You are here

Khi chế độ sụp đổ, chúng ta cần làm gì và làm như thế nào? (Bài 3: Những việc cần làm khi chế độ sụp đổ)

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong số các kịch bản thay đổi - sụp đổ chỉ có duy nhất kịch bản sụp đổ và sụp đổ toàn diện là khó hình dung, cũng như khó xử lý nhất. Các kịch bản còn lại, đều ít nhiều có chủ thể tiếp quản và có sự chủ động trong việc giữ ổn định xã hội và xây dựng thể chế mới. Việc chủ thể nào còn nắm giữ sự chủ động và tiếp quản chế độ cũ chúng ta không biết được nên rất khó hình dung và xác định đúng hướng. Chính vì vậy, bài viết này chỉ đề cập tới trường hợp sụp đổ và sụp đổ toàn diện của chế độ, trong bối cảnh không hề có lực lượng chính trị thay thế, do đó sẽ xuất hiện khoảng trống quyền lực và chắc chắn, ít nhiều có sự hỗn loạn xã hội.

     Chúng ta có thể hình dung ra, một số nét cơ bản của tình hình, khi chế độ sụp đổ toàn diện, không có lực lượng chính trị nào thay thế ngay được. Trước hết, sẽ có một vài tổ chức của phong trào dân chủ, và nhân sĩ trí thức kết hợp với đại diện của Liên Hợp Quốc và các đại sứ quán của các cường quốc. Liên Hợp Quốc, mà nhiều khả năng Mỹ sẽ giữ vài trò chủ đạo sẽ tập hợp các tổ chức lớn của người Việt trong và ngoài nước để thành lập Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời, có thể có cả đại diện của quân đội tham gia. Sau đó sẽ công bố Chính phủ Lâm thời, chương trình hành động, thời gian xây dựng và công bố hiến pháp mới, ấn định lịch trình tổng tuyển cử...đó là những việc thường xảy ra ở các quốc gia có sự thay đổi hay sụp đổ hoàn toàn chế độ. Như vậy, gần như chắc chắn, các đại diện của các đảng phái trong và ngoài nước, tổ chức hội nhóm xã hội dân sự trong nước sẽ tham gia vào Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời. Vậy thì, phong trào dân chủ, hay những người thuộc thuộc các tổ chức đảng phái đấu tranh cho dân chủ chúng ta cần phải làm những gì? Có hai nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta cần thực hiện khi đó: ổn định tình hình và chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ.

     1/ Ổn định tình hình

     Khi một chế độ sụp đổ, nhất là chế độ cộng sản với biết bao nhiêu cơ quan, chủ thể trong hệ thống, đồng thời phần lớn người dân bị bất ngờ sẽ xảy ra một tình trạng hoảng loạn vô cùng rộng lớn. Sự dồn nén, căm phẫn của người dân, sự lo sợ hoảng loạn của các quan chức cộng sản... sẽ tạo ra một bức tranh cực kỳ hỗn loạn và lộn xộn. Đây là hậu quả trực tiếp của việc ngăn chặn, không cho ra đời bằng mọi giá một lực lượng đối lập có tổ chức của nhà cầm quyền Việt Nam. Như vậy, tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ chắc chắn xảy ra cho tới khi các tổ chức, hội nhóm bàn bạc và lập ra được một Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời. Quãng thời gian này, chúng ta không thể biết được có thể xảy ra những điều gì, và hầu như chưa ai có thể can thiệp được, trừ sự can thiệp của đội quân gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nếu tình trạng hỗn loạn dẫn tới bạo loạn. Như vậy, khi xuất hiện Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời thì nhiệm vụ quan trọng nhất là vấn đề ổn định tình hình.

     Muốn ổn định tình hình, chúng ta cần phải xác định được thành phần và nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn, và giải quyết theo các nguyên nhân đó. Có hai nhóm người chính, có thể là chủ thể dẫn tới sự hỗn loạn, đó là người dân với sự dồn nén, bức xúc và căm thù chế độ khi chế độ sụp đổ sẽ có hành động trả thù. Việc trả thù sẽ kéo dài và lan rộng nếu như họ nghĩ rằng không có luật pháp và không ai ngăn cản và chế tài được họ. Như vậy ở đây, cần có những luật lệ khẩn cấp, cần có những lực lượng ngăn cản sự trả thù một cách tự phát của người dân. Ngoài ra, sẽ có các cá nhân lợi dụng tình hình để cướp phá, hôi của cũng cần được ngăn chặn. Một thành phần khác, đó là những cựu quan chức, công nhân việc chức của chế độ cũ, nhất là công an và an ninh lo sợ sự trả thù, lo sợ cho tương lai có thể tập hợp nhau lại để đi theo hướng chống lại chính quyền mới để (họ nghĩ) có thể tự bảo vệ mình. Việc này đặt ra một nhiệm vụ cấp thiết, cần có một chương trình, chính sách minh bạch, rõ ràng, công bằng và nhân bản đối với đối với những người thuộc chế độ cũ.

     Tóm lại, để ổn định tình hình, Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời cần thực hiện những công việc thiết yếu sau.

     - Công khai mục đích, mục tiêu, thời hạn của Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời.

     - Công khai tiến trình, thời gian biểu, các bước chuẩn bị để xây dựng thể chế dân chủ.

     - Công bố chính sách đối với những người, những vụ việc liên quan tới chế độ cũ.

     - Công bố, thông báo và có lực lượng hỗ trợ ngăn chặn các hành vi quá khích có tính chất trả thù cá nhân hoặc gây bạo loạn.

     Về cơ bản, với những gương mặt có uy tín, một chương trình hành động rõ ràng, minh bạch, có thời hạn đồng thời có phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm được thông tin tới toàn thể người dân, sẽ là cơ sở để ổn định tình hình trong lúc nước sôi lửa bỏng.

     2/ Chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ

     Chúng ta biết rằng, theo thông lệ của các nước gần đây có sự thay đổi chế độ, họ thường xây dựng thể chế dân chủ theo cùng một cách. Đó là thuê các chuyên gia, có thể kết hợp với các học giả trong nước viết hiến pháp, đồng thời ấn định thời gian tổng tuyển cử khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, tất cả thể chế dân chủ đều được bắt tay xây dựng khi đã có các cơ quan lập pháp và hành pháp là quốc hội và chính phủ. Cách thức này, quá trình này, chúng ta chỉ có thể gọi, đó là chuẩn bị cho tổng tuyển cử chứ hoàn toàn không phải là quá trình chuẩn bị để xây dựng thể chế dân chủ. Điều này (cách thức xây dựng chính quyền kiểu này) cùng với việc bỏ qua việc xác định, lựa chọn định chế dân chủ cốt lõi của thể chế dân chủ là nguyên nhân chính dẫn tới việc tất cả các quốc gia xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới chỉ có dân chủ trong tuyển cử, mà không hề có dân chủ tự do cho người dân.

     Khi chúng ta đặt vấn đề, chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ thì điều đó hoàn toàn khác với việc chuẩn bị cho ra đời bản hiến pháp và việc tổng tuyển cử để tạo ra quốc hội và chính phủ. Toàn bộ quá trình xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới đều bỏ qua một vấn đề quan trọng nhất, đó là thông tin đến từng người dân, về các quyền con người, về tự do, dân chủ về tình hình đất nước... dẫn tới tình trạng người dân không có đủ thông tin và kiến thức để tham gia vào quá trình xây dựng thể chế dân chủ và vận hành, thực thi, thực hiện các quyền con người của mình. Chính vì vậy, việc chuẩn bị để xây dựng thể chế dân chủ cần tuyệt đối tập trung vào nhiệm vụ này. Ngoài những việc cần làm, dựa vào kinh nghiệm của thế giới, chúng ta cần thực hiện ba bước tối quan trọng, để xây dựng thành công thể chế dân chủ trong tương lai.

     Một là, thời gian để các chính đảng, đảng phái đăng ký và quảng bá tới mọi miền đất nước, mọi thành phần trong xã hội ít nhất là từ 2-3 năm. Điều đó có nghĩa là Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời cần tồn tại, duy trì từ 2-3 năm, sau đó mới thực hiện tổng tuyển cử. Đây là điều kiện bắt buộc để người dân có thông tin và nhận thức về tình hình đất nước, về các quyền con người, và về các chính đảng.

     Hai là, cần xây dựng ngay lập tức một trung tâm thông tin - hỗ trợ pháp lý của quốc gia, có văn phòng ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, có thể thông tin xuống tới tận thôn, bản, làng của người dân. Trung tâm này có chức năng thông tin toàn bộ các vấn đề về tình hình đất nước, trang bị các kiến thức về quyền con người, về tự do dân chủ cho toàn thể người dân trong cả nước. Đây là điều kiện tiên quyết, bắt buộc nếu Việt Nam muốn xây dựng được thể chế dân chủ thành công, tránh lối mòn của các quốc gia khác trên thể giới. Chúng ta tuyệt đối không được bỏ qua bước đi nền tảng này.

     Ba là, đặt việc xây dựng thể chế dân chủ ở đơn vị cơ sở làm trung tâm, tất cả việc xây dựng thể chế dân chủ ở các đơn vị khác  xoay quanh và hỗ trợ, phục vụ cho đơn vị này. Lý do là, đơn vị dân chủ cơ sở chính là nơi thể hiện và thực hành quan trọng nhất tự do của con người.

     Với ba vấn đề tối quan trọng trên, cùng với việc xác định được định chế dân chủ cốt lõi, để xây dựng và vận hành, chúng ta tin rằng, thể chế dân chủ của Việt Nam sẽ vượt thoát được lối mòn mà bao năm qua, hàng trăm quốc gia xây dựng thể chế dân chủ đã và đang mắc phải./.

Hà Nội, ngày 19/11/2016

N.V.B