You are here

Chuyện thật như đùa: Tù nhân thắng kiện nhà nước!

Lê Diễn Đức - RFA

CÂU CHUYỆN TÙ NHÂN

Hãng thông tấn Ba Lan PAP vừa đưa tin về một câu chuyện nghe như đùa, nhưng hòan toàn thật, chỉ có thể xảy ra trong một xã hội tự do, dân chủ. [1]

Janusz Jakóbski là công dân Ba Lan, 45 tuổi, bị kết tội hiếp dâm, hiện đang thi hành án.

Đơn kiện của ông gửi tới Tòa án Nhân quyền Âu châu ở Strasbourg liên quan đến thời gian ông ngồi tù ở Goleniów. Ở đây, ông đã không được cung cấp các bữa ăn chay, trong khi ông là một Phật tử và trong tôn giáo của ông người hành đạo không ăn thịt. Ông cũng cho biết vì không chịu ăn các bữa ăn có thịt, tháng 3 năm 2003, trưởng trại tù đã phạt ông 14 ngày giam cách ly.

Ông chỉ nhận được bữa ăn chay trong ba tháng từ tháng 1/2006 khi có khuyến cáo của bác sĩ về sức khỏe. Sau đó, ông bị buộc phải nhận các bữa ăn như các tù nhân khác. Ông nhận nhưng sau đó vứt đi. Thức ăn chay của ông được gia đình tiếp tế.

Vào tháng 4/2006, Jakóbski đã gửi đơn lên công tố viện khiếu nại về thái độ ngược đãi của nhân viên nhà tù, nhưng cuộc điều tra bị hủy bỏ ngay sau đó. Trong tháng Bảy, đại diện các Phật tử đã gửi thư đến lãnh đạo nhà tù nhấn mạnh Phật tử phải chịu đựng rất khó khăn về vấn đề đạo đức khi họ bị bắt buộc ăn thịt.

Tháng 8/2006 ông gửi đơn kiện và yêu cầu truy tố các nhân viên quản lý trại giam khi họ gọi hội Phật tử Ba Lan là "tà giáo".

Năm 2009, Jakóbski được đưa tới nhà tù ở Novgorod, nhưng - như ông viết trong đơn kiện gửi Tòa án Nhân quyền Âu châu – ông vẫn không được cung cấp các bữa ăn chay.

Hôm thứ Ba ngày 7 tháng 12, Tòa án Nhân quyền Âu châu ra phán quyết rằng, ăn chay là một khía cạnh quan trọng của Phật giáo và không cung cấp bữa ăn chay cho tù nhân là vi phạm những nguyên tắc của Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu, trong đó nói rõ cung cấp thức ăn phải chú ý đến tập quán tôn giáo.

Tòa án Nhân quyền Âu châu cũng phán quyết nhà nước Ba Lan vi phạm điều 9 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền và Tự do cơ bản và Ba Lan bồi thường thiệt hại cho công dân/tù nhân của mình số tiền 3 ngàn euro.

“Không cung cấp thức ăn chay cho tù nhân theo đạo Phật là vi phạm tự do tôn giáo được đảm bảo bởi Công ước Âu châu về Nhân quyền và Tự do cơ bản” – Bản nghị án viết.

KHI QUYỀN CÔNG DÂN ĐƯỢC BẢO ĐẢM

Với đa số người Việt trong nước, vì không được tiếp cận thông tin và không được sống trong môi trường dân chủ, sẽ rất ngạc nhiên, thậm chí có thể cho sự việc trên đây là chuyện cổ tích hoặc bịa đặt tuyên truyền của phương Tây.

Thực ra, kể từ năm 1989, Ba Lan xóa bỏ chế độ cộng sản và trở thành quốc gia thành viên của Tòa án Nhân quyền Âu châu, đây không phải là trường hợp đầu tiên. Trước Tòa án Nhân quyền Âu châu, nhà nước Ba Lan bị thua kiện trong hầu hết các cuộc tranh chấp.

Nhà nước trong thể chế dân chủ được nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do, là một nhà nước hợp pháp, do dân và vì dân, nhưng không vì thế mà cho mình độc quyền chân lý.

Các hoạt động của nhà nước trong cơ chế dân chủ có sự kiểm tra chặt chẽ của các đảng phái đối lập trong quốc hội, các tổ chức phi chính phủ, báo chí truyền thông tự do. Hệ thống tòa án độc lập bảo vệ công lý và công bằng xã hội nhưng không phải không có những sai phạm.

Hơn hẳn các quốc gia ở các châu lục khác, tại châu Âu, một định chế tư pháp của 47 quốc gia được thành lập từ năm 1998, đó là Tòa án Nhân quyền Âu châu (European Court of Human Rights), nhằm kiểm soát sự tuân thủ bảo vệ nhân quyền. [2]

Tòa án Nhân quyền Âu châu tập hợp các chuyên gia pháp lý nổi tiếng về nhân quyền. Từ từng quốc gia thành viên, một thẩm phán được tuyển chọn với nhiệm kỳ 9 năm, không tái cử. Để đảm bảo tính độc lập và khách quan, các thẩm phán làm việc toàn phần, không hưởng lương của chính phủ nước mình, không tư vấn hoặc đại diện cho bất kỳ bên tranh chấp nào, không đại diện và chịu sức ép hay vận động của quốc gia mình. Thẩm phán chịu trách nhiệm cá nhân cho các phán quyết của mình và không tham gia các phiên tòa có công dân nước mình khiếu nại. Vì vậy phán quyết của Tòa án Nhân quyền Âu châu có hiệu lực pháp lý ngay lập tức.

