Song Chi.
Sau khi báo chí nhà nước lẫn trên mạng xã hội có những bài viết, ý kiến thắc mắc, bức xúc trước việc gia đình Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, có đến 8 người bao gồm vợ, em trai, em gái, em rể, họ hàng, đang giữ những vị trí lãnh đạo tại các ban, sở, ngành khác nhau của tỉnh, ông Trịnh Tài Vinh bèn lên tiếng cho biết việc bổ nhiệm người thân của ông là…đúng quy trình! (“Bí thư Hà Giang: Những người thân của tôi được bổ nhiệm đúng quy trình”, VietnamNet). Thậm chí ông còn trần tình bản thân mình không cảm thấy vui và đã từng có ý kiến phản đối khi người thân được bổ nhiệm vào vị trí này vị trí kia, nhưng vì không tìm được người nên đành phải…chấp nhận.
Báo chí cũng cho biết, ông Triệu Tài Vinh là con trai của ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Dù ông Triệu Tài Vinh có trần tình, giải thích gì đi nữa, và rằng mọi việc đều…đúng quy trình thì người dân cũng chả muốn tin. Lòng tin của hầu hết người dân vào đảng, nhà nước cộng sản cũng như các quan chức, cán bộ ở xứ này đã cạn kiệt từ lâu!
(Nhân tiện, cụm từ “đúng quy trình” gần đây đã trở thành một cụm từ quen thuộc đến phát ngấy, được các quan to quan nhỏ của VN dùng để bao biện cho mọi sai trái, khuất tất trong mọi lĩnh vực)
Thật ra cái chuyện cha làm quan con cũng làm quan, hay một người là quan cả họ được nhờ không phải mới mẻ gì trong chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo lâu nay ở VN. Ngay với ông Hồ Chí Minh thì dư luận đã râm ran từ lâu về việc cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là con rơi của ông Hồ, nên dù tầm nhìn tư duy cho tới tài năng kiến thức rất kém vẫn được đưa vào ngồi ở nhiều vị trí quan chức, trước khi là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam (1992-2001) và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2001-2011)
Và nếu nhìn lại suốt hơn 70 năm độc quyền lãnh đạo, thì việc con cái, người thân của các quan chức trong chế độ cộng sản ở VN luôn luôn được hưởng những ưu tiên hơn người dân bình thường. Thời chiến tranh khi con cái người dân phải ra trận thì con cái các lãnh đạo thường được đưa sang Liên Xô và các nước XHCN anh em học tập, hoặc cũng được bổ nhiệm vào chỗ này chỗ kia. Nhưng thời đó khoảng cách giàu nghèo trong xã hội miền Bắc còn chưa lớn và các quan chức chính khách cũng chưa dám nâng đỡ con em, người thân của mình một cách lộ liễu, công khai như bây giờ.
Mới đây nhất, bên cạnh vụ việc của gia đình ông Trịnh Tài Vinh là vụ “Cục trưởng Cục thuế đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó” (Tuổi Trẻ) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Yên Bái bổ nhiệm em ruột làm Giám đốc Sở TN-MT (“Chủ tịch Yên Bái nói gì về việc em ruột làm giám đốc Sở TN&MT?”, Doanh nghiệp VN), Bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong 5 ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khoá 14, vừa được phê chuẩn giữ chức Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (“Phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính”, VNExpress)…
Đến mức tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đặt vấn đề về công tác cán bộ, yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” và một cử tri lão thành đã phải bức xúc lên tiếng "Thưa đồng chí, trên toàn quốc có hiện tượng tìm người nhà" (Tuổi Trẻ).
Tất nhiên ông Thủ tướng nói là nói vậy thôi, chứ cái hiện tượng cha truyền con nối làm quan cũng như các căn bệnh trầm kha khác của chế độ này làm sao mà chấm dứt được.
Từ sau khi hội nghị lần thứ XI của đảng cộng sản VN năm 2011 kết thúc, một số tờ báo và diễn đàn đã có những bài viết nhận xét về truyền thống đưa người thân con cái vào bộ máy cầm quyền như bài “Truyền thống gia đình trong Đảng”, BBC.
Đó là vì sự kiện một số nhân vật được gọi là “hạt giống đỏ” được bầu vào Ban chấp hành lần này, trong đó “có ông Nguyễn Thanh Nghị (ủy viên dự khuyết), con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Nông Quốc Tuấn, con trai của Tổng Bí thư khóa X Nông Đức Mạnh; ông Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; ông Phạm Bình Minh, con trai cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; ông Nguyễn Xuân Anh (ủy viên dự khuyết), con trai ủy viên Bộ Chính trị khóa X Nguyễn Văn Chi; ông Trần Sỹ Thanh (ủy viên dự khuyết), cháu ông Nguyễn Sinh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (trúng cử từ khóa X) v.v…”
Người ta còn gọi họ, các “hạt giống đỏ”, bằng cái tên “thái tử đảng”. Không biết cụm từ này ở đâu ra, nhưng trong các đảng cộng sản còn lại đang nắm quyền trên thế giới thì đều có hiện tượng này. Ví dụ ở Cu Ba, ông Raúl Castro, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu Ba, là em trai của cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ở Bắc Hàn, cả gia đình Kim Il-sung, Kim Jong-il, Kim Jong-un kế tục nhau lãnh đạo đất nước. Ở Trung Quốc, hiện tượng này tràn ngập, bản thân Tập Cận Bình, hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một vài chức vụ tối cao khác, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân.
Có nghĩa là các đảng cộng sản cũng cha truyền con nối giống như ở trong chế độ phong kiến vậy.
Còn nói về đảng cộng sản VN, người ta nhận thấy đảng cộng sản và cả cái chế độ ở VN bây giờ hoàn toàn khác xa với đảng cộng sản thời mới ra đời, hay thời trước 1975 ở miền Bắc, lại càng khác xa với cái mô hình chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lý tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng của mấy ông Karl Marx, Engel. Nó chẳng khác nào một cái nồi lẩu thập cẩm trong đó bao gồm rất nhiều món trộn lại với nhau, từ chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ cộng sản kiểu Liên Xô và cả chế độ phát xít, chưa kể cái chất mafia. Nhưng tiếc thay lại chỉ toàn học theo những cái xấu cái dở của từng chế độ/chủ nghĩa ra đời trước đó mà lại không học được những cái hay!
Ví dụ như với chế độ phong kiến, đảng cộng sản VN đã giữ lại cái tính cha truyền con nối như trên vừa kể và rất nhiều cái dở khác. Bề ngoài thì nói nhân dân là chủ, quan là đầy tớ của dân nhưng thực chất luôn luôn nhồi nhét vào đầu người dân cái ý tưởng quan là cha mẹ, dân là con cái trong nhà. Người dân khi nói về nội bộ đảng cũng hay dùng những từ vừa mỉa mai vừa bỡn cợt như “cung đình Hà Nội”, gọi bốn vị trí cao nhất là “tứ trụ cung đình”, con trai con gái dâu rể các ông Tổng bí thư, Thủ tướng là hoàng tử, công chúa, phò mã v.v…
Cũng như chế độ phong kiến coi Vua như trời, luôn luôn đề cao tư tưởng trung quân, đảng dạy người dân phải coi đảng lớn hơn cả đất nước, trong mọi cuộc diễu hành diễu binh cờ đảng luôn đi trước cờ Tổ quốc, trong mọi khẩu hiệu thì “Mừng đảng mừng xuân mừng đất nước”-đảng đi trước cả mùa xuân lẫn đất nước! Và đảng gắn liền với đất nước. Yêu tổ quốc tức là yêu đảng, yêu chủ nghĩa xã hội. Chống lại đảng là chống lại cả đất nước!
Đảng cũng học theo chế độ tư bản, làm ăn theo kiểu kinh tế thị trường nhưng chỉ biết chạy theo con số tăng trưởng mà không nghĩ đến hiệu quả lâu dài, bền vững và tính nhân văn; trong xã hội thì chỉ biết có đồng tiền, cạnh tranh làm giàu bất chấp sinh mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích của đất nước, mọi giá trị đạo đức bị băng hoại…Có nghĩa là một thứ chủ nghĩa tư bản man rợ của thời kỳ đầu, trong khi đó lại không có được những tính chất tốt đẹp của xã hội tư bản hiện nay ở hầu hết các nước phát triển phương Tây, sau khi đã trải qua một quá trình biến chuyển và tự hoàn thiện mình. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự kiểm soát của một chế độ dân chủ tam quyền phân lập, một nền luật pháp vững chắc và một xã hội dân sự.
Và sự độc tài, hà khắc là học được từ tất cả các mô hình chế độ độc tài, kể cả phát xít.
Tập đoàn Ba Đình hiện nay chẳng khác nào một tập đoàn mafia thâu tóm mọi quyền lợi, quyền lực của đất nước vào trong tay một nhóm người, rồi từ một nhóm người đó lại lan tỏa ra hàng ngàn hàng triệu chân rết từ trên xuống dưới. Ngay trong sự đấu đá tranh giành ghế cũng đậm đặc chất mafia, từ những vụ đấu đá thời ông Tổng Trọng-Thủ Dũng cho tới bây giờ, lại đang có dấu hiệu thanh toán, triệt tiêu các phe phái dưới chiêu bài diệt tham nhũng.
Nhưng nạn tham nhũng hay những yếu kém của chế độ này sẽ không thể nào triệt tiêu nổi, một phần chính vì chính sách đưa con cái, người thân, phe nhóm vào những vị trí khác nhau khiến cho cả guồng máy là một ma trận chằng chịt những cá nhân với những quan hệ quyền lợi gắn bó chặt chẽ. Tất cả cùng dựa vào nhau, bao che nhau để vơ vét, kiếm chác, và nếu có xung đột về lợi ích thì sẽ tìm cách hạ bệ, thậm chí thanh toán, ám sát nhau nhưng vẫn giữ cho bộ máy ấy tồn tại để mà tiếp tục bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên, tài sản của đất nước và hút máu nhân dân.
Điều đó lý giải vì sao chế độ cộng sản ở VN hay Trung Quốc khó sụp đổ nhưng một khi đã sụp đổ thì đất nước này chả còn lại gì ngoài một bãi hoang tàn, một đống nợ và những di hại nặng nề trong văn hóa, giáo dục, đạo đức, tâm linh, tâm tính của con người.
Bài bình luận gần đây