You are here

Ứng xử dân chủ (Bài 2: Vài vấn đề về ứng xử)

Ảnh của nguyenvubinh

     Đối với phong trào dân chủ, có ba mối quan hệ lớn cần được đề cập và tìm hiểu. Đó là mối quan hệ của phong trào dân chủ với nhà cầm quyền, mối quan hệ giữa phong trào dân chủ với nhân dân, và mối quan hệ trong nội bộ phong trào dân chủ. Chúng ta cần tìm hiểu bản chất các mối quan hệ, để từ đó đưa ra nguyên tắc cho việc ứng xử.

     1/ Mối quan hệ của phong trào dân chủ với nhà cầm quyền Việt Nam

     Đến giờ phút này, chắc cũng còn rất ít người mơ hồ về việc đối xử của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với những người thuộc phong trào dân chủ. Tuy nhiên, hiểu được bản chất mối quan hệ và liên hệ được với những sự đối xử, đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền không phải là việc đơn giản. Những người khi mới tham gia vào phong trào, hoặc những người chỉ quan tâm, theo dõi phong trào dân chủ nhiều khi không hiểu được những cách đối xử, hoặc đàn áp người đấu tranh nhiều khi rất vô lý, phi lý. Đó là bởi họ chưa hiểu bản chất mối quan hệ giữa phong trào dân chủ và nhà cầm quyền Việt Nam.

     Bản chất mối quan hệ của phong trào dân chủ với nhà cầm quyền là mối quan hệ đối kháng về lợi ích, lợi ích hiểu theo nghĩa rộng. Những người đấu tranh dân chủ, hoạt động và đấu tranh cho nhân quyền, người bất đồng chính kiến, phản kháng là những người ý thức được quyền tự do của họ và của nhân dân đã bị đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam tước đoạt. Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam tước đoạt các quyền con người của nhân dân để thiết lập một chế độ mà những người trong hệ thống của đảng và nhà nước có đặc quyền đặc lợi, thống trị nhân dân. Việc duy trì một chế độ độc tài đảng trị đồng nghĩa với việc bảo vệ đặc quyền đặc lợi của tầng lớp thống trị trong đảng và hệ thống cầm quyền. Khi người dân đứng lên đấu tranh, đòi các quyền con người, quyền tự do cũng như đòi hỏi thay đổi chế độ hiện hành, thì nhà cầm quyền coi những người này, coi phong trào dân chủ là những kẻ đe dọa trực tiếp đến quyền lợi (đặc quyền, đặc lợi) của họ. Chính vì vậy, họ đặt những người này vào vị trí đối kháng, cần phải ngăn trở, nghiêm trị, và thậm chí là tiêu diệt. Trong lịch sử của các đảng cộng sản và cộng sản Việt Nam, những người đứng lên đòi quyền con người, đòi tự do, thậm chí là chỉ không nghe theo cộng sản đã bị tiêu diệt một cách không thương tiếc. Lịch sử các đảng cộng sản là lịch sử tiêu diệt và đày đọa nhân dân. Chỉ có sau này, khi các chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu, cùng việc mở rộng, giao lưu với quốc tế, hội nhập với thế giới thì người dân mới không còn bị tiêu diệt. Tuy nhiên, đối với đảng cộng sản và nhà cầm quyền, họ vẫn giữ vững nguyên tắc, những người đấu tranh dân chủ, những người tham gia phong trào dân chủ là những người đối kháng, cần ngăn chặn, đày đọa và nghiêm trị, khi cần vẫn có thể tiêu diệt.

     Khi đã xác định đúng mối quan hệ của phong trào dân chủ với nhà cầm quyền Việt Nam là quan hệ đối kháng về lợi ích, thì chúng ta không ảo tưởng, cũng như không ngạc nhiên về những cách ứng xử của nhà cầm quyền với những người tham gia vào phong trào dân chủ. Đồng thời, khi tham gia vào phong trào dân chủ, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những sự đàn áp, khủng bố mà nhà cầm quyền sẽ thực hiện đối với mình. Rất nhiều người không nhận ra điều này và đã phải trả giá khá đắt. Khi xác định quan hệ đối kháng với nhà cầm quyền Việt Nam, với bộ máy khổng lồ đàn áp và trấn áp, chúng ta cũng sẽ kiên trì con đường đấu tranh bất bạo động, không sử dụng và cổ vũ sử dụng bạo lực trong quá trình đấu tranh.

     2/ Mối quan hệ của phong trào dân chủ với nhân dân

     Bản thân những người đấu tranh dân chủ, những người thuộc phong trào dân chủ cũng là nhân dân, từ nhân dân mà ra. Họ đứng lên đòi quyền sống, quyền con người cho bản thân họ, và cho người thân, gia đình và cho nhân dân. Gia đình, người thân, bạn bè họ cũng là nhân dân, chính vì vậy quan hệ giữa phong trào dân chủ và nhân dân là quan hệ máu thịt, gắn bó mật thiết với nhau. Trong quá trình đi lên của phong trào dân chủ, ban đầu chúng ta chứng kiến sự kỳ thị, ghẻ lạnh của nhân dân đối với những người đấu tranh. Đó là điều đáng tiếc, đáng buồn nhưng hợp lý. Bởi vì người dân sống quá lâu trong chế độ cộng sản, tắm mình trong môi trường cộng sản với hệ thống giáo dục ngu dân và bộ máy tuyên truyền dối trá khổng lồ và tinh vi, họ chưa nhận thức ra được các quyền con người của mình, chưa biết họ đã bị tước đoạt quyền con người và quyền dân sự. Họ cũng chưa nhận thức được, tất cả những khổ đau, ngang trái mà họ gặp phải chính là do đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng nhờ có sự giao lưu quốc tế, nhất là nhờ hệ thông Internet và mạng xã hội facebooks, người dân đã dần nhận ra các quyền con người của mình, đã nhận ra chính nghĩa của những con người đứng lên đấu tranh với đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam...và họ đã thay đổi suy nghĩ, từ sự kỳ thị chuyển sang ủng hộ với số lượng ngày một nhiều hơn.

