You are here

Trịnh Xuân Thanh và cú vồ hụt của Nguyễn Phú Trọng

Ảnh của nguyenhuuvinh

Như một vở hài kịch được sắp sẵn, nhưng vừa đưa ra diễn bị cháy, vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang là tâm điểm dư luận mấy ngày qua tại Việt Nam. Nhiều báo chí và mạng xã hội tập trung vào chủ đề này, thậm chí đến mức quên đi cả điều hết sức lớn lao đang từng ngày gây nhức nhối xã hội như Thảm họa Biển Miền Trung - cho đến nay đã gần nửa năm, người dân vẫn không được đền bù thiệt hại.

Trịnh Xuân Thanh - Một cán bộ là con cựu cán bộ cao cấp, được trung ương chăm bẵm, nâng niu ưu tiên đủ thứ, công danh leo vòn vọt từ chức nọ đến chức kia, con đường quan lộ ít ai so bì được, may ra chỉ có con của Thủ tướng.

Bỗng dưng báo chí lôi ra vụ dùng biển xanh lắp vào xe biển trắng rằng là vi phạm luật, là nọ, là kia... cứ như những việc đó ở Việt Nam là lạ lắm không bằng. Gì chứ việc quan chức lạm quyền và làm những điều ngang ngược, coi pháp luật không bằng cái quần lót ở Việt Nam thì chỉ là chuyện bụi bám áo quần. Tưởng rồi  chuyện cũng qua đi như bao chuyện tương tự hoặc hơn thế nhiều.

Nhưng không phải thế.

Cú ra đòn bẩn thường thấy

Người dân thấy ngạc nhiên là chuyện cái biển xanh gắn xe biển trắng được báo chí đưa lên, ông Tổng bí thư lại quan tâm yêu cầu kiểm tra. Nghe tin này, người dân cứ tưởng hồi này ông TBT tiến sĩ xây dựng đảng không có việc làm nên có đọc báo và quan tâm những chuyện bụi đường?

Thế rồi bắt đầu báo chí được phép khai thác, móc chuyện cũ về bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, rồi việc thua lỗ ở công ty anh ta từng làm... Thậm chí cả việc con anh ta được cất nhắc từ thằng nhân viên quèn lên làm quan chức.

Thế rồi lại TBT chỉ đạo quyết liệt moi ra việc anh ta được bổ nhiệm dù "đúng quy trình", dù có cả ý kiến của bộ máy đảng, là "tinh hoa dân tộc" có "trăm tay nghìn mắt", "sáng suốt tài tình" đồng ý và phê duyệt cất nhắc anh ta, thì lỗi vẫn thuộc về anh ta. Nghe chuyện này, người dân cứ nghĩ đến chuyện đảng đang kỷ luật con dao, còn người cầm dao đâm chết người thì vô can!

Rồi đảng cho khai thác chuyện ở PVC, nơi anh ta được bổ nhiệm năm 2009 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đến lúc này, người ta mới biết rõ rằng cái Công ty PVC thuộc ngành dầu khí này đã thua lỗ trầm trọng trong những năm đó.

Oái oăm thay, chính năm đó, PVC lại được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới! Mà để đạt được danh hiệu này, thì đơn vị đó phải có những tiêu chuẩn "nghiêm ngặt" của Nghị định Số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Trong đó quy định chỉ tặng cho các đơn vị "có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt."?

Vậy thì việc khen thưởng của tổ chức do đảng sáng suốt lãnh đạo bao năm nay đã thành trò đùa hoặc trò lừa bịp người dân cả nước. Một lần nữa vạch trần việc phong tặng, khen thưởng là trò bịp bợm sau vụ Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế bị tước danh hiệu Anh hùng do bị chính đồng đội y tố cáo dối trá, bịa đặt, lấy tội làm công để được phong anh hùng.

Thế rồi dù kết quả của cuộc bầu cử "dân chủ đến thế là cùng" mà anh ta trúng vào Quốc hội với số phiếu rất cao, thì Ủy ban bầu cử Quốc gia vẫn không công nhận anh ta là đại biểu Quốc hội, chỉ vì Ban Kiểm tra trung ương yêu cầu. Có nghĩa là cái Ban này hơn cả đám "nhân dân" mà đảng vẽ ra bấy lâu nay.

