You are here

Trở về, đi tới

 

Trong một chuyến đi quốc nội, vô tình đoàn người đang xếp hàng lấy vé ra máy bay bỗng xuất hiện vài người khách Trung Quốc. Đó là những người khách hết sức ung dung. Họ ăn nói lớn tiếng, cười to và tự nhiên, không khác gì dân bản xứ. Hàng dài người Việt đang xếp hàng im lặng nhìn. Mỗi người một suy nghĩ.

Bất chợt 2 người khách Việt nói với nhau “Không biết mình qua Trung Quốc có tự nhiên được vậy không?”. Lời tán gẫu nhỏ, nhưng lại đủ cho vài người chung quanh nghe. Đột nhiên ai nấy đều cười. Những nụ cười khôn cùng ý nghĩa.  “Thì tụi nó qua đây, tự nhiên như nước nó rồi còn gì”, một người khác nói bâng quơ, nhưng như muốn tất cả những người Việt còn lại cùng nghe. Trên mỗi gương mặt Việt lại có một nụ cười. Cũng thật khó tả.

Một người đàn ông lớn tuổi,đầu bạc trắng, cắt ngắn, đi dọc với tôi, kể rằng vừa rồi ông gặp một người khách Trung Quốc. Câu chuyện về ranh giới quốc gia, khác biệt dân tộc, chiến tranh… lại nổ ra. Người Trung Quốc rất tự tin, nói rằng từ nhỏ, ông ta đã được học về lịch sử, nói rằng Việt Nam thuộc về Trung Quốc từ ngàn năm, nhưng sau đó làm phản và tách ra. Vì vậy chuyện phải quay trở về mẫu quốc là điều tất nhiên. “Tụi tao có một tỷ người học thuộc điều đó, tụi mày chỉ có một trăm triệu, cãi không lại tụi tao đâu”, người khách Trung Quốc này cười lớn. Dù không ác ý, nhưng sự diễn đạt rất thật của ông làm tôi lẫn người đàn ông Việt tóc bạc khi kể cho nhau nghe, đều nao lòng.

Nếu như quả có một cuộc trở về định mệnh như vậy, thật xót xa cho lịch sử hàng ngàn năm của cha ông Việt đã chống chọi, bứt xiềng gông cho con cháu hôm nay. Một cuộc trở về như vậy, có lẽ chỉ có một ít người muốn, còn tất cả còn lại đều đau đớn, căm gan. Nhưng hôm nay, dường như mọi thứ đang “đi tới” chứ không phải “trở về”.

Cuối tháng 10, ba chiếc tàu chiến Trung Quốc ghé cảnh Cam Ranh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa huy động người dân và đoàn thể ra phất cờ tiếp đón binh lính Trung Quốc. Chiếc tàu dẫn đầu là Tương Đàm 531, tên gọi của chiếc chiến hạm đã tấn công Gạc Ma năm 1988, thảm sát 64 binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khi không có khả năng kháng cự. Nhiều năm sau cuộc chiến Gạc Ma, chiến hạm này đã được bán cho Bangladesh, nhưng vì cái tên Xiangtan/Tương Đàm gợi nhớ về chiến công hiển hách năm 1988, nên khi đóng tàu mới, chiến hạm Tương Đàm lại ra đời như niềm kiêu hãnh của ngành hải quân Trung Quốc. Điều khác nhau duy nhất là chiếc Tương Đàm cũ, có số hiệu 556, còn chiếc mới có số hiệu 531.

Khi ca sĩ Khánh Ly hát ở Sài Gòn, mọi sự ngăn cấm của các quan chức đều dựa trên ý rằng “không muốn gợi nhớ về một quá khứ không tốt”. Sau năm 1975, hơn 15.000 đầu sách của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam bị đốt, bị cấm và bị truy lùng vì cho là “gợi lại hình ảnh và văn hóa đồi trụy”. Hàng chục ngàn bài hát cùng các văn nghệ sĩ miền Nam bị cấm, cô lập như kẻ thù. Thậm chí có người đã phải vào tù vì có “tội lỗi với nhân dân”… Ấy nhưng Tương Đàm, cái tên đẫm máu người Việt ngang nhiên mang quá khứ đi vào hiện tại, từ Gạc Ma vào nơi quan yếu của Việt Nam, Cam Ranh, lại được chính quyền mở champagne chào đón.

Chắc những người được lệnh chào đón ba chiếc tàu chiến Trung Quốc cũng không biết rằng, vào lúc này, Bắc Kinh đã hoàn thành xong vành đai chiến lược để bao vây đảo Trường Sa của Việt Nam. Phi đạn và chiến đấu cơ của Trung Quốc tạo nên một vòng hỏa tuyến từ đảo đá Chữ Thập, Su Bi, Châu Viên, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, nối đến Gạc Ma. Từ đây, Trung Quốc có khả năng uy hiếp trực tiếp Sài Gòn, Cam Ranh và Trường Sa. Tờ Focus Taiwan đưa tin này, mới đây, vào ngày 18/10/2016.

Người Trung Quốc chắc không còn nói chuyện Việt Nam trở về, mà hình như họ chọn cách đi tới, vì mọi thứ đều đã thuận lợi. Hôm nay thì chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có chính sách mỗi ngày cho 100 xe Trung Quốc lái thẳng vào Việt Nam. Một sự ưu ái khá lạ lùng và sẽ sớm là chuyện của các cửa khẩu ở những vùng khác noi theo, mà chắc con số 100 xe mỗi ngày sẽ dần chỉ là thông báo ước lệ.

Không lâu nữa, năm 2018, bởi những ràng buộc bởi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), một loại thỏa ước thương mại mà Bắc Kinh lập ra để đối đầu với TPP của Mỹ, từ Trung Quốc, các loại động vật sống dùng để nhân giống; nhiều loại thịt, nhiều loại thuỷ hải sản đông lạnh và hoa quả sẽ được miễn thuế 0% khi vào Việt Nam.  Thật đúng lúc, giữa lúc bốn tỉnh miền Trung chịu nạn biển nhiễm độc, lũ lụt tàn phá hoa màu, nhà cửa, giới chăn nuôi khánh kiệt… thì ngay lúc họ chuẩn bị hồi phục, đã bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy nhập khẩu 0% từ Trung Quốc.

Tôi có kể với bạn về chuyện người Trung Quốc học lịch sử rằng Việt Nam phải trở về mẫu quốc? Có một sự thay đổi nhỏ, có màu máu và nước mắt, là chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang sốt ruột đi tới thật nhanh, chứ không đợi ai đó trở về. Cuộc đi tới này lộng lẫy và man rợ không kém gì các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn tới: cỏ không thể mọc, con người chỉ còn biết quỳ xuống và ngửa mặt khóc than vì sao đất nước chúng ta lại đến nông nỗi như vầy.

Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 9 năm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa là sẽ sớm quyết việc thanh toán thương mại Việt Nam - Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Còn bà phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng, người tháp tùng thủ tướng, thì hân hoan nói rằng chuyện này không khó, vì lâu nay các tỉnh phía Bắc đã “thử” làm như vậy rồi. Không biết Quốc hội Việt Nam có biết về việc này không? Liệu Quốc hội mới có ít hơn những kẻ ngủ gục, chơi game và xin nghỉ sớm để lên tiếng về những hiểm họa như vậy? Bất kỳ ai có một học vấn tối thiểu cấp trung học, cũng đều hiểu việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam mang đến nguy cơ lệ thuộc như thế nào. Đặc biệt, Trung Quốc đang “đi tới” rất ào ạt trong sự hân hoan của những kẻ như bà Nguyễn Thị Hồng, và trong với bối cảnh vô cùng thuận lợi khi hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng bộ hô to chương trình chống đô-la hóa bằng quyết định 2589/QĐ-NHNN, hạ lãi suất tiền gừi bằng đô-la.

Trung Quốc đang biến nhiều quốc gia Châu phi trở thành những chư hầu kinh tế, cũng bằng cách dùng nhân dân tệ hóa như vậy. Hiện tại Zimbabwe, Angola và Nam Phi đã trở thành những quốc gia lệ thuộc kinh tế nặng nề vào Trung Quốc khi áp dụng thanh khoản bằng đồng Nhân dân tệ. Bạn nghĩ rằng chỉ là vấn đề thương mại? Áp lực kinh tế này, cũng đã trở thành áp lực chính trị khiến Nam Phi 3 lần từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ vì muốn ve vuốt Bắc Kinh. Đại hội những người đoạt giải Nobel Hòa Bình tại Cape Town ở Nam Phi vào năm 2014, kể cả thị trưởng của thành phố cũng đã tuyên bố hủy hội nghị, nhằm tố cáo vì Pretoria đã cúi đầu trước Trung Quốc. Campuchia cũng vậy, trong vòng xoáy trở thành chư hầu của Bắc Kinh để chống lại Việt Nam, chính quyền này cũng đã ướm việc chính thức thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, khởi đầu bằng du lịch.

Trong câu chuyện mà người đàn ông nói giọng Bắc, tóc bạc, kể với tôi về cuộc trò chuyện với người Trung Quốc. Giọng cười của ông rất sảng khoái. Một người biết ông, nói nhỏ với tôi rằng ông đã cùng gia đình tim đường định cư ở nước ngoài rồi. Có lẽ, vì vậy mà giọng cười của ông rất nhẹ nhàng, tiếng cười của một người đứng ngoài một nồi nước sôi sùng sục, hé nắp nhìn vào.

Nhưng tôi và hàng triệu con người khác – những người ở trong nồi – chắc không thể an nhiên được như ông. Vì bởi chúng ta là những người ở lại, là những người không có khả năng ra đi hay đã quyết chọn sống còn trên mảnh đất này. Tôi chắc rằng sẽ không có nhiều những kẻ muốn “trở về” trong chiếc nồi đóng kín nắp ấy. Nhưng chúng ta lại chứng kiến một cuộc đi tới, chà xát mọi thứ, không có sự xót thương di sản cha ông để lại. Cuộc đi tới của những chiến hạm Trung Quốc, của những đoàn xe tự do đi lại trên đất nước này, những đợt cuồng phong áp thuế 0% dẫm nát nông dân Việt Nam, và có thể có cả những đồng Nhân dân tệ mà chúng ta sẽ cầm trên tay để làm quen, không còn xa nữa.

Tôi vừa leo ra khỏi nắp nồi ấy, bằng hy vọng và sự thật về quê hương của mình. Và tôi nhận thấy mình có một niềm tin mới, rằng sẽ không có một sự “trở về” hay “đi tới” nào cả. Dân tộc này, đất nước này không thể đi vào khốn khó, nếu người người cùng nuôi hy vọng và nhìn bằng sự thật về đất nước mình, dân tộc mình, và cùng nhau leo ra khỏi nắp nồi đóng kín đó, trước khi quá muộn.