Kỳ 3: Toàn Tri Toàn Cục và Toàn Tri Manh Mún
Xét lại quĩ Hiểu Về Trái Tim, hầu như toàn bộ tài chánh của quĩ này đều dành cho miền Trung, đặc biệt là các tỉnh vừa bị lũ lụt vừa qua là điểm đến của quĩ này. Các hoạt động của quĩ này suốt nhiều năm nay đã giúp được rất nhiều cho các em bé miền Trung. Hiện tại, sau khi có quá nhiều đoàn cứu trợ tìm đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, nếu không có thêm một suất cứu trợ, đồng bào vùng lũ cũng không đến nỗi đói. Nhưng nếu có thêm một ca phẫu thuật tim, sẽ có một sinh linh bé bỏng được cứu sống.
Và còn một chi tiết cũng khá tế nhị là trong số rất nhiều người ném đá Phan Anh là tôi vẫn chưa tìm ra một người cụ thể đã gởi tiền vào tài khoản của anh, nghĩa là những người ném đá không đưa ra được bằng chứng họ đã gởi bao nhiêu, bao giờ, chứng từ gì…. Nói như vậy, tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa là không để bao biện cho Phan Anh mà là để thấy rằng tính toàn tri của người Việt còn quá cao. Họ ném đá bởi họ tin mình đúng, thậm chí rất có thể có nhiều người đã gởi tiền cho Phan Anh nhưng không muốn trưng ra bằng chứng và cũng không muốn làm lớn vấn đề nhưng cảm thấy uất ức, tức giận vì Phan Anh không làm đúng mục tiêu ban đầu, đó là Cứu Trợ Bà Con Vùng Lũ!
Và đó là tính toàn tri, nghĩa là yếu tố nhân đạo ở đây được định nghĩa và lấy tiêu chuẩn theo thước đo của người cứu trợ. Cứ gởi tiền cứu trợ vùng lũ là phải cứu trợ vùng lũ, không đuợc sai mục đích. Và tính toàn tri này hoàn toàn tốt chứ không xấu, bởi người gởi tiền lo và thương đồng loại, muốn chia sẻ và họ luôn canh cánh trong lòng vì nhìn thấy đồng bào của mình thiếu thốn, đói khổ, rét lạnh…
Nghiệt nỗi, đó là đỉnh điểm của toàn tri, họ tin vì họ nhìn thấy qua tivi, qua báo chí và nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, vì không thể đến trực tiếp để cứu trợ, người ta phải chuyển nhờ một ai đó tìm đến vùng khốn khổ thay cho mình để tặng, để chia sẻ. Vì người gởi tặng tiền không thể tới nơi, trực tiếp tương tác thì không thể biết rõ ràng, rành mạch được. Sự biết này chắc chắn bị giới hạn bởi lăng kính truyền thông cũng như cập nhật không đầy đủ. Và người đại diện cứu trợ (chỉ xét ở người có lương tri, biết trăn trở trước nỗi đau đồng loại, đồng bào) mới đi thực tế, mới tiếp xúc và hiểu được vùng nào cần gì, nơi đâu nên dừng cứu trợ.
Và đương nhiên, người trực tiếp cứu trợ thấy mọi việc đã tạm ổn, không thể kéo dài thêm tình trạng cho và nhận nữa, mà số tiền trong tài khoản còn quá nhiều, anh/chị ta buộc phải chuyển hóa sang dạng hoạt động khác để đạt hiệu quả và mục đích nhân đạo. Việc này chắc chắn sẽ rơi vào tầm ngắm của tính toàn tri. Và hệ lụy của nó thì dông dài, chẳng biết đâu là điểm dừng! Người tặng tiền cảm thấy bị tổn thương vì tiền của mình gởi không đúng mục đích, đã bị sử dụng sai với qui ước ban đầu (mặc dù trước khi tặng, ai cũng nghĩ rằng mình cho bằng bàn tay trái thì không nên để bàn tay phải biết mình đã cho!). Người ta tổn thương, nổi giận bởi vì người ta thấy mọi việc diễn ra không theo đúng lộ trình và định dạng mà người ta đã xây dựng ban đầu. Và cũng vì người ta tin chắc rằng lộ trình và định dạng của mình không có gì sai sót nên người ta càng nổi giận hơn với đối tác khi lộ trình, định dạng này bị bẻ lệch.