     Ngược lại, phong trào dân chủ giai đoạn đầu manh nha, số lượng ít và nhân dân còn kỳ thị cũng chưa có những tiếp xúc với người dân. Nhưng khi số lượng người tham gia vào phong trào tăng lên, những sự phản kháng xã hội xuất hiện, người dân và những người phản kháng xã hội đã tìm đến với nhau. Qua thời gian, sự giao lưu, giao thoa giữa người dân và phong trào dân chủ ngày một phát triển. Phong trào dân chủ cũng đã có những tổ chức xã hội dân sự, đi vào cuộc sống người dân, liên kết với người dân, cùng với người dân đấu tranh cho quyền lợi của họ. Việc nâng cao nhận thức của người dân thông qua hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks là một thành công lớn của phong trào dân chủ. Có thể nói, nhân dân đang ngày càng sát cánh cùng phong trào dân chủ đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do của mình.

     3/ Mối quan hệ trong nội bộ phong trào dân chủ

     Những người trong phong trào dân chủ, dù là người bất đồng chính kiến, người phản kháng hay nhà ly khai, người đấu tranh nhân quyền, đấu tranh dân chủ xét đến cùng cũng đều là người đứng lên đấu tranh vì quyền sống của bản thân mình và quyền sống của nhân dân. Họ chỉ khác nhau về mức độ và cách tiếp cận cho việc đấu tranh của mình. Mục tiêu, cứu cánh sau cùng của họ chính là tự do cho người dân, trong đó có bản thân họ. Như vậy, họ là những người cùng chí hướng, cùng mục đích sau cùng. Mối quan hệ của họ là mối quan hệ hợp tác, liên kết và cách ứng xử đúng, chính là coi nhau là anh em, là đồng đội. Trước đây, có những người ở hải ngoại, khi liên lạc với người đấu tranh trong nước có nói rằng, những người đấu tranh cần có phương châm: “chưa gặp đã là anh em, chưa quen đã là chiến hữu”. Đó là phương châm rất tuyệt vời trong nội bộ những người đấu tranh dân chủ. Nhưng trải qua thời gian, số lượng người tham gia đã tăng lên rất nhiều, cộng đồng mở rộng thì sự phức tạp cũng tăng lên. Điều đáng nói nhất ở đây, là phong trào dân chủ đã không thể thoát khỏi sự cài cắm, khống chế người của an ninh Việt Nam. Và số lượng người làm việc cho an ninh (bao gồm ba thành phần như trong bài viết Dân chủ cuội http://www.rfa.org/vietnamese/blog/fake-democracy-nvb-01192016125441.html) là một số lượng không hề nhỏ. Chúng ta không loại trừ khả năng, chính từ lực lượng dân chủ cuội này, mọi sự phức tạp mới nảy sinh và nhiều khi mâu thuẫn trầm trọng.

     Để tránh được những điều đáng tiếc xảy ra trong nội bộ phong trào dân chủ, điều quan trọng nhất, mọi người cần ý thức về vấn đề chiến tuyến, có nghĩa là, cùng những người đấu tranh nên coi nhau là đồng đội, anh em và bạn bè. Chúng ta cần giữ gìn sự đoàn kết, như là giữ gìn sức mạnh của phong trào dân chủ. Giữ gìn sự đoàn kết không đồng nghĩa bao che cho cái sai, cái xấu. Chúng ta cũng cần hiểu và cảnh giác với những quan điểm xóa nhòa ranh giới đấu tranh, xóa nhòa chiến tuyến. Ví dụ, chống độc tài nói chung chứ không chỉ là độc tài cộng sản, cần bạch hóa mọi chuyện, cần phê phán tất cả những sai lầm dù là của phe cộng sản hay dân chủ. Những quan điểm này mới nghe qua thì rất hợp lý, nhưng đối với chế độ cộng sản, với an ninh cộng sản, những kẻ bậc thầy trong việc sách động và ly gián, thì những điều đó chẳng khác gì liều thuốc độc. Đối với những người có sai lầm, khuyết điểm hoặc có những việc làm sai trái trong phong trào dân chủ, chúng ta không bao che mà cần thẳng thắn góp ý, bằng nhiều hình thức, từ thấp tới cao. Khi không thể góp ý được, chúng ta đưa ra phê phán chỉ dựa trên những sai lầm từ công việc của cá nhân, tránh đi vào đời tư, dễ gây ra mâu thuẫn và làm cơ hội cho an ninh khai thác và đánh phá. Tóm lại, khi đã xác định cùng một chiến tuyến, không thiếu gì cách để góp ý, thậm chí là phê phán mà không làm mất đoàn kết nội bộ./.

Hà Nội, ngày 15/12/2016

N.V.B