You are here

Biểu tình và trấn áp biểu tình (Bài 1: Biểu tình)

Ảnh của nguyenvubinh

     Biểu tình là một hoạt động biểu đạt công khai những ý kiến của cá nhân hoặc nhóm người về một số vấn đề tại một không gian công cộng. Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Quyền biểu tình của người dân được quy định trong điều 25, chương II, Hiến pháp Việt Nam 2013 (điều 25, chương II quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định). Mệnh đề "do pháp luật quy định" khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và nhà cầm quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Phải hiểu "do pháp luật quy định" hay "trong khuôn khổ pháp luật" là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật - nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Chúng ta cần hiểu và khẳng định rằng: không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật. Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép. 

     Trong thực tế, ở Việt Nam trước đây hầu như không có biểu tình. Chỉ có các cuộc xuống đường của các thành phần dân chúng mà nhà cầm quyền Việt Nam huy động để ủng hộ hoặc phản đối một hành động, sự việc hay cuộc chiến tranh trên thế giới. Những cuộc xuống đường này không thể gọi là biểu tình được, vì không xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của những người tham gia. Ở Việt Nam, cuộc biều tình chính thức dưới chế độ cộng sản, được biết đến, đó là vào ngày 09/12/2007. Đã có hàng ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Sau đó, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rải rác xuất hiện vào các năm 2008, 2009 và 2010. Đến năm 2011 thì các cuộc biểu tình được tổ chức quy mô và mật độ dày hơn, số người tham gia ngày một tăng lên.

     Đối với phong trào dân chủ Việt Nam, việc biểu tình của người dân và những người đấu tranh dân chủ có ý nghĩa rất lớn. Ý nghĩa đầu tiên, quan trọng nhất đó là người dân xóa bỏ sự sợ hãi, thực thi quyền biểu đạt một cách công khai, những việc từ trước tới nay chưa từng có, và ít người nghĩ rằng có thể thực hiện được. Ban đầu, đó là việc biểu đạt sự phẫn nộ đối với Trung Quốc, thể hiện lòng yêu nước. Nhưng sau này, các cuộc biểu tình chuyển qua cả những vấn đề đời sống nhân sinh như tuần hành bảo vệ cây xanh, tuần hành phản đối thảm họa cá chết, bảo vệ môi trường, đòi hỏi, yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc biểu tình của người dân, thông qua các trang mạng xã hội và hệ thông Internet đã thức tỉnh rất nhiều người quan tâm tới vận mệnh đất nước.

     Những cuộc biểu tình của người dân và những chiến sĩ dân chủ cho thấy sự hòa nhập của phong trào yêu nước vào phong trào dân chủ, và quan trọng hơn, phong trào dân chủ đã hòa nhập vào cuộc sống của người dân, đã kích hoạt được sự quan tâm và khơi gợi được tinh thần yêu nước của người dân. Hoạt động của phong trào dân chủ thâm nhập vào đời sống người dân, hòa nhịp với cuộc sống của người dân cuối cùng đã động viên được người dân tự giác tham gia vào cuộc đấu tranh chung. Khi quần chúng nhân dân đã tự giác tham gia thì phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ ngày càng mở rộng, phát triển và không thể đảo ngược.

     Các cuộc biểu tình của người dân cũng là những màn tập dượt, từ nhỏ lẻ, ít người tham gia, tới các cuộc biểu tình lớn, tổ chức tốt hơn, các thành phần tham gia đa dạng và đông đảo hơn, cho một phương diện quan trọng trong cuộc đấu tranh chung đòi tự do - dân chủ. Các cuộc biểu tình ban đầu chỉ có ở Hà Nội, Sài Gòn nhưng sau này  đã lan rộng tới các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nghệ An, Hải Phòng...đối tượng tham gia ban đầu chỉ là những trí thức, văn nghệ sĩ nhưng sau này mở rộng ra tất cả các thành phần, đủ mọi lứa tuổi, giới tính.

     Với những mục đích và ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nhưng các cuộc biểu tình ở Việt Nam đã diễn ra trong tình thế hết sức khó khăn ở một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Chúng ta đều biết, dưới chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng, nơi mọi tự do của con người bị bóp nghẹt và hạn chế tối đa, việc biểu tình, công khai bày tỏ thái độ, quan điểm là một điều đại kỵ. Sau một vài lần đầu thả lỏng việc biểu tình, một phần cũng bởi nhà cầm quyền Việt Nam muốn người dân thể hiện thái độ với Trung Quốc, thì các cuộc biểu tình sau đã bị bóp nghẹt và đàn áp rất dã man, triệt để. Ngoài những kế hoạch và quyết tâm trấn áp biểu tình của nhà cầm quyền Việt Nam (sẽ làm rõ ở bài sau) thì bản thân việc biểu tình và thực tế của phong trào dân chủ cũng hàm chứa những khó khăn cho các cuộc biểu tình.

     Bản thân việc biểu tình, tập hợp một số lượng lớn người, cần có sự thông báo và kêu gọi rộng khắp, đồng thời có sự bàn bạc nhất định, cả trong thực tế và không gian mạng. Điều này dẫn tới việc hầu như tất cả các cuộc biểu tình an ninh đều nắm được thời gian, địa điểm và thành phần tham gia. Từ những thông tin này, họ sẽ lên phương án để đối phó, bằng cách khống chế, phá rối hoặc ngăn chặn các cuộc biểu tình. Một vấn đề khác, do sự cài cắm, thâm nhập của mạng lưới đặc tình của an ninh vào phong trào dân chủ khá quy mô và sâu rộng, mọi kế hoạch về biểu tình của các tổ chức xã hội dân sự, hoặc của các nhóm chủ trương (do người của các tổ chức khác nhau thực hiện) đều có thể bị rò rỉ thông tin và phía an ninh biết được. Có một nghịch lý trong biểu tình mà phía an ninh đã tận dụng triệt để, đó là các cuộc biểu tình muốn có đông người tham gia thì bắt buộc phải công khai sớm thời gian, địa điểm và lộ trình biểu tình để kêu gọi và động viên người tham gia. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công an  càng có thời gian lên kế hoạch xử lý và trấn áp biểu tình. Trong bối cảnh ngặt nghèo như vậy, việc có được các cuộc biểu tình, tuần hành của người dân là rất đáng khích lệ. Đặc biệt, cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham gia, xuống đường vì môi trường, thảm họa cá chết ở ven biển miền trung ngày 01/5 vừa qua là một thắng lợi quan trọng của người dân và phong trào dân chủ./.

Hà Nội, ngày 23/5/2016

N.V.B