Khi bị chất vấn bởi báo chí, Trưởng phòng Giáo dục Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) Lê Bá Thiềm - người được cho đã điều động một số cô giáo trong huyện làm lễ tân, tiếp rượu quan khách, đã nói một câu tỏ rõ mình là một tay cao cờ:
'Giáo viên nào phản ánh như thế cứ trực tiếp đối thoại (đối chất)'.
Ông ấy đã chiếu đúng thế bí của các nữ giáo viên: Trước quyền lực ai cũng yếu ớt vì đơn lẻ.
Vậy nên, cho tới lúc này, nhiều ngày sau khi sự việc xảy ra, chưa một ai trong số các nữ giáo viên dám đứng ra trước công luận, đường đường chính chính tố cáo hành xử tệ hại của ông Trưởng phòng và những cấp trên của ông ta ở Hồng Lĩnh.
Ngay cả khi nhận được sự khích lệ từ các nhà báo, đa số nữ giáo viên này hẳn đều đang nghĩ: 'Nhà báo đến viết bài rồi đi, nhưng mình vẫn sẽ là giáo viên ở cái xứ Hồng Lĩnh này mãi, liệu có yên ổn không, ngay cả khi có thể khiến tay Trưởng phòng kia mất chức? Hay là chưa được vạ thì má đã sưng? Thôi thì đành im lặng vậy, có phải mỗi mình bị vậy đâu.'
Vậy là cuối cùng ai nấy đều giữ sự ấm ức trong im lặng. Bất công cũng được nuôi dưỡng theo cách đó.
Giả định này, nếu đúng thực tế, gợi ý rằng, sự vào cuộc của báo chí, dẫu rất quan trọng, song vẫn chỉ giúp giải quyết phần ngọn của vấn đề khi sự tình vỡ lở, chứ không xử lý được nguyên nhân gốc rễ để ngăn chặn những điều tệ hại.
Nhưng mà nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là gì?
Nhiều người trả lời đơn giản là vì những lãnh đạo như ông Thiềm thiếu đạo đức, vô giáo dục và coi thường phụ nữ nên mới hành xử như vậy.
Chưa vội đánh giá lý giải trên, thử điểm qua thêm vài câu hỏi nữa:
1, Sự việc ép giáo viên nữ có ngoại hình ưa nhìn phải đi tiếp khách, tiếp rượu nhân các kỳ lễ lạt chỉ diễn ra trong ngành giáo dục huyện Hồng Lĩnh? Hay chỉ riêng ở tỉnh Hà Tĩnh? Hay là của cả nước?
2, Sự việc này chỉ xảy ra trong ngành giáo dục, hay còn trong các ngành nghề, lĩnh vực khác của khu vực công, khi mà các nữ nhân viên có vẻ ngoài dễ nhìn thường bị yêu cầu phải đi tiếp khách - điều vốn không được quy định trong mô tả công việc của họ, và nằm ngoài ý muốn của họ?
Nếu câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên đều là 'Không': Sự việc trên KHÔNG CHỈ xảy ra ở Hồng Lĩnh, cũng KHÔNG CHỈ trong ngành giáo dục mà ở khắp các cơ quan của những lãnh vực khác nhau trên cả nước, thì có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với một câu hỏi lớn hơn: Vì sao đa số những người có quyền hành ở xã hội chúng ta đều hành xử như vậy?
Hay, nếu gọi cách hành xử trên là phi đạo đức, thì câu hỏi sẽ là vì sao những kẻ có quyền hành ở nước ta lại phi đạo đức trên một diện rộng như thế?
Đơn giản thôi, ấy là vì quyền lực của họ không bị kiềm chế/đối trọng.
Lord Acton, vài trăm năm trước đã nói một câu khó có thể bắt bẻ: "Quyền lực có xu hướng gây hủ hóa. Quyền lực tuyệt đối, hủ hóa tuyệt đối".
Ai, tổ chức nào trong ngành giáo dục Hồng Lĩnh có thể đối trọng lại quyền lực của ông Lê Bá Thiềm, trưởng phòng giáo dục huyện này?
