You are here

Hồng Kông: không tự do, điện ảnh cũng chết mòn

 

Có lẽ đã lâu lắm rồi, người mê điện ảnh Việt Nam đã dần quên đi thói quen săn tìm phim Hồng Kông của mình. Kể từ năm 1997, sau khi được giao về cho Trung Quốc, vùng kinh đô điện ảnh độc đáo của Châu Á đã như bị hòa tan vào và khuynh hướng làm phim theo chủ trương, cũng như dưới đường kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh, khiến mọi thứ nhạt dần, hay nói một cách khác là đang chết.

Từng là vùng đất tiên phong của điện ảnh châu Á, Hồng Kông có vị trí là một trong những ngành công nghiệp giải trí điện ảnh lớn nhất và sáng tạo nhất, luôn làm say mê hàng triệu triệu khán giả của mọi phần trên thế giới với sắc thái riêng biệt của mình. Nơi đây còn tự hào là từng có các nhà xuất khẩu phim và truyền hình nội dung lớn nhất, với khoảng từ 200 đến 300 sản phẩm mỗi năm trong thập niên 80 và 90. Nhưng giờ đây thì Hồng Kông chỉ còn cho ra mắt được khoảng 20 phim một năm. Nếu tính thêm các phim hợp tác với đại lục thì con số có thể nâng lên khoảng 50 phim, nhưng hầu hết các phim đều phải dựa vào Quỹ Phát triển Điện ảnh (Film Development Fund) mới có thể làm nổi.

Giáo sư Cheuk Pak Tong, giảng dạy về điện ảnh tại Đại học Hong Kong Baptist University, nói rằng thị trường truyền thống bị mất dần, mà người sản xuất phim ở Hồng Kông chỉ còn thị trường địa phương với khoảng 7 triệu người. “Đây là một thị trường nhỏ nên thậm chí không đủ sức để thu hồi chi phí. Hơn nữa, vì hệ thống kiểm duyệt phim ở Trung Quốc, nhiều bộ phim Hồng Kông nếu muốn giữa bẳn sắc riêng của mình, thì lại không được duyệt để có trên màn hình ở Đại Lục. Đây là một lý do tại sao ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông bắt đầu co lại”, ông Cheuk Pak Tong nói.

Những nhà làm phim ở Hồng Kông còn đối diện với vấn nạn từ các nhà sản xuất mới, nhiều tiền từ Trung Quốc chạy sang với nhiều đòi hỏi kiểu trọc phú. Phần lớn những sản phẩm này sau khi ra đời thường được gọi là phim Trung Quốc và cũng không còn được bao nhiêu màu sắc độc đáo vùng kinh đô điện ảnh này.

Fernado Eloy, nhà sản xuất phim Magnum Opus ở Macau, thì còn bi quan hơn, “nó đang hấp hối, chắc trong khoảng 5 hay 6 năm nữa”, ông Elloy nói. Nhà sản xuất này cũng như giới làm phim đang ngụ ý vào khoảng thời gian sau năm 2020, tức Hồng Kông sẽ bị kiểm soát toàn bộ và mất hết giá trị riêng của nền điện ảnh tiếng Quảng của mình. Ngày nay, nhiều nhà làm phim ở Hồng Kông đã lẳng lặng di chuyển cơ ngơi của mình vào Trung Quốc do thị trường lớn, giá rẻ và cũng có nghĩa là ký vào giấy cam kết sản xuất phim theo nguyên tắc của Tổng cục Nhà nước Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc. Ông Fernando Eloy nói rằng nhiều bộ phim được sản xuất bởi nhà sản xuất Hồng Kông hay các diễn viên Hồng Kông, nhưng phần tiêu đề sẽ phải ghi là Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, cũng có một lượng phim Trung Quốc đem qua sản xuất tại Hồng Kông, và giả vờ như là một bộ phim Hồng Kông để dễ mua bán. Loại phim này đang làm “hư” chất Hồng Kông truyền thống, mà bất cứ ai yêu dòng sản phẩm thuần chất này đều cảm thấy buồn bã.

Từ một nơi sản xuất phim tự do và đầy cảm hứng, giờ đây, điện ảnh Hương Cảng phải đánh vật hàng ngày với các quy định của Tổng cục Nhà nước Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình. Các mục kiểm duyệt ghi rõ là phim muốn được chiếu ở đại lục, cấm không được có các yếu tố chuyện tình một đêm, ngoại tình, hiếp dâm, loạn luân, thủ dâm hay tình dục với xác chết. Thậm chí có những mục cấm mơ hồ như “trụy lạc” mà biên giới của ý tưởng này thì không rõ là như thế nào.

Từ 2008, Cục này còn cho ra thêm một sắc lệnh mới là “chống lại tinh thần sai lầm và bóng ma bạo lực, quái vật, ma quỷ và miêu tả vô nhân đạo khác, kể chuyện kỳ ​​lạ và siêu nhiên với mục đích kinh dị làm người xem sợ hãi”. Nói một cách khác, phim ma – một loại phim đặc thù ăn khách của Hồng Kông cũng bị khai tử trong đại lục. Các “hướng dẫn mới” này thật sự là một cú sốc choáng váng cho ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, nơi mà ma quỷ, siêu nhiên luôn là mặt hàng chủ lực. Bắc Kinh thì giải thích rằng đất nước đang cố gắng để “kiểm soát và làm sạch các tác động tiêu cực các loại sản phẩm này đối với xã hội, và bảo vệ sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên”. Kết quả là sau gần 10 năm của cuộc bảo vệ ấy, Hồng Kông giương cờ trắng, và nhường thị phần này cho Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật trong nỗi buồn không biết tỏ cùng ai.

“One movie, two versions” (một cuốn phim, hai phiên bản) là cách nói nhại lại nguyên tắc chính trị của Bắc Kinh dành cho Hồng Kông “một quốc gia, hai chế độ”. Để vào được thị trường Bắc Kinh, từ sau 1997, các nhà làm phim Hương Cảng phải luôn quay thêm các phần “phù hợp” với yêu cầu của kiểm duyệt. Bản chiếu ở Hồng Kông luôn khác với bản chiếu ở đại lục. Thế nhưng mòn mỏi với việc phải tuân phục các quy định vô lý và chằng chịt phản nghệ thuật này, các nhà làm phim Hồng Kông cũng đã khép dần lại công việc của mình.

Một năm, Trung Quốc chỉ cho phép chiếu 34 phim nước ngoài trong nước, và để được ghi danh vào 5000 phòng chiếu trong nước này, không chỉ là người sản xuất phim trong nước, ngay cả các sản phẩm lớn của Hollywood cũng phải răm rắp cắt sửa và thay đổi kịch bản theo yêu cầu kiểm duyệt.

Thế nhưng tháng 4 vừa rồi, khi bộ phim ngắn Ten Years giành được giải trong  2016 Hong Kong Film Awards, một làn gió hy vọng đang trỗi lên với những nhà làm phim Hương Cảng. Bắc Kinh thì tức giận và cố làm lơ, thậm chí tìm cách ngăn chận nội dung phim đến được với khán giả, nhưng phim Ten Years là câu chuyện mà người Hồng Kông nói với nhau nhiều nhất và suy tư về cuộc sống của mình nhiều nhất lúc này.   

Phim Ten Years được thực hiện với ngân sách khoảng 500.000 đô la Hồng Kông (tức khoảng 64.000 USD), nhưng ngay sau khi trình chiếu được một tuần, đã thu về hơn 5 triệu đô la Hồng Kông.  Trong năm câu chuyện ngắn của mình, mỗi một đạo diễn khác nhau, Ten Years - Mười năm khắc họa một Hồng Kông trong tương lai gần như phải vật lộn dưới sự kìm kẹp thắt chặt của chính quyền Trung Quốc. Năm câu chuyện nói về sự âm thầm hủy diệt ngôn ngữ Quảng đông ở Hồng Kông và thay bằng tiếng Quan Thoại, kiểm duyệt sách báo và tự do tư tưởng, thậm chí là nói về một phụ nữ tự thiêu, biểu tình để đòi quyền của con người…

Suốt tháng 7 và tháng 8 vừa rồi, bộ phim Ten Years của Hồng Kông đã đi khắp các rạp và các buổi trình chiếu quan trọng trên thế giới và được rầm rộ chào đón. Những nhà làm phim Hồng Kông tràn ngập một niềm hy vọng rằng sau sự kiện của phim Ten Years, điện ảnh tại đây sẽ khỏi sắc sau hơn một thập kỷ chìm dần và hòa tan với điện ảnh từ đại lục.

Cho đến lúc phim Ten Years được trình chiếu lần đầu, không khí đời sống ở Hồng Kông cũng bắt đầu ngột ngạt hơn rất nhiều. Đã có năm chủ tiệm sách dám phát hành các tựa sách “nhạy cảm”bị biến mất khỏi Hồng Kông, cảnh sát thì đã bắn đạn chỉ thiên trong cuộc đụng độ đêm giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trong dịp năm mới.

“Rất nhiều người nói với chúng tôi: chúng tôi không cần phải chờ đợi mười năm. Tất cả điều này đã xảy ra “, ông Ng Ka-Leung, một trong những đạo diễn của Ten Years nói. Những người bình luận phim này nói rằng khán giả xem phim bước ra mang những tâm trạng khác nhau. Có người thì như buồn bã, nhưng có người thi như được tiếp thêm năng lượng mới.

“Chúng tôi dùng nghệ thuật để nói về tương lai, và để nói rằng chúng tôi không từ bỏ hy vọng”, đạo diễn Ng Ka-Leung nói, mặc dù không rõ ông nói về Hồng Kông hay nói về một tương lai khác của nền điện ảnh Hồng Kông, giữa những niềm tuyệt vọng.