You are here

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook: Nhân Vật Năm 2010 của Time

Lê Diễn Đức – RFA 

Tôi đã giới thiệu với bạn hữu trên Facebook bài viết nói về các nhân vật nổi tiếng là ứng viên của danh hiệu uy tín "The Person Of The Year" của tạp chí "Time", được cập nhật trên RFA [1] với những thay đổi thứ hạng bất ngờ trên bảng thăm dò dư luận Online của "Time".

Khi còn chưa biết kết quả, bạn Đoan Trang (một nhà báo trong nước), viết comment nói rằng bạn thích người sáng lập trang mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg giành được chiến thắng.

Chúc mừng bạn Đoan Trang đã có đúng người mình thích!

Tôi cũng rất vui, vì là người đã hưởng ứng Đoan Trang trong các comments. Mark Zuckerberg xứng đáng, với riêng tôi, còn là vì nhờ có Facebook, suốt thời gian bị tin tặc đánh sập Blog trên WordPress, tôi đã có phương tiện liên lạc với bạn bè và bạn đọc của mình.

Chúng ta cũng đã biết rằng, Mark Zuckerberg là nhân vật chính trong bộ phim "Mạng Xã hội" (The Social Network) sản xuất trong năm 2010.

Mặc dù trong bảng thăm dò dư luận chỉ với 18.353 votes, cách xa vị trí của "anh hùng hảo hán" bạch hóa thông tin, Julian Assange, người sáng lập trang WikiLeaks, đã nhảy vọt lên hạng nhất với (hơn 382 ngàn votes) chỉ mấy ngày sau khi tung ra các điện tín bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng Mark Zuckerberg đã được "Time" chọn là "Nhân Vật Năm 2010".

Điều này cũng cho chúng ta một số nhìn nhận về sự lựa chọn của ban biên tập "Time".

Đã có một số ứng viên sáng giá năm nay thuộc giới báo chí truyền thông.

Theo tôi, báo chí truyền thông tự do nhưng trong chuyển tải thông tin những gì phạm trù thuộc về đạo đức cần phải được cân nhắc và suy tính kỹ trước khi đưa ra công luận. Nếu không, ảnh hưởng bất lợi của nó với xã hội khó có thể lường trước.

Ví dụ, trong bài "Một quá khứ cộng sản không thể nào quên" [1] viết về sự kiện ban hành tình trạng chiến tranh ở Ba Lan thời cộng sản, tôi có nêu ra chi tiết nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan đã xài hết nhẵn 4 tỷ đôla tiền tiết kiệm của dân chúng trong hai ngân hàng nhà nước. Chính quyền dân chủ đã không vội công bố thông tin này sau khi chế độ cộng sản sụp đổ mà đã xem là bí mật quốc gia tuyệt đối, rồi đợi đến thời gian sau khi ổn định kinh tế, có tiền bù đắp vào chỗ mất mát cho dân, mới nói ra. Hãy tưởng tượng, vào thời điểm đó mà có một "Wikileaks" cho tiết lộ, không biết xã hội Ba Lan sẽ hoảng loạn thế nào khi hàng triệu người dân biết số tiền mồ hôi, nước mắt của mình đã biến thành mây khói.

Một bên là khai phóng, làm cầu nối liên lạc, phục vụ tinh thần và chia sẻ những giá trị của đời sống, của tự do và nhân quyền cho tất cả mọi người, như Facebook đã thực hiện và đang phát triển với nhiều ý tưởng táo bạo; một bên khác là sẵn sàng bạch hóa tất cả mọi thông tin, bất luận thông tin đó có hại, có lợi cho xã hội ra sao, kể cả thông tin thuộc về bí mật quốc gia bị đánh cắp.

Chính vì thế, nhật báo "New York Times" đã viết: "WikiLeaks đại diện cho một loại vận động mới, loại đã từng đến với suy nghĩ của các hoạt động trong những năm 60, khi mọi người muốn tự tay mình va chạm và đào bới các thông tin" và "Những gì mọi người đang thấy chỉ là một khe nứt ở cánh cửa. Không ai có thể biết chuyện này sẽ còn đi đến đâu".

"Hiện nay WikiLeaks có thể sẵn sàng giao bóng với các báo chí, nhưng tổ chức này không chia sẻ các giá trị hoặc mục tiêu tương đồng. Ông Assange và những người ủng hộ trang Web cho sự minh bạch là mục tiêu cuối cùng, tin rằng ánh nắng mặt trời và sự cởi mở sẽ lấy đi các tác nhân xấu của sự bí mật họ cần đến để thành công. Các phương tiện truyền thông chính thống có thể dành nhiều thời gian để lục lọi thông tin từ những nguồn chính thức, nhưng chủ yếu họ hoạt động trong niềm tin rằng nhà nước là hợp pháp và tối thiểu được phép có một số bí mật của mình". [3]

Việc ra đi của một số những người đồng nghiệp trong ban điều hành trang mạng WikiLeaks khiến chúng ta có thái độ nghiêm túc và thận trọng, trước khi vội vã bênh vực WikiLeaks.

Lựa chọn Mark Zuckerberg, tạp chí "Time" viết: "Facebook đã hòa trộn vào tế bào xã hội Hoa Kỳ, và không chỉ nước Mỹ mà từng con người: hiện gần một nửa người dân Mỹ có tài khoản trên Facebook, nhưng 70% người dùng Facebook sống bên ngoài Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện bất biến của hiện thực toàn cầu ngày nay". "Chúng ta bước vào Kỷ nguyên Facebook, và Mark Zuckerberg chính là người đem chúng ta đến nơi này". [4]

- Năm nay số lượng người sử dụng Facebook vượt quá 500 triệu. Quy mô của Facebook là những gì biến đổi cuộc sống của chúng ta – Tổng biên tập của"Time" Richard Stengel nói khi ông công bố người chiến thắng năm nay trên truyền hình NBC.

Xin chúc mừng Mark Zuckerberg, nhà doanh nghiệp tài năng, nhà hoạt động truyền thông, xã hội và là tỷ phú chỉ mới ở tuổi 26, một tấm gương sáng cho tuổi trẻ của thế kỷ 21!

Chúc Facebook thành công và tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ công chúng!

---------------------

- [1]: "Julian Assange của Wikileaks, “anh hùng” bạch hóa thông tin, sẽ là "Nhân Vật Năm 2010" của “Time”?" , Lê Diễn Đức: http://www.rfavietnam.com/node/331

- [2]: "Một quá khứ CS không thể nào quên", Lê Diễn Đức: http://www.rfavietnam.com/node/335

- [3]: "WikiLeaks Taps Power of the Press", New York Times: http://www.nytimes.com/2010/12/13/business/media/13carr.html?_r=2

- [4]: "Time": http://www.time.com/time/specials/packages/article/0,28804,2036683_20371...

© 2010 Radio Free Asia