You are here

Súng nào cũng là súng

Có thể nói rằng trong tuần vừa qua, Việt Nam đã diễn ra một cuộc cách mạng của thứ mà ít tai dám mong nó trở nến nổi tiếng, đó là: Bắn Súng! Tay súng của Việt Nam đã giật huy chương vàng Olympic, súng đi thẳng vào nghị trường tỉnh Yên Bái và khạc lửa đúng ba phát, đoạt ngay tức thì ba mạng, trong đó có hai mạng đứng đầu hệ thống đảng bộ tỉnh gồm Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh. Nói như lời của bà Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh còn sống sót là “súng nổ do bão lòng”. Có một sự khá lạ là huy chương vàng môn bắn súng của Việt Nam lẽ ra phải được nhân dân đón nhận, vui mừng thì có vẻ như đại đa số nhân dân chẳng màng qua tâm, trong khi đó, câu chuyện súng nổ ở Yên Bái lại làm cho nhân dân muốn ăn mừng. Chuyện hết sức lạ!

Có lẽ nhờ thấy được, nghe được hai chữ “bão lòng” này mà bà Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh không bị bắn chết chăng? Và tại sao tấm huy chương vàng môn bắn súng Olympic Rio lại không làm cho người dân thấy vui mà một câu chuyện đau lòng xảy ra, ba mạng người bị cướp thì người dân lại tỏ ra thoải mái, có phần hả hê?

Ở đây, câu hỏi thứ nhất lại là kết quả của câu hỏi thứ hai, hai chữ bão lòng của bà Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cũng như những phản ứng của cộng đồng mạng, của người dân cũng đủ nói lên tất cả bản chất sự việc. Ba cái chết diễn ra trước lề một buổi họp được xem là linh thiêng nhất của người Cộng sản cấp tỉnh. Bởi, trong cơ chế độc đảng, độc tài, mọi quyền hành do đảng Cộng sản lãnh đạo thì ở cấp tỉnh, không có chức vụ gì lớn hơn Bí thư và Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Hay nói cách khác, trong buổi họp cấp tỉnh, hai chức vụ này sẽ ngồi ghế cao nhất, quyền lực của họ có thể giúp họ hét ra lửa.

Và câu chuyện hét ra lửa của hầu hết các người đầu đảng ở các địa phương đã trở thành chuyện đương nhiên. Ngay cả chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, chức danh tuy nghe to lớn vậy nhưng khi đụng phải Bí thư và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì cũng phải khựng lại bởi dù nói gì, làm gì thì khi sinh hoạt đảng cũng nằm dưới tay hai người này.

Nhưng nghe có vẻ như lần này, các ông hét ra lửa, còn súng thì khạc ra lửa. Người ta đã bắt đầu không thể chịu đựng được nhiều hơn nữa sự hét ra lửa của các ông, bởi ai cũng là con người, cũng cảm nhận được nỗi cay đắng của một thằng cấp dưới bé mọn phải nhất nhất tuân phục cấp trên vì lý tưởng đảng nhưng cấp trên càng cao thì hành tung càng tráo trở, càng lưu manh đối với cấp dưới. Thậm chí không thiếu những cấp trên mượn uy lực đảng, mượn quyền lãnh đạo để dắt vợ cấp dưới đi ăn chơi, nhảy múa, rồi sau cái ăn chơi nhảy múa đó chẳng biết là cái gì. Khi bão lòng đủ mạnh, đủ để vượt qua sợ hãi, người ta sẽ không còn sợ hãi, và nếu không đủ quyền lực để hét ra lửa, người ta sẽ mượn những thứ khác để hét ra lửa thay cho họ.

Khẩu súng khạc ra ba phát đạn, cướp đi đúng ba mạng người, gồm kẻ bị bắn và kẻ bắn. Điều này cho thấy độ chuẩn xác của người bắn phải rất cao và họ đã rất bình tĩnh, tính toán, không bị run tay, cũng có thể đây là một tấm huy chương vàng khác cho bộ môn bắn súng của Việt Nam. Tấm huy chương vàng của cấp dưới bắn thẳng vào cường quyền, nỗi oan nào đó do cấp trên gây ra để rồi tự kết thúc cuộc đời, hành động hết sức lạnh lùng và chi tiết, chuẩn xác đến đáng sợ.

Và tại sao cộng đồng mạng, hầu hết người dân lại thấy ba cái chết diễn ra lạ chuyện đương nhiên, chuyện để mang ra bàn tán mua vui? Phải chăng người dân đã lãnh cảm, lạnh lùng?

Câu trả lời là hoàn toàn không phải như vậy. Bởi phát súng của ông Chi cục trưởng Chi cụ kiểm lâm tỉnh Yên Bái lại vô hình trung làm người ta nhớ đến những phát súng của gia đình anh Đoàn Văn Vươn, những phát súng nã thẳng vào cường quyền và thứ quyền uy bất di bất dịch của đảng, của nhà cầm quyền. Những phát súng đóng vai trò giải phóng xung năng oan ức.

Bởi nói gì thì nói, sau gần nửa thế kỉ gọi là thống nhất hai miền đất nước, thứ mà người Cộng sản mang lại cho nhân dân nhiều nhất vẫn là nỗi oan khiên. Từ góc quê nghèo cho đến thành phố lớn, từ bộ máy lãnh đạo thôn, xã cho đến bộ máy trung ương, có chỗ nào là không gây tiếng thở dài cho nhân dân. Từ chiếc giường của người nông dân nghèo ở Thanh Hóa cho đến cả một dải bờ biển, nếu muốn, nhà cầm quyền Cộng sản đều có thể phù phép, hô biến nó thành tài sản chung và bán mua một cách rẻ rung nhất. Cả một đất nước chìm trong tiếng thở dài, và người ta chỉ dám thở dài ngao ngán vì mình đã sinh ra trên đất nước Việt Nam này chứ chẳng dám làm gì khác.

Bởi sợ hãi, sợ sự tàn độc, sợ trả thù, sợ chụp mũ, sợ qui kết, sợ những thủ đoạn hèn hạ, bỉ ổi… Không có thứ gì là không làm người ta sợ khi sống dưới chế độ Cộng sản. Và bất kể nơi nào, kẻ đứng đầu đảng Cộng sản luôn đóng vai trò ông vua, lãnh chúa toàn quyền, không ai dám đụng tới. Nỗi oan khiên ngày càng chồng chất, kẻ nắm quyền ngày càng trơ tráo, hợm hĩnh và ngang nhiên.

Đương nhiên một khi cả đất nước phải tắm trong oan khiên và cam chị thì xung năng cách mạng hoàn toàn không nhỏ. Nhưng người ta sợ máu, sợ thù hận chồng chất, sợ thủ đoạn kéo dài và sợ cả sự an toàn bị đánh đổi dai dẳng… Người ta phải làm thinh, cắn răng chịu đựng. Và người dân càng cắn răng chịu đựng thì có vẻ như sự hợm hĩnh, thách thức và tàn nhẫn từ phía đảng Cộng sản càng trở nên bạo liệt hơn. Chính ví vậy mà đùng một cái, nghe nói ai đó bắn thẳng vào một đảng trưởng ở một nghị trường tỉnh nhân dân trở nên quan tâm, hồ hởi.

Sự hồ hởi này không đến bởi máu lạnh hay cái ác trỗi dậy mà là sự giải phóng có tính lây lan của nỗi oan khiên nhốt kín trong lòng dân tộc gần nửa thế kỉ nay. Và người ta cũng không hồ hởi vì có người chết, hoàn toàn không. Người ta đang thấy vui bởi có người dám bắn thẳng vào quyền lực tối thượng của kẻ độc tài, của quyền lực nhóm, của những đứa con phản bội tổ quốc, giày xéo quê hương và tha hóa tâm hồn, vò nhàu lương tri dân tộc mấy mươi năm nay. Đây là một sự thật đau lòng!

Điếu này lý giải vì sao phát súng mang lại tấm huy chương vàng của tay xạ thủ Việt Nam tại Olympic lại không làm cho người dân quan tâm bằng phát súng ở Yên Bái, mặc dù súng nào cũng là súng cả thôi!