You are here

Không tắm hay ăn cá mà cũng ung thư.

Ảnh của canhco

“Ông Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ xuống biển Mỹ Khê tắm và những thuyền thúng của ngư dân cập bờ, hàng trăm người chen chân mua cá” là cái tít được báo chí nhấn tới nhấn lui như có ý cho người dân Đà Nẵng yên tâm rằng hai ông cao nhất thành phố cùng các ông kém cao khác còn không sợ biển thì không lý gì người dân phải sợ.

Báo chí lề đảng có cơ hội bơm thổi và các chuyên viên công bộc ăn lương chế độ đã tận lực ca ngợi như những hành động anh hùng, hay ít ra cũng là những tín hiệu cho thấy nhà nước lo lắng cho công ăn việc làm của người dân đến mức quên mình.

Vậy mà xem ra người dân khắp nơi không tin tưởng một mảy may nào, mặc dù đâu đó vẫn còn những bài báo hướng người dân vào niềm tin rằng biển dã sạch, cá không còn nhiễm dộc và mọi thông tin về Formosa là không đáng tin và thậm chí còn bị cho là phản động.

Nhưng cái thời đóng cửa phát hành báo Nhân Dân đã qua từ lâu lắm rồi. Người dân không thể tin vào các câu chuyện do các chuyên gia lừa nghĩ ra để gạt gẫm họ nữa. Nào là tay không lật máy bay trực thăng, hay súng trường bắn rơi máy bay Fantom của Mỹ, ngay cả cậu bé đuốc sống Lê Văn Tám trong sách giáo khoa cũng đã bị vạch trần sự “tăng bốc một cách cường điệu đến lố bịch”  thì thử hỏi trong thời đại ngày nay ai còn tin những thông tin chắp vá, vô căn cứ nhất là không được kiểm nghiệm từ những cơ quan đủ uy tín và năng lực của quốc gia trước một vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn vong của dân tộc như câu chuyện cá chết trắng bụng trong cả tháng qua?

Một nhà nước dù là ở một quốc gia kém phát triển nhất thế giới đi chăng nữa khi một thảm họa môi trường xảy ra thì hầu như việc đầu tiên là họ phải phong tỏa, cô lập vùng có thảm họa. Sau đó là tìm hiểu nguyên nhân rồi lập ra các biện pháp đối phó. Nếu không đủ khả năng, việc kêu gọi thế giới tiếp tay là cần thiết và dĩ nhiên Liên Hiệp Quốc sẽ là cơ quan trách nhiệm đầu tiên tiến hành việc chung tay với quốc gia ấy giải quyết thảm họa.

Việt Nam hành xử hoàn toàn khác với thế giới.

Ngay khi cá chết tràn bờ khắp 4 tỉnh miền Trung, việc đầu tiên là nhà nước ngăn cấm không cho bất cứ ai vào nhà máy Formosa Vũng Án. Ngay cả phái đoàn của Bộ Nông nghiệp cũng phải đứng ngoài than thở vì không có giấy của Thủ tướng chính phủ ký. Các biện pháp cô lập vùng xảy ra thảm họa hoàn toàn không có. Hàng chục chuyến xe chở cá chết vào thành phố hay ra Bắc bị phát hiện trong khi hàng chục chiếc khác chạy thoát, mang hàng trăm tấn cá tiêu thụ với nhiều cách: làm nước mắm, phơi khô, tái chế với nhiều dạng khác nhau để tung vào thị trường bất kể chất độc trong con cá sẽ phát tán trong cộng đồng ra sao.

Lãng tránh và im lặng là hai cách mà các cấp chính quyền luôn sử dụng trong bất kỳ một biến cố nào. Nay cũng vậy, một tháng trôi qua không một đơn vị nào chịu trách nhiệm về cách ứng phó với thảm họa. Người ta nhìn nhau và lấm lét nhìn dân. Những cái nhìn thiếu lương thiện chỉ cốt chạy trốn trách nhiệm và tìm cơ hội cứu lấy chiếc ghế của mình.

Và người ta nghĩ ra cách cứu chiếc ghể họ đang ngồi, nêu không hành động thì nguy cơ bị dân đá văng ra khỏi ghế lả điều có thể. Cứu ghế không gì bằng trình diễn tắm táp và ăn cá.

Những chiếc lưng tròn lẳng, no đủ xuất hiện trong vùng biển Đà Nẵng được báo chí xem như cơ hội đẩy lên phong trào tắm biển cứu cá. Chủ tịch thành phố còn đi xa hơn: sẽ mời người dân ăn bữa tiệc hải sản hoành tráng chiêu đãi cho toàn thành phố.

