Trong bối cảnh chính sách bành trướng của Trung quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng, các hoạt động xoay trục của Hoa Kỳ sang Á châu có nhiều biểu hiện thiếu hiệu quả. Đó cũng là lý do dẫn đến nhiều quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malayxia, Philppines ... đã thay đổi chính sách ngoại giao. Chuyến thăm của ông Duterte đến Bắc Kinh hay chuyến viếng thăm Trung Quốc của thủ tướng Malaysia Najib Razak trong những ngày gần đây đã cho thấy điều đó.
Bối cảnh đó đã trở thành một thách thức vô cùng khó khăn với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, là quốc gia được coi là nằm trong sự giao thoa trong quan hệ với 2 cường quốc hàng đầu thế giới, đó là Trung Quốc và Hoa kỳ. Chỉ trước đây ít lâu, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, thì Philippines luôn tỏ ra một tên lính xung kích. Điển hình là việc kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc tế trong lúc Việt Nam chỉ dám làm vai trò a dua, ăn theo, nói leo. Chính vì thế, một khi chính sách đối ngoại của Philippin thay đổi như vừa nói thì Việt Nam không muốn cũng phải đảm trách vai trò mà Philippines để lại.
Gánh nặng đó đối với ban lãnh đạo Việt Nam là hết sức nặng nề, nhìn lại các gương mặt tứ trụ hàng đầu hiện nay như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân thì sẽ thấy, việc hóa giải vấn đề Biển Đông vẫn chưa có một khuôn mặt nào có thể đảm nhận một cách đầy đủ để trung hòa quyền lợi giữa 2 cường quốc này. Cho dù chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn dựa trên chính sách "đu dây" với các cường quốc.
Kể từ sau Đại hội 12, ban lãnh đạo Đảng thống nhất chủ trương chung, duy trì và tiến hành đường lối thực hiện các chính sách cải cách của ông Nguyễn Tấn Dũng, đó là điều mà nhiều người trong đảng gọi là “thực thi đường lối của Nguyễn Tấn Dũng mà không có Nguyễn Tấn Dũng”. Chính sách này đang được một bộ phận trong đảng ủng hộ và thúc đẩy, vì nó phù hợp nhu cầu “Đảng CSVN vẫn có thể chống Trung Quốc trong một giới hạn nhất định, nhưng không để vỡ đảng”. Cho dù phe thân Trung Quốc trong đảng luôn bằng mọi cách cố gắng kìm hãm, níu kéo nhưng không thể đảo ngược xu thế chống Trung Quốc của đa số lãnh đạo cao cấp trong đảng.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, một người lâu nay vẫn mang tiếng thân Trung Quốc, đã tuyên bố rằng "Việt Nam cam kết hỗ trợ Mỹ và đồng minh can thiệp vào tình hình khu vực, miễn sao điều đó mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Trong những ngày gần đây, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đảng CSVN đã có hai chuyến ngoại giao con thoi đi liên tiếp đến các cường quốc Trung quốc và Hoa Kỳ. Trước hết là chuyến viếng thăm Trung Quốc chớp nhoáng từ ngày 19 đến 21 tháng 10 và ngay sau đó là chuyến công du Hoa Kỳ dài ngày từ ngày 23 đến 31 tháng 10. Chuyến đi của ông Huynh được cho là nhằm yêu cầu phía Hoa Kỳ xác nhận các chính sách quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, giữa lúc quốc gia này đang trong mùa bầu cử và nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sẽ kết thúc trong vòng một vài tháng nữa?
Giới phân tích thì cho rằng, việc ông Đinh Thế Huynh có những chuyến đi ngoại giao con thoi chỉ ít nhiều có liên quan đến vấn đề đó, chứ hoàn toàn không mang ý nghĩa trong việc trao đổi về chính sách hay thảo luận về các hợp tác chiến lược. Vì thời điểm chuyến thăm vào lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử của Hoa kỳ trong vài ngày tới. Ông Huynh được ban lãnh đạo Việt Nam giao nhiệm vụ tiến hành chuyến thăm mang tính hình thức với tư cách một nhân vật số 2 trong đảng, với mục đích duy nhất là để xây dựng tư thế chính trị cho ông Đinh Thế Huynh, trong vai trò ứng cử viên Tổng Bí thư trong thời gian sắp tới. Trong lúc uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đảng lúc này đã ở mức thấp nhất, sau Hội nghị TW 4.