(Trong khi đó, có một bài toàn xác suất giữa người kêu gọi và người cho mà ít ai để ý. Tỉ lệ mong muốn của nhà cứu trợ bao giờ cũng là 10 – 5 – 3 – 1, nghĩa là kêu gọi 10 người, hi vọng 5 người nghe lời kêu gọi, trong đó còn 3 người quan tâm và có 1 người chia sẻ. Trường hợp đạt tỉ lệ 10/10 thì chắc chắn số tiền sẽ vượt xa so với số quà cứu trợ cần có và người cứu trợ buộc phải ứng phó linh hoạt để tránh tình trạng lạm phát nhà cứu trợ và bội thực quà cứu trợ).
Hơn nữa, mọi thông tin về vùng lũ hiện tại đã bị bóp méo quá nặng nề, thay vì cả nhà nước, nhà hoạt động xã hội dân sự và người dân cùng suy xét, đưa kẻ tội phạm xả đập thủy điện ra trước pháp đình thì người ta đã khéo léo lái vấn đề sang chỗ Phan Anh, Dũng Vova và nhiều nhà cứu trợ khác, làm cho mọi chuyện rối như canh hẹ. Và thay vì cảm kích, thậm chí biết ơn người đã mang hơi ấm sự sống đến chia sẻ với mình, không ít người rơi vào tâm lý đám đông, dè bĩu, khinh bỉ nhà cứu trợ bởi họ nghĩ (lại toàn tri!) rằng nhà cứu trợ đã lợi dụng nỗi đau khổ, mất mát của họi để kiếm ăn. Mọi chuyện đã bị xô lệch đến mức khó cưỡng lại được bởi một bàn tay nào đó, một kiểu chơi “thập diện mai phục” để thanh trừng người tốt và hành động tốt trong xã hội Việt Nam. Làm cho kẻ xấu, chuyện xấu (cụ thể ở đây là nhà cầm quyền và nhóm lợi ích) nhanh chóng chìm xuồng và nhởn nhơ vô can!
Ngược lại, về phía người nhận cứu trợ. Có một thực tế đau lòng. Tôi đến Hương Khê, Hà Tĩnh vào trận lụt đầu, ngày 14 tháng 10 và đã tự bỏ tiền túi ra tặng một số suất quà nho nhỏ cho một số gia đình khó khăn. Sau đó tôi có đi tiếp một chuyến cứu trợ ủy lạo của một số bà con người Việt sống ở Mỹ sau trận lụt tháng 11. Và lần đi này, khi đến Hương khê, vừa rời thị trấn để đến điểm cứu trợ thì trên đường đi, tôi chứng kiến một trận ẩu đả nảy lửa của các bà trong một trụ sở thôn vì chia quà không đều và tố nhau chuyện nhà này có áp phe với trưởng thôn, nhà kia là bà con chủ tịch xã… Chưa kịp hoàn hồn vì chuyện này thì tiếp đó, tôi nhận điện thoại của một ông cựu chiến binh quân đội Cộng sản, ông này nói với tôi là cố gắng cho ông nhiều suất quà một chút vì… ông có quen biết với tôi! Nghe xong điện thoại thì tôi toát mồ hôi vì nhà ông này thuộc hàng khá giả trong làng và ông cũng chẳng tổn thất gì mấy.
Đến nơi, tôi gặp riêng ông, không phải để thỏa ý nguyện của ông mà để hỏi ông tại sao bị tổn thất không đáng kể, cũng có của ăn của để mà lại có ý định xin riêng cứu trợ. Ông này thú thực: “Tôi cũng không phải quan tâm đến quà lắm đâu nhưng mình cũng là người của chính quyền, mình cũng có số có má, vậy mà tụi thôn, tụi xã nó xin được đủ thứ, mình không xin được gì cũng bẽ mặt với vợ con lắm!”. Tôi im lặng một lúc để tìm giải pháp và cuối cùng tôi nói với ông: “Sao bác không nói với gia đình bác rằng sau trận lụt, thứ mà người ta rinh về cho vợ con là quà cứu trợ thỏa thích, còn bác, bác chỉ muốn rinh về cho vợ con chút lòng tự trọng và danh dự của một người chồng, người cha bất khuất trước thiên tai, nhân họa?!”. Nghe đến đây, ông im lặng, có vẻ như ông không đồng tình với tôi nhưng ông cũng không thể phản pháo tôi được bởi tôi đã chạm vào thứ cần chạm của người đàn ông này.
Và câu chuyện cứu trợ của tôi ở Hương Khê, Hà Tĩnh thực sự buồn khi tôi đến xã Phương Mỹ, rốn lũ Hường Khê, nơi mỗi ngày có đến năm, sáu đoàn cứu trợ đổ về, nơi mà một người bạn sống ở đây đã chia sẻ thành thật với tôi là đừng ghi ông vào danh sách nhận quà, hãy cất phần quà của ông cho nơi khác bởi ông không muốn dối lòng trước Chúa. Bởi gia đình ông, nếu tính luôn cả tiền cứu trợ của các đoàn và tiền của họ hàng phương xa gởi về cho thì ông đã nhận được 73 triệu đồng, mì tôm lên đến hơn 30 thùng và gạo đã lên hàng tấn. Những gia đình khác cũng vậy. Tôi không dám tin vào tai mình, thử đi thăm một số gia đình, mặc dù không thể tìm hiểu được số tiền họ đã nhận là bao nhiều nhưng qua quan sát, số gạo và mì tôm người ta chất trong nhà cũng ngang ngửa với con số mà ông bạn tôi nói. Và một thực tế khác mà tôi nhìn rõ, nhận rõ là khi người ta đi nhận quà, suất quà 500 ngàn đồng của đoàn chúng tôi trao được nhận một cách hờ hững, nhận để mà nhận chứ không mấy mặn mà. Dường như người dân nơi đây đã bắt đầu mệt mỏi với quà cứu trợ nhưng họ không thể không nhận! Đó là một sự thật, ở Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Bình cũng có nhiều gia đình nhận cứu trợ lên đến con số tương đương con số ở Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Sau chuyến đi, sau mọi mệt mỏi và vui mừng. Mệt mỏi vì đi nhiều, tránh trớ cũng nhiều và thu thập “chứng cứ cứu trợ” cũng khá vất vả, nhất là chứng kiến nhiều nhà cứu trợ bị ném đá và hoạt động cứu trợ bị bị đánh giá theo chiều hướng không mấy vui. Còn vui mừng nhiều vì đã tiếp xúc với bà con, đã nhìn thấy niềm vui của người nhận quà, đã ăn bữa cơm đạm bạc của người dân vùng lũ và đã được các Cha Xứ mời ăn cơm, ân cần, vui vẻ, ấm áp… Hồi tâm lại, theo dõi thông tin, tự dưng tôi lại thấy hoang mang tột độ. Sự hoang mang của tôi không nằm trong vấn đề cũ, tức cứu trợ, lòng thành thật của nhà cứu trợ nữa mà nằm ở vấn đề dân tộc tính. Nói ra nghe to tát và vung tay quá trán nhưng thực sự, chưa bao giờ tính toàn tri – tâm thức nông nghiệp lại lấn chiếm mọi tính cách khác của đại bộ phận người Việt như hiện nay!
Chỉ riêng câu chuyện của Dũng Vova và Phan Anh, có hàng triệu kiểu toàn tri xuất hiện, mà trong đó có hai luồng chính, đó là Toàn Tri Toàn Cục và Toàn Tri Manh Mún. Trong đó, Toàn Tri Toàn Cục xuất hiện sau Toàn Tri Manh Mún.
Trở lại vấn đề của Phan Anh và Dũng Vova, có một điểm dễ nhận biết nữa, ngoài vấn đề hầu hết người ném đá không trưng ra được bằng chứng đã gởi tiền vào tài khoản của hai người này, còn có thêm vấn đề khác là hầu như những người ném đá cũng không hiểu rõ cho lắm về đời sống miền Trung nói chung và đời sống vùng lũ nói riêng. Thậm chí họ cũng chưa đến đó. Bởi nếu đã đến, họ sẽ không rơi vào kiểu phán xét võ đoán rằng “bà con vùng lũ đang đói kém, không có để ăn” sau khi các đoàn cứu trợ đã chính thức khép lại chương trình cứu trợ nơi đây.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, cứu trợ là nhân đạo, và sự nhân đạo không đi đôi với kiểu chia sẻ vô tội vạ để rồi đẩy người ta vào tình thế yếu đuối, nhược tiểu. Từ trước đến nay, kẻ độc tài luôn chủ trương đẩy người dân vào tình thế yếu đuối và nhược tiểu, từ chỗ ngu dân đến biến mỗi ngôi làng thành một làng rượu, biến người mạnh khỏe thành kẻ nghiện ngập cho đến biến những người lành mạnh thành những con người yếu đuối, trông chờ vào sự ban phát, bố thí của người khác. Cứu trợ quá đà sẽ dẫn đến tình trạng này. Và cứu trợ quá đà, để quà cứu trợ bội thực sẽ là tội ác cùa nhà cứu trợ chứ không còn là vấn đề nhân đạo nữa.
Dường như những người ném đá Dũng vova và Phan Anh đều có chung một yêu cầu là “tiền cứu trợ lũ lụt thì phải dùng để cứu trợ lũ lụt chứ không dùng cho mục đích nhân đạo khác”. Đây là cách nghĩ đầy tính võ đoán và toàn tri. Bởi không ai hiểu rõ vùng cứu trợ hơn chính nhà cứu trợ, những người đã lăn lộn trong vùng lũ. Rất tiếc, đây lại là một kiểu toàn tri manh mún! Manh mún bởi người phát biểu nó không hiểu biết đầy đủ về đối tượng và hiện tượng họ đang đề cập. Bởi nếu hiểu rõ thì họ đã không phát biểu như vậy.
Và khi có quá nhiều trường hợp toàn tri manh mún diễn ra thì lại có thêm kiều Toàn Tri Đại Cục, những ông thầy phán, nhân danh đại cục, nói gì cũng nêu đại cục, kính thưa các loại đại cục ra đời. Thực ra, các ông thầy phán này cũng chẳng hiểu mấy về thực tế mà chủ yếu dựa trên các số liệu sản sinh từ bàn phím để tổng hợp, phân tích, kết luận rồi sau đó phán xét, đứng vai tài phán hoặc thầy phán. Kết quả việc này cũng chẳng tới đâu nếu không muốn nói nó càng làm cho vấn đề thêm rối rắm.
Nói cho cùng, tâm tính của số đông người Việt vẫn chưa thoát khỏi tâm thức nông nghiệp. Cái bóng của tâm thức nông nghiệp đã bao trùm, chi phối hầu hết hành vi cùa nhiều người. Phán xét vội vã, giận dữ vô căn cớ, ngụy biện, chụp mũ, ném đá giấu tay… Tất cả đều là biểu hiện của phần tâm thức nông nghiệp trong tư duy toàn tri còn sót lại trong mỗi người. Thực tâm mà nói, nếu chúng ta vẫn còn để cho loại tâm thức nông nghiệp này hoành hành thân xác và tinh thần chúng ta thì sẽ còn rất lâu chúng ta mới chạm đến được tự do, tiến bộ và dân chủ!
Bài bình luận gần đây