You are here

Làm thế nào để quà cứu trợ đến đúng người cần?

Đây là câu hỏi mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tham vấn nhiều đoàn cứu trợ cũng như rút kinh nghiệm tự bản thân khi đi cứu trợ bà con vùng lũ Bắc miền Trung, từ Lệ Thủy đến Ba Đồn, Quảng Bình rồi Hương Khê, Hà Tĩnh, sau đó chúng tôi tổng hợp thông tin để tìm ra câu trả lời. Có thể nói ngắn gọn là Rất Dễ trong chuyện này. Vì sao?

Vì hiện tại, việc tặng quà nếu thực sự minh bạch từ người tặng đến người nhận sẽ không xảy ra chuyện thất thoát; Các tổ chức xã hội dân sự đã hoạt động mạnh mẽ và: Quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch.

Điều nghiên thông tin vùng lũ

Muốn minh bạch, phải có chứng từ (mà là chứng từ thật). Ví dụ như khi mua một thùng mì hay nhiều thùng mì, việc yêu cầu chủ cửa hàng tạp hóa viết một biên lai (chứ không cần hóa đơn) liệt kê số lượng, giá từng loại hàng hóa không phải là khó. Và những chứng từ này sẽ được minh bạch trên trang cá nhân, nếu là đi cứu trợ theo sự ủy lạo của cộng đồng thì phải bạch hóa thông tin này trên phương tiện truyền thông sớm nhất.

Trong đó, việc công bố đã nhận được bao nhiêu tiền và chi tiêu vào những khoản nào, cần phải có một bản thống kê gọn và đầy đủ nhất. Những chuyện này hoàn toàn không khó. Cái khó là điều nghiên thông tin cứu trợ.

Qua mấy đợt cứu trợ lũ lụt Quảng Bình, Hà Tĩnh năm 2010 và năm 2016, cho thấy vấn đề điều tiết vùng tặng quà vẫn là điểm yếu nhất của hầu hết các nhà cứu trợ. Thường thì cứu trợ theo cảm tính, cứ thấy đài truyền hình (nhà nước) đưa tin vùng lũ ngập nặng, vùng rốn lũ thì cứ nhắm ngay rốn lũ mà cứu trợ. Điều này dẫn đến hệ quả có nơi ngập quà nhưng có nơi đói quà.

Ví dụ như nói về thiệt hại sau lũ ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh so với thiệt hại của bà con Giáo phận Chay, bên bờ sông Nan, thuộc thị xã Ba Đồn, Quảng Bình hoặc thiệt hại ở Lệ Thủy so với Ba Đồn thì rõ ràng ba Đồn thiệt hại nặng nề hơn nhiều lần do nước chảy xiết, nằm cạnh bờ sông Gianh, đặc biệt là Giáo họ Chay thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng người cứu trợ lại đổ tài chánh vào Phương Mỹ và Lệ Thủy, nơi mà đài truyền hình đưa tin là ngập nặng. Kết quả là hai nơi này có gia đình đã nhận lên đến 50 hoặc 60 triệu đồng tiền cứu trợ, mì tôm chừng ba chục thùng và vài tấn gạo.

Bù vào đó, bà con Giáo họ Chay ở bên cạnh bờ sông Nan, gồm 151 gia đình chịu ngập rất nặng, nước chảy xiết, hầu như không có đoàn cứu trợ nào vào đây trong lúc nước dâng và xong lũ thì sạt lở đường, nhà cửa bị trôi, mất mát nhiều thứ. Nhưng giỏi lắm thì có chừng 3 đoàn cứu trợ lặn lội đến đây. Bằng chứng của việc này là lúc chúng tôi đã đến Giáo họ Chay, tình cảnh ở đây quá thê thảm và khi chúng tôi tặng mỗi suất quà 500 ngàn đồng thì bà con mừng đến chảy nước mắt vì đây là suất quà lớn nhất kể từ đầu lũ lụt đến nay.

Điều này cho thấy quyết định lựa chọn vùng cứu trợ của hầu hết các nhà cứu trợ vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào truyền hình nhà nước và còn nặng về cảm tính. Nếu có sự điều tra, điều nghiên cụ thể thì sẽ không dân đến tình trạng nơi thì ngập quà, nơi thì thiếu đói như hiện tại.

Cung cách làm việc

Thực ra, sau khi chúng tôi tìm hiểu về các suất quà bị thu hồi ở Ba Đồn thì chúng tôi phát hiện ra một vấn đề nổi cộm là có một số đoàn cứu trợ đến đây không thông qua một tổ chức tôn giáo hay một tổ chức nhà nước nào. Đừng nghĩ đây là cách mang quà trực tiếp đến tay người dân tốt nhất mà đây là một thất bại. Vì lẽ, nếu quà tặng thông qua tổ chức tôn giáo và tổ chức nhà nước một cách có khoa học và tận tâm tận lực thì sẽ không bị hao hụt đi bất cứ tí quà nào.

