You are here

Trung Quốc không phải là nước với chủ nghĩa cộng sản mà là một đế chế không hoàng đế

Lê Diễn Đức –
Nhà văn, nhà sử học Anh Jonathan Fenby trả lời phỏng vấn của nhà báo Ba Lan Anna Masłoń – Lê Diễn Đức dịch
Anna Masłoń: Theo ông, 60 năm sau bản tuyên ngôn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Trung Quốc đang ngự trị một chủ nghĩa tư bản quan liêu. Điều này có nghĩa là gì?
Jonathan Fenby: Trung Quốc là một sự pha trộn kỳ lạ của thị trường tự do và nền kinh tế quốc doanh. Nhà nước thực hiện những thương vụ to lớn tùy thuộc vào luật chơi của thị trường. Nhưng nó lại song song nắm thế độc quyền và thường ấn định thể loại nào có ý nghĩa trọng yếu - ví dụ, cung cấp điện với giá rẻ.
Hơn nữa, điều này không có gì mới mẻ ở Trung Quốc. Một hệ thống tương tự của chính phủ Quốc Dân Đảng đã có trong những năm 30. Chúng ta có thể lùi lại hơn, trở về thời đế chế: trong giai đoạn giữa thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đã rất phổ biến hình thức hoạt động của các công ty tư nhân dưới ô dù bảo vệ của nhà nước. Quan chức nhà nước thậm chí đã được khuyến khích mở hãng kinh doanh riêng.
Anna Masłoń: Ông có thấy sự tương đồng giữa các quan lại hồi trước, các công chức có học thức và giới tinh hoa cầm quyền lực hiện nay?
Jonathan Fenby: Những cán bộ phục vụ cho đảng hôm nay là các quan lại của thế kỷ XXI. Nếu chúng ta so sánh hai bức hình: một, trên đó hiển thị các quan lại tập trung tại tòa án vào cuối thế kỷ XIX và thứ nhì, những đảng viện tại đại hội Đảng, sẽ thấy sự giống nhau nổi bật.
Trong cả hai trường hợp, buổi lễ được tiến hành rất chi tiết. Mỗi người đều biết vị trí của mình trong hàng ngũ, thực hiện chính xác những gì được người ta chờ đợi từ anh ta. Hơn thế, con cái của các vị lãnh đạo tạo nên tầng lớp quý tộc cộng sản. Trong tầng lớp này còn có các tướng lĩnh, doanh nhân. Khu vực ngành năng lượng từ lâu nằm trong tay những người thừa kế của Lý Bằng, "kẻ sát nhân trên quảng trường Thiên An Môn".
Họ không gặp bất cứ một đối kháng nào trong việc khai thác vị trí của cha mẹ để giành những ảnh hưởng lớn nhất.
Anna Masłoń: Điều này có thể xem như phiên bản Trung Quốc của giấc mơ Mỹ?
Jonathan Fenby: Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có khoảng 70 triệu người và trong số những người có ảnh hưởng lớn nhất thì các quan chức nhà nước Trung Quốc chiếm vị trí các ông trùm của ngành công nghiệp, các ông chủ doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu cơ chứng khoán và giám đốc các công ty quốc tế.
Những người giàu nhất Trung Quốc thường là những người mở các doanh nghiệp, xoay xở nó bằng cách sử dụng ảnh hưởng chính trị. Nếu không có các kết nối thì đừng ước mơ đến các khoản vay tín dụng rẻ và vốn. Để có ảnh hưởng, anh phải gia nhập đảng và duy trì mối quan hệ tốt nhất với các vị lãnh đạo địa phương. Nhưng phiên bản Trung Quốc của giấc mơ của Mỹ có đặc tính riêng là dễ dàng để leo lên đỉnh cao, nhưng cũng dễ dàng bị rơi tuột khỏi trò chơi.
Chỉ cần so sánh danh sách xếp đặt những người giàu nhất Trung Quốc hơn chục năm qua. Việc luân chuyển tên họ rất lớn. Các kết nối chính trị có thể thất bại nếu bị gắn với những người không thích ứng. Ví dụ ngoạn mục là việc bắt giữ Thị trưởng thành phố Thượng Hải, vốn đã bị mất đi ân huệ của Bắc Kinh. Trở nên quá độc lập với chính quyền trung ương, ông ta đã bị buộc tội tham nhũng. Hậu quả này kéo theo là các doanh nhân, những người kiếm được tài sản lớn nhờ khai thác "tình bạn hữu".
Anna Masłoń: Trong cuốn sách của mình, ông cho rằng Cộng sản Trung Quốc là một đế chế không có hoàng đế. Vậy thì các nhà lãnh đạo Đảng có tư cách gì?
Jonathan Fenby: Một mặt, họ có liên quan mật thiệt với giới doanh nghiệp, mặt khác họ trung thành với chế độ. Còn Hồ Cẩm Đào (Tổng bí thư Đảng Cộng sản) giữ vai trò Chủ tịch một công ty được gọi là Công hòa Nhân dân Trung Hoa. Tương tự, với các chức sắc khác, họ đều giống các nhà quản lý hơn là các vị lãnh đạo độc lập.
Hôm nay, đất nước Trung Quốc không phải bị cai trị mà là bị quản lý. Khác hẳn thời Mao khi mọi thứ đỏng đảnh của ông ta là mệnh lệnh. Trung Quốc đang thiếu những vị hoàng đế như Mao Trạch Đông và Đặng Tiển Bình – Những những hoàng đế thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Anna Masłoń: Ông đồng ý với lý thuyết rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn tới tự do hóa đời sống chính trị?
Jonathan Fenby: Không. Chủ nghĩa tư bản bảo đảm sự mở rộng vùng tự do của các cá thể được ưu đãi, nhưng ở Trung Quốc luật pháp không chấp nhận tồn tại một đối lập nào. Để thực hiện những thay đổi của Trung Quốc cần thiết phải có một nhà nước pháp trị, và điều này sẽ có nghĩa là chính quyền cộng sản phải chịu đặt dưới pháp luật, chứ không phải không phải là nơi tạo ra luật.
Đảng cộng sản tiếp tục nắm quyền bằng luật nhưng không chịu sự chi phối của cơ chế nhà nước pháp trị. Công bố của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào về học thuyết "xã hội hài hòa" thể hiện mong muốn làm giảm bớt sự chênh lệch, có nghĩa là sẽ giảm bớt việc làm giàu thêm của một nhóm đang có tham vọng lớn nhất - nhờ móc ngoặc với Đảng – nơi có cơ hội lớn nhất. Nhà cầm quyền sẽ không thể cho phép những người này trở thành đối lập. ■
-----------------------
Jonathan Fenby là nhà báo người Anh, nhà văn, nhà sử học. Năm 1995-1999, ông là biên tâp viên của tờ Morning Post tại Hồng Kông (1995-200), là Phó Tổng biên tập của tờ The Guardian (1988-1993) và biên tập viên của The Observer (1993-1995). Ông là tác giả của cuốn sách "Lịch sử Chim cánh cụt của Trung Quốc hiện đại: Sự suy sụp và vùng lên của một cường quốc 1850-2008” (Penguin History of Modern China: The Fall and Rise of a Great Power 1850-2008).
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan bài của nhật báo “Dziennik”: http://www.dziennik.pl/magazyn-dziennika/article450490/To_nie_komunizm_a...
Bản Việt ngữ © 2010 Lê Diễn Đức © 2010 Radio Free Asia