You are here

Đối thoại và lòng tin (II)

Chúng ta đã nói nhiều đến việc người dân Việt Nam đánh mất lòng tin vào lãnh đạo. Đó là một thực tế dễ nhận thấy. Nhưng còn một thực tế khác, quan trọng hơn và mang tính quyết định hơn nhiều trong sự thất bại của việc giải quyết các khủng hoảng xã hội ở Việt Nam, thực tế đó là: người Việt đánh mất lòng tin đối với nhau.

Việt Nam suy yếu không chỉ là vì người dân đánh mất lòng tin vào đảng cầm quyền. Nếu người dân đánh mất lòng tin vào lãnh đạo nhưng họ vẫn còn tin tưởng lẫn nhau thì họ có thể kết hợp lại với nhau để tạo nên sức mạnh chung. Dân Việt Nam có chín mươi triệu người, đảng chỉ có hơn bốn triệu năm trăm ngàn đảng viên mà thôi. Chín mươi triệu người mà phải chịu bó tay là bởi vì người Việt đánh mất lòng tin lẫn nhau. Người Việt không thể tin nhau, chính điều này làm cho cộng đồng người Việt suy yếu.

Hầu như tất cả đều lập luận rằng chưa có nhân vật nào đủ tầm để tập hợp mọi người.

Lập luận này có đúng hoàn toàn không ?

Chúng ta thử xem xét với trường hợp Aung San Suu Kyi, người phụ nữ Miến Điện đang được các nhà tranh đấu Việt Nam ngưỡng mộ, và không ít người phàn nàn rằng ở Việt Nam chưa ai đủ tầm như bà để đứng ra lãnh đạo phong trào dân chủ.

Trên thực tế, Aung San Suu Kyi không phải là người đứng ra kêu gọi người dân Miến Điện đấu tranh. Trái lại, cho đến trước năm 1988, bà không có hoạt động chính trị, mà chỉ có hoạt động học thuật, nghiên cứu, và bà lập gia đình và sống ở Anh. Năm 1988 bà về Miến Điện chăm sóc mẹ ốm, rồi được những người dân Miến Điện đến tận nhà đề nghị bà ở lại. Chính là trí thức, sinh viên, những người nổi tiếng, những người vô danh… ở Miến Điện đã quyết định chọn Aung San Suu Kyi làm người lãnh đạo của họ.

Aung San Suu Kyi có thuận lợi là con của một vị tướng có công đối với đất nước. Nhưng điều này không hề đảm bảo rằng bà sẽ có các năng lực giống bố bà, rằng bà có thể thành công trên con đường chính trị. Con cái của bao nhiêu vị tướng tài và bao nhiêu chính trị gia tài ba trên thế giới đã không hề nối nghiệp bố, và điều đó là bình thường, mỗi người có năng lực riêng của mình và lựa chọn riêng của mình.

Bản thân Aung San Suu Kyi lúc đầu cũng chỉ muốn giữ vai trò của một người làm trung gian hòa giải. Tôi trích dịch đoạn sau đối thoại sau đây trong cuốn « Aung San Suu Kyi – Le Jasmin ou la lune » (tác giả : Thierry Falise, NXB : Florent Massot, 2007, tr.77) :

« Nyo Ohn Myint [một giáo viên trẻ] nói vởi bà một cách rõ ràng :

-Chúng tôi cần một người lãnh đạo, chứ không cần một người làm trung gian hòa giải. 

Aung San Suu Kyi trả lời :

-Tôi lấy làm tiếc nhưng tôi không phải là người mà các bạn tìm kiếm. Tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn thực hiện quá trình hòa giải, nhưng còn lại thì tôi chỉ là một phụ nữ của gia đình, vai trò của tôi không phải là lãnh đạo đất nước.

Như vậy, cho đến lúc đó, sau khi mẹ bà mất, Aung San Suu Kyi tự nhìn nhận bản thân như là một phụ nữ của gia đình. Cả bà và cả những người Miến Điện không ai dám chắc là bà “đủ tầm” để làm lãnh đạo; trước lúc nhận lời làm lãnh đạo, ngoài di sản của người cha, bà cũng không hề được chuẩn bị để làm lãnh đạo.  Lúc chọn trao trọng trách cho Aung San Suu Kyi, người dân Miến Điện không thể dám chắc rằng bà có thể đưa họ tới thành công. Họ cũng đặt ra những hoài nghi: “Liệu bà có thực sự có khả năng diễn đạt bằng tiếng Miến Điện trước đám đông công chúng không? Bà sẽ nói gì? Bà có biết thực tế của đất nước không?” (Aung San Suu Kyi – Le Jasmin ou la lune, tr. 79). Nhưng dù vậy họ vẫn đặt lòng tin vào bà và hỗ trợ bà. Lòng tin đó chính là điểm tựa căn bản. Lòng tin đó đã biến một phụ nữ của gia đình thành một người lãnh đạo phong trào dân chủ và dẫn dắt phong trào tới thành công.

Aung San Suu Kyi chỉ thực hành các hoạt động chính trị sau khi chấp nhận trọng trách mà người dân giao phó cho bà. Tháng 8 năm 1988 bà mới thực hiện cuộc diễn thuyết chính trị đầu tiên của mình, và ngay sau đó, cùng với những người khác, tháng 9 năm 1988, bà thành lập « Liên minh quốc gia vì dân chủ ». Aung San Suu Kyi chỉ làm được những việc đó khi có sự hậu thuẫn của người dân Miến Điện, với sự tranh đấu và hy sinh của người dân Miến Điện. Và để có được vị trí chính trị ngày hôm nay trong chính phủ, bà đã phải trải qua 20 năm giam cầm, nhưng những người Miến Điện luôn tập hợp xung quanh bà, luôn tin tưởng ở bà, và dĩ nhiên, bà cũng đáp ứng lòng tin của họ. Trong quá trình hoạt động Aung San Suu Kyi đã chứng tỏ bà hội tụ đủ các phẩm chất cần thiết để lãnh đạo phong trào, nhưng các phẩm chất đó chỉ bộc lộ sau khi bà đã được nhân dân Miến Điện lựa chọn. Theo một nghĩa nào đó thì có thể nói rằng chính người dân Miến Điện đã tạo ra Aung San Suu Kyi trong tư cách là một nhân vật chính trị. Họ trao cho bà lòng tin khi họ chọn bà, và bà đã không phụ lòng tin của họ.

Lòng tin, đó là thứ mà người Việt chúng ta hiện nay không sao đạt tới được. Chúng ta cũng có những nhân vật đã tham gia hoạt động từ lâu, thậm chí đã vào tù, đã ra tù, có người đã được nhận giải thưởng hay đang được đề cử giải thưởng cho sự dấn thân của họ, đã thể hiện bản lĩnh, thể hiện mong muốn đóng góp và mong  muốn nhận trách nhiệm. Nhưng cộng đồng người Việt đã không chọn được một nhân vật nào để trao lòng tin và trao trách nhiệm chung, có nghĩa là chọn một người để tập hợp xung quanh người đó, dù rằng người đó có thể sẽ thất bại, hoặc sẽ chưa thành công ngay lập tức. Nhưng thất bại của người này sẽ là cơ sở cho người khác tiếp tục và có thể thành công. Có thể sẽ phải chịu cảnh nhiều người thất bại rồi mới có thành công. Nhưng vấn đề là người Việt cần gắn kết lại với nhau để tạo thành những tổ chức đủ lớn, và những phong trào đủ lớn, lúc đó mới có thể có các hoạt động hiệu quả, và có tác động tích cực tới chính quyền đương nhiệm.

Toàn bộ cộng đồng suy yếu không phải vì người Việt kém hay dốt. Về cơ bản, phẩm chất trí tuệ của người Việt cũng bình đẳng như các dân tộc khác. Toàn bộ cộng đồng suy yếu vì người Việt không kết hợp được với nhau. Và không kết hợp được với nhau vì nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này đã được mổ xẻ, tuy vậy cần được phân tích nhiều hơn nữa, thấu đáo hơn nữa, để mọi người ý thức về chúng một cách sâu sắc hơn nữa. Một trong những nguyên nhân là bởi vì chưa chịu tin nhau.

Làm thế nào để có thể tin nhau và tập hợp lại với nhau ? Vấn đề không chỉ là cần phải vượt qua ranh giới Bắc/Nam, đảng viên/ không đảng viên, hải ngoại/trong nước, già/trẻ, cờ vàng/cờ đỏ…

Vấn đề là muốn vượt qua được những ranh giới biểu hiện ra bên ngoài đó, mỗi người Việt phải tự vượt qua ranh giới trong lòng mình. Ranh giới đó vô hình nhưng vô cùng vững chắc, nó càng vững chắc hơn nếu mỗi người không tự ý thức về nó.

Để có một cuộc đối thoại với chính quyền trong tương lai, phải bắt đầu bằng việc mở ra không chỉ một mà nhiều cuộc đối thoại giữa các nhóm, các tổ chức, đảng phái nhỏ lẻ hiện nay của người Việt. Một liên minh, nếu muốn được hình thành thì các nhóm phân tán hiện nay cần có nhu cầu đối thoại và cần mở ra được các cuộc đối thoại. Để có thể đối thoại được với chính quyền, người Việt cần có khả năng đối thoại với nhau và cần nhanh chóng đi tới tiến hành đối thoại với nhau.

Ngoài ra, phải chăng một lý do nữa khiến người Việt không tập hợp lại được với nhau là vì ai cũng tự thấy mình giỏi, người này tự thấy mình giỏi hơn những người khác, nhóm này tự thấy mình giỏi hơn các nhóm khác ? Phải chăng vì thế mà các nhóm người Việt đấu tranh cho dân chủ, nhóm nào nhóm nấy đi con đường riêng của mình, chia rẽ, tách rời, tồn tại trong manh mún nhỏ lẻ ? Lẽ nào cứ mãi manh mún rời rạc như vậy mà bất lực nhìn con tàu Việt Nam từ từ chìm xuống biển Đông ?

(Còn tiếp)

Paris, 2/9/2016

Nguyễn Thị Từ Huy