Các nhà bình luận thấy rằng, lẽ ra người nắm vai trò trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này phải là sứ mệnh của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang một nhân vật được phía Mỹ tin tưởng hơn, do các hoạt động thời gian gần đây đã có nhiều biểu hiện chống sức ép từ phía Trung Quốc.
Vì sao lại nói như vậy?
Trước hết là chuyến thăm Mỹ trong thời gian gần 1 tháng vào đầu năm 2015, ông Trần Đại Quang đã có nhiều hoạt động tiếp xúc với các cơ quan tình báo, phản gián cũng như Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ . Cũng như các động thái mới đây nhất của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trong việc Việt Nam đưa tên lửa ra bảo vệ Trường Sa. Hay tại Đối thoại Singapore lần thứ 38 do ISEAS tổ chức hôm 30/8/2016, tại diễn dàn này Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã cảnh báo rằng những diễn biến gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã “tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không”. Cũng phải kể đến việc ông Quang đã tiến hành như, mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ ( 500 triệu USD) bằng tín dụng của Ấn Độ cấp, liên kết với Pháp-Anh cùng lên tiếng về an ninh hàng hải. Đó chính là các hành động kế thừa con đường ngoại giao quốc phòng của ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là những điều điều khiến Trung Quốc hết sức căm tức.
Tuy nhiên ông Quang không được tiến hành chuyến công du này, Trung Quốc sẽ không bao giờ hoan nghênh ông Trần Đại Quang, đó là lý do chính ngoài việc ông Quang đã từng thăm Mỹ dài ngày cách đây hơn 1 năm. Còn ông HUynh thì chưa. Bởi vì một trong những nguyên tắc bất di bất dịch trong công tác quan hệ đối ngoại của lãnh đạo Việt Nam là, không được qua thăm Mỹ trước khi sang thăm Trung Quốc. Nghĩa là muốn thực hiện chuyến công du sang Hoa Kỳ thì phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Qua đó để thấy, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang có muốn cũng không dám sang thăm Trung Quốc, với lý do vì chắc gì đã bảo toàn được tính mạng. Trong quá khứ, bài học mà một số nhân vật lãnh đạo Việt Nam từng bị Trung quốc đặt chất phóng xạ trong phòng ngủ, như ông Lê Duẩn đã luôn luôn phải đổi phòng ngủ trong các chuyến đến Bắc Kinh, vì hàm lượng phóng xạ trong phòng ngủ luôn được lực lượng bảo vệ lãnh đạo xác định là cao bất thường.
Việc các phe nhóm ban lãnh đạo Đảng CSVN phân hóa về quan điểm thân Trung Quốc hay Mỹ là điều có thật, không cần phải bàn cãi. Nhất là vào thời điểm hiện nay, vai trò của Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong vấn đề Biển Đông, nhất là sự thất bại của Hoa kỳ trong vấn đề khu vực này ngày càng rỗ ràng, khác hăn với sự thao túng bằng tiền bạc của Trung Quốc đã lôi kéo được đa số các quốc gia Asean trở cờ, quay lưng lại với Hoa kỳ.
Trong lúc phe đảng của ông Nguyễn Phú Trọng luôn giương cao lá cờ Chủ nghĩa Xã hội để lấy cớ xác định phải dựa tuyệt đối vào TQ để giữ Đảng, giữ chế độ. Thì phe Ba Dũng với những kẻ có đầu óc thực tế, với chiêu bài cải cách nhằm mục đích vay càng nhiều càng tốt cho các dự án đầu tư để kiếm chác, hốt cú chót bất kể nợ công đã ở mức hết sức đáng báo động. Chính vì thế, 2 phe chính trong đảng luôn gầm ghè để tranh giành quyền lực và quyền lợi, mà đằng sau đó là các nhóm lợi ích không lồ của các quan chức mỗi phe. Nhất là vào thời điểm ở Việt Nam đang tiến hành công việc cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước như hiện nay là cơ hội Vàng. Tài sản nhà nước với giá bán rẻ như cho, thậm chí là cho không, nên chuyện chúng nó đánh nhau, thậm chí là giết nhau cũng là việc hết sức bình thường.
Mười tháng trước đây trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII, sau những xung đột gay gắt với phe ông Nguyễn Tấn Dũng ông Nguyễn Phú Trọng đã giành được thắng lợi trong việc nắm chiếc ghế Tổng Bí thư thêm một thời gian, song trên thực tế, trận chiến quyền lực vẫn chưa hề chấm dứt. Tình hình nội bộ đảng CSVN ngày càng suy thoái trầm trọng, tranh chấp quyền lực ngày một gia tăng. Trong khi uy tín của ông Trọng đã xuống quá thấp ở mức chưa từng có, chính vì thế, việc phải thay thế ông Trọng trong năm 2017, sớm hơn kế hoạch là điều hoàn toàn bất ngờ.
Sau 9 tháng nắm chức vụ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là lúc các hậu quả của các quyết định sai lầm bộc phát. Điển hình là thảm họa Formosa Hà Tĩnh đã gây ra biết bao nhiêu khó khăn, khốn đốn cho hàng triệu người dân. Điều đó đã khiến lòng dân 4 tỉnh miền Trung không yên, tình thế căng như chiếc nồi supde bị dồn nén với áp lực cực lớn, chỉ chờ thời gian chín mùi sẽ bùng nổ. Cộng với kết quả của Hội nghị TW4 đã cho thấy, chiến dịch “chỉnh đốn Đảng” của Tổng Bí thư Trọng phát động nhằm thanh trừng nội bộ đã thất bại thì có lẽ ông Trọng khó có thể còn có khả năng ngồi chiếc ghế Tổng bí thư. Không chỉ thế, với sự khủng hoảng lòng tin, một khi uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ở mức không thể thấp hơn", vì có "sơ suất" có nhận một món quà biếu của ban lãnh đạo Formosa, điều mà dư luận xã hội rộ lên rằng đó là bức tượng Hồ Chí Minh bằng vàng ròng (24K) nặng 50 kg. Vấn đề này đã được Bộ Công An đề nghị thành lập một chuyên án để làm rõ, tuy nhiên tập thể Bộ Chính trị với đa số phiếu biểu quyết không tán thành.
Nghĩa là đã đến lúc ông Nguyễn Phú Trọng phải nhường lại ghế Tổng bí thư cho những người khác. Vì thế việc ông Đinh Thế Huynh đến Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng không ngoài mục đích để chuẩn bị trở thành nhân vật thay thế chức vụ người đứng đầu của CSVN trong thời gian tới khi có sự chính mùi cho việc thay đổi Tổng bí thư.
Đó chính là một trong những lý do vì sao ông Huynh mới chỉ nắm chức vụ Thường trực Ban Bí thư từ tháng 2 tới nay, mà đã đảm trách nhiệm vụ quan trọng, công du tới hai quốc gia có quan hệ tầm chiến lược với Việt Nam. Trong Đại hội Đảng 12, theo thỏa thuận giữa các phe phái trong đảng, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ tiếp tục nắm chức vụ Tổng Bí thư thêm nửa nhiệm kỳ là 2 năm và sau đó sẽ nghỉ hưu để nhường lại vị trí này cho Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Ông Quang sẽ là người đầu tiên sẽ đảm trách luôn 2 chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước theo mô hình nhất thể hóa theo kiểu Trung Quốc.
Tuy vậy, việc ông Trần Đại Quang, ngoài việc dính líu đến tội trạng "cải lão hoàn đồng" trong việc thay đổi năm sinh để tiếp kéo dài sự nghiệp chính trị, thì ông Quang còn vướng vết chàm vì đã có bằng chứng cho thấy đã nhận hối lộ 1 triệu USD do tử tù Dương Chí Dũng, Nguyên TGĐ Vinashinlines. Hơn nữa, Trần Đại Quang lại là một đại tướng Bộ trưởng Công an, nếu như để một ông công an làm Tổng bí thư sẽ cho tháy hình ảnh chế độ công an trị ở Việt Nam ngày càng rõ nét. Đó là những điểm yếu của ông Trần Đại Quang phải vượt qua khi chính thức bước vào cuộc đua giành chiếc ghế cao nhất trong đảng.
Một số người cho rằng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh là người thân cận nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bỗng nhiên thực hiện liên tiếp đến Hoa Kỳ và Trung Quốc là động thái mà phe đảng của ông Trọng muốn sử dụng cơ hội này để đánh bóng tên tuổi cho ông Huynh. Vì chỉ còn ít lâu nữa, sẽ bắt đầu cuộc đua với ông Trần Đại Quang trong việc giành chiếc ghế Tổng Bí thư. Đây là điều chưa thực sự đúng.
Nên hiểu, ông Nguyễn Phú Trọng quan hệ tốt với ông Đinh Thế Huynh cho đến lúc này, vì ông Trọng biết ơn ông Huynh. Chính vì nhờ ông Đinh Thế Huynh trượt chức Tổng Bí thư khóa 12, đã trở thành cơ may bất ngờ của ông Trọng được chức vụ này thêm nửa nhiệm kỳ. Nói cho đúng thì đây là kết quả lật đổ ngoạn mục ý đồ can thiệp của Bắc Kinh của Ban Chấp hành TW Đảng tại Đại hội 12. Chứ xưa nay, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không có uy tín trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN, hơn nữa ông Trọng là người giáo điều toàn nói lý thuyết Ban Chấp hành TW không ai người ta nghe cả.
Việc ông Đinh Thế Huynh mon men bước đến chiếc ghế Tổng Bí thư đâu có dễ. cứ nhìn lại chuyến thăm Hoa Kỳ rất giống với trường hợp của ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đến Hoa Kỳ tháng 7/2014, khi đó ông Phạm Quang Nghị được dư luận cho rằng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lựa chọn là người kế vị. Song sau chuyến thăm Mỹ lần đó cũng là bước ngã ngựa của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, từ vai trò của một ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư đã buộc phải gạt nước mắt rời bỏ chính trường sau Đại hội 12. Nói như vậy để thấy ông Đinh Thế Huynh cũng có lẽ đang trượt theo vết xe đổ của Phạm Quang Nghị. Vì phe của ông Dũng, ông Quang đời nào chịu ngồi yên cho các ông phe đảng của ông Trọng tác oai tác quái, tự tung tự tác.
Lâu nay, việc một nhân vật hàng đầu của phe đảng công du Hoa Kỳ là một vấn đề hết sức tế nhị, là điều luôn xảy ra các xung đột khốc liệt giữa các phe phái trong Đẩng, vì thế những người thân tín của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng mấy ai mặn mà trong các chuyến du Mỹ này. Vì sau mỗi chuyến đi có tiếng vang như vậy, luôn là những cuộc chiến khốc liệt giữa các phe phái trong Đảng. Còn nhớ, sau chuyến đi cuối tháng 7/2015, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ về, đã xảy ra một cuộc chiến tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chính vì thế, việc sau chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh đi Hoa Kỳ về lần này chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc chiến quyền lực đẫm máu không kém với đối thủ Trần Đại Quang để tranh giành chiếc ghế Tổng Bí thư. Cho đến lúc này, hai ứng viên nặng ký cho chức vụ Tổng Bí thư cho Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng CSVN sẽ diễn ra vào đầu tháng 1/2018 cũng đã rõ ràng. Chúng ta có thể bắt đầu theo dõi.
Ngày 05/10/2016
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây