đầu “đổi mới” mọi người mới được bung ra buôn bán, làm ăn. Gia đình nào cũng phải nghĩ đủ cách để kiếm tiền. Ở miền Nam, từ những người phụ nữ có chồng là dân quân cán chính của chế độ VNCH, một thời không biết làm ăn là gì cũng phải bung ra đường ngồi buôn bán nhỏ vỉa hè, đi buôn đường dài có chuyến thì lọt, có chuyến bị công an bắt lấy hết các thứ, còn bắt làm kiểm điểm v.v… Nhà ai có chút đất trước sân nhỏ xíu cũng trồng rau, nuôi gà nuôi vịt thêm. Rồi thì kê cái tủ kiếng bán tạp hóa, thức ăn vặt loanh quanh cho bà con trong xóm. Rồi thì đủ thứ nghề như làm chiếu, làm mành trúc xuất khẩu, làm thiệp, vẽ guốc gỗ, dán hộp carton... Đám thanh niên, kể cả trí thức, văn nghệ sĩ thất nghiệp thì ra khu chợ trời, chợ đồ cũ ở Huỳnh Thúc Kháng quận Nhất, ở Tân Định, bán thuốc tây, bán đồ lưu niệm cũ của thời Mỹ để lại như hộp quẹt gas, bút máy…

Thời đấy người miền Bắc vốn quen khổ từ thời chiến tranh nên chắc cũng không có cảm giác nặng nề gì lắm, nhưng người miền Nam đang sống trong một quốc gia khá là phát triển về nhiều mặt so với các nước láng giềng trong khu vực, phải chứng kiến kinh tế cho tới văn hóa, giáo dục, nghệ thuật miền Nam bị đổ sụp, xã hội đi xuống một cách nhanh chóng chỉ trong vài năm và kéo dài tới tận 1986… thì hẳn phải shock hơn nhiều.

Thế rồi cuối cùng khi đã mấp mé bên bờ vực chết đói cả nước thì nhà cầm quyền bèn “đổi mới” thực chất là “đổi cũ”, quay trở lại dần dần mở cửa cho làm ăn kinh tế tự nhân, kinh tế thị trường…

Có lẽ đối với một số người, khi nhìn lại những hình ảnh này chắc thể nào cũng bảo nếu so sánh với thời trước chiến tranh ở miền Bắc và thời bao cấp thì bây giờ thế là sung sướng chán, bộ mặt các thành phố lớn nhỏ cũng thay da đổi thịt hẳn ra, vậy mà cứ phàn nàn. cừ chửi nhà nước mãi, thật là “không biết điều”!

Thế nhưng, người ta lại quên rằng nếu năm 1975 đảng cộng sản VN có một cái nhìn cởi mở, tiến bộ và “hiểu biết” hơn, thay vì bắt miền Nam phải đi theo mô hình kinh tế, xã hội của miền Bắc mà cứ để miền Nam phát triển tiếp tục rồi miền Bắc học theo thì đâu phải kéo cả nước xuống hố, thụt lùi mất 16 năm để rồi lại quay lại “đổi cũ”.

Trong bài phỏng vấn ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban bí thư, đăng trên VNExpress cũng thẳng thắn thừa nhận điều này (“Ông Phan Diễn: Chúng ta đã vượt qua sự 'kiêu ngạo cộng sản')

Trích:

- Thời điểm ấy, liệu có con đường nào khác cho kinh tế miền Nam khi nơi đây đã có những mầm mống của kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường?

- Sau ngày thống nhất, trong những hội nghị đầu tiên của Trung ương bàn về đường lối phát triển kinh tế miền Nam, ban đầu trong cấp lãnh đạo đã có ý kiến đề xuất: với những đặc điểm lịch sử riêng biệt của miền Nam, phải chăng chúng ta nên để cho kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường tiếp tục phát triển một thời gian. Nếu có cải tạo thì cần thử nghiệm từng bước, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm… Tuy nhiên, ý kiến này chưa nhận được sự đồng thuận của tập thể. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định tiếp tục áp dụng mô hình của kinh tế miền Bắc.

Thực hiện đường lối trên, những năm tiếp theo, đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng lâm vào khủng hoảng….

- Nhìn nhận lại thành công và khuyết điểm của phương thức quản lý giai đoạn đó, theo ông, chúng ta đã có thể làm gì khác hơn?

- Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, lúc đó có thể thực hiện theo gợi ý của một số đồng chí như đã nói ở trên, nghĩa là đừng quá vội thực hiện ngay công cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội với toàn bộ nền kinh tế. Để cho miền Nam tiếp tục tồn tại và phát triển nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân…

Vừa làm vừa tỉnh táo nhận thức lại những suy nghĩ chưa đúng và kịp thời rút kinh nghiệm, có thể chúng ta đã tránh bớt được không ít khó khăn. Nếu có lâm vào khủng hoảng thì cũng thoát ra sớm hơn, cũng có thể hình thành đường lối đổi mới nhanh hơn. Song cuộc sống không có "giá như".

- Vậy theo ông điều gì đã khiến chúng ta có những bước đi sai lầm và phải trả giá?

- Tôi cho rằng, chúng ta ít nhiều đã có sự chủ quan, có thể gọi là “kiêu ngạo cộng sản” sau chiến thắng 1975. Việc này có thể hiểu là xuất phát từ những điều tự hào về lý tưởng và thành công của mình trên con đường cách mạng, nhưng rồi đi quá đà đến xu hướng chủ quan...

Ở Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, sự chủ quan có lẽ thể hiện trong lĩnh vực khác nhiều hơn. Còn về kinh tế thì không phải kiêu ngạo mà chủ yếu do nhận thức chưa phù hợp thực tiễn, chưa đúng quy luật khách quan. Chúng ta quá thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cứ đinh ninh rằng cách làm của các nước Xã hội chủ nghĩa là duy nhất đúng, là tất cả những gì phải học tập. Hơn nữa, tâm lý chủ lưu lúc này “Nam Bắc đã sum họp một nhà, có điều kiện đưa cả nước đi lên con đường Xã hội chủ nghĩa thì không lý do gì để chần chừ”.

Cái tâm lý chủ quan, “kiêu ngạo cộng sản” này không chỉ đã phá nát cả nền kinh tế ở miền Nam để rồi về sau phải đi lại từ đầu mà cả văn hóa, giáo dục, nghệ thuật; về sau lại lẳng lặng cho in lại, nghe lại một phần không nhỏ những quyền sách, bản nhạc…mà một thời nhà nước này đã đốt sạch khi mới vừa chiến thắng!

Nhưng cái tâm lý ấy còn dẫn đến những chính sách, hành xử sai lầm, hẹp hòi, hà khắc của “bên thắng cuộc” đối với “bên thua cuộc” như phân biệt đối xử, không trọng dụng người tài, chủ nghĩa lý lịch, cho đi học tập cải tạo, lùa dân miền Nam đi kinh tế mới…là lý do khiến hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi sau ngày cả nước thống nhất chưa bao lâu. Và trong suốt hơn 40 năm qua thì dòng người ra đi đó chưa bao giờ dừng lại, càng về sau càng nhiều thành phần hơn, càng nhiều cách ra đi hơn…

Và phải chăng nhà nước này đã vượt qua được cái tâm lý “kiêu ngạo cộng sản” đó như ông Phan Diễn nhận xét? Người viết bài này không nghĩ vậy.

Khi mà họ vẫn tiếp tục hàng năm tưng bừng ăn mừng chiến thắng, vẫn chưa có bất cứ một hành động cụ thể nào để hòa giải hòa hợp dân tộc ngoài những lời chót lưỡi đầu môi; khi mà họ vẫn khăng khăng không chịu cất lên một lời xin lỗi về tất cả những sai lầm, tội ác đã qua; khi mà họ vẫn tiếp tục ca ngợi chủ nghĩa Mác Lênin, đi theo cái mô hình quái gở “kinh tế thị trường định hướng XHCN” còn về chính trị thì kiên quyết bảo vệ vai trò độc đảng của đảng cộng sản đến cùng…thì họ chẳng hề thay đổi gì cả. Kể cả thấy được đất nước bị tàn phá lụn bại, người dân khốn khổ như thế nào dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Chỉ mới đây thôi, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hể hả mà rằng: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?” kia mà. (“Nhìn tổng quát đất nước có bao giờ được thế này không?” VietnamNet)

Những người cộng sản và những ai còn mê muội tin theo họ, thường chỉ muốn thấy những gì họ muốn thấy, và chỉ biết so sánh với chính mình.

Nhưng không thể cứ so sánh với mình qua những thời điểm tồi tệ nhất để rồi “tự sướng”, mà phải so sánh với các nước khác, chỉ cần so sánh với các nước láng giềng xung quanh thôi, để thấy trong 41 năm qua kể từ sau khi “thống nhất đất nước” và 30 năm “đổi mới” thì các nước tiến tới đâu so với VN và VN đang đứng ở đâu trên thế giới!

Bởi vì rõ ràng sau 30 năm, chính sách “đổi mới” nửa vời, thay đổi một chút về phương thức làm ăn kinh tế nhưng không hề thay đổi, cải cách về chính trị đã khiến VN, sau một thời gian ngắn phất lên, lại đang đứng trước sự khủng hoảng toàn diện.

Cũng như năm 1986, đảng cộng sản lại đang đối diện với sự thật là phải thay đổi một lần nữa. Và phải thay đổi triệt để, cả kinh tế lẫn chính trị, vì đất nước này đã quá đỗi tụt hậu, bung bét. Nhưng liệu họ có dám làm? Và nếu họ không làm, chỉ tìm cách vá víu câu giờ thì người dân VN có tỉnh ngộ ra để tự cứu lấy mính, cứu lấy đất nước?