Thông qua việc tắm và mời dân ăn hải sản người ta thấy nảy sinh nhiều vẩn đề nghiêm trọng, nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn cả việc cá chết: Nếu người dân nghe và làm theo lời lãnh đạo Đà Nẵng, ăn cá do ngư dân cung cấp trong một thời gian, nếu có phát sinh các bệnh tật nguy hiểm thì ai là người trách nhiệm?

Dĩ nhiên lúc ấy Đà Nẵng lại đổ vấy cho các nguyên nhân khách quan khác mà công thức được báo chí áp dụng sẽ là “đang khẩn trương tìm hiểu và điều tra, nếu cần sẽ nhờ các nhà khoa học nước ngoài tiếp sức”

Cán bộ tắm không sợ ung thư thì đễ hiểu vì cho tới nay chưa ai chứng minh chất độc nào hiện diện trong nước có khả năng gây độc cho con người. Thế nhưng ăn cá thì lại là chuyện khác: Cá nhiễm độc nhưng chưa chết và người ăn nó cũng sẽ không chết ngay lập tức.

Cán bộ ăn cá chỉ một lần cho báo chí chụp ảnh còn sau đó khi về nhà ai biết gia đình họ ăn gì? Cá dù có nhiễm độc cũng có tỷ trọng rất nhỏ trong mỗi con, ăn một số ít chất kim loại nặng trong con cá vẫn được cho phép theo quy chuẩn. Tuy nhiên khi liên tục ăn cá như lúc bình thường chưa xảy ra sự cố thì kết quả hoàn toàn khác, không như cách mà các ông cán bộ ăn để chụp ảnh.

Độc tố cần thời gian tập trung đủ để phát tán và gây bệnh cho cơ thể. Có thể một tới hai năm hay lâu hơn, vì vậy không nhà khoa học có lương tri nào dám cam kết trong tình hình hiện nay ăn cá sẽ không ảnh hưởng gì tới cơ thể. Khoa học cần chứng minh thực nghiệm và khi chưa làm được điều đó mà hô hào dân chúng tiếp tục ăn cá là hành động ngu xuẩn nếu không muốn nói là “do ý đồ chính trị nên hy sinh cả sinh mạng dân chúng”

Trong khi báo chí dựng lên những câu chuyện người dân hào hứng ăn cá hay tranh nhau mua cá tại các địa điềm được xác nhận là có giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch thì lại rộ lên những tin tức cá tiếp tục chết nơi này nơi kia cũng do báo chí chính thống loan tải. Rồi giấy kiểm dịch dễ mua như rau khiến người dân càng thêm rối trí. Ai là người cứng lòng nhất cũng phải tự hòi lấy mình: Có đáng tin nhà nước này hay không?

Nhất là có nên tin bà Bộ trường Y Tế, vốn nổi tiếng về những mũi vắc xin giết người khi bà ta nói rằng: Hải sản tươi sống ở Hà Tỉnh và Quảng Bình đều an toàn. Oái oăm thay ngay trong ngày đó người dân hai tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế lạnh mình với việc cá tiếp tục chết và hàng tấn cá bị thiêu hủy để tránh ô nhiễm.

Bà Bộ trưởng nếu nghe tin này có thể nói Thanh Hóa không phải là Hà Tỉnh và Thừa Thiên Huế không phải là Quảng Bình.

Vâng bà nói sao cũng được vì bà có thẻ bài của Đảng, dân tình thì không cần nói, họ đang lắng nghe các thông tin từ báo quốc doanh lẫn trang mạng xã hội. Báo thì họ chọn tin nào tiêu cực họ xem vì họ biết rằng những bài phỏng vấn giá trị như của cô phóng viên Lan Anh phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm không phải lúc nào cũng xuất hiện được.

Cũng may cho dân tộc chúng tôi ngày càng ít người tin vào cộng sản hơn. Bởi thế nên vào ngày hôm nay báo nhà nước có bài ca tụng Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Bảy với nội dung: “Người cựu binh cho biết, đời ông luôn gắn với những số 7. Đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp (từ lớp 3 lên lớp 10), lái chiếc MiG17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967” người dân xem rồi gật gù: ừ thì ông đại tá này bắn giàn thun cũng giỏi đây.

Thì ra chính quyền cách mạng luôn luôn có những người tài cao đức trọng luôn sẵn sàng đưa thân ra cứu nước chứ không riêng gì ông Bảy. Biết đâu hai ông Bí thư và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng không may bị nước biển làm hoại thư hay ăn cá mà ung thư cũng được phong anh hùng thì sao?

Họ xứng đáng lắm chứ, ít ra xứng đáng hơn ông Nguyễn Phú Trọng, tuy không ăn cá và tắm biển cũng vẫn bị ung thư lưỡi kia mà.