Trong gần hai thập niên nay, các khiếu nại của công dân Ba Lan chủ yếu liên quan đến hoạt động chậm trong xét xử, giới hạn tự do hoặc những bản án bất công trong các lĩnh vực khác của tòa án.

NGỤY TƯ PHÁP

Ba Lan đã từng đồng hành với Việt Nam gần nửa thế kỷ trong khối xã hội chủ nghĩa “anh em”. Nhưng thật kỳ quặc nếu so sánh giữa Ba Lan hiện nay, một quốc gia đã thực sự vứt bỏ chế độ cộng sản và lột xác hoàn toàn để hội nhập vào cộng đồng các quốc gia dân chủ và Việt Nam, một đất nước vẫn đang chịu chế độ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), không có bất kỳ cơ chế nào kiểm soát.

Tuy nhiên, không so sánh nhưng không thể không lên án, vạch mặt, bởi vì trong khi đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, bóp nghẹt tự do ngôn luận, vi phạm thô bạo các quyền tự do cơ bản của công dân, ĐCSVN vẫn trơ trẽn tự phong cho mình làm người lính “bảo vệ hòa bình thế giới”, “dân chủ gấp triệu lần các nước tư bản” và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"…

Kẻ cướp thường đóng vai lương thiện; bọn bất nhân đội mặt nạ đạo đức; lũ quan tham đục khoét tiền bạc của dân nước diễn trò liêm chính, chí công vô tư; quân bán nước hô hào lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…

Trong cái gọi là nhà nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam không thiếu các kiểu mặt nạ, xiêm áo lòe loẹt và những cái loa biết nói, sử dụng cho trò hề lừa gạt nhân dân và dư luận thế giới.

Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị ư? ĐCSVN đã từng long trọng ký kết vào ngày 24/09/1982.

Quyền khiếu nại và tố cáo trong tố tụng hình sự ư? ĐCSVN có cả Bộ luật trong đó điều 31 ghi rõ: “Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật (…). Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục”.

Thực tế những điều ghi trên trong xã hội Việt Nam hôm nay đã và đang diễn ra thế nào, công dân bị đối xử ra sao, thiết nghĩ không thể đủ giấy mực để liệt kê.

Đất nước Việt Nam thật sự đang nằm trong tay các nhóm lợi ích, chơi theo luật rừng, một tập đoàn mafia nhà nước, một băng đảng tội phạm không bị ai trừng trị, phân chia nhau các khu vực quyền lực và đặc lợi, cấu kết với tư bản để làm giàu cho bản thân và gia đình.

Cho nên tôi rất đồng ý với phân tích thuyết phục của tác giả Phan Bá Việt trong bài viết “Ai cho đảng cộng sản Việt Nam quyền lãnh đạo?” trên tờ “Thông Luận”:

“Tóm lại tất cả những lí do đảng đưa ra để cho mình quyền lãnh đạo đất nước chỉ là những dối trá và lừa bịp được dùng để áp đặt quyền cai trị lên dân chúng hầu có thể dễ dàng bóc lột người dân. Bao lâu Đảng còn nắm quyền cai trị đất nước với tính độc tài chuyên chế và bạo lực thì đất nước càng ngày càng trở thành lụn bại hơn. Thực tế cho thấy ở đâu có tự do - và nhà nước chỉ làm nhiệm vụ trọng tài và giám sát việc áp dụng luật pháp cho đúng đắn để bảo đảm tự do cho mọi người - là ở đó có phát triển, tiến bộ và ổn vững”.

“… Không có đảng phái nào có quyền lãnh đạo hay làm chủ một đất nước. Chỉ có người dân mới có đặc quyền này. Chỉ có người dân, qua lá phiếu của mình, mới có quyền ủy nhiệm một tổ chức chính trị trách nhiệm quản lý đất nước. Và vì được ủy nhiệm, quyền quản lý đất nước của một đảng phái chính trị chắc chắn sẽ bị giới hạn trong thời gian và trong phạm vi khả năng của mình: Sau một thời gian (một định kỳ), một đảng cầm quyền có thể bị bãi nhiệm nếu bị xem là không đủ khả năng”. [3]

Câu chuyện một tù nhân Ba Lan thắng kiện nhà nước cho chúng ta thấy tính chất ưu việt hơn hắn của thể chế - hệ thống dân chủ. Cấu trúc chính trị-xã hội này mang giá trị phổ quát, có thể chưa hoàn hảo nhất nhưng là tiến bộ nhất cho việc quản lý điều hành một đất nước, bất luận đất nước đó ở vị trí địa lý nào, mang nền văn hóa nào.

Chẳng phải vì Con Rồng, Cháu Tiên, thuộc chủng tộc da vàng, mũi tẹt mà chúng ta tự cho mình định nghĩa về một loại dân chủ, nhân quyền nào đó riêng biệt cho văn hóa phương Đông hay Việt Nam, như lãnh đạo Đảng CSVN và những kẻ bám gót vẫn rêu rao, bao biện.■
---------------------
* [1]: Hãng thông tấn PAP: http://wiadomosci.onet.pl/swiat/w-wiezieniu-jadl-mieso-pozwal-polske-i-w...
* [2]: European Court of Human Rights: http://www.echr.coe.int/echr/homepage_EN )
* [3]: Phan Bá Việt,“Thông Luận”: http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5266

© Radio Free Asia 2010

Bài bình luận

Trông người lại nghĩ đến ta mà...buồn!

rất ủng hộ bạn