You are here

Xung quanh cuộc Đối thoại nhân quyền Việt - Úc 4/8/2016

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Ngay sau cuộc đối thoại về nhân quyền Việt - Úc lần thứ 13 giữa hai bên diễn ra tại Hà Nội, ngày 5 tháng 8, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với một số quan chức sứ quán Úc và các nước Phương Tây. Cuộc đối thoại này không thấy báo chí chính thống ở Việt Nam nhắc tới.

Với Úc, cuộc đối thoại song phương về nhân quyền không diễn ra ở nhiều nước mà chỉ với ba nước là Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Những cuộc đối thoại này giúp cho chính phủ hai nước nói chuyện với nhau về vấn đề nhân quyền một cách thẳng thắn, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

Chính phủ Úc quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua một ngày đối thoại. Úc đã nêu ra những vấn đề nhân quyền cơ bản như: tự do biểu đạt ý kiến, tự do báo chí, tự do hội họp, . Tại buổi đối thoại, Úc đã nêu lên những trường hợp chính phủ Việt Nam không đảm bảo được về vấn đề nhân quyền. Phía Úc đã trao cho VN một danh sách mà họ quan tâm (danh sách này không đưa công khai ra công luận).

Trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, phía Úc không thể đưa ra phản hồi chính thức với phía Việt Nam mà họ hỗ trợ cho Việt nam về nhân quyền dưới chương trình tài trợ cho các dự án hướng tới các mục tiêu: Ngăn chặn hoặc chấm dứt hoàn toàn các vi phạm về nhân quyền; giám sát, tìm giải pháp về các vi phạm về nhân quyền; giáo dục, đào tạo các cán bộ làm về nhân quyền; thúc đẩy việc tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền; thúc đẩy và tăng cường hoạt động của các thể chế và cơ quan phụ trách về nhân quyền của quốc gia; hỗ trợ VN thành lập Viện quốc gia về nhân quyền.

Khi VN xin tài trợ của Úc thì Úc có chương trình giúp Việt Nam về nguồn lực, xóa đói giảm nghèo, nâng cao vai trò của phụ nữ, sử dụng nguồn nhân lực… để giúp Việt Nam hòa nhập tốt hơn. Nếu đặt vấn đề nhân quyền kèm theo sự giúp đỡ thì rất khó, Việt Nam sẽ không chấp nhận.

Úc cũng quan tâm đến vai trò truyền thông độc lập với vấn đề nhân quyền. Họ đưa ra một ví dụ có một báo cáo của một nhóm thanh niên miền Bắc Úc đưa lên truyền thông là thách thức đối với chính phủ. Thủ tướng Úc không hoàn toàn bác bỏ mà yêu cầu tuân thủ pháp luật cao nhất có thể. Thông điệp của Úc là đưa ra kinh nghiệm có thể chính phủ không xử lý ngay, nhưng về lâu dài sẽ giúp chính phủ ổn định xã hội. Trước khi đối thoại nhân quyền diễn ra, Chính phủ Úc có mở một Hội nghị bàn tròn tham vấn ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, như hội nghị trước cuộc đối thoại này có tới 24 tổ chức XHDS tham gia.

Qua những cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc cho thấy Việt Nam rất khó thay đổi quan điểm của họ về nhân quyền. Phía Úc tỏ ý lo ngại cho các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam muốn có tiềm năng phát triển kinh tế thì phải thay đổi, phải có sự tiến bộ về nhân quyền.

Nhìn chung, Việt Nam không đồng ý với những quan ngại của Úc về vấn đề nhân quyền. Hai chính phủ có sự khác biệt nhau trong cách hiểu về nhân quyền. So với những lần đối thoại trước, phía Việt Nam không có gì thay đổi. Tuy cả hai đều thống nhất vấn đề về nhân quyền phải căn cứ vào luật pháp quốc tế nhưng cách tiếp cận khác nhau, lối giải thích khác nhau. 

Chúng tôi đưa ra ví dụ việc thu hồi đất khiến nông dân không có đất canh tác trong khi không chuyển đổi được nghề nghiệp, đẩy nông dân vào cảnh cùng quẫn thì VN giải thích như thế nào? Họ cho biết Việt Nam giải thích rằng, thu hồi đất để xây dựng các công trình làm cho cuộc sống của nông dân tốt đẹp hơn!? Tất nhiên, không ai tin vào lối giải thích này.

Chúng tôi phân tích thêm tình trang vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như đàn áp, đánh đập người biểu tình, ngăn cản quyền đi lại của những người hoạt động XHDS, tình trạng nghi phạm bị đánh chết trong khi tạm giam, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng… và kết luận sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là có hệ thống, chứ không chỉ là hiện tượng và cho rằng, đó là cách làm rất tiêu cực của cả hệ thống chính trị để bảo vệ chế độ.

Có thể hiểu, trong đối thoại nhân quyền với Việt Nam, Chính phủ Úc có cách tiếp cận riêng của họ. Tuy bức xúc, quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền nhưng họ không ép Việt Nam, không đặt điều kiện để đổi lấy sự tài trợ. Nhưng thông qua chương trình tài trợ họ hướng tới các dự án có tác động tốt hơn đến nhân quyền. 

Tuy nhiên, Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) có thái độ rất dứt khoát đối với Việt Nam. Trước cuộc đối thoại này, bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trụ sở tại Úc đã trả lời đài RFA. Bà yêu cầu Úc và VN phải minh bạch thông tin đối thoại. Bà cho rằng, Việt Nam đang đi ngược lại quyền con người và ngày càng tồi tệ.

Bà Elaine Pearson lo lắng Bộ luật hình sự của Việt Nam có một số điều khoản mà dễ dàng đưa người dân vào tù chỉ vì những hoạt động thông thường. Việt Nam đàn áp rất nặng tay các nhà hoạt động dân chủ. Bà đòi hỏi Việt Nam không thể chỉ nói suống, hứa hẹn đãi bôi mà cần phải có những hành động cụ thể. Bà cho rằng Chính phủ Úc cần thúc giục Việt Nam phải tuân thủ theo những gì họ cam kết.

 

9/8/2016