You are here

Tiếp tục treo Luật biểu tình: Phải xóa ngay tư duy ban phát, coi mình như cha mẹ dân.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Và cả quyền lập hội và các quyền khác nữa, nó là quyền đương nhiên của con người, đã được ghi vào Hiến pháp và các công ước quốc tế.

Thế nhưng, các quyền này được thừa nhận trên thực tế lại không hề đơn giản vì nó vấp phải tư tưởng rất láo của các ông các bà con giời, tự cho mình là cha mẹ dân. Họ tưởng công ước thì công ước đấy, Hiến pháp thì Hiến pháp đấy nhưng chúng tôi cho thì mới được hưởng cái quyền ấy.

Số phận long đong

Vì thế, Luật Biểu tình đã bao lần đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội rồi lại cất đi. Việc này có lẽ bắt đầu từ hồi tháng 9/2011, ông Dũng (Tấn) đề xuất việc xây dựng Luật Biểu tình. Hồi ấy, anh em đấu tranh tưởng luật biểu tình sẽ ra đến nơi, liền tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 27/11/2011 để ủng hộ ông Dũng. Cuộc biểu tình này chỉ nổ ra được vài phút, những người tham gia bị hốt hết lên trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Nghe tin, một nhóm 7,8 người ở Sài Gòn tập trung để phản đối việc đàn áp biểu tình ở Hà Nội cũng bị bắt luôn. Sau đó công an Sài Gòn thả hết, chỉ giữ lại Bùi Thị Minh Hằng để di lý ra Hà Nội bằng máy bay rồi đưa thẳng lên trại cải tạo Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc. Kẻ ký quyết định tội ác và vi hiến này là Nguyễn Thế Thảo, khi đó hắn là Chủ tịch Hà Nội.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, với ý thức xây dựng và bằng tất cả trách nhiệm của mình đã thành lập nhóm soạn thảo Luật Biểu tình, lấy ý kiến hội viên để có được Dự thảo Luật Biểu tình. Hội đã gửi cho Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ tư pháp, những mong được đóng góp ý kiến xây dựng Luật. Tiếc rằng cho đến nay, không có một tín hiệu nào hồi đáp, kể cả tin báo đã nhận được.

Trong bài “Ai ‘đạo diễn’ lùi Luật Biểu tình: Quốc hội có vượt trên Bộ Công an?”, Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội NBĐLVN chỉ ra, cơ quan nhiều lần xin hoãn trình dự thảo Luật, xin lùi Luật Biểu tình là Bộ Công an cùng với sự hưởng ứng của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng. Mấy bộ này nhiệt tình với việc ngăn cản Luật Biểu tình tới mức ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội lúc ấy phải nói thẳng ra là không đồng ý với việc lùi Luật Biểu tình, cho đây là việc làm thiếu nghiêm túc.

Như vậy, trước đây, việc dây dưa, bàn lùi là ở các bộ ngành chứ không phải do Quốc hội. Nhưng bây giờ, việc treo Luật Biểu tình lại là Quốc hội do bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch. Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 đã thống nhất rút Luật Biểu tình, ít nhất trong 2 năm tới.

Cứ tưởng cho, dân mới được

Chỉ trong chưa đầy buổi sáng ngày 23/7/2016 gặp báo chí, bà Ngân đã kịp phát ra nhiều câu nói khiến dư luận ngạc nhiên và thất vọng. Bà đã phơi bày ra sự thấp kém về tầm và hẹp hòi về tâm của bà. Xem ra, dù đã già nhưng chất hồng vệ binh của bà Ngân vẫn còn rất đậm:

- Ví lãnh đạo đối với dân như bố mẹ đối với con cái trong gia đình: “Vai trò dân chủ rất quan trọng. Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác”.

- Cho rằng những người biểu tình, lên tiếng là kích động, chưa làm được gì cho đất nước. Người bức xúc nhất về câu nói hồ đồ này của Kim Ngân có lẽ là bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng từng được giải thưởng Liêm chính của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Những ngày sau đó cho đến tận bây giờ, bà liên tục viết, bình luận về phát ngôn ngạo mạn này, nhất là mỗi khi có ai nhắc đến bà Ngân, gọi bà Ngân là đồ “ăn cháo đá bát”.

- Bà Ngân cho rằng “Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất nhà nước”. Câu này tương tự như câu nói cửa miệng của đám dư luận viên cấp thấp: “Đảng đúng, nhưng người thực hiện sai”. Hỏi bây giờ còn ai tin vào sự lừa bịp này?

- Và điều này, mới là điều cần đề cập trong bài viết. Bà cho rằng, biểu tình sẽ làm rối loạn đất nước: “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn”.

Cái ý này của Nguyễn Thị Kim Ngân không có gì mới. Trong phát ngôn của bà ta, người ta thấy thấp thoáng Hoàng Hữu Phước, một ông nghị đầy tai tiếng bởi những phát ngôn ngô nghê, hồ đồ, tỏ tinh thần hăng hái bảo vệ chế độ một cách thái quá. Tuy trung thành vậy nhưng người ta vẫn không dám để cho ông làm nghị sĩ thêm 1 khóa nữa. Nhiều người còn cho rằng ông này mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện Hoàng Hữu Phước từng gửi thư cho Saddam Hussein hiến kế liên hoành giúp Iraq chống Mỹ, xin Saddam Hussein cử mình làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đi công du các nước, tạo thế chân vạc để chống Mỹ nhưng Saddam Hussein đã không trả lời.

