Hai tháng qua, gương mặt này bỗng dưng trở nên quen thuộc, khi thì trả lời phỏng vấn trong các clip về tình hình cá chết, lúc thì kể câu chuyện đời mình trên truyền thông Đài Loan.
Anh là Mai Thạnh, sinh ra và lớn lên ở Kỳ Anh, đồng thời là một ngư dân có hơn 30 năm gắn bó với ngư trường Hà Tĩnh.
(Hình ảnh của anh Mai Thạnh trong phóng sự 'Việt Nam - Cái chết của Cá' do Đài truyền hình Đài Loan PTS thực hiện)
Vài tuần trước, anh đã bán chiếc ghe của mình vì không biết phải dùng nó cho việc gì nữa, và cũng là để có thể chạy ăn cho gia đình thêm một thời gian.
Chị Chúc vợ anh kể, ban đầu anh cũng tính đi bạn (làm thuyền viên) cho một chủ ghe khác, nhưng giờ đây chẳng ai còn háo hứng bám biển nữa. Ngay cả tàu đánh bắt xa bờ cũng không còn động lực để ra khơi.
Túng quẫn, anh chỉ còn biết cách như các thanh niên trong làng tìm đến các văn phòng xuất khẩu lao động, tìm một cơ hội sinh kế nơi đất khách quê người.
‘Nhưng ở đâu cũng từ chối chú ạ, chú nghĩ coi, bốn mấy rồi còn ai mà nhận, đi mô được nữa mà đi’, chị Chúc bùi ngùi.
Chuyện lan tới bữa ăn trong gia đình, chị Chúc kể, ‘thường mỗi ngày nhà chị tiêu hết 300 nghìn, nay thì chị cố chắt chiu hết sức chẳng lúc mô để quá 70 nghìn’
‘May mà nhà chị neo người, chứ nơi đây nhà mô cũng đông con hết, 7-8 miệng ăn là bình thường, không biết tính răng luôn’.
Nặng gánh gia đình nhưng anh chị vẫn lo đến bà con chòm xóm, nhất là chuyện học hành của tụi nhỏ.
‘Tội lắm chú ạ, chú kiếm cách chi giúp, chứ giờ không biết trông mong chỗ mô nữa, nhiều nhà cho con nghỉ học rồi. Tiền không có mà ăn, lấy chi mà đi học hả chú’.
‘Lắm lúc buồn lắm chú, chiều buổi lễ xong ra ngoài âu xem ghe xem biển, nhìn ra xa thấy hai cái ống khói nhà máy vẫn xả mà thấy tủi thân lắm chú ơi.’
'Đời mình coi như chết đi, nhưng rồi đời con mình rồi sống răng đây hả chú?'
Tôi biết những lời trấn an của mình rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn chỉ là những câu an ủi sáo rỗng. Tôi vẫn nợ anh chị câu trả lời mà chính tôi cũng đang phải đi tìm, cho những câu hỏi của anh chị.
Bài bình luận gần đây