You are here

Tự do Mậu dịch Hàn-Mỹ

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

2010-12-08

Sau bốn năm bị trở ngại, hôm mùng bốn vừa qua, Hiệp định Tự do Thương mại giữa Hoa Kỳ và Đại Hàn Dân Quốc, tức là Nam Hàn, đã được khai thông.

AFP photo
Nông dân Hàn Quốc giơ cao những tờ giấy đỏ với dòng chữ "FTA là thảm họa" tại Seoul vào ngày 08 Tháng 12 năm 2010.

Với Hoa Kỳ, đây là một thắng lợi lớn trong luồng giao dịch với cường quốc kinh tế thứ 10 của thế giới. Với Nam Hàn thì Hiệp định còn có ý nghĩa chiến lược trong khung cảnh bất ổn tại Đông Bắc Á. Nhưng vì sao một thỏa thuận quan trọng như vậy lại bị đình hoãn mất bốn năm và hậu quả của sự việc này sẽ là thế nào đối với nền giao thương Á châu Thái bình dương? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây...
Hiệp định Hàn - Mỹ
Việt Long: Thưa ông, Thứ Bảy mùng bốn vừa qua, đại diện Nam Hàn và Hoa Kỳ đã thông báo tại thủ đô Washington của Mỹ rằng đôi bên đã đạt thỏa thuận sau cùng về Hiệp định Tự do Thương mại Song phương giữa hai nước. Dư luận Mỹ cho rằng đây là thỏa ước quan trọng nhất cho nền ngoại thương kể từ năm 1994, là khi Hoa Kỳ ký kết Thoả ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA với hai nước láng giềng là Canada và Mexico.
Chúng ta biết là bản hiệp định này đã được ký kết từ bốn năm trước mà vẫn chưa được Quốc hội hai bên phê chuẩn và bây giờ mới hy vọng thành hình? Vì sao như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây là điều không may vì những yếu tố bất ngờ từ đôi bên. Giờ này, nếu được phê chuẩn thì bản Hiệp định sẽ làm thay đổi khung cảnh giao thương của toàn khu vực Á châu Thái bình dương cho nên Việt Nam rất cần chú ý.
Về câu hỏi vì sao bản hiệp định lại bị đình hoãn mất bốn năm thì ta phải trở lại bối cảnh. Hai nước bắt đầu thương thuyết từ đầu năm 2006 và hoàn tất vào tháng Tư năm 2007, rồi ký kết ngày 30 tháng Sáu năm đó. Nhưng sau khi ký kết, bản Hiệp định Hàn-Mỹ này còn cần Quốc hội hai nước phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Đấy là lúc bị kẹt dù Bộ trưởng Thương mại Mỹ thời ấy, là dưới Chính quyền của Tổng thống George Bush, đã xin Quốc hội phê chuẩn càng sớm càng hay.
Việt Long: Thưa ông vì sao lại bị kẹt và nội dung của Hiệp định Hàn-Mỹ này gồm có những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo sự thỏa thuận của đôi bên sau 10 tháng thương thuyết, thuế suất nhập nội trên 95% các mặt hàng công nghiệp hai nước bán cho nhau sẽ xuống số không trong vòng ba năm và xuất khẩu gia tăng sẽ tạo thêm việc làm cho công nhân viên mỗi nước. Theo một cơ quan độc lập thì xuất khẩu của Nam Hàn sẽ tăng hơn bảy tỷ đô la, của Mỹ tăng thêm 11 tỷ. Phía Hành pháp Mỹ còn tính ra là hiệp định sẽ tạo thêm chừng bảy vạn việc làm cho dân Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak bị phản đối mạnh vì ủng hộ bản
Hiệp định, một văn kiện do đảng Dân chủ Thống nhất của chính quyền tiền
nhiệm thương thảo.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhưng khi ấy, Mỹ lại lâm vào vòng tranh cử và sau khi đảng Dân Chủ kiểm soát cả Hành pháp lẫn Lập pháp thì Tổng thống Barack Obama không đưa qua cho Quốc hội phê chuẩn vì xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trong Quốc hội do sức ép của các nghiệp đoàn, nhất là nghiệp đoàn công nhân xe hơi. Cùng với Hiệp định Hàn-Mỹ, nhiều hiệp định với các nước Nam Mỹ cũng bị chặn bên trong Quốc hội vì động lực bảo hộ tương tự.
Phía Nam Hàn cũng thế, nếu nhiều người ủng hộ vì Hiệp định tăng xuất khẩu hàng công nghiệp vào Mỹ thì lại có người chống vì ngại sức cạnh tranh của nông sản Hoa Kỳ. Nhiều cuộc biểu tình chống Hiệp định đã được phát động nhân chuyện dân chúng sợ nhập thịt bò mắc bệnh "bò điên" và Quốc hội Nam Hàn từ chối phê chuẩn văn kiện. Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak, hay Lý Minh Bác, đắc cử đầu năm 2008 bị phản đối mạnh vì ủng hộ bản Hiệp định, một văn kiện do đảng Dân chủ Thống nhất của chính quyền tiền nhiệm thương thảo.
Nói vắn tắt về mâu thuẫn chính thì phía Hoa Kỳ muốn bán nhiều xe hơi hơn vào Nam Hàn vì Nam Hàn đã đầu tư và chế tạo xe hơi tại Mỹ lại còn xuất khẩu xe vào Mỹ, tổng cộng tới cả triệu chiếc trong khi chỉ mua vào có mấy ngàn chiếc của Hoa Kỳ. Ngược lại, phía Nam Hàn thì muốn chặn gạo và thịt bò của Mỹ để bảo vệ nông gia ở nhà.
Yếu tố chính trị
Việt Long: Bây giờ thì vì sao Hiệp định này lại có hy vọng vượt qua trở ngại và được hồi sinh?

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Jong-Hoon phát biểu trong cuộc họp báo về thương mại tự do Hàn Quốc-Mỹ ở Seoul hôm 5/12/2010. AFP photo

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có những yếu tố chủ quan và khách quan từ cả hai phía.
Về phía Nam Hàn, người ta có nhận thấy sự thắng thế của xu hướng tự do mậu dịch và tháng 10 vừa qua, một hiệp định y như Hiệp định Hàn-Mỹ đã được ký kết với Liên hiệp Âu châu mà không gặp trở ngại. Nói chung, dư luận Nam Hàn cũng bớt chống Mỹ hơn vì yếu tố khách quan mà ta sẽ nói sau. Về phía Mỹ, đảng Dân Chủ thất cử nặng hồi tháng 11 và Tổng thống Obama phải dung hòa quan điểm với đảng Cộng Hoà, vốn dĩ ủng hộ tự do mậu dịch. Ngoài ra, đôi bên đều thấy mối lợi của ngoại thương, nhất là sau khi ông Obama phát động Quốc sách Xuất khẩu từ tháng Ba năm nay.
Việt Long: Đó là về yếu tố chủ quan trong từng nước, thế yếu tố khách quan kia là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là sự gây hấn của Bắc Hàn trước thái độ thụ động của Trung Quốc!
Tháng Ba vừa qua, hai tuần sau khi Tổng thống Obama phát động Quốc sách Xuất khẩu để nâng xuất khẩu gấp đôi và tạo thêm một triệu rưởi việc là trong vòng năm năm, thì ngư lôi của Bắc Hàn đã bắn chìm một chiến hạm Nam Hàn khiến 46 thủy thủ Nam Hàn thiệt mạng. Ngày 23 tháng 11, Bắc Hàn lại pháo kích vào đảo Diên Bình của Nam Hàn khiến bốn người thiệt mạng.
Giữa khung cảnh bất ổn đó, Bắc Kinh lại không có phản ứng như Hoa Kỳ, Nam Hàn và nhiếu xứ khác yêu cầu mà còn tìm cách bao che cho chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng. Khi ấy, người ta càng chú ý đến sự bành trướng của Trung Quốc và phản ứng của Hoa Kỳ, là phải trở lại bảo đảm tự do và an ninh cho khu vực Á châu Thái bình dương. Yếu tố khách quan ấy khiến Tổng thống Obama chính thức ủng hộ việc duyệt xét lại để sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Hàn-Mỹ.
Ông thất bại vì đôi bên không kịp hoàn tất chuyện này nhân Thượng đỉnh của khối G-20 vào tháng trước tại Thủ đô Nam Hàn, nhưng hai nước đều đã cố vận động. Nhìn lại thì việc Bắc Hàn pháo kích Nam Hàn có đẩy mạnh ý chí hợp tác giữa Nam Hàn với Hoa Kỳ, với biểu tượng là bản Hiệp định Thương mại Hàn-Mỹ.
Việt Long: Như vậy có phải là ngoại thương cũng trở thành một yếu tố quan trọng trong quan hệ về an ninh giữa hai quốc gia?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ an ninh mới là yếu tố chi phối những tính toán cục bộ về ngoại thương, như xe hơi hay thịt bò. Mà an ninh hay ngoại thương không chỉ thu hẹp vào quan hệ giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Nó có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Nhật vì từ mấy tháng qua, Nhật cũng vừa đẩy mạnh việc thương thuyết về mậu dịch với các nước, kể cả Mỹ và ngỏ ý tham dự cơ chế Hợp tác Liên Thái bình dương, là Trans-Pacific Partnership.