Nếu như các vị cứu trợ mang quà đến gặp các Linh Mục (vì Ba Đồn là huyện của Thiên Chúa nên việc này không mấy khó khăn). Sau đó nhờ các Cha tặng cho người cần tặng. Các Cha sẽ không phân biệt người của Giáo Xứ hay người Lương (cách nói về người không theo tôn giáo nào của người Ki Tô Giáo) và sẽ tổ chức phát quà một cách hiệu quả nhất. Vì chúng tôi đã làm như vậy và sau một tuần, gọi điện hỏi thăm, không có suất quà nào bị mất.

Hoặc, nếu vùng đó không có các tổ chức tôn giáo, cách tốt nhất là gặp ông trưởng thôn. Sau đó đưa ra danh sách những gia đình mình muốn tặng quà, nhờ ông ta xác nhận đây là những gia đình khó khăn nhất. Việc này cũng không khó. Sau đó, đi cùng với ông ta đến từng gia đình để tặng quà và không quên nhắc nhỡ người nhận quà (ngay trước mặt trưởng thôn) rằng đây là suất quà ưu tiên dành tặng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn như họ, họ không có trách nhiệm phải chia với bất kì gia đình nào khác, vì đây là mong muốn của ban tổ chức cứu trợ và cả ông trưởng thôn.

Ngược lại, nếu im lặng đi đến các gia đình tặng quà, nhất là các gia đình này đang sống ở phía Bắc vĩ tuyến 17, họ sẽ có tâm lý bất an sau khi nhận quà của một ai đó đơn phương đi đến tặng họ. Không những trưởng thôn mà bất kì ông tổ trưởng nào cũng có thể hù dọa người dân để lấy phần quà đó về “chia lại cho công bằng”. Bởi hầu hết các gia đình bị lấy quà đều bị hù dọa rằng “đây là tiền của bọn phản động cung cấp” hoặc “đây là tiền bất minh, đang trong quá trình xem xét, điều tra”. Và khi thu phong bì xong, các quan chức địa phương không quên đe “đây là một bí mật an ninh, có ai hỏi thì nói là mang về chia cho đều. Nhưng tốt nhất phải giữ bí mật!”. Người mất tiền răm rắp nghe theo, chỉ một vài người “không còn gì để mất” may mắn gặp ký giả, nhà báo để kể lại sự thật…

Thực ra, vấn đề tặng quà như thế nào để các quan chức địa phương không thể tịch thu phần quà của người dân không phải là khó. Cái khó ở đây là chính nhà cứu trợ tự làm khó cho bản thân và cho người nhận quà. Vì lẽ, một khi vấn đề cứu trợ không được minh bạch ngay từ đầu, nhà cứu trợ tự đẩy mình vào thế khó (đương nhiên, ngoại trừ các nhà cứu trợ đã bị nhà cầm quyền chú ý như Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng…), thay vì ung dung đi vào vùng cứu trợ thì lại chọn cách im lặng và lén đi đến từng gia đình, trong khi đó, sự im lặng này cũng không hoàn toàn im lặng mà có một sự khuấy động nào đó vì một mục đích nào đó… Khiến cho sự việc trở nên rối rắm và khó xử.

Nhìn chung, việc cứu trợ chưa bao giờ là một việc trái qui định của luật hiện hành, nên người tham gia cứu trợ không nên quá cẩn thận (nhưng cũng đừng quá chủ quan theo cách treo băng rôn, biểu ngữ trong lúc không có giấy giới thiệu hoặc giấy phép, vì một khi treo băng rôn, biểu ngữ thì phải có hai loại giấy này theo qui định của nhà cầm quyền địa phương – phép vua thua lệ làng!). Và cứu trợ là một việc nhân đạo, không có lý do gì phải giấu diếm hay dấm dúi. Bởi càng dấm dúi, sự minh bạch của những đồng tiền cứu trợ càng trở nên rối mù, khó hiểu!

Trong đợt lũ vừa qua, có những suất cứu trợ/nhà cứu trợ rất thành công như Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng và nhiều người khác tôi không tiện nêu tên. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gây ra sự hiểu nhầm không nhỏ cho sứ mệnh cứu trợ. Bởi vấn đề quan trọng nhất bao giờ cũng là tấm lòng và sự minh bạch của nhà cứu trợ! Vì đó là động cơ mạnh nhất để các suất cứu trợ đến tay người cần nó một cách tốt nhất.