Suốt bốn mươi năm dài sống trong dày vò, khổ nhục và đau đớn vì chịu bất công nhưng người Việt Nam vẫn chưa bao giờ có một cuộc cách mạng cho ra hồn.
Cá chết, biển chết, cả một đất nước đầy rẫy công trình đầy tính mờ ám của người Trung Quốc và cả một dải bờ biển miền Trung trở thành cái ao độc, người dân Việt Nam vẫn không thể làm gì khác để thay đổi vận mệnh.
Sau khi nhân viên hải quan Việt Nam có hành vi khiếm nhã với một du khách người Trung Quốc, liền sau đó những tin tặc Trung Quốc đã dằn mặt hệ thống an ninh mạng Việt Nam bằng cách cho hai cảng hàng không lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài một phen náo loạn vì hệ thống thông tin bị đánh cắp, phá rối trong vòng vài giờ đồng hồ.
Trung Quốc vẫn chưa bao giờ ngưng luận điệu tuyên chiến đối với Việt Nam. Mới đây, họ còn tuyên bố sẽ có chiến tranh trên biển Đông, cùng lúc, họ tiếp tục đưa hàng ngàn tàu cá phong tỏa khu vực biển Đông, trong đó chủ yếu là khu vực biển của Việt Nam.
Người Trung Quốc đã mua đất làm nhà, thuê đất lâu dài từ 50 năm đến 70 năm tại Việt Nam ở hầu hết các vị trí đắc địa và họ thả sức tung hoành tại Việt Nam như chốn không nhà.
Thế nhưng người Việt Nam cũng chẳng có động tịnh gì về cái gọi là một cuộc cách mạng nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các hoạt động, phản ứng của giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội dân sự, hoạt động dân chủ, nhân quyền vẫn cứ là đếm trên đầu ngón tay cho cả ba miền đất nước.
Các nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam hiếm hoi và lẻ loi đến độ nếu chịu khó theo dõi và đếm, một người bình thường cũng có thể điểm tên từng người cho cả hai miền sau khi loại trừ trường hợp còn ẩn danh, trong vòng bí mật!
Và mặc dù đất nước đang trong nguy cơ mất nước từng ngày, bất công, tội lỗi và cái ác, cái xấu đầy rẫy ngoài xã hội cũng như trong hệ thống cầm quyền nhưng nghe có vẻ như đại đa số người Việt vẫn không nghe, không thấy, không biết! Tại sao lại có chuyện thảm hại như thế này? Phải chăng người dân Việt Nam đã không còn quan tâm đến đất nước hoặc không có tinh thần yêu nước?
Câu trả lời lại nằm trong một câu hỏi khác: Đảng Cộng sản đã làm gì để đất nước này đi đến chỗ như ngày hôm nay? Và câu trả lời cũng không khó khi mà đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ năm 1986, chấp nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận mở cửa đến nay, họ vẫn giữ tư thế khu biệt một cách toàn triệt.
Tính khu biệt được đảng Cộng sản Việt Nam cấy gửi vào các chủ trương, đường lối và pha trộn trong các văn bản pháp luật xã hội chủ nghĩa. Và đối tượng chịu áp lực của sự khu biệt này chính là nhân dân, mặc dù đảng Cộng sản đã hoàn thiện về mặt hình thức để đối phó với cộng đồng quốc tế bằng cách luôn giữ cho mình lớp vỏ tiến đến dân chủ, công bằng, văn minh… Nhưng trong thực tế, người dân vẫn chưa bao giờ được tự do, kể cả tự do phát biểu suy nghĩ của mình.
Và dù muốn hay không muốn, người Việt Nam vẫn bị khu biệt trong thế giới chuồng trại do đảng Cộng sản đã bài trí từ trứng nước. Nếu như những năm trước 1995, khi mà thế giới internet còn khá xa lạ đối với hầu hết người dân Việt Nam và mọi kênh thông tin đều bị bao vây bởi hệ thống tuyên truyền của nhà nước Cộng sản, thì hiện tại, thế giới phẵng của internet vẫn chưa bao giờ cứu người Việt Nam ra khỏi sự khu biệt của đảng Cộng sản.
Bởi lẽ, nỗi sợ hãi của những năm trước 1995 là nỗi sợ hãi của cái đói, sự trả thù có gốc gác lý lịch và tư tưởng thì hiện tại, nỗi sợ hãi của một bộ phận rất lớn người Việt Nam lại liên quan đến lợi ích nhóm và những ngộ nhận về bổng lộc.
Hàng chục ngàn tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân thất nghiệp, muốn chen chân vào nhà nước chỉ có ba con đường gồm thế lực gia đình con ông cháu cha; Đối tượng đảng và đảng viên; Và cuối cùng là tiền, thật nhiều tiền. Và dường như đây là một thứ tiên đề phát triển cá nhân cũng như phát triển xã hội dưới chế độ Cộng sản. Thất nghiệp, bỏ quá nhiều tiền để mua một công việc, tốn kém quá nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để thành đảng viên, để có một công việc đã khiến cho người ta suy nghĩ, cân nhắc giữa giá trị đầu tư và giá trị thu về nhiều hơn mọi thứ, nhiều hơn là danh dự hay lòng tự trọng, lợi ích cộng đồng.
Và đáng sợ hơn hết là trước đây, người ta sợ hãi vì không biết gì, bây giờ người ta lại sợ hãi vì đã biết. Nỗi sợ do không biết gì, thông tin một chiều tưởng như đáng thông cảm hơn nỗi sợ khi người ta đã biết nhưng trong thực tế, nỗi sợ khi người ta đã biết mới đáng thông cảm và tội nghiệp. Bởi lẽ, khi internet đã phủ sóng toàn cầu, người ta có thể cập nhật mọi thứ, có thể tìm hiểu mọi thứ và có thể nhận chân đâu là đúng – sai, hiểu được sự khủng khiếp của chế độ độc tài đang đè nặng lên đôi vai đất nước như thế nào. Nhưng khi nhìn lại nồi cơm, nhìn con cái và gia đình, nhìn ra xã hội nghèo đói, thất nghiệp, lạc hậu, bất công và sự đàn áp của chính quyền, người ta buộc phải quay lưng với cái đúng để tồn tại. Bởi ngay từ tấm bé, thụ đắc một nền giáo dục lấy vật chất làm kim chỉ nam cuộc đời và mọi nỗ lực của tuổi trẻ đều nhắm đến mục tiêu vật chất, thậm chí người ta phải đỗi cả danh dự và lòng yêu thương để có nó.
Chính vì phải trả giá quá nặng, phải mất quá nhiều để có được lợi ích vật chất nên buông bỏ nó đi là một chuyện vô cùng khó. Và đây là tâm lý chung, chi phối rất nặng trong xã hội Việt Nam sau quá nhiều năm sống, học tập, làm việc và giằng co với chính mình trước sức ép chế độ. Điều này thấy rõ nhất là con số rất lớn người Việt khi bị lâm vào tình cảnh bí bách, bị ép chế, người ta sẽ đấu tranh tới cùng, thậm chí sẵn sàng tẩm xăng thiêu hủy bản thân. Nhưng không ít trong số nạn nhân này, chỉ cần nhà nước gật đầu đồng ý với họ và đặt ra điều kiện là khi đã được giải quyết, họ phải im hơi lặng tiếng thì coi như xong. Khi đã đạt được mục đích bản thân, cho dù có hàng triệu người bị đối xử bất công như họ thì họ vẫn làm ngơ, xem đây không phải là chuyện của mình nữa.
Và đây có thể nói là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Việt Nam vẫn cứ ì ạch, mặc dù tiếp xúc với thế giới văn minh đã lâu, mô hình xã hội dân sự cũng đã được phổ biến thông qua nhiều kênh, ý niệm về tự do cũng được giải quyết rạch ròi nhưng mọi thứ vẫn cứ như là chưa hề biết, chưa hề thấy, chưa hề nghe. Người dân nghe tin chuyện nước mình mà cứ như nghe chuyện tận bên châu Phi hay Ả Rập xa lạ!.
Và cuối cùng, từ chỗ bị khu biệt trong cơm, áo, gạo, tiền, khu biệt trong những giá trị tự do ảo, trong nỗi sợ mất quyền lợi, mất những gì đã trả giá đề đầu tư, người ta dần tự khu biệt mình trong tư lợi, trong thỏa hiệp và dửng dưng với thế giới chung quanh vì sợ trả giá khi nói hay làm theo lý lẽ của sự thật. Hay nói cách khác, con người trở nên thụ động và hèn nhát.
Và đây là nguyên nhân, lý do mãi đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa có một cuộc cách mạng đúng nghĩa. Bởi cách mạng luôn được manh nha và hình thành từ những khao khát về một giá trị chung chứ không bao giờ đến bởi những lợi ích và thỏa hiệp riêng. Và những người đấu tranh, mong mỏi một cuộc cách mạng thực sự tại Việt Nam vẫn chưa bai giờ hết cô đơn!
Bài bình luận gần đây