Thế mới hiểu thêm một điều: Cái gọi là bầu cử, ý dân, nguyện vọng của nhân dân, sự sáng suốt bầu người có tài, có đức vào Quốc hội mà đảng luôn khua chiêng, gõ mõ bấy lâu nay chỉ là một trò hề.

Và việc bầu anh ta vào chức vụ trong bộ máy tỉnh Hậu Giang đã phải dừng lại.

Xem xét cái "quy trình" của vụ này, người ta nhớ đến những việc đảng vẫn hay làm với các nhà đấu tranh cho dân chủ hoặc bất đồng chính kiến. Người ta nhớ đến vụ án "Hai bao cao su đã qua sử dụng bỗng nhiên thành chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam" của Cù Huy Hà Vũ hoặc vụ án "Trốn thuế trở thành Tuyên truyền chống Nhà nước"  của Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày.

Thì vẫn bài cũ, tuồng tích cũ diễn lại, dù là đồng chí, đồng đảng với nhau.

 Thế nhưng, qua vụ các đồng chí chơi nhau theo kịch bản này, lại là dịp cho người dân được "đảng cho ta sáng mắt, sáng lòng".

Thực chất của vở bi hài kịch

Người dân biết rõ rằng câu ca dao: "Mèo tha miếng thịt thì đòi. Hổ tha con lợn, mắt coi trừng trừng" là chuyện ngày càng được chứng minh trong chế độ này.

Ai cũng biết rằng, Trịnh Xuân Thanh, với vai trò và chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong một đơn vị làm ăn và đốt của người dân đến hơn 3.000 tỷ đồng là tội đáng chém. Thế nhưng, số vụ việc và quan chức làm hại đất nước cỡ Trịnh Xuân Thanh trở lên ở Việt Nam thì "đông như quân Nguyên", nếu bị móc ra trừng trị, thì nói như Nguyễn Sinh Hùng là "lấy đâu ra cán bộ mà làm việc".

Đơn giản là ngay Nguyễn Phú Trọng, khi còn là người đứng đầu Hà Nội, với vai trò Bí thư Thành ủy - một ông vua tại Thủ đô, thì chỉ riêng Dự án Ciputra đã trốn thuế đến 3.000 tỷ đồng, nhưng rồi vẫn rơi vào im lặng. Vậy trách nhiệm của ông ta là người đứng đầu, lãnh đạo toàn diện... để ở đâu? Liệu ông ta có bị khai trừ đảng?

Chỉ nói riêng trong ngành dầu khí Việt Nam, thời Trịnh Xuân Thanh, người đứng đầu ngành dầu khí là Đinh La Thăng, thì ngành này đã đốt bao nhiêu tiền dân? Chỉ nêu vài phi vụ "làm ăn" của ngành này sẽ hiểu.

Hàng trăm tỷ đồng mà ngành Dầu khí đổ vào Sân Golf Hoàng Gia, Ninh Bình, để rồi thu lại được con số âm hàng trăm tỷ. Cũng tương tự, ngành dầu khí đã đầu tư và mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank thì đã sao.

Cứ tưởng con số mất trắng 800 tỷ đồng đã là lớn ư? Chưa ăn thua. Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ với con số 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí đầu tư để rồi... đắp chiếu. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Những tưởng sự thiệt hại, thất thoát, đến con số đó là khủng khiếp và dừng lại? Xin thưa là chưa.

Dự án mà Ngành Dầu khí Việt Nam đầu tư ở Venezuela góp 40% vốn trong tổng mức đầu tư giai đoạn 2009-2014 là 1,825 tỷ USD, đã buộc phải dừng lại vào cuối 2014. Con số 40% Dầu khí Việt Nam góp vốn tại đây giai đoạn này là 730 triệu dola, nghĩa là 16.200 tỷ đồng tiền của người dân Việt Nam đã được "gửi hương cho gió".

Thế thì đã sao? Đinh La Thăng vẫn được điều sang làm Bộ trưởng một ngành huyết mạch hơn, nắm nhiều tiền của hơn, vung tay thoải mái hơn: Bộ Giao thông Vận Tải.

Và khi số tiền 16.200 tỷ tại Venezuela chính thức phá sản, thì Đinh La Thăng vẫn ung dung vào Bộ Chính Trị.

Có thể nói không ngoa điều này: Ngay trong Trung ương Đảng Cộng sản, nếu lấy tội trách nhiệm làm lãng phí, phá hoại, tham nhũng, hối lộ ra mà xét thỉ thử hỏi, mấy người thoát tội? Và thử hỏi cả ngàn Ủy viên Trung ương Đảng, có được mấy người hoặc nói cụ thể hơn là có tìm được người nào dám đứng thẳng, hiên ngang không sợ xấu hổ rằng: Tôi thanh bạch, tôi không tham nhũng, hối lộ mà tôi chỉ sống bằng đồng lương và những đồng tiền chân chính của tôi?

Có lẽ, đó lại là câu chuyện trong Kinh Thánh về thành Sodom và Gomorrah bị tiêu diệt vì không tìm ra được chỉ 10 người công chính.

Trên hết, tất cả những tham nhũng, thì vật chất, tiền bạc... vẫn chưa gây hậu quả lớn bằng việc tham nhũng quyền lực, chiếm cứ ngôi vị, vị thế quyền lực nhằm phục vụ phe nhóm mình và làm đất nước tụt hậu, nghèo nàn và đời sống người dân đi vào cùng khổ, dân tộc đi vào con đường nô lệ. Mà điều này, không cần nói thì ai cũng biết Đảng CS và dẫn đầu là Nguyễn Phú Trọng chiếm giải quán quân.

 Thực chất của vụ việc chỉ là sự thanh trừng phe nhóm nội bộ của đảng. Những chuyện nhân danh chống tham nhũng, nhân danh vì sự trong sạch, liêm khiết của đảng, lấy lại lòng tin với người dân... cứ như những vở tuồng diễn lại bao năm nay đã không còn lạ với người dân Việt Nam vốn đã có thời gian thừa thãi lòng tin và giờ đây thấm đòn.

 Cú vồ hụt và vị thế của Nguyễn Phú Trọng

Tưởng rằng, việc đứng ở vị trí đỉnh cao của quyền lực độc tài, TBT Nguyễn Phú Trọng mở màn vụ thanh trừng bằng nút mở Trịnh Xuân Thanh dễ như trở bàn tay. Để rồi từ đó, đường dây phe nhóm dần dần bị lôi ra khỏi vị thế của mình và ông Trọng một mình một ngựa.

Đâu ngờ mọi việc không như mong đợi.

Dù đã chuẩn bị công phu bằng tuyên giáo, báo chí mở màn bằng những bài viết mổ xẻ, kết tội Trịnh Xuân Thanh. Dù đã chỉ thị, yêu cầu và thậm chí họp xét khai trừ Trịnh Xuân Thanh khỏi Quốc hội, khỏi đảng và các chức vụ... cứ tưởng như Trịnh Xuân Thanh chỉ còn chờ ngày bị người ta thò tay vào giỏ để lôi ra.

Đùng một cái, Trịnh Xuân Thanh biến mất.

Thế rồi anh ta làm nóng cư dân mạng xã hội bằng đơn, thư, hình ảnh... từ nước ngoài hoặc nơi bí mật nào đó, kể tội không chỉ Nguyễn Phú Trọng mà cả đám bộ sâu Trung ương đảng.

Điều này nói lên hai khả năng:

Thứ nhất, là cuộc chiến phe nhóm lợi ích và quyền lực ngày càng gay gắt và đến hồi quyết liệt. Đã có những thanh toán nhau bằng súng, bằng nhiều cách và giờ đây là thanh toán trực tiếp bằng Chỉ thị.

Thứ hai, là vị thế của Nguyễn Phú Trọng nói riêng, Đảng CS nói chung đã không đủ để làm người ta khiếp sợ và cung cúc chấp nhận những sự bất minh mà điều này vốn đã thành lệ xưa nay.

Qua vụ việc này, nếu có chút suy nghĩ, hẳn Nguyễn Phú Trọng sẽ nhìn thấy khả năng, uy tín hiện đang ở đâu, không chỉ trong lòng dân mà ngay cả trong lòng các "đồng chí" của mình.

Hà Nội, ngày 15/9/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh