- Tôi từ chối làm việc! - Phần I
- Tôi từ chối làm việc! - Phần II
Tôi quay lại nói với viên đội phó An ninh Quận:
- Còn anh, những cách nghĩ của anh và sự việc hôm nay, tôi sẽ ghi lại đầy đủ để người khác xem thử cách nghĩ của anh đúng hay sai.
- Anh cứ viết.
Rồi anh ta đi ra khỏi phòng. Và để thực hiện lời hứa đó, tôi viết lại chi tiết cuộc nói chuyện đó, dù ít khi tôi viết về những buổi làm việc với an ninh.
Cậu cảnh sát mặc cảnh phục nói khi anh ta đã ra khỏi phòng:
- Thôi anh, giờ ta làm việc của ta đi anh. Anh cho rằng như vậy là không phải mời, nhưng người ta cho rằng như vậy là mời.
- Anh đã nói với chú về chuyện mời, chưa thấy ở đâu có cách mời kỳ lạ như của Công an. Ngay cả cái Giấy mời.
- Giấy mời sao anh?
- Chú thử lấy cái Giấy mời của Công an ra xem đi. Trên Giấy mời thì "Kính mời ông, bà..." nhưng cuối thì đưa một câu "Yêu cầu ông, bà... có mặt đúng thời gian và địa điểm trên" thì là cách mời của đám lục lâm thảo khấu, lấy thịt đè người. Chú có thấy ai đi mời người khác là: "Mời cụ chiều mai 5 giờ về nhà cháu ăn giỗ bố cháu, nhưng yêu cầu cụ có mặt đúng thời gian và địa điểm" thì có bị ăn cái tát vào mặt không?
- À, cái mẫu này lâu lắm rồi mà.
- Thì lâu hay nhanh tôi không rõ. Dù lâu hay mới, nhưng đã thấy sai là phải sửa, đã không phù hợp là phải bỏ, thế thôi. Tôi không nghĩ là lâu hay nhanh, mà đó là thứ văn hóa tao là cha thiên hạ, tao đã nói là mày phải nghe dù mày là ai.
- Hôm nay, Công an Thành phố yêu cầu bọn em lên nhận anh về làm việc.
- Làm việc về vấn đề gì? Tại sao tôi lại phải làm việc hôm nay?
- Thì đấy, Công an Thành phố, cấp trên giao thì phải làm.
- Tôi thấy đó chẳng phải là lý do để tôi phải làm việc với chú. Lẽ ra cấp nào thì cấp, kể cả Thủ tướng có giao chú thì chú phải hỏi ngay: Làm việc gì? tại sao phải làm việc? Chứng cứ, cơ cở pháp luật nào để tôi làm việc. Chú đã nhận, thì nó phải giao lại cho chú chứ. Còn trường hợp nó bắt mà không chứng cứ, vi phạm pháp luật, chú phải từ chối ngay chứ. Chẳng lẽ giờ chú cũng chẳng có cơ sở nào để làm việc thì chiều chú lại giao về cấp phường là cấp dưới, thế là chúng nó lại cứ "làm việc vì cấp trên giao" à?
- Nhưng, đấy là nhiệm vụ, bọn em chỉ thi hành nhiệm vụ thôi.
- À, cứ nhiệm vụ thì có nghĩa là bất chấp luật pháp và lương tâm à? Tôi nói chú rõ nhé: Con người ta khác với con vật, khác với cái robot, nghĩa là cứ theo lệnh chủ, bấm nút là cắt, dù là rau, thịt hay là cắt đầu người.
Bởi vì sao chú biết không? Vì chúng ta là con người. Mà con người thì có một trái tim và một khối óc để nhận biết điều gì sai, điều gì đúng. Nếu đúng ta làm, nếu sai thì ta có quyền từ chối. Pháp luật không buộc được ai phải làm điều sai trái, ngay cả với lương tâm mình. Do vậy, chú đừng nại ra lý do là"nhiệm vụ", nếu còn là con người. Người công nhân, khi được giao nhiệm vụ làm việc gì mà họ thấy không đúng, không an toàn, họ có quyền từ chối, luật lao động cũng quy định như vậy. Giờ bọn Thành phố thấy việc này không đúng, giao cho chú, chú làm thì có phải là nguy hiểm cho chú không? Vì chú sẽ vi phạm luật pháp. Còn thằng trên, thì chú làm được việc, nó hưởng thành công, chú làm sai, khi có hậu quả gì thì chú chịu.
Về lương tâm, thì thằng Ninh, cũng ở Quận này, dù nó là công an nên chỉ bị xử tù có 4 năm khi giết ông Tùng, giờ đã về. Nhưng thử hỏi cả đời nó có được thanh thản không? Con cháu nó sẽ được hưởng điều gì khi có một ông bố giết người?
Phần tôi, tôi không chấp nhận bất cứ sự vi hiến và phi pháp nào. Do vậy mà tôi không chấp nhận cách làm này. Còn nếu chú muốn, hôm sau chú cứ đưa giấy mời hẳn hoi, tôi sẽ xem xét và nếu thấy hợp lý, tôi sẽ lên đây làm việc với chú thoải mái. Còn hôm nay thì không.
- Thôi, nhưng đã về đây thì chúng ta cũng làm việc chút, nhanh hay chậm là do anh. Đề nghị anh tắt điện thoại đi để ta làm việc cho nhanh.
- Này chú. Tôi nói thật nhé. Khi đã bị bắt về công an, thì tôi đã xác định rồi, nên nhanh hay chậm đâu có mấy ý nghĩa. Với lại, tại sao tôi phải tắt điện thoại? Tôi bị bắt vào công an, mọi người và gia đình ở ngoài không biết khi nào thì tôi lại được giáo dục rồi ân hận mà tự tử bằng dây xỏ giày, hoặc treo cổ ngồi, hoặc bị đánh chết vì rửa bát không sạch... nên tôi phải có điện thoại để họ nắm được thông tin. Sau này gia đình còn biết giờ chết, ngày giỗ mà thông báo và làm giỗ cho tôi, sao tôi lại phải tắt khi anh là một công dân có đầy đủ quyền của mình?
Chú thử xem, chú bảo làm việc là việc gì? Tôi chẳng có kế hoạch làm việc với công an hôm nay, cũng chẳng có hợp đồng hay nghĩa vụ gì. Chú xem cái tờ giấy chú đang định viết đó là gì? Biên bản ghi lời khai? Vậy tôi là gì mà phải biên bản ghi lời khai hôm nay? Tội phạm à?
- Vậy là anh nhất định không làm việc?
- Không. Tôi từ chối làm việc theo cách này và tôi phản đối cách hành xử ép buộc công dân kiểu xã hội đen như hôm nay của Công an. Thôi, giờ cũng trưa rồi, tôi về.
- Không được anh ạ. Anh ngồi chờ chút.
Rồi cậu cảnh sát mặc cảnh phục đi ra khỏi phòng, lần lượt các chú an ninh mà bao năm nay lượn lờ, canh gác rình mò quanh nhà tôi xuất hiện. Một chú nói:
- Em biết anh từ lâu, các cuộc biểu tình trước đây cũng vậy. Thôi anh ạ. Mọi việc thì đã có đảng và nhà nước lo.
- Chú nói thế đã hiểu đảng và nhà nước lo như thế nào chưa? Chú có học hành không, có biết lịch sử đất nước này bao đời nay không hề lấy một tấc đất giao cho giặc, vì cha ông đã nói: Lấy một tấc đất làm mồi cho giặc thì phải tru di. Vậy mà chỉ có khi Cộng sản chiếm đất nước này 70 năm nay, đất nước này lần lượt mất từng phần vào tay giặc phương Bắc, bạn vàng của đảng. Bắt đầu là Hoàng Sa, giờ là Trường Sa, rồi hiệp định, hiệp ước của đảng với giặc về biên giới, lãnh thổ... mất dần. Vậy theo chú, đảng và nhà nước lo được cái gì? Lo giao cho giặc hay lo bảo vệ thì chú biết rồi đấy.
Thế nên, đừng khi nào cũng cứ đã có đảng và nhà nước lo nhé. Sao đảng và nhà nước không lo mẹ nó luôn cả các thứ thuế đi, lại bắt dân đóng cho đảng tiêu?
- Anh thấy đấy, đi biểu tình phản đối như vậy đâu giải quyết được gì?
- Làm sao mà giải quyết được gì khi người ta đang đi bộ trên phố thì công an đã xông vào như đám trộm cướp rồi bắt về làm việc như hôm nay. Làm sao làm được gì khi đảng sử dụng tiền thuế người dân để nuôi công an, mua sắm các thiết bị, vũ khí đàn áp người dân tay không tấc sắt mà chỉ có đóng thuế và lòng yêu nước.
Nhưng, dù làm được gì hay không, thì đó cũng là một thái độ cần có khi mất nước, khi môi trường sống bị hủy hoại, con cháu ta sẽ lãnh hậu quả, trong đó có gia đình các chú, con cháu các chú. Cũng như con chó thôi, khi bị đá một cái, dù nó không cắn lại được, thì nó vẫn ẳng lên mấy cái để phản đối chứ nó không chui vào gậm giường chấp nhận đá nó vô lý. Chú hiểu chứ.
- Nhưng làm gì thì cũng cần có thế và lực anh ạ. Đất nước chúng ta bé so với Trung Quốc, thế và lực chúng ta không đủ đánh nó.
- Vì sao ra nông nỗi thế chú biết không?
- Không, theo anh là vì sao?
- Vì "sự lãnh đạo tài tình và tuyệt đối của đảng". Vì tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp đã là quốc nạn, đục khoét ngân khố, bán tài nguyên khoáng sản tiêu không cần biết đến tương lai con cháu. Vì tiêu diệt lòng yêu nước của người dân bằng công an rình rập như các chú, bằng trấn áp, bắt bớ, bằng giữ mối quan hệ bạn vàng với kẻ thù của dân tộc... Thử hỏi đất nước này đã có bao giờ là to và lớn so với Trung Quốc chưa? Vậy mà cha ông ta sao lại không bán mẹ nó đi cho Tàu vì "thế và lực" như chú nói? Chú thử xem, so với Mỹ, thì Cuba có to không? Và còn nhiều quốc gia nhỏ hơn nữa, yếu hơn nữa. Sao vẫn tồn tại hiên ngang được mà không hèn như Việt Nam?
Cậu cảnh sát mặc cảnh phục quay lại - cứ một lúc, cậu ấy lại đi hội ý- ngồi vào ghế:
- Vậy nếu là anh, trong vai trò lãnh đạo có quyền quyết định, thì anh sẽ làm gì?
- Làm gì ư? Trước hết, là xóa bỏ chế độ độc tài. Bởi bất cứ sự độc tài nào cũng dẫn đến tha hóa và lạm dụng quyền lực. Đơn giản thế thôi, giờ cả thế giới chỉ còn mấy cái ổ độc tài và nó là nguyên nhân đói khổ, tụt hậu và là địa ngục của người dân như Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam.
- Chẳng hạn như vụ cá chết này, anh sẽ làm gì?
- Nếu là tôi, trước hết, cần ngay lập tức khoanh vùng lại, kiểm tra phonng tỏa ngay nguồn nghi gây ô nhiễm. Huy động các cơ quan để xác định xem vùng nào đã bị nhiễm độc, loài hải sản nào đã bị nhiễm đến đâu, khu vực nào sử dụng được, loại nào ăn được loại nào không và nhất là thông báo rộng rãi, công khai, minh bạch để dân biết mà còn liệu cho mình. Chứ đếch phải là mấy thằng lãnh đạo kêu dân cứ ăn cá nhiễm độc, cứ tắm biển nhiễm độc mà không cần biết nó nhiễm đến đâu, nguy hiểm như thế nào. Thậm chí là còn đi quảng cáo cho thần chết bằng trò thi nhau tắm và ăn hải sản khi mà dân chưa hiểu chỗ nào nguy hiểm, chỗ nào an toàn.
Nhưng, vấn đề ở đây lại khác, sự loanh quanh của nhà nước - loanh quanh chứ không phải là bất lực trong việc này - đã đưa đến cho người dân suy nghĩ đến điều gì đằng sau nó. Và họ không tin, và họ phát biểu ý kiến, và họ xuống đường, và công an bắt, và công an lộng hành.
Nhưng, tớ nói thật việc đàn áp, bắt bớ như vậy, chỉ phản tác dụng mà thôi. Điều này nó thể hiện được một câu trả lời cốt lõi: Đảng, nhà nước đang đứng về phía nào trong thảm họa này: Thủ phạm hay nạn nhân.
Và kẻ nào đứng về phía chống lại nạn nhân, thì hoặc đó là đồng lõa, hoặc chính đó là thủ phạm mà thôi.
(Còn nữa)
Hà Nội, ngày 11/5/2016
Bài bình luận gần đây