Nhìn lại thì việc Bắc Hàn pháo kích Nam Hàn có đẩy mạnh ý chí hợp tác
giữa Nam Hàn với Hoa Kỳ, với biểu tượng là bản Hiệp định Thương mại
Hàn-Mỹ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhìn ra ngoài, ta thấy sáng kiến hợp tác Liên Thái bình dương, gọi tắt là TPP, sẽ hội nhập một  chuỗi quốc gia tại vành cung Thái bình dương, là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore cùng Hoa Kỳ, Peru, Malaysia, Indonesia, Úc và Việt Nam vào một khối tự do mậu dịch có lợi cho sự thịnh vượng chung và còn là một thế liên kết mặc nhiên về an ninh. Muốn như vậy, Hoa Kỳ phải tỏ thiện chí và sớm hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại với Nam Hàn. Cho nên, dù có gặp phản ứng bảo hộ mậu dịch ở nhà, ông Obama cũng phải đạt thành quả đó về đối ngoại.
Trở lại vấn đề Trung Quốc vì dù sao đây mới là yếu tố an ninh then chốt, Chính quyền Mỹ đã nhiều lần trì hoãn áp lực bảo hộ mậu dịch của Quốc hội về tỷ giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ để tìm cách hợp tác với Trung Quốc về nhiều hồ sơ khác của thế giới mà không đạt yêu cầu là khiến Bắc Kinh biết điều hơn. Ngược lại, quan hệ giữa hai nước còn thêm căng thẳng đến độ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ, vốn là định chế độc lập và phi chính trị, mà còn phải than phiền Bắc Kinh, mới nhất là hôm Thứ Hai mùng năm vừa qua. Vì vậy, Hiệp định Hàn-Mỹ cũng là tín hiệu cho Trung Quốc khi đưa Nam Hàn vào vị trí đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ.
Việt Long: Trở lại Hiệp định Hàn-Mỹ này thì đôi bên đã tu chỉnh và thoả thuận những gì sau bốn năm trì hoãn?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Phía Nam Hàn nhượng bộ khá nhiều khi chấp thuận giảm dần thuế suất nhập nội trên xe Mỹ bán qua Nam Hàn. Trong chuyện này, ta chú ý đến chi tiết rắc rối là có hãng xe Nam Hàn như Hyundai hay Kia đã đầu tư vào Mỹ và có tổ hợp xe hơi General Motors của Mỹ lại làm chủ hãng GM Daewoo đang kinh doanh tại Nam Hàn. Khi cân nhắc cả hai mặt lợi hại một cách toàn diện thì Nam Hàn vẫn có lợi chứ không bị thiệt. Quyết định ấy còn thoả mãn áp lực của nghiệp đoàn công nhân xe hơi tại Mỹ và giúp cho Tổng thống Obama khỏi mất mặt.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas J Donohue (P) trò chuyện với Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn quốc Hee-Beom Lee (T) bên lề Hội nghị G20 tại Seoul ngày 10/11/2010. AFP photo

Việt Long: Đó là về phía Nam Hàn, về phía Hoa Kỳ thì sao, họ nhượng bộ những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Phía Hoa Kỳ cũng hết than phiền về hàng rào ngăn cản thịt bò Mỹ bán qua Nam Hàn. Thật ra, đấy là vấn đề giả vì Nam Hàn tiếp tục nhập thịt bò của Mỹ sau khi ngăn cấm năm 2003 vì sợ bệnh bò điên. Vấn đề giả mà vẫn bị đảng đối lập khai thác vì mục tiêu chính trị ở nhà. Bây giờ thì Nam Hàn hết coi đó là một trở ngại.
Lý do chính, như tôi vừa trình bày ở trên là phản ứng chống Mỹ của dân Nam Hàn khi họ thấy một Hiệp định Thương mại đã ký kết lại bị phía Hoa Kỳ bác bỏ và đòi thương thuyết lại chỉ vì những lý do chính trị trong nội tình nước Mỹ. Bây giờ, Tổng thống Obama đưa uy tín ra để vận động cho Hiệp định  thì Nam Hàn sẽ dễ dàng chấp thuận hơn. Mình cũng nên để ý là đảng Dân chủ Thống nhất không còn mạnh như xưa, nhất là sau khi xu hướng thiên tả chủ hòa và "Nhật quang Chính sách" nhằm hòa giải với Bắc Hàn đã thất bại nặng nề vì sự cố chấp và gây hấn của Bình Nhưỡng. Kết cục thì ta thấy bản Hiệp định không có nhiều thay đổi về cơ bản mà chỉ giúp cho Quốc hội đôi bên dễ phê chuẩn Hiệp định.
Tuy nhiên, có thể là Quốc hội khoá 112 của Mỹ, sẽ nhậm chức vào tháng tới, mới tiến hành việc đó với hy vọng thành công cao hơn nhờ lá phiếu Cộng Hoà, vốn dĩ vẫn ủng hộ tự do mậu dịch dù dân Mỹ bây giờ đang nghi ngờ là mậu dịch hay ngoại thương làm cho họ bị thất nghiệp, là một lý luận không hẳn là đúng nhưng vẫn được khuynh hướng bảo hộ mậu dịch tuyên truyền.
Bài học cho VN
Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, trước một hồ sơ phức tạp vì vừa liên quan đến ngoại thương và an ninh, lại có kích thước quốc tế hơn là song phương giữa hai nước Hoa Kỳ và Nam Hàn, Việt Nam có thể rút tỉa những bài học gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất là vai trò quan trọng và cần thiết của Quốc hội khi có quyền cứu xét và phê chuẩn mọi thỏa ước với ngoại quốc. Cơ chế này mà có thực quyền thì khả dĩ bảo vệ được quyền lợi quốc gia, thí dụ tại Việt Nam là các dự án bauxite hay xây dựng đường xe lửa cao tốc Bắc Nam chẳng hạn. Thứ hai, muốn vậy, Quốc hội phải thực sự là do dân bầu lên hoặc truất bãi bằng lá phiếu, chứ không do một đảng độc quyền tuyển chọn theo kiểu đảng cử cho dân bầu.

Việt Nam nên chú ý tới việc hội nhập vào cơ chế hợp tác Liên Thái Bình Dương để có hiệp định tự do thương mại với toàn khối.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Thứ ba là muốn làm tròn nhiệm vụ, Quốc hội đó phải có khả năng chuyên môn, trước hết là tuyển dụng người am hiểu để cứu xét các hồ sơ của quốc gia. Ra khỏi lĩnh vực cơ chế và chính trị thì mọi quyết định kinh tế đều có hai mặt lợi và hại, lợi cho ai và hại cho ai, cho nên cần được cân nhắc một cách toàn diện chứ không cục bộ.
Nhìn rộng ra khu vực Đông Á, Việt Nam nên chú ý tới việc hội nhập vào cơ chế hợp tác Liên Thái Bình Dương để có hiệp định tự do thương mại với toàn khối. Điều ấy cũng có lợi về an ninh để khỏi bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc mà có thể sẽ mất độc lập.