Thái Hà, ngày 18/9/2016, trước ngày nhà cầm quyền Hà Nội đưa vụ án Cấn Thị Thêu ra xét xử sơ thẩm và vụ án Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cùng Nguyễn Thị Minh Thúy ra xét xử phúc thẩm. Đây là hai vụ án mà ai cũng biết đó là những đòn thù hèn hạ của nhà cầm quyền đối với những người đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và quyền lợi về đất đai, tài sản của mình. Hàng ngàn giáo dân, những người bạn bè của các nạn nhân, thân nhân và nhiều người ngoài tôn giáo đã đến hiệp thông, cầu nguyện cho các nạn nhân.
Khoảng 4000 người đã tập trung đông kín nhà thờ, sân xung quanh và tràn ra cả đường đi.
Thánh lễ đồng tế cho linh mục Bề Trên Chánh xứ Thái Hà, Giuse Trịnh Ngọc Hiên chủ tế, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong giảng lễ.
Bài giảng trong Thánh Lễ, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong như sau:
Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây để cùng nhau cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm sắp sửa bị mang ra xét xử trong những ngày sắp tới đây. Họ là những tiếng nói hiếm hoi trong xã hội hiện nay – những người đã can đảm lên tiếng cho những bất công xã hội, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người trước nguy cơ mất nước gần kề và họ đã phải trả giá bằng những bản án tù bất công từ phía nhà cầm quyền.
Có một sự trùng hợp thật ý nghĩa trong ngày chúng ta cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm này, chúng ta được Hội Thánh mời gọi cùng nhau suy niệm những lời của Ngôn sứ Amốt.
Trong bối cảnh đó, ngôn sứ Amốt được Thiên Chúa sai đến để đánh thức lòng yêu nước cũng như đánh thức trách nhiệm của mọi công dân, cách riêng của giới cầm quyền.
Nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ Amốt kịch liệt lên án cuộc sống sa đoạ và những bất công trong xã hội đương thời. Ông chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất chính, áp bức, khinh dể kẻ nghèo, biến những người thấp cổ bé họng thành những món hàng hoá để buôn bán hay trao đổi với giá rẻ mạt.
Ông công kích sự an tâm giả tạo khi người ta lấy lễ nghi tôn giáo để che đậy cho những việc làm xấu xa; đặc biệt, ông lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nhất là hàng ngũ lãnh đạo đất nước đang xa lánh dân tộc, đất nước, tạo nên những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và nếu họ không thay đổi dân Do Thái sẽ phải bị lưu đày, xa quê hương, xa tổ quốc.
Nạn cát cứ 12 xứ quân của thời phong kiến xưa kia nay càng ngày càng lan rộng, đến độ, một bí thư tỉnh miền núi như Hà Giang có thể bổ nhiệm anh em, con cháu, họ hàng vào các vị trí béo bở trong cơ quan công quyền và ngang nhiên tuyên bố “bổ nhiệm như thế là đúng quy trình”; một chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, trước khi lên chức Bí thư tỉnh ủy đã kịp thời bổ nhiệm em trai làm Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường của tỉnh này, giữa lúc vụ ba vị quan chức đầu tỉnh dùng súng thanh toán nhau theo kiểu giang hồ còn đang nóng hổi trên công luận mà chẳng ngại ngần gì.
Cách đây không lâu dư luận xã hội đã từng xôn xao chuyện tại một xã miền núi huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, một gia đình có 12 người giữ các vị trí chủ chốt trong xã hay tại Huyện ủy An Dương Hải Phòng, 4 anh em ông Nguyễn Thế Sơn đều là những quan chức nắm các vị trí then chốt trong huyện ủy.
Đối với giới lãnh đạo chóp bu của đảng, những thanh trừng nội bộ gần đây đang ngày càng thảm khốc. Các phe phái, các nhóm lợi ích tiếp tục tìm cách triệt hạ lẫn nhau một cách trái đạo lý. Những đấu đá nội bộ này chứng minh một điều chưa bao giờ chính quyền cộng sản đã vì dân, vì nước. Trái lại, họ chỉ vì lợi ích của đảng phái, phe nhóm và người dân trở thành những món hàng trao đi đổi lại dưới tay những nhà tài phiệt được bảo kê bởi nhà cầm quyền - những người cầm cân nẩy mực trong xã hội, mà vụ phá Chùa liên Trì, chiếm đất Dương Nộihay câu chuyện đau thương những gia đình nghèo đã phải bó chiếu đưa người thân từ bệnh viện về quê tại thành phố Sơn La những ngày gần đây là những ví dụ điển hình.
Xã hội chúng ta hiện nay bi đát đến độ, có những người mẹ phải tự tử để hy vọng dùng tiền phúng điếu cho con đi học. Có những gia đình vì quá nghèo không có tiền nộp thuế đã bị chính quyền đưa quân tới tịch thu tài sản của gia đình như tại Thanh hóa thời gian qua…Trong khi đó, đáng lẽ phải xây dựng một chính thể phục vụ theo đúng nghĩa của một chính thể đại diện, nhà cầm quyền lại tìm mọi cách bắt người dân đóng trăm ngàn thứ thuế để hưởng lợi và chia chác.
