Hình như, đang có tranh cãi, bất đồng về giải "Nhân quyền Việt Nam 2016", với việc vinh danh hai nhân vật Cấn Thị Thêu và Trần Ngọc Anh.
Không rõ lắm về "giải nhân quyền" này. Nhưng tôi đồng cảm, và chia sẻ với quan điểm của Linh mục Phan Văn Lợi:
"Dân oan là vấn đề nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam lúc này", và "phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền".
Trần Ngọc Anh, tôi cũng không rõ lắm. Nhưng tôi quí trọng và khâm phục Cấn Thị Thêu. Không phải vì chị là vợ người bạn tù thân quí của tôi, mà bởi sự dấn thân đầy quả cảm, can trường của chị. Và cũng không bởi riêng chị, mà cả một gia đình bất khuất của chị. Là anh Trịnh Bá Khiêm chồng chị, là các cháu Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, đặc biệt cháu Phương với tuyên ngôn "nếu tôi chết, đừng chôn, hãy khiêng xác tôi khắp phố phường Hà Nội".
Hiếm có phụ nữ nào như chị. Ra tù ngày trước, hôm sau đã lại phất băng rôn biểu ngữ, dẫn đầu đoàn dân oan Dương Nội tiếp tục chiến cuộc biểu tình giữ đất.
"Ngày hôm nay các ông bắt một người, sẽ có 100 người đứng lên. Ngày mai các ông giết 1 người, sẽ có 1 triệu người đứng lên". Khi cất lên câu này, Cấn Thị Thêu đã không chỉ dừng lại ở tâm thế một dân oan đòi đất. Khởi phát từ sự phản kháng của một nông dân mất đất, nhưng không dừng ở việc đòi đất. Suốt mấy năm qua, cái tên Cấn Thị Thêu đã trở nên như một biểu tượng quả cảm, bất khuất của phong trào dân quyền.
Nhìn hình ảnh chị trước toà, nhiều khi cứ tự hỏi: Hay phải chăng chị, chính những nông dân mất đất như chị (chứ không phải giới học thức, trí nhân khoa bảng) đang gánh vai trò thắp lửa?
Có thể, ngay chính chị, cả gia đình bất khuất của chị, cùng hàng triệu bà con dân oan khác, không hề mường tượng nổi vai trò “thắp lửa” ấy. Cả khái niệm “giải thưởng”, “vinh danh”- với họ cũng là thứ quá ư xa lạ. Nông dân mà! Nhưng thú thật, nhiều khi chính họ đang đánh thức cơn ngái ngủ và chút sự... liêm sỉ trong chúng ta.
Với riêng tôi, Cấn Thị Thêu như một mồi lửa, để trái tim và cây bút mình không nguội lạnh.
Bài bình luận gần đây