Mà cũng chưa cần tới cấp trưởng phòng giáo dục, nội trong một trường học hiện nay, ai, tổ chức nào có thể đối trọng lại quyền lực của hiệu trưởng?
Đây mới thực sự là nguồn cơn của nhiều điều tệ hại xảy ra mà kẻ chịu thiệt bao giờ cũng là mỗi người lao động đơn lẻ.
Thế giải pháp là gì?
Bản chất mối quan hệ giữa ông trưởng phòng giáo dục (và các hiệu trưởng) với các cô giáo là giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động đang lạm dụng quyền lực để bắt ép người lao động phải làm những việc ngoài hợp đồng.
Người sử dụng lao động luôn có ưu thế hơn trong mối quan hệ với mỗi người lao động đơn lẻ (nhờ nắm quyền về lương thưởng, thuyên chuyển công tác...), nên để đối trọng lại quyền lực này người lao động cần phải kết hợp với nhau thành nghiệp đoàn.
Sức mạnh của nghiệp đoàn nằm ở khả năng khiến cho người sử dụng lao động phải trả giá bằng thiệt hại to lớn một khi dám xâm phạm vào lợi ích chính đáng của mỗi thành viên trong nghiệp đoàn.
Thử hình dung, cũng trong tình huống Trưởng phòng Lê Bá Thiềm có văn bản điều động đi tiếp khách như trên, giả sử các giáo viên ở Hồng Lĩnh có một nghiệp đoàn giáo chức thực sự độc lập do chính họ điều hành. Nghiệp đoàn này, sau khi xét thấy yêu cầu của ông Trưởng phòng là không thể chấp nhận được, đã ra quyết định sẽ bãi khóa để phản đối. Toàn bộ giáo viên ở Hồng Lĩnh ngay ngày hôm sau hưởng ứng bằng cách không đến trường khiến hệ thống giáo dục huyện này ngưng trệ. Nghiệp đoàn tuyên bố giáo viên sẽ chỉ trở lại trường cho tới khi nào Trưởng phòng Thiềm rút lại văn bản và xin lỗi.
Thêm nữa, một khi nghiệp đoàn giáo chức huyện Hồng Lĩnh có liên kết với tổng nghiệp đoàn giáo chức Hà Tĩnh và cả nước, họ có thể hành động ở một mức độ cao hơn - một cuộc bãi khóa của giáo viên toàn quốc đòi cách chức Lê Bá Thiềm và điều tra liệu các quan khách có hành vi lạm dụng tình dục hay chẳng hạn - nếu xét thấy văn bản của ông ấy xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nghề nghiệp của họ. Chính phủ, nếu không muốn hệ thống giáo dục quốc gia bị ngừng trệ, sẽ buộc phải xuống tay ngay với những cán bộ như ông Thiềm.
Thế thì, chỉ sau một lần nhớ đời như vậy, không chỉ ông Thiềm và các hiệu trưởng mà cả các cấp trên của ông Thiềm và các quan chức giáo dục khác cũng phải dặn dò nhau không làm gì trái với các điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký với giáo viên. Những điều tệ hại cứ theo đó mà được ngăn chặn.
Đọc tới đây, hẳn nhiều người sẽ nói: Lại nghiệp đoàn độc lập chứ gì, Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rồi, không có TPP đâu, đừng mơ về nó nữa.
Không nên nghĩ vậy, TPP hay nước Mỹ không phải là điều kiện cũng chẳng hề là động lực để người Việt đòi quyền tự do nghiệp đoàn.
Phẩm giá của từng cá nhân người lao động, và quyền lợi chính đáng của họ - chẳng hạn ở đây, là quyền được yên ổn đứng trên bục giảng rồi về với chồng con của các cô giáo Hồng Lĩnh, chứ không phải ngả nghiêng với chén rượu bên đám quan chức - mới chính là nguyên nhân và động lực của tự do nghiệp đoàn - nơi mà trong đó những người lao động đơn lẻ tìm thấy sức mạnh to lớn hơn khi dựa vào nhau để bảo vệ nhau.
Mà người lao động là ai? - Là các cô giáo ở Hồng Lĩnh, là bạn, là tôi và cha mẹ anh em bạn bè của chúng ta, chứ còn ai nữa.
Bài bình luận gần đây