Nếu phải đưa ra một cái nhìn tổng quan về xã hội hiện tại, thiết nghĩ, không có lời nào phù hợp hơn những lời trong bản Tuyên ngôn Độc lập được người đại diện chính phủ lâm thời tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945:
“Hỡi đồng bào cả nước, / "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"…
Thế mà hơn tám mươi năm nay…
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn” (Hồ Chí Minh).
Chúng tôi thiết tưởng,những người như anh Basam Nguyễn Hữu Vinh, chị Nguyễn Thị Minh Thúy, chị Cấn Thị Thêu và rất nhiều những tù nhân lương tâm khác – những người đã chấp nhận trả một cái giá quá đắt cho sự thật, chấp nhận chịu tù đầy, không vì sự an nguy của bản thân, của gia đình, đã can đảm lên tiếng trước những bất công của xã hội, nhất là trước sự an nguy của tổ quốc; một cách nào đó, họ đang làm nhiệm vụ của một ngôn sứ thay cho chúng ta.
Tất cả chúng ta ai cũng biết nguyên nhân gây tang thương cho dân tộc này hơn bảy mươi năm qua nó bắt đầu từ đâu. Ngôn sứ Amốt xem sự xuống cấp của đất nước ông là do đã tiếp nhận một cách thiếu suy xét những ý thức hệ xa lạ với văn hóa dân tộc, trái với đức tin và phong hóa, khiến đất nước bị lưu đày và cho đến hiện nay nhiều người Do Thái vẫn đang bị tản lạc khắp thế giới. Chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta tiếp tục vô cảm, bịt mắt trước những sự thật đau lòng về đất nước thì viễn tượng về một dân tộc Việt bị nô lệ hóa bởi người bạn vàng 4 tốt không còn xa. Chúng ta sẽ bị lưu vong khắp nơi và lưu vong ngay trên mảnh đất của tổ tiên mình. Khi đó, chúng ta sẽ có tội với Chúa, với tổ tiên và với cả con cháu mình vì đã không giữ gìn toàn vẹn di sản Chúa ban, như Lý Thường Kiệt đã tuyên bố cho các thế lực ngoại xâm: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư. Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư”.
Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây. Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta là người Việt Nam. Chúng ta tạ ơn Chúa đang tiếp tục đồng hành và hướng dẫn chúng ta qua Hội thánh, qua những con người thiện chí đang gióng lên tiếng nói của công lý và sự thật, tiếng nói của một ngôn sứ bị bách hại trong xã hội hiện nay. Chúng ta tin rằng, Thiên Chúa là Chúa của lịch sử. Người sẽ ở cùng chúng ta và dân tộc chúng ta, với điều kiện chúng ta hãy cùng lắng nghe tiếng Chúa, tìm thánh ý Chúa ngang qua các dấu chỉ của thời đại và cùng nhau gióng lên tiếng nói của công lý và sự thật như ngôn sứ Amốt xưa, đồng thời, cùng nhau thực hiện điều mà thánh Phaolôđã khuyên nhủ ông Timôthê mà chúng ta vừa được nghe Hội thánh công bố trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Tôi khuyên ai nấy hãy dâng lời khấn nguyện cầu xin cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 1-3).
Cách riêng đối với những người lãnh đạo đất nước, những người cầm cân nảy mực trong xã hội – đặc biệt, với các thẩm phán sẽ đứng ra xét xử các tù nhân lương tâm những ngày tới đây – kính thưa quý vị, những lời mà Chúa nói qua ngôn sứ Amốt trong bài đọc thứ nhất hôm nay là những lời Thiên Chúa gửi tới quý vị: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán”. Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8, 4-7). Có thể quý vị không tin, nhưng chúng tôi tin lời Chúa chẳng sai bao giờ. Nếu quý vị không tin, thì cũng cần phải biết chắc rằng: “Quan thì nhất thời, còn dân thì vạn đại”. Tổ quốc, dân tộc mới là trên hết. Tất cả tiền bạc, quyền lực, thì - như Chúa chúng tôi đã nói trong bài Tin mừng hôm nay, “đều là bất chính” vì tiền bạc hay quyền lực dù là những tiền bạc do làm ăn hợp pháp, thì nó cũng không phải của mình mà là của chung mọi người, được ban để con người dùng làm phương tiện thực hiện những điều công chính, phải đạo.
Có thể quý vị không tin, nhưng chúng tôi tin rằng: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy. Quân gian ác chết vì tội ác, kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân. CHÚA cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.” (Tv 34, 20-23).
Xin Thiên Chúa là Đấng cầm nắm vận mạng lịch sử, xin Người chúc lành cho quê hương đất nước Việt Nam, để tất cả chúng ta biết tự hào mình là người Việt Nam, không phân biệt giai cấp, chính kiến, tôn giáo, đảng phái chính trị, cùng đồng lao cộng khổ chung tay xây dựng lại đất nước.
Xin Người ban cho chúng ta, những tín hữu của Chúa, can đảm và trách nhiệm hơn trong sứ vụ chung của một người con đất Việt: “Người Công giáo tốt, cũng là người công dân tốt”. Amen.
Một số hình ảnh Thánh lễ:
Video Bài giảng trong Thánh lễ hôm nay:
Hà Nội, Ngày 18/9/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây