Lê Diễn Đức - RFA
“Lại cùng một chiếc ghế trống giống như trong tuần trước tại Oslo” – Hôm nay ngày 15/12, ông Buzek, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, nhắc lại Giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, để nói về Guillermo Fariñas, nhà bất đồng chính kiến Cuba đã không tới được Strasbourg để nhận Giải thưởng Nhân quyền Sakharov.
Người giành chiến thắng Giải thưởng Nhân quyền Sakharov 2010 của Nghị viện châu Âu là ông Guillermo Fariñas.
Các nghị sĩ của đảng lớn nhất của Nghị viện châu Âu, Đảng Nhân dân châu Âu, cùng với nhóm Đảng Bảo thủ và Cải cách và 91 nghị sĩ khác, đã đề cử ông Guillermo Fariñas.
Ông Guillermo Fariñas đã được lựa chọn vì ông đấu tranh cho tự do ngôn luận và tư tưởng tại Cuba - Chủ tịch Nghị viện châu Âu Buzek phát biểu trong buổi lể trao giải thưởng. Đồng thời ông kêu gọi nhà chức trách Havana trả tự do cho tất cả 11 tù nhân chính trị hiện đang bị cầm tù tại Cuba.
- Qua Nghị viện châu Âu tiếng nói của Fariñas sẽ vang lên với sức mạnh lớn hơn - Ông Chủ tịch nói thêm.
Toàn thể nghị sĩ và khách mời tham dự đã đứng đứng dậy vỗ tay hoan hô rất lâu.
Ban Tổ chức đã phát lại lời của Guillermo Fariñas từ băng ghi âm chuyển tới. Ông cám ơn Nghị viện châu Âu và cho biết không có sự thay đổi dân chủ nào ở Cuba. - Thật không may, đã không có gì thay đổi trong hệ thống độc tài đang ngự trị ở đất nước chúng tôi - Ông nói và so sánh số phận của những nhà bất đồng chính kiến như ông với nỗi đau khổ của những người nô lệ da đen trước đây bị đưa tới Cuba từ châu Phi.
Fariñas cảnh báo phương Tây không để mình bị lừa gạt bởi những lời hứa của nhà cầm quyền Havana, vốn chỉ cốt nhận được viện trợ kinh tế, chứ không muốn từ bỏ quyền lực. Và ông kêu gọi các nước dân chủ gây áp lực buộc chế độ Cuba cải cách thể chế chính trị, thừa nhận quyền hoạt động của các đảng đối lập, công đoàn độc lập, tự do báo chí và trả tự do cho tù nhân chính trị mà không trục xuất họ ra khỏi nước.
Trước lễ trao giải thưởng, trong ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek đã viết thư gửi Chủ tịch Cuba Raul Castro.
"Nghị viện châu Âu chân thành mong muốn ông Farinas có mặt tại Strasbourg để cá nhân ông trực tiếp nhận giải thưởng. Trong tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tôi kêu gọi ông và nhà chức trách Cuba cấp giấy phép cần thiết để ông Farinas có thể tới Strasbourg nhận giải thưởng Sakharov, được trao cho ông vì tự do tư tưởng" (...) "Tôi tin rằng việc đồng ý cho chuyến đi này sẽ cải thiện quan hệ không chỉ với Nghị viện châu Âu chúng tôi mà còn giữa Cuba với Liên minh châu Âu" - Bức thư của ông Jerzy Buzek viết.
Có từ tháng 12 năm 1988, Giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu được đặt tên nhà khoa học và hoạt động chính trị Liên Xô, người đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 1975, Andrey Sakharov. Giải thưởng Sakharov trao tặng hàng năm cho những người có thành tích đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền và tự do.
Lễ trao Giải thưởng được tổ chức vào khoảng 10 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Giải thưởng Sakharov được trao cho một hoặc nhiều người, hoặc một nhóm người. Trong số những người chiến thắng đã có: Nelson Mandela (Nam Phi) và Anatoli Marchenko (Ukraine, sau khi chết) năm 1988, Aung San Suu Kyi (Miến Điện) năm 1990, José Oswaldo Paya Sardiñas (Cuba) năm 2002, “Những phụ nữ Áo trắng” – “Damas de Blanco” (Cuba) năm 2005, Hu Jia (Trung Quốc) năm 2008 và Hiệp hội Memorial (Nga) năm 2009.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek công bố nhà bất đồng chính kiến Cuba Guillermo Fariñasowi là người giành Giải thưởng Sakharov 2010 vào ngày 21/10/2010. Ngay sau đó ông đã chuyển lời mời Guillermo Fariñasowi tới dự lễ trao giải.
Giải thưởng gồm có bằng xác nhận và số tiền 50.000 euro, được tổ chức vào ngày 15 tháng 12 tại Strasbourg (Pháp). Đây là lần thứ ba Giải thưởng Sakharov thuộc về những nhà tranh đấu dân chủ Cuba.
Đấu tranh đến chết
Ông Guillermo, 48 tuổi, nhà bất đồng chính kiến Cuba, môt cựu chiến binh, là nhà tâm lý học, nhà báo. Ông đã thực hiện 23 lần tuyệt thực để phản đối chế độ tại Cuba.
Từ bỏ thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba, ông Guillermo Fariñas tham gia phe đối lập vào năm 1989. Ông đứng ra thành lập cơ quan thông tin độc lập "Cubanacan Press" để nâng cao nhận thức của thế giới về số phận của các tù nhân chính trị tại Cuba. Cơ quan này bị đóng cửa cách đây không lâu.
Trong năm 2006, để phản đối sự kiểm duyệt Internet, ông đã tuyệt thực để đòi hỏi các quyền tự do truy cập Internet cho tất cả công dân. Chính vì việc làm này mà trong năm 2006 ông đã nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vì sự tự do thông tin trong Internet.
Tháng Bảy vừa qua Fariñas đã kết thúc cuộc tuyệt thực bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai, một ngày sau khi Nghị viện châu Âu lên án cái chết của Orlando Zapata Tamayo, một tù nhân lương tâm Cuba đã qua đời sau một cuộc tuyệt thực ba tháng. Các bác sĩ nói rằng ông Fariñas cũng đã cận kề với tử thần trong cuộc chiến chống lại sự kiểm duyệt tại Cuba.
Cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa lúc đó đã lên tiếng ủng hộ ông mạnh mẽ, nhưng hết sức lo lắng, đã khẩn thiết đề nghị ông ngừng tuyệt thực và phải sống để phục vụ đất nước.
Lời kết
Giải thưởng Nhân quyền Sakarov 2010 dành cho nhà bất đồng chính kiến Cuba Guillermo Fariñas lại thêm một ví dụ nổi bật nữa cho tất cả người bảo vệ tự do và nhân quyền. Ở đâu có chế độ độc tài, ở đâu tự do tư tưởng và tự do báo chí bị đàn áp, thì ở đó có đấu tranh và luôn luôn xuất hiện những con người can đảm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, trả giá bằng tù đày, thậm chí bằng cả mạng sống để bảo vệ công lý và những quyền cơ bản nhất của con người.
Chỉ cách đây chưa tới một tuần lễ, nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba với Giải Nobel Hòa bình đã làm cho cả thế giới nhận diện rõ hơn bản mặt hung hăng, tàn bạo của chế độ độc tài toàn trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Giải thưởng Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, như mong muốn của ông, cũng là sự vinh danh cao quý cho linh hồn hàng ngàn thanh niên, sinh viên đã chết vì tự do, dân chủ trong ngày 4/06/1989 trên Quảng trường Thiên An Môn dưới xích sắt xe tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong đội ngũ các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chúng ta cũng không thiếu những khuôn mặt bản lĩnh và quả cảm: Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Khải Thanh Thủy, các bloggers “Điếu Cày” Nguyễn Văn Hải, “AnhBaSg” Phan Thanh Hải, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, v.v…
Sự hy sinh của tất cả những con người này là những viên gạch xây nền móng cho lâu đài dân chủ của tương lai. Chắc chắn họ sẽ được thế giới văn minh, tiến bộ ghi nhận và Tổ quốc, nhân dân của mình, cũng như các thế hệ mai sau biết ơn và tôn vinh!■
© Radio Free Asia
Bài bình luận gần đây