Gần đây, Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Bản Thông báo về thảm họa môi trường. Văn bản này đã và đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng dân chúng, kể cả giáo dân cũng như người ngoài công giáo.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu văn thư thông báo không kèm theo một câu: "Vì thế, trong lúc này, xin quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những bức xúc và lo lắng của mình, tránh những hành đông quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật".
Đọc văn thư này, trước hết, dù là người công giáo hay không, câu hỏi bật lên là: Liệu có phải người Công giáo là những người thường có thái độ quá khích và xung đột nên vị Chủ tịch HĐGM phải căn dặn trước?
Xin thưa là không có như vậy. Đã bao chục năm nay, người Công giáo Việt Nam vốn vẫn hiền lành và quá hiền lành trong một xã hội nhiều bạo lực và hỗn loạn. Biết bao sự kiện đã xảy ra với người công giáo bắt nguồn từ chính sách bạo lực, phân biệt và đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam về đất đai, tài sản cũng như những sự bắt bớ các bậc tu hành... cho đến giáo dân.
Nếu, đó không phải là Công giáo mà là một tôn giáo khác như Hồi Giáo hoặc Cộng sản giáo, không biết điều gì đã xảy ra. Hẳn nhiên sẽ là mắt đền mắt, răng đền răng chứ chẳng ai chấp nhận một thực trạng bị bách hại triền miên như vậy. Người công giáo đã nhiều khi chấp nhận thân phận công dân hạng hai của mình trong chế độ Cộng sản.
Điều này, hẳn là Đức cha Phaolo Bùi Văn Đọc không thể không biết.
Vậy điều gì khiến người dân phải bức xúc?
Thảm họa môi trường Biển Miền Trung không chỉ cá chết mà hệ thống môi sinh bị hủy hoại nghiêm trọng, nguồn nước nhiễm độc kim loại nặng là một mối nguy hiểm lâu dài không chỉ một đời mà cả nhiều đời, nhiều thế hệ người dân Việt Nam đang và sẽ phải gánh chịu.
Không chỉ hàng trăm ngàn hộ dân, hàng chục triệu con người đang bị mất công ăn việc làm, mà cả đất nước Việt Nam đang đứng trước một thảm họa lâu dài cho nòi giống và sự tồn vong của dân tộc khi biển đã bị bức tử. Nền kinh tế đất nước và kéo theo là đời sống dân chúng sẽ điêu linh khi nhà nước xác định kinh tế biển chiếm 55% GDP.
Cũng không chỉ là một thảm họa đến một lần rồi đi để khắc phục hậu quả dăm bảy chục năm sau là xong. Người dân ai cũng nhận thấy khá rõ sự liên quan đến thảm họa này với một mối nguy hại trực tiếp là Khu Công nghiệp Formosa đã xả thải súc rửa đường ống với cả trăm tấn chất độc hại thời gian qua. Và đó chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu xác định rõ đây là nguyên nhân, thì nguồn gây độc này còn tồn tại 70 năm, theo hợp đồng thuê dài hạn với nhà cầm quyền Việt Nam. Nghĩa là sự hủy diệt môi trường sẽ vẫn còn tiếp tục và lâu dài đến nhiều đời con cháu sau.
Ngay trong đoạn đầu văn thư Thông báo, Đức cha Phaolo Bùi Văn Đọc đã nêu rõ: "Về phía nhà nước và những cơ quan trách nhiệm vẫn chưa tìm ra rõ ràng nguyên nhân của sự kiện này".
Cho đến ngày Đức cha ra văn bản, thảm họa đã xảy ra một tháng. Trong một tháng đó, nhà cầm quyền đã làm gì để tìm ra "rõ ràng nguyên nhân" ngoài việc các quan chức loanh quanh bao che, lúng túng xử lý hướng dư luận về những nguyên nhân mà ngay sau đó đã bị bác bỏ như thủy triều đỏ, ống ngầm Formosa là có phép... và họ chờ cho đến tận hôm nay vẫn cứ dậm chân tại chỗ không thể nói ra nguyên nhân.
Thậm chí, một quan chức đã lấp liếm rằng: "Nói đến kim loại nặng trong cá biển là "tổn hại cho đất nước" và ông buộc phóng viên tắt máy ghi âm? Người ta thừa biết chẳng có đất nước nào ở đây khi ông cho là nói thật sẽ bị tổn hại. Mà ông ta chỉ sợ lòng dân hiểu rõ vấn đề mà không ăn cá nhiễm độc, rồi bùng lên xóa tan cái ổ ô nhiễm kia mà thôi và hẳn nhiên, như vậy sẽ "tổn hại" cho chính cái đảng của ông ta.
Người dân Việt Nam không thể tin rằng nhà cầm quyền không thể tìm ra nguyên nhân bởi nhiều lẽ.
Nếu Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc thực sự tin nhà cầm quyền không thể tìm ra nguyên nhân rõ ràng, thì đó là sự coi thường một nhà nước với những thành quả, thành tích luôn được ca ngợi là "thắng lợi, thành công và thành tựu"... Nhà nước đó được dẫn dắt, lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản "tài tình và sáng suốt", là "đội ngũ ưu tú của dân tộc", được trang bị một chủ thuyết Mác - Lenin là "khoa học của mọi khoa học".
Một đất nước "dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng" có đến 24.000 tiến sĩ và tiếp tục có những lò đào tạo tiến sĩ cứ mỗi ngày sản xuất một tiến sĩ - điều gây kinh ngạc cho cả thế giới - mà không thể tìm ra nguyên nhân nguồn gây độc trong cả hơn một tháng trời là điều hết sức vô lý. Trong khi có những người đã khẳng định trong một vài ngày có thể biết rõ nguyên nhân từ đâu nếu họ được giao nhiệm vụ điều tra.
Đặc biệt, đó cũng là sự coi thường "sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam" như hằng hà sa số các khẩu hiệu khắp nơi trên đất nước này . Bởi, Đảng CS đã đề ra và thực hiện thắng lợi "Cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật" được coi là "then chốt" trong hơn 50 năm nay.
Lẽ nào, với những yếu tố trên mà chỉ việc xác định nguồn ô nhiễm vẫn loay hoay cả tháng nay không xong?
Có thể là do Đức cha Phaolo Bùi Văn Đọc đã quá tin tưởng vào hệ thống tuyên truyền? Đây cũng có thể là một nguyên nhân để ngài ra văn thư này. Nghĩa là ngài tin rằng đảng và nhà nước đang làm hết sức mình để xác định nguyên nhân, nhưng chưa thể làm được. Nếu ngài tin vậy thì quả thật là ngài thật... dễ tin người.
Hay đây là kết quả của chuyến thăm Tòa TGM và Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc mới đây của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh?
Điều này rất có thể.
Người ta đã từng thấy ông Đinh La Thăng và Đức cha Chủ tịch HĐGMVN Phaolo Bùi Văn Đọc cùng hân hoan ký kết văn bản "giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia". Trong đó, Chủ tịch HĐGMVN có nhiệm vụ triển khai: "Tuyên truyền, phổ biến chính sách của nhà nước... đến các chức sắc, tu sĩ và tín đồ cả nước".
Văn bản đó cũng quy định "Trách nhiệm của HĐGMVN" là: Phổ biến đến các Giáo phận, tổ chức tập huấn, chỉ đạo xây dựng mô hình "Chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia đảm bảo an toàn giao thông?, rồi tổ chức một số chiến dịch tuyên tuyền theo đề nghị của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Thậm chí, văn bản còn yêu cầu HĐGMVN có trách nhiệm "đưa nội dung an toàn giao thông vào các bài giảng Thánh lễ của các linh mục" và "Vận động các gia đình công giáo hiến đất, góp công, góp của để duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới đường giao thông...", thì quả thật công việc mà Ủy Ban ANTGT giao cho HĐGMVN là quá nặng nề. Thậm chí là "trái nghề".
Đọc văn bản đó, người ta có cảm giác Hội đồng GMVN đã trở thành một bộ phận của cái Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia do một ông Bộ trưởng đứng đầu? Trong đó, HĐGMVN kiêm luôn chức Tuyên huấn của nhà nước trong lĩnh vực này?
Điều 2.4 văn bản ghi rõ Ủy Ban ANGTQG có trách nhiệm "Hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác cho Giáo hội Công giáo thực hiện công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phát động phong trào, tập huấn và nhân rộng điển hình, mô hình điểm, sơ kết, tổng kết và khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc". Người ta không hiểu việc chuyển chức năng của HĐGMVN như vậy là do HĐGMVN không còn việc để làm, nên phải làm thuê cho UBATGTQG để có kinh phí?
Vậy, nếu một thời gian nữa, Ủy Ban dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng muốn ký kết văn bản rồi cung cấp kinh phí với HĐGMVN để tuyên truyền cho kế hoạch của họ thì sao? Và còn bao nhiêu cái Ủy ban khác nữa?
Hay HĐGMVN do Đức cha Phaolo Bùi Văn Đọc quá hăng hái trong việc này vì một lý do nào đó?
Trong khi, trước và ngay sau đó biết bao sự việc đã xảy ra đối với chính giáo dân ngài coi sóc, chính các cơ sở, dòng tu dưới tay ngài cai quản bị nhà cầm quyền bách hại, cướp bóc trắng trợn, thì ngài trên tư cách chủ chăn và Chủ tịch HĐGMVN lại cố tình làm ngơ? Hay chỉ vì những việc đó không có điều 2.4 nói trên?
Trong Thảm họa môi trường biển Miền Trung hiện nay, khi mà nhà cầm quyền đã cố tình lần khân, lấp liếm và dùng những chiêu trò "quảng cáo cho thần chết" đẩy người dân sử dụng cá nhiễm độc, ảnh hưởng đến nòi giống họ như tổ chức cho cán bộ tắm biển, ăn cá trong khi chưa kết luận được nguyên nhân và mức độ ô nhiễm... đã gây bức xúc nặng nề cho toàn đất nước.
Lẽ ra điều cần ưu tiên là kêu gọi nhà cầm quyền phải vì đời sống, tính mạng của người dân, sức khỏe và sự tồng vong của nòi giống mà nhanh chóng minh bạch các thông tin và nguyên nhân của nó. Thì Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã làm thay hệ thống Tuyên giáo, kêu gọi người dân "tránh những hành đông quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật".
Có lẽ Đức Cha không biết rằng: Ở những vùng bị nhiễm độc, giờ đây, hàng triệu con người đang ngồi nhìn nhau trong u sầu và tuyệt vọng. Bởi biển đã nhiễm độc đến mức không dám thò chân xuống nước, thì làm gì còn "sản xuất" để mà ảnh hưởng.
Và khi mà pháp luật, chỉ dùng để bao biện, ngăn cấm người dân đưa thông tin sự thật đến với mọi người, bắt bớ người đi đưa thông tin, ngăn cản báo chí... dùng cảnh sát và côn đồ đánh đập người dân biểu lộ ý kiến của mình là bảo vệ môi trường, thì còn gì luật pháp để mà "vi phạm"?
Bản Thông báo của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN trích dẫn Thông điệp Laudato Si' của Đức Thánh cha, nhưng ngài đã bỏ qua hoặc cố tình quên đoạn hết sức quan trọng này trong Thông điệp: "Người ta phải chịu trách nhiệm trước sự kiện sử dụng không gian môi sinh của cả hành tinh để chất chứa các khí thải, gom góp lại trong vòng hai thế kỷ và đã tạo ra hoàn cảnh đưa tất cả quốc gia trên trái đất cùng chịu khổ.
Sự đun nóng do việc tiêu thụ kinh khủng của các nước giàu, đưa đến hậu quả trong các vùng nghèo khổ trên trái đất, đặc biệt là Phi Châu, mà việc gia tăng nhiệt độ đưa đến khô hạn, tàn phá các vùng canh tác. Còn những tai hại khác, việc xuất khẩu các rác thải cứng và lỏng độc hại vào các nước đang phát triển và qua tác động gây hại cho môi trường do các các nước giàu, vì cho rằng họ mang tài chính đến các nước nghèo này : “Chúng tôi xác nhận các nhà kinh doanh quốc tế, đã làm như thế tại đây điều mà họ không được phép làm trong các nước phát triển, thường được gọi là thế giới thứ nhất. Nói cách chung, họ phải ngưng ngay hoạt động của họ và rút khỏi nơi đây, họ đã để lại nhiều tai hại cho con người và môi trường như thất nghiệp, làng mạc không sức sống, cạn kiệt dự trữ tự nhiên, rừng bị tàn phá, làm nghèo cả nông nghiệp địa phương và nuôi súc vật, cỏ dại, đồi trọc, sông bị nhiễm khuẩn và vài công tác xã hội không còn khả năng tiếp tục” [30]. (LS. 51)".
Thánh Công Đồng Vaticano II, trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, mục 76, phần II chương IV "Đời sống cộng đoàn chính trị" có viết: "Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo Hội vừa là dấu chỉ, vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người".
Và "Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, Giáo hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc sử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình hoặc trước hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác..."
Cũng Thánh Công Đồng Vaticano II, trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, Mục 43, phần I Chương IV viết: "Hơn nữa, các chủ chăn hãy nhớ rằng: Các ngài sẽ biểu lộ cho thế giới một khuôn mặt của Giáo hội qua thái độ ưu tư hàng ngày của mình. Qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Ki tô giáo."
Đọc hai văn bản gần đây của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, người ta thấy thật thất vọng và bất bình. Người ta không hiểu Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN đang phục vụ ai và tại sao ngài lại làm thay phần việc của Ban Tuyên Giáo?
Hà Nội, ngày 13/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây