You are here

Tôi từ chối làm việc! - Phần II

Ảnh của nguyenhuuvinh

Cậu cảnh sát ngừng lại môt lúc rồi nói tiếp:

- Vậy thì chúng ta làm việc vì việc đó, đề nghị anh cho biết anh lên đó làm gì?

- Tôi từ chối làm việc bất cứ việc gì. Còn chú hỏi, thì tôi trả lời, là tôi đi có việc của tôi, tại sao tôi lại phải khai báo? Tôi chỉ biết: Tôi đang đi bộ trên vỉa hè, một bọn du đãng đã xông lại bắt tôi, đẩy tôi lên xe trái pháp luật. Cho đến bây giờ, tôi chưa được trả lời câu hỏi: Đám du côn đó là ai, bắt tôi vì lý do gì? Nếu mời, thì giấy mời đâu? Nếu bắt, thì lệnh bắt đâu? Khi nào trả lời cho tôi câu hỏi đó, tôi sẽ xem xét việc làm việc. Còn không, tôi sẽ giữ quyền im lặng nếu chú cố tình ép buộc tôi.

Một người vào từ lúc nãy ngồi bên cạnh, anh ta mặc chiếc áo kẻ vuông, người gầy, được cậu cảnh sát giới thiệu là Tiến, đội phó An ninh Quận. Anh ta cầm một tập giấy in đặt lên bàn và lên tiếng:

- Đi bộ nhưng không phải đi bộ.

Tôi hỏi lại ngay:

- Đi bộ nhưng không phải đi bộ nghĩa là sao? Nghĩa là tôi đi bộ nhưng là bay? hay đi bộ nhưng là bò?

- Tức là vì, anh đã tụ tập tự phát ở những cuộc trước đó. Chúng tôi có hình ảnh đây - Anh ta vừa nói vừa giơ mấy tờ giấy in từ trang Facebook JB Nguyễn Hữu Vinh một số hình ảnh cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, bức ảnh cầm tấm biển Tự do cho Ba Sàm Nguyễn HữU Vinh chụp ở nhà thờ Thái Hà.

- Vậy thì tôi có tội gì không? Những người tụ tập phản đối Trung Cộng xâm lược kia cả mấy ngàn người tham gia đấy, họ có  tội không? Có tội sao không bắt đi?

- Không, anh mà có tội người ta bắt anh lâu rồi.

- Vậy không có tội thì anh nhắc lại làm gì? Có phải anh định giải thích là vì tôi có mặt ở những nơi đó nên bây giờ anh thấy là bắt về không sao? Đúng không?

- Nhưng, đây anh nhìn đi, ảnh của anh đây, rõ ràng là anh có mặt ở những cuộc tập trung tự phát đó.

- Tôi nói cho anh biết: Anh giơ những tấm ảnh đó ra để làm gì? Anh có tin là nếu bây giờ tôi chụp một tấm ảnh của anh, thì chiều nay, tôi sẽ làm cho anh được 10 tấm ảnh anh đang cầm khẩu hiệu: "Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam" không? Anh có tin không?

- Anh thử chụp và làm đi.

Tôi lập tức giơ điện thoại lên ghé vào anh ta, anh ta cuống quýt đứng dậy:

- Anh bỏ cái máy ảnh xuống, anh không được chụp tôi.

Tôi chán nản:

- Tôi tưởng anh được giới thiệu là đội phó an ninh, nhưng vừa bảo tôi chụp xong lại hoảng hốt bảo thôi, thế thì nghĩa là làm sao? Bản lĩnh đâu? Tôi rất ghét người nói đằng trước phủi đằng sau.

Anh ta chống chế đưa mấy tờ giấy có hình ảnh tôi lên, trong đó có một tờ in câu: Xuống đường, là mệnh lệnh của trái tim. Anh ta nói:

- Trên phây búc của anh, anh viết như thế nào chúng tôi biết cả.

- Anh giỏi nhỉ, anh xem trên facebook nào?

- Thì đây. Anh ta đưa tôi mấy tờ giấy kia.

Tôi ném toẹt xuống nền nhà.

- Tôi nói cho anh biết: Sao anh bảo nó là của tôi? Tôi làm gì có phây búc phây biếc, anh biết Facebook là của ai làm ra nó không? Anh đã xem trên mạng trang Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng chưa? Sao không đi truy nã mấy ông đó về cho ra tòa rồi bỏ tù vì tội chửi lãnh đạo đảng và nhà nước như chó ăn vã mắm? Cứ ông này chửi ông kia, trong đó có cả tài liệu tuyệt mật của nhà nước nữa đấy.

- Nhưng anh đã có tụ tập ở những cuộc tụ tập tự phát.

- Tôi hỏi anh: Tụ tập là như thế nào? Tôi tụ tập ai, anh có chứng cứ không? Tôi đi một mình, đến đó một mình, không khoác tay hoặc lôi ai đến đó, sao anh bảo tôi tụ tập? Vậy nếu tôi đến chợ, anh cũng bảo tôi tụ tập cả chợ à?

- Nhưng phải theo luật, tụ tập, biểu tình là phải xin phép.

- Luật nào? Hiến pháp quy định 70 năm nay, công dân có quyền biểu tình, hội họp, lập hội... luật ở đâu anh đưa tôi xem? Còn xin phép ư? Tôi phải xin phép ai khi tôi đến đó?

- Thì xin phép cơ quan chức năng.

- Vậy à? Nếu thế 90 triệu dân này cứ sáng dậy muốn đi đâu như đám cưới, đám ma hoặc đi chợ, đi học đều phải xin phép à? Tất cả đều là tụ tập cả đấy, sao không bắt hết đi? Vậy nếu sáng nay, tôi định đến Bờ Hồ, ở đó có nhà vệ sinh, tôi vào đái ở đó một bãi rồi về thì có phải xin phép không? Ở đó cũng có đông người đấy.

Anh ta cãi cố nhưng vẫn to tiếng:

- Nhưng, anh hỏi vì sao lại bị bắt thì là vì anh đã đến những cuộc tụ tập tự phát đó nên anh đi sáng nay với mục đích là tụ tập.

- Sao anh là đội phó an ninh mà dốt thế? Tôi nói cho anh biết: Dù tôi đã đến những cuộc đó, và những cuộc đó có là có tội đi nữa, thì cũng không thể vì thế mà sáng nay anh suy diễn ra là tôi đi tụ tập trái phép khi tôi đang đi trên đường.

Anh không thể áp đặt theo lối suy diễn của anh, là thằng kia đã bị đi tù về tội ma túy, thì khi nào anh cũng có thể bắt nó khi đi trên đường vì anh nghĩ mục đích của nó hôm nay cũng là để mua ma túy. Anh làm sao biết nó hôm nay định đi đâu? Sao anh suy ra được tôi đi tụ tập mà không suy diễn luôn là đi với mục đích để nghiên cứu chế tạo bom để nổ luôn nhà hát lớn hoặc nổ luôn Ba Đình mà bắt bắn luôn đi cho gọn? Anh không thể vì có người gần nhà anh đã ỉa bậy, thì hôm nay có cứt là anh bảo nó ỉa, biết đâu lại là con anh, bố anh ỉa bậy thì sao?

Anh có biết luật pháp quy định như thế nào không? Vấn đề là anh có chứng cứ gì để khẳng định khách quan rằng đúng chính xác là thằng kia ỉa bậy? Luật pháp là như thế đấy. Anh có biết nguyên tắc suy đoán vô tội không?

- Là sao?

- Là khi anh chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng thằng kia ỉa bậy, thì nguyên tắc là phải suy đoán nó không ỉa, cho đến chừng nào có đủ bằng chứng khách quan chứng minh ngược lại. Anh hiểu chưa? Cũng như dù tôi có ý định đi tụ tập đi nữa, nhưng hành động đó không có tội. Nếu tụ tập là có tội, thì anh không đủ bằng chứng, cũng phải suy đoán là tôi không đến đó để tụ tập. Chứ không phải cứ giữ não trạng như anh là suy đoán có tội, ngược lại với nguyên tắc pháp luật như vậy. Tôi thách các anh tìm được bất cứ hành vi nào vi phạm luật pháp của tôi hôm nay. Vì thế khi nào chứng minh được điều đó, thì tôi mới làm việc

Thấy đã dài dòng mà anh ta vẫn không hiểu. Tôi nói tiếp:

- Thôi, nói mãi với anh mà anh không hiểu thì tôi không nói chuyện với anh nữa nhé. Tôi nói chuyện với anh ở đây, là tư cách công dân với nhau, anh không hiểu thì tôi nói cho biết. Còn nếu anh muốn làm việc với tôi, thì cứ về mặc quần áo và cảnh phục cho đủ rồi sang đây nhé. Tôi đang có việc với chú này.

Rồi tôi quay lại cậu cảnh sát mặc cảnh phục:

- Tôi nói với chú, tôi chỉ làm việc với chú là cảnh sát, còn những người này không cảnh phục, không biết là ai, dù chú giới thiệu là ông Trời đi nữa, thì tôi cũng không cần biết và yêu cầu chú cho những người này ra ngoài. Trường hợp, chú cho người không phải cảnh sát vào đây ngồi cùng, thì tôi sẽ gọi bạn tôi cùng vào đây ngồi nói chuyện hoặc cãi nhau. Chúng ta bình đẳng trước pháp luật.

(Còn nữa)

Hà Nội, ngày 10/5/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh