You are here

Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (phỏng vấn Đặng Xương Hùng, phần 3)

Nguyễn Thị Từ Huy :

Có một điều đáng ngạc nhiên khi quan sát bộ máy quyền lực của Việt Nam, đó là điều mà ông Lê Đăng Doanh tóm gọn trong nhận xét : « Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy ». Quả thật là bên cạnh Bộ Ngoại giao ta thấy có thêm một Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao (BNG) và Ban Đối ngoại (BĐN) của Đảng gần như tương tự, BNG có Vụ nào thì BĐN cũng có Vụ đó.

Thưa ông, điều mà tôi muốn hỏi là : vậy thì công việc của hai bên có chồng chéo lẫn nhau không ? Tại sao đã có BNG rồi, mà lại còn phải thêm BĐN ? Chức năng, nhiệm vụ của hai bên có gì khác nhau ? Và liệu có phải là BNG phải chịu sự giám sát của BĐN ? Và nếu quả thực BNG làm việc dưới sự giám sát của BĐN thì phải chăng quyền lực của Bộ trưởng BNG sẽ ít hơn quyền lực của Trưởng BĐN ? Hay là BNG và BĐN là hai tổ chức độc lập, hoạt động song song, không liên quan gì đến nhau ?

Đặng Xương Hùng :

Cơ cấu hành chính của Việt Nam mang đủ những đặc điểm của một nước cộng sản. Đó là sự chồng chéo nhau giữa bên đảng, bên chính phủ. Điều ông Lê Đăng Doanh tóm gọn hoàn toàn đúng với sự thật.  Ban Đối ngoại trung ương của đảng và Bộ Ngoại giao của chính phủ cùng tồn tại là nằm trong sự chồng chéo vô lý và tốn kém này.

Điều vô lý với thế giới bên ngoài, lại là phần « có lý » của một cơ chế độc đảng như ở Việt Nam hiện nay. Đây là cách mà đảng cộng sản thiết lập sự  khống chế toàn diện lên toàn bộ xã hội. Ví dụ, Ban Tuyên giáo trung ương quan trọng hơn là Bộ thông tin tuyên truyền. Ông Trương Minh Tuấn là Bộ trưởng Bộ bốn T này, nhưng chỉ là Phó Ban Tuyên giáo. Rõ ràng chúng ta thấy là Ban Tuyên giáo đang vẫn bao trùm lên Bộ TTTT.

Bộ ngoại giao và Ban đối ngoại trung ương cũng thuộc loại chồng chéo chung này. Người ta cũng đã từng tính đến việc sáp nhập hai cơ quan này làm một. Nhưng có thể vì những mắc mớ về quyền lợi, cơ quan nào bao trùm lên cơ quan nào và nhiều khó khăn khác như vấn đề biên chế, người ta đã bỏ qua kế hoạch này.

Ban đối ngoại có từ thời trên thế giới còn tồn tại nhiều đảng cộng sản, và công việc chủ yếu BĐN là phụ trách quan hệ giữa đảng cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản quốc tế. Nay khi còn rất ít đảng cộng sản, thì  nó vẫn còn giữ nhiệm vụ theo dõi và giữ quan hệ với các phong trào « tiến bộ » ở các nước trên thế giới. Do vậy, trên thực tế công việc BĐN không bao trùm lên Bộ Ngoại giao, không giữ vai trò giám sát BNG trong công việc đối ngoại của nhà nước, như trường hợp Ban Tuyên giáo và Bộ TTTT như đã nói ở trên. Trừ thời gian, trước và sau Hội nghị Thành Đô. Do Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ra mặt chống lại sự bình thường hóa quan hệ bất bình thường với Trung Quốc, nên giai đoạn đó, Bộ ngoại giao có lép vế với BĐN, vai trò của ông Hồng Hà, trưởng BĐN, được đề cao hơn Bộ trưởng Ngoại giao.

Nhưng dù sao BĐN và BNG vẫn là việc tồn tại sự chồng chéo nhau về mặt tổ chức giữa bên đảng và chính phủ. Nó cho thấy bộ máy hành chính của VN rất cồng kềnh, đã thành căn bệnh, nên tạo thêm những gánh nặng cho nền kinh tế VN. Nhưng do nội dung công việc có phần khác biệt như đã nói ở trên, BĐN và BNG là hai tổ chức có tính chất hoạt động tương đối độc lập với nhau. Các đề án, báo cáo của Bộ Ngoại giao được gửi thẳng lên cấp trên, gửi kèm cho BĐN để tham khảo, chứ không có câu chuyện BNG phải báo cáo BĐN.

Cũng chính từ cơ chế này mà thời gian qua, thời gian giữa đại hội 11 và đại hội 12, là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nhóm đảng và chính phủ do Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Để thiết lập lại sự khống chế của đảng với nhóm chính phủ do ba Dũng đứng đầu, ông Trọng đã kéo Nguyễn Bá Thanh từ Đà nẵng ra, kéo Vương Đình Huệ, từ Bộ Tài chính sang để thành lập Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương, với ý định nhằm làm đối trọng và rút dần vai trò của chính phủ về hai Ban này, phần nào muốn vô hiệu hóa vai trò của Ba Dũng. Sau đại hội 12, để giảm vai trò của vị trí thủ tướng, ông Trọng đưa ông Phúc, một thủ tướng kém cỏi hẳn về mọi mặt, để dễ bề quản lý, thao túng. Nhắc lại những câu chuyện này để thấy cơ cấu hành chính của Việt Nam có sự lẫn lộn khá phức tạp.

Cơ cấu hành chính Việt Nam hỗn độn và phức tạp đến mức, việc giảng dạy về cơ cấu này không dành cho người dân bình thường để họ có thể nắm được cơ cấu nhà nước để hiểu được cơ chế hoạt động của chính quyền. Quyển sách hướng dẫn về cơ cấu hành chính là một tài liệu mật -lưu hành nội bộ của Học viện Hành chính quốc gia, chỉ dành cho những chương trình giảng dạy cho cán bộ chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp từ các bộ cử đến học.

Nguyễn Thị Từ Huy :

Dư luận đồn đại rằng trong các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, có một bộ phận không nhỏ là an ninh và an ninh mật. Đồn đại này có đúng không, thưa ông ? Nếu đúng thì những an ninh này đến từ đâu : họ là an ninh của quân đội, của công an, hay của Trung ương Đảng ; hay là tất cả các bộ phận an ninh này đều có ở Sứ quán Việt Nam tại các nước ? Và nếu đúng như vậy thì điều đó hẳn phải ảnh hưởng rất lớn đến công việc của các nhà ngoại giao, và ông có thể trình bày những kinh nghiệm cá nhân khi phải làm việc dưới sự giám sát của bộ máy an ninh, hay nói cụ thể hơn, ông có thể miêu tả cách thức mà ông đã tiến hành công việc khi ông còn tại vị ?

Đặng Xương Hùng :

Mỗi cơ quan đại diện của Việt Nam ở bên ngoài đều có ít nhất một nhân viên an ninh, dưới vỏ bọc một cán bộ ngoại giao. Phần lớn họ từ Cục đối ngoại Bộ Công An cử sang.

Về công việc, đối với ngành dọc của họ, đó là câu chuyện hoàn toàn bí mật, các cán bộ ngoại giao khác đều khó biết, có lẽ chỉ trừ ông đại sứ. Còn về công việc bề nổi, họ sang các sứ quán phần lớn họ phụ trách công việc liên quan đến lãnh sự và cộng đồng. Qua phần công việc này, họ có thể theo dõi được các đối tượng xuất nhập cảnh Việt Nam, và theo dõi những diễn biến của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Gồm việc theo dõi cả hai đối tượng chính : các tổ chức « phản động » và các tổ chức gọi là Việt kiều yêu nước.

Sự giám sát của họ với những cán bộ ngoại giao còn lại có còn là một nội dung công việc của họ nữa không ? Theo tôi quan sát, nhiệm vụ này đã giảm dần. Trước đây, khi tiếp khách đối ngoại, chúng tôi phải có hai người để giám sát lẫn nhau. Đi đâu hoạt động gì cũng cần phải có hai người. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc này đã không còn là bắt buộc nữa. Các cán bộ ngoại giao đã có thể độc lập tác chiến trên phần công việc của mình.

Tôi cho rằng công việc giám sát của họ giảm dần ở các cơ quan đại diện ngoại giao, nhưng có thể vẫn còn là một phần công việc của họ, dù không là công việc trọng tâm. Đó là công việc mà công an đang áp dụng cho toàn xã hội nói chung hiện nay. Họ đều là những người bạn của tôi. Có người đã từng học với tôi trong trường đại học ngoại giao. Hàng năm Bộ CA vẫn cử sinh viên ngành mình sang trường ngoại giao để học.

Cũng như chúng tôi, việc họ được cử ra nước ngoài, ngoài phần hoàn thành công việc, thì họ cũng đều coi đây là một cơ hội để chú tâm kiếm được số tiền nào đó, người này thì làm giầu lên cho khối tài sản của mình, người khác thì dành đó làm lương khô cho cuộc sống lâu dài của gia đình mình. Mà số tiền đó đều từ phần chia lệ phí visa mà chúng tôi thu được. Họ cũng được chia những khoản visa này.

Khi tôi làm Lãnh sự Việt Nam tại Genève, tôi không có trở ngại gì trong công việc đối với những nhân viên an ninh này. Họ là bạn của tôi. Thậm chí họ phải hỏi thông tin từ tôi về danh sách visa, hộ chiếu và tham khảo với tôi về thông tin cộng đồng người Việt, có thể là họ dùng những thông tin này để làm báo cáo với cơ quan ngành dọc của họ.

Paris - Genève, tháng 6/2016