You are here

Thư gửi Phạm Đình Trọng

Dưới đây là một lá thư riêng, trả lời một bức thư đầy tâm huyết của nhà văn Phạm Đình Trọng, nhưng xét thấy thư thì riêng nhưng vấn đề lại là vấn đề chung, nên tôi quyết định công bố rộng rãi. Hy vọng những dòng này có thể có một ích lợi nhất định nào đó đối với các tổ chức đang bước đầu hình thành ở Việt Nam.

---

Anh Phạm Đình Trọng quý mến,

Cảm ơn anh rất nhiều về lá thư này. Đặc biệt chi tiết liên quan đến sự minh bạch tài chính của Văn đoàn độc lập, đến cách làm việc công khai và đầy tự trọng của chị Ý Nhi. Thông tin này của anh soi sáng rất nhiều điều.

Một tổ chức không thể vững mạnh nếu nhân cách của những người lãnh đạo có vấn đề. Trừ phi nó là loại tổ chức cuồng tín như các đảng cộng sản.Nhưng công bằng mà nói, các đảng cộng sản thủa đầu là nơi tập hợp những người thực sự mang lý tưởng cao cả, những người thực sự có tài năng và hy sinh hết mọi quyền lợi cá nhân của họ. Em làm nghiên cứu về chủ đề này, em có thể nói như vậy mà không sợ sai. Nhưng đảng cộng sản tất yếu phải tha hóa, phải suy yếu, nó không thể không suy yếu khi mà nó nắm quyền lực tuyệt đối và quyền lực đó không phải chịu sự giám sát của pháp luật. Sự tha hóa của đảng cộng sản được quy định từ trong bản chất của nó, bản chất của một đảng độc tài.

Và thực ra không nên vì lo sợ tổ chức tan rã, cũng không nên lấy lý do phải cứu nước, mà chấp nhận những sự yếu kém, những bất cập, chấp nhận sự thiếu đàng hoàng và thiếu nguyên tắc, thiếu minh bạch của tổ chức đó. Một tổ chức yếu kém dĩ nhiên không thể làm được gì nhiều trong việc cứu nước. Mà, trái lại thì đúng hơn, một tổ chức yếu kém sẽ cản trở quá trình cứu nước.

Quy luật của cuộc sống là những gì yếu kém sẽ phải bị đào thải, những gì mạnh, tốt thì sẽ tồn tại và phát triển.
Nhưng Việt Nam của chúng ta không đi theo quy luật này.

Nước Việt yêu quý của chúng ta rơi vào tình trạng ngày nay, tan hoang, mất độc lập như thế này, bởi vì đảng cầm quyền yếu kém và đầy tội lỗi nhưng lại không bị đào thải, bởi vì người dân vẫn chấp nhận nó, và bởi vì, đa số trí thức vẫn chấp nhận cái đảng ấy. Vì thế, chúng ta đã không thể hòa nhập vào dòng chảy lành mạnh của nhân loại. Và chúng ta đang mất hết mọi thứ, mất đến cả khả năng sinh tồn. Thật đau đớn cho dân tộc Việt. Và nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì lỗi lớn thuộc về những người được gọi là trí thức, những người biết cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng vẫn chấp nhận cái xấu, không bảo vệ và không ủng hộ và không xây dựng cái tốt.

Nếu cứ khăng khăng bảo vệ sự tồn tại của một tổ chức tồi tệ để rồi hy sinh hết các tôn chỉ, các giá trị, các nguyên tắc tốt đẹp mà vì chúng tổ chức ấy ra đời, thì đó là một việc làm không những vô nghĩa mà còn nguy hiểm. Bởi vì nó hoàn toàn tương tự như việc những người cầm quyền hiện nay lấy việc bảo vệ sự tồn tại của cái tổ chức được gọi là đảng cộng sản lên trên hết, coi sự tồn tại của đảng quan trọng hơn quốc gia, hơn dân tộc, hơn mọi giá trị.

Một tổ chức yếu và tồi cần phải tan rã, để có thể ra đời những tổ chức tốt, mạnh, và minh bạch. Một đảng cầm quyền thối nát và bất lực cần phải bị loại trừ để cho những đảng phái mạnh có thể ra đời. Đó là một quá trình bình thường, nhưng nó chưa xảy ra ở đất nước chúng ta. Chúng ta đang ở trong một tình trạng rất bất thường.
Những người như chúng ta cần phải thúc đẩy quá trình bình thường này, quá trình đào thải các tổ chức tồi và xây dựng các tổ chức mạnh, quá trình mà mọi dân tộc khác đã trải qua, anh Trọng nhé.

Chúng ta hãy tin rằng một cánh cửa khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra; một tổ chức tồi tệ tan rã, sẽ có các tổ chức mạnh hơn được thành lập.
 
Và một tổ chức có nhiều vấn đề, nếu muốn không tan rã, thì nó phải tự điều chỉnh để trở nên mạnh, và hoạt động tốt.

Một lần nữa cảm ơn anh!

Từ Huy

Paris, ngày 4/7/2015