You are here

Trương Minh Tam bị bắt chỉ vì một việc làm lương thiện

Việc làm của Trương Minh Tam là việc làm lương thiện. Clip của anh đã phản ánh một sự thật, đó là thảm họa môi trường ở Miền Trung trong khi nhà cầm quyền muốn che đậy. Vạch ra một sự thật dù trái ý những kẻ có lòng dạ đen tối nhưng đó là việc làm có công đối với cộng đồng, với xã hội.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Chưa có một vụ bắt người vì lý do chính trị nào mà cảnh sát điều tra nhanh và truyền thông đưa tin kịp thời và rộng rãi đến thế. 

Bị bắt cùng đợt với Trương Minh Tam có Chu Mạnh Sơn. Chu Mạnh Sơn bị bắt vào ngày 30/4/2016 còn Tam thì không thấy họ nói tới. Theo thông tin từ bạn bè của Tam, lần cuối cùng liên lạc được với anh vào19 h 25’ ngày 28/04/2016, như vậy khả năng anh bị bắt vào đêm 28 hoặc ngày 29/4/2016.

Vậy mà chỉ 2 ngày sau, 1/5/2016, VTV đã hoan hỉ báo tin, coi như một chiến công lớn của công an Hà Tĩnh. Một loạt tờ báo cũng lập tức đưa theo, rùm beng hơn cả vụ bắt ông Trần Anh Kim hay Luật sư Nguyễn Văn Đài. 

Vẫn là lối tuyên truyền nghiêm trọng hóa, xuyên tạc cổ điển với các từ quen thuộc: “phản động”, “kích động”, “nhận tiền nước ngoài”, “bị lôi kéo”, “chống phá nhà nước”  v.v… Họ làm như đây là vụ án hình sự rất lớn với những từ được sử dụng như “phát hiện”, “đấu tranh khai thác” cho thêm phần quan trọng. 

Chu Mạnh Sơn đã được trả tự do vào ngày 2/5/2016 sau 2 ngày bị tạm giữ. Ngay sau đó, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh Sơn cầm biểu ngữ mang dòng chữ PHẢN ĐỐI CÔNG AN, AN NINH BẠO HÀNH – TRA TẤN. Như thế đủ biết cái gọi là “đấu tranh khai thác” của công an thực chất là gì mà họ vẫn quen gọi là “biện pháp nghiệp vụ".

Chu Mạnh Sơn ngay sau khi được trả tự do

Chu Mạnh Sơn đã được trả tự do, vì vậy, bài viết này chỉ xin đề cập đến trường hợp Trương Minh Tam. 

1. Phỏng vấn đưa lên mạng không phải là hành vi bị cấm

Đọc kỹ rồi bóc hết ra những ngôn từ qui chụp, chỉ tính đến hành vi của Trương Minh Tam (TMT) để xem cái tội trạng của anh mà báo chí làm ầm ỹ lên thực chất là gì? 

Thì ra “tội” của TMT là đi phỏng vấn ngư dân Hà Tĩnh rồi làm một cái phóng sự. Cũng nhờ sự ầm ỹ của báo chí mà tôi mới biết được cái clip ấy. Tôi tìm nó và xem say sưa. Clip khá dài nhưng xem xong tôi vẫn ước giá dài thêm chút nữa. Đó là một clip tuyệt vời. 

Những người được phỏng vấn là những người có đầy đủ tên tuổi và tất nhiên là cả hình nữa, chắc chắn là ngư dân Hà Tĩnh thứ thiệt chứ không phải là những “đối tượng có quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam” như báo chí tưởng tượng ra. Tôi thách họ (công an Hà Tĩnh và báo chí) chỉ ra được một người trong số Trương Minh Tam phỏng vấn thuộc “đối tượng có quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống Đảng, Nhà nước”. Điều bịa đặt này thật đáng xấu hổ. 

Hình ảnh trong clip là thật, người được phỏng vấn là thật. Kể cả những gì Trương Minh Tam nhắc lại lời nói của các ông lãnh đạo cũng từ báo chí nhà nước thông tin chứ không phải là do anh bịa ra. Vùng biển nơi anh đặt chân đến tất nhiên không phải là vùng cấm. Nội dung đề cập đến trong clip không phải là bí mật quốc gia. 

Việc phỏng vấn rồi đưa lên mạng là quyền dân sự hết sức bình thường. Nếu đó là hành vi bị cấm, xin công an Hà Tĩnh chỉ ra.

Clip do Trương Minh Tam và bạn bè thực hiện ở Vũng Áng Hà Tĩnh

2. Không thể suy diễn bừa bãi

Clip phản ánh một sự thật. Và trước sự thật đó, mỗi người có một suy nghĩ , góc nhìn khác nhau. Trong đó, TMