Ronald Haeberle, cựu phóng viên chiến trường Mỹ, tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai kinh động địa cầu gần nửa thế kỷ trước.
Những chuyến trở về
Ông nhắn trên facebook, hẹn con gái tôi từ mấy tháng trước. Nghe con gái bảo "ông chu đáo lắm, sinh nhật con- cũng nhắn tin chúc mừng". Cảm động, khi nhận ra cái tình của ông. Càng xúc động hơn khi nghe kể: Dù không biết tiếng Việt, ông vẫn cặm cụi sục tìm những bài viết rồi tra Google dịch để nắm tình hình, tin tức về tôi, trong suốt hai năm tôi ở tù.
Lần thứ tư ông trở lại Việt Nam. Trong bốn lần ấy, tôi có vinh dự gặp ông ba lần. Và hai lần ông về Đà Nẵng cùng tôi. Cái duyên cho tôi gặp để thành bạn của ông, là bởi một nhân chứng đặc biệt trong vụ thảm sát Mỹ Lai: anh Trần Văn Đức.
Đức, chính là người anh trong bức ảnh "hai anh em che chở nhau", serie ảnh thảm sát Mỹ Lai của Ronald Haeberle. Tuy nhiên, bức ảnh lịch sử đó đã bị hiểu sai, chú thích sai trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Năm 2011, tháng 10. Đức, cùng Ronald Haeberle hẹn tôi tại Mỹ Lai. Chuyến đi với hi vọng thuyết phục được Bảo tàng Sơn Mỹ cùng chính quyền Quảng Ngãi nhìn ra sự thật. Nhưng ngạc nhiên. Thậm chí Ronald Haeberle đến sửng sốt, hốt hoảng khi đi đâu cũng thấy có người che mắt bịt mặt theo dõi. Cả Ronald Haeberle, Trần Văn Đức và tôi đều sốc trước sự "đón tiếp" kỳ lạ này.
Và kết quả là gì?
Cho dù ông có cố chứng minh, thuyết phục đến mấy, rằng là tôi đây, tôi là người chụp bức ảnh đó đây, rằng anh Trần Văn Đức và Trần Thị Hà đây chính là hai anh em trong ảnh... Nhưng chẳng ai chịu nghe. Ông nói gì mặc!
Suốt mấy ngày cùng ông ở đấy, tôi không hề thấy quan chức nào đến chào ông một tiếng, hoặc ăn sáng cùng ông.
Điều an ủi duy nhất trong đợt trở về này: Báo chí đã vào cuộc, theo sát từng bước trở về của Trần Văn Đức và Ronald, chứ không chỉ đơn độc Một Góc Nhìn Khác là tôi, như những năm trước.
Và một điều bất ngờ, ít ai được biết: Cũng trong đợt trở về này, ông đã tặng lại Trần Văn Đức chiếc máy ảnh Nikon mà ông dùng để chụp những thước phim Mỹ Lai kinh hoàng ấy. Chiếc máy ảnh lịch sử được ông cất giữ cẩn trọng suốt mấy chục năm để giờ trao lại cho Đức.
Gần 2 giờ sáng trong phòng khách sạn, Đức run run mở cái bao đựng chiếc máy ảnh Nikon cho tôi xem. Chiếc máy ảnh lịch sử mà Bảo tàng Sơn Mỹ và chính quyền Quảng Ngãi đã không thể có, thậm chí không được nhìn thấy, vì chính cách cư xử... bất ơn và kém văn hoá của họ.
Đấy là lần thứ hai ông trở lại Mỹ Lai. Năm 2000, lần đầu tiên ông đã lẳng lặng trở về trong vai một vận động viên xe đạp. Không ai biết ông là Ronald Haeberle, càng chẳng ai biết đó là tác giả những bức ảnh Mỹ Lai lịch sử.
Lần thứ ba, là dịp tưởng niệm 45 năm thảm sát Mỹ Lai. Lần đó, ông về Đà Nẵng với tôi 2 ngày, trước khi đi Quảng Ngãi. Ông đòi tôi dẫn dọc mấy vòng hết những cung đường biển mấy chục ki lô mét, rồi leo đỉnh Sơn Trà...
Tôi đoán, ông muốn thả mình thư thái vài ngày, trước khi về lại với những ám ảnh Mỹ Lai kinh hoàng.
Lễ tưởng niệm, không ai trong đám quan chức nhường ghế mời ông. Cũng chẳng thấy ai chào thăm, dù một tiếng. Dự xong, trên đường về, tôi hỏi "ông thấy thế nào". "Không thích cảnh tái diễn như... văn công vậy. Toàn cảnh phụ nữ, trẻ em, xác chất chồng. Không biết người ta diễn lại để làm gì? Và cái âm thanh thì… "– Ông lắc đầu và đưa tay bịt tai.
“Lễ tưởng niệm là của các nạn nhân, dành cho vong hồn các nạn nhân, chứ không phải cho ai khác”. Câu này của ông khiến tôi ám ảnh mãi. Vâng, gì đấy như các buổi lễ tưởng niệm kia họ làm để... biểu diễn cái gì đó, chứ không nhằm tưởng niệm!
Lần thứ tư này, ông về Mỹ Lai trước, xong mới ra Đà Nẵng với tôi. "Trước giờ, ông tự về hay có lần nào chính quyền mời?". Ông cười "Tự tôi về thôi, chưa một lần nào nghe chính quyền Quảng Ngãi hay Bộ Ngoại giao Việt Nam ngỏ lời".
Ứng xử Mỹ Lai
Tôi chìa ông xem một bức thư "có phải thư ông?" - "Đúng rồi". Đó là bức thư ông gửi chính quyền Quảng Ngãi năm 2013, yêu cầu gặp gỡ đối thoại làm sáng tỏ những hoài nghi quanh các sự kiện Mỹ Lai. "Vậy từ đó đến nay, có ai trả lời ông?" - "Không, tôi không thấy một ai trả lời hay hồi đáp gì".
"Chuyện của hôm nay, rồi ngày mai sẽ khác. Nhưng điều khiến tôi tự hỏi mãi mà không trả lời được: Tại sao tôi là tác giả, tôi là nhân chứng, tôi khẳng định mình chụp Đức - Hà, hai anh em trong ảnh là Đức - Hà, nhưng vẫn không ai chịu nghe. Sự thật là tôi đây, sao họ không chịu lắng nghe, không chịu cải chính?".
"Rồi người ta còn vu khống tôi đem bán, kiếm tiền trên những bức ảnh Mỹ Lai đó nữa" - Ông nói, xong cho tôi xem một đoạn ghi lời thuyết minh của nhân viên Bảo tàng Sơn Mỹ, họ nói ông "bán bộ ảnh Mỹ Lai lấy 80.000 USD". Bản thuyết trình gọi Ronald Haeberle là “tay này” cùng cách ác cảm như thể đang nói về một... thằng ăn trộm! (Bấm link nghe: Bản thuyết trình Sơn Mỹ).
Sững người. Không hiểu sao người ta có thể ứng xử với Ronald Haeberle theo cách vô ơn, vô học và kém văn hoá đến vậy. Ông đáng được xem như một ân nhân. Vụ thảm sát kinh động địa cầu mang tên Mỹ Lai bị lôi ra ánh sáng, cũng nhờ từ những bức ảnh lịch sử mang tên Ronald Haeberle.
Những ký ức buồn đau, đâu phải của riêng người Việt. Ông là chứng nhân. Và đó cũng là những ký ức buồn đau của chính ông. Ông là một phần sự thật. Và, thêm cả những sự thật mà ông vẫn đang cố công tìm lại. Cho dù người ta cố tránh, thậm chí dựng điều bôi nhọ ông.
"Hope this world will be a better place for us, where the truth will always be respected" - Câu của con gái tôi viết vào mặt sau một bức hoạ, trong bộ 10 bức hoạ màu tặng ông. Ông bảo "về đến Ohio sẽ đóng khung treo trân trọng trong phòng khách". Vậy là không chỉ tôi, giờ con gái tôi cũng thành bạn ông.
“Đúng dịp tưởng niệm 50 năm Mỹ Lai, tôi sẽ trở lại cùng con gái và cháu ngoại. Hẹn gặp tại Mỹ Lai, tháng 3/2018” - Ông nói khi chia tay bố con tôi.
Vâng. Dù gì thì Mỹ Lai giờ đã như một điểm về, để thi thoảng ông trở lại. Cho dù ít ai biết, và cũng chẳng ai mời. Đó là cái cách về của riêng ông, cho ông vậy.
- - Chiếc máy ảnh Nikon lịch sử của cựu phóng viên chiến trường Ronald Haeberle.
- - Bức ảnh lịch sử chụp hai anh em Trần Văn Đức – Trần Thị Hà (phim gốc) của Ronald Haeberle.
- - Ronald Haeberle, dựng lại bức ảnh “hai anh em” lịch sử, tại chính vị trí gần nửa thế kỳ trước với hai nhân vật chính trong ảnh, tháng 10/2011.
- - Mặt sau bức hoạ con gái tôi tặng ông: “Hope this world will be a better place for us, where the truth will always be respected”.
Bài bình luận gần đây