Khi phát ra một cái gì đấy, Hoàng Hữu Phước thường tìm cách diễn đạt rất rắc rối, lộng ngôn có, văn hoa có và uốn éo, điệu đàng cũng có:

“Luật biểu tình không phải là "khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ"

“…tập hợp đông người ngoài trời ấy xâm hại quyền tự do đi lại của người dân, xâm hại thu nhập chính đáng của cửa hàng kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình..."

Rồi ông ta nắn nót phát ra một câu nghe qua tưởng là giầu chữ nhưng lại tối nghĩa: "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh".

Nhắc đến Hoàng Hữu Phước là để nhắc đến cái mà Phước nói rồi, bây giờ bà Ngân chỉ việc nói theo thôi. Phước cho rằng Luật Biểu tình “dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”, còn bà Ngân cho rằng “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn”. 

Không chỉ Hoàng Hữu Phước, còn nhiều ông nghị khác cũng tỏ ra căm ghét Luật Biểu tình. Cũng có thể căm ghét thì ít nhưng muốn thể hiện lòng trung thành với chế độ thì nhiều, bất chấp lộ ra sự khiếm khuyết về kiến thức. Ông Đặng Ngọc Nghĩa (khóa 13) cho rằng thể chế chính trị Việt Nam đã xây dựng rất… hoàn chỉnh. Đất nước Việt Nam hiện nay rất phát triển kể cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và vị thế ngoại giao. Nếu đưa Luật Biểu tình vào trong thời điểm này là "chưa phù hợp và phải cân nhắc kỹ lưỡng". Ông Nghĩa còn cho rằng "chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản, có vấn đề gì chúng ta có Mặt trận, có HĐND, có chính quyền…”. Thực ra cái câu “dân chủ gấp vạn lần tư bản” là ông Nghĩa nói theo bà Nguyễn Thị Doan lúc ấy là phó chủ tịch nước, còn bà Doan thì nói theo ông Lê Nin (chỉ khác chữ triệu thành vạn)

Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (khóa 13) cũng tỏ ra yêu chế độ không kém. Yêu quá hóa lú nên mới phát ra cái tư duy chính trị mà những kẻ độc tài nhất cũng không dám nghĩ tới: “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có Mặt trận, có khối đại đoàn kết toàn dân, vì sao chúng ta lại CHO tổ chức biểu tình?" (xin nhấn mạnh chữ “cho”).

Nhìn chung, mấy ý kiến vừa nhắc tới nó giống như nội dung trả bài của các môn chính trị dạy trong nhà trường.

Như vậy, thay bằng việc phải ra luật để cụ thể hóa Hiến pháp, thay bằng nhận khuyết điểm trước dân vì non kém nên không ra được luật thì các ông bà nghị này lại tưởng rằng, họ cho biểu tình thì được biểu tình, cho lập hội thì được lập hội. Với lối nghĩ này họ tự cho mình quyền đứng lên trên Hiến pháp. Tiếc rằng, đó lại là những đại biểu quốc hội, thậm chí còn là chủ tịch Quốc hội. Đây là cái lối tư duy cho mình là cha mẹ dân.

Quyền dân cứ làm

Tất nhiên, với dân, họ không cần phải đợi các quan phụ mẫu cho. Quyền đã có, cứ việc thực hiện quyền của mình. Biểu tình, lập hội… là nhu cầu của cuộc sống. Nhà cầm quyền đe dọa rằng, biểu tình, lập hội như thế là trái luật. Nhưng đến khi hỏi, trái với luật nảo? Làm gì có luật nào mà trái? thì họ lại không trả lời được.  Đôi khi họ cũng ọ ẹ viện ra cái nghị định 13 cấm tụ tập đông người nào đấy nhưng nghị định thì làm sao điều chỉnh ngược được Hiến pháp và cũng chỉ là nói cho gió bay chứ không dám thể hiện trên văn bản. Vì vậy mỗi khi đàn áp, bắt bớ biểu tình thậm chí bắt bỏ tù, họ đều nại ra lý do “gây rối trật tự công cộng”, “tụ tập đông người” chứ không bao giờ dám nói “biểu tình trái phép” trên văn bản. 

Xin thêm một ví dụ nữa để giải thích tại sao chưa có luật, dân ta cứ biểu tình, cứ lập hội:

Điều 4 Hiến pháp xác nhận Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Thế nhưng, điều này chưa bao giờ được luật hóa, có nghĩa rằng chưa có khuôn khổ nào cho sự hoạt động của Đảng CSVN. Quốc hội xưa nay chưa bao giờ có ý định ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng. Vậy mà, Đảng CSVN vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, ngang nhiên thọc tay vào bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội để đòi lãnh đạo. Không thấy ai hạch, rằng tại sao chưa có luật mà Đảng CSVN vẫn cứ hoạt động, rằng Đảng CSVN phải đợi có luật đã rồi mới được lãnh đạo.

Vì vậy, các quan phụ mẫu chớ có nhầm rằng, các quan ban cho luật rồi dân mới được thực hiện quyền của mình. Ở đây không có chuyện cho hay là không cho. Việc chưa ra được luật là thuộc về trách nhiệm của Quốc hội, Quốc hội không làm tròn trách nhiệm trước dân, nên giải tán. Trách nhiệm của Quốc hội là phải xây dựng các bộ luật còn thiếu chứ không phải cân nhắc xem có cho hay không. Mặt khác, việc ra luật chỉ tốt hơn cho nhà nước về mặt quản lý xã hội mà thôi, chứ dân đâu cần vì họ đã có sẵn quyền công dân, quyền con người. Có khi ra luật còn khó hơn cho họ. 

Những cái đầu thiếu chất xám ngồi ở Quốc hội phải thay đổi gấp tư duy, cái tư duy ban phát, tự cho mình là cha mẹ dân từ lâu không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới văn minh.

17/9/2016