You are here

Một vài suy nghĩ từ vụ thanh toán nhau của các quan chức ở Yên Bái

Ảnh của songchi

Song Chi.

1. Lòng dân

Lòng dân như thế nào qua vụ các “đồng chí quan chức cộng sản” bắn nhau này thì quá nhiều ý kiến, lời bình cho tới các bài blog, bài báo trên các blog cá nhân, các trang mạng xã hội đã thể hiện quá rõ. Không cần phải nói lại. Nhất là sau khi VTC News đăng tải bài báo “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”, chỉ trích, lên án những người đang “hả hê” trước “sự mất mát quá lớn về cán bộ lãnh đạo cho địa phương cũng như cho hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền nói chung.”, và cho rằng “Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh.” Ngay lập tức sau đó hàng loạt bài viết đã trả lời bài báo này, nhưng tựu trung đều nói lên một ý, trước khi trách người dân vô tình, thậm chí hả hê trước cái chết của các quan chức cộng sản thì hãy tự đặt câu hỏi tại sao lại như thế.

Hãy nhìn vào những bất công của xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá cách biệt giữa cuộc sống xa hoa, phô trương, phung phí của hầu hết các quan chức từ thấp đến cao so với cuộc sống cực khổ, giật gấu vá vai, chạy ăn từng bữa, của giai cấp nông dân, công nhân, ngư dân cho tới tiểu thương, dân nghèo thành thị, công nhân viên chức…

Hãy nhìn vào cách nhà cầm quyền bóp nặn người dân bằng đủ mọi loại thuế phí, sưu cao thuế nặng gây ra nhiều thảm cảnh còn hơn cả thời thực dân phong kiến. Hãy nhìn cách nhà cầm quyền bán tài nguyên của đất nước, cho thuê, cầm cố đất đai lãnh thổ một cách vô cùng dễ dãi, để rồi những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt và cả máu ấy, những đồng tiền bán rẻ đất nước ấy phần thì chảy vào túi các quan tham, phần thì chi tiêu một cách hoang phí, vô tội vạ để nợ cho dân gánh.

Và để rồi sau hơn 40 năm thống nhất, VN vẫn cứ là một nước nghèo lạc hậu, vẫn cứ phải vác mặt đi vay đi xin thế giới, người dân thì không có một chút quyền tự do dân chủ nào, không có một chút quyền hành gì đối với đất nước này…Thì có gì lạ khi lòng dân chán ghét chế độ, có gì lạ khi người dân mừng vui trước cái chết của các quan do thanh trừng, thanh toán lẫn nhau vì tranh giành quyền, lợi?

2. Có nên lạc quan hay ngạc nhiên, sửng sốt?

Nhưng nếu chỉ vì một vụ thanh toán nhau do mâu thuẫn quyền lợi của 3 quan chức cộng sản cấp địa phương mà chúng ta vội vui mừng tưởng như cả chế độ này sắp lung lay đến nơi thì e rằng hơi lạc quan quá. Tay này chết thì sẽ có tay khác lên, còn cả tập đoàn Ba Đình đang ngồi chễm chệ kia, còn cả hệ thống, guồng máy từ trên xuống dưới kia vẫn tiếp tục siết chặt yếu hầu của 90 triệu người dân, tiếp tục là lực cản lớn trên con đường trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, giàu mạnh, tiến bộ của VN đồng thời là nguyên nhân dẫn tới VN không sao thoát khỏi mối nguy cơ mang tên Trung Cộng.

Sở dĩ vụ nổ súng thanh toán này gây xôn xao là vì nhà cầm quyền buộc phải cho báo chí nhà nước vào cuộc công khai đưa tin sau khi báo chí “lề trái” đã ram ran hết cả, biết rằng càng dấu diếm thì càng bất lợi, thông tin sẽ lan truyền với đủ thứ “kịch bản” không thể đối phó được, thôi thì đành phải họp báo công khai chứ cũng chả phải tiến bộ gì.

Mà đây có phải là lần đầu tiên trong nội bộ đảng cộng sản có sự thanh toán, triệt hạ lẫn nhau đâu. Ngay từ thời ông Hồ ông Duẩn cho tới mới đây nhất, những cái chết kiểu như của ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, người có dính líu đến Dương Chí Dũng- nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang phải thi hành án tù; hay của ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương…đều có nghi vấn là do thanh toán triệt hạ lẫn nhau giữa các phe phái hoặc để bị miệng cả.

Đó là chưa kể những cái chết bất ngờ, khó hiểu của những nhân vật từng chống lại Trung Cộng, ví dụ mới đây nhất là “cái chết bất ngờ vì bạo bệnh” của thiếu tướng quân đội Lê Xuân Duy, người từng có mặt trong trận đánh khốc liệt Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984 của cuộc chiến Việt-Trung, và vừa nhậm chức tư lệnh quân khu 2 được 3 tháng. Hay trước đó nữa là cựu tư lệnh quân khu 2, trung tướng Đào Trọng Lịch, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế bộ trưởng quốc phòng, đã bất ngờ tử nạn trong một vụ rớt máy bay trực thăng bí ẩn tại Lào năm 1998 v.v…

Có thể nói lịch sử đảng cộng sản VN, cũng giống như những đảng cộng sản đã bị triệt tiêu hay vẫn còn đang tồn tại tại các quốc gia khác nhau, là lịch sử của bạo lực và tội ác. Bạo lực và tội ác chống lại nhân dân, chống lại những thế lực, quốc gia thù địch, và giữa chính những người cộng sản thông qua những cuộc thanh trừng, ám sát bí mật. Do sự bưng bít thông tin, người dân tại các quốc gia đó chỉ có thể đoán mò, góp nhặt các mảnh ghép thông tin với nhau để hình dung phần nào chuyện gì đã xảy ra, nhưng tất nhiên là vô số những bí mật, tội ác khác vẫn còn nằm trong bóng tối và chỉ khi nào chế độ cộng sản sụp đổ sự thật mới được phơi bày mà thôi.

Cho nên chả có gì phải lạc quan hay ngạc nhiên sửng sốt cả. VN chắc chắn phải thay đổi, chế độ độc tài cộng sản chắc chắn phải bị đào thải nhưng không phải chỉ từ sự mâu thuẫn cá nhân, hay sự thanh trừng vì quyền lợi giữa các phe nhóm mà phải từ sự bất đồng sâu sắc về hướng phát triển, con đường đi tới của VN trong nội bộ đảng cộng sản, cộng với sức ép phản kháng mạnh mẽ từ nhân dân, cuối cùng là những biến động trên thế giới và sự hỗ trợ, tác động từ bên ngoài.

3. Bưng bít thông tin? Là thái độ đối phó lỗi thời.

Thời buổi bây giờ có phải như cách đây vài chục năm, thậm chí mươi, mười lăm năm trước đâu mà nhà cầm quyền định bưng bít thông tin, rồi sau đó lại cho báo chí đưa tin nhưng không được phép tiếp cận đầy đủ sự việc, từ quan sát hiện trường vụ án, phỏng vấn các nhân chứng, vật chứng, y bác sĩ, kết quả khám nghiệm pháp y nếu có…mà chỉ được cho biết những gì nhà chức trách và công an thông báo chính thức. Chả trách gì thông tin lộn xộn, mơ hồ, đầy mâu thuẫn…

Quần chúng bây giờ thì tinh lắm, họ chỉ cần soi vào mấy bài báo, mấy cái hình là thấy bao nhiêu chi tiết mâu thuẫn lộ ra. Nào giờ chết, nào hướng đạn đi và vết thương như thế thì bắn làm sao mà được như vậy, còn người bị xem là thủ phạm có đúng là tự sát, có đúng là thủ phạm hay còn có ai khác v.v…Rồi ngay cả việc các cơ quan hữu trách vội vàng kết luận ngay ai là thủ phạm, vội vàng đưa các nạn nhân đi tẩm liệm… Hậu quả chỉ khiến cho dư luận càng thêm nghi ngờ, phỏng đoán, càng tung ra những “kịch bản” bất lợi cho nhà cầm quyền.

Mà thật ra thì lòng tin của người dân đối với đảng và nhà nước cộng sản từ lâu đã là số âm rồi, có lẽ biết vậy cho nên nhà cầm quyền cứ mặc kệ, cứ nói, còn dân tin hay không kệ.

4. Làm quan đâu phải dễ.

Cuối cùng, một chi tiết nhỏ nhưng vẫn phải nói. Về ông quan to Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ là một người chả quan tâm gì đến luật pháp, luật lệ hay những yêu cầu bắt buộc ở những nơi mà ông ta đến. Hôm trước thì khiến dư luận xôn xao, bất bình vì đã để cho đoàn xe tháp tùng lên tới khoảng mười mấy, hai chục chiếc ào ào chạy vào con đường nhỏ hẹp vốn chỉ dành riêng cho người đi bộ ở khu phố cổ Hội An trong khi các du khách vẫn đang đi bộ trên đường.

Lần này khi vào bệnh viện thăm nạn nhân (hay thủ phạm?) vụ thanh trừng nhau của các quan chức cộng sản ở Yên Bái, người bị thương đang nằm và có vẻ đang được bác sĩ làm các động tác cấp cứu chứng tỏ không phải phòng thăm bệnh bình thường. Trong khi các y tá bác sĩ đều mặc áo blouse, đội mũ, mang khẩu trang để bảo đảm vô trùng và ai cũng biết, nguyên tắc của các bệnh viện là trong những trường hợp như vậy, người vào thăm nếu có, cũng phải khoác áo blouse, đội mũ, mang khẩu trang, kể cả mang bao nilon bọc ngoài đôi giày đang mang, thì ông Thủ tướng và người đi cùng cứ thế mặc đồ bình thường. Chắc là vì ông “to” quá nên các y tá bác sĩ không dám nhắc nhở?

Hôm trước khi bị dư luận chỉ trích, ông Thủ tướng phải lên tiếng xin lỗi, thật ra là bao biện cho rằng vì mình và đoàn người đi bộ trước hàng cây số nên không biết có đoàn xe tháp tùng theo sau, lần này chắc lại bảo vì không biết có cái quy định/yêu cầu như thế khi vào phòng cấp cứu hoặc phòng hồi sức của bệnh viện.

Những chuyện nho nhỏ như vậy sẽ làm mất thêm điểm của các quan chức, chính khách Việt trong mắt người dân.

Ở các nước tự do dân chủ, làm chính khách thật không dễ dàng gì. Vừa phải có trình độ kiến thức thật sự do quá trình học tập đàng hoàng, bằng cấp thật chứ không phải học láo học lếu, bằng mua chức “chạy” như ở nước ta; vừa phải trải qua quá trình tuyển chọn công khai, minh bạch thông qua bầu cử tự do, rồi sau đó trong suốt quá trình ngồi trên một vị trí nào đó còn bị báo chí trong ngoài nước, các tổ chức dân sự, phi chính phủ, dư luận từ người dân săm soi phán xét từng li từng tí, hàng ngày hàng giờ, có bất kỳ một sai sót nào là “lãnh đủ” búa rìu dư luận ngay rồi phải tự chức hoặc bị tống cổ về vườn.

Còn ở nước ta, làm quan không qua học hành bài bản, không do dân chọn dân bầu, vừa thiếu trình độ vừa không có thực tài, lại thêm báo chí truyền thông luật pháp... đều nằm trong tay nhà cầm quyền, thế nên các quan chức chính khách cộng sản trước tới giờ hầu như đều thế cả, quen đứng trên luật pháp, đứng trên mọi yêu cầu, quy định của xã hội và trên cả dư luận!

May mà còn có internet, có facebook cho người dân có nơi bày tỏ thái độ, suy nghĩ thật của mình và có Google kịp giữ lại mọi lời, mọi việc các ông làm cho dù báo chí chính thống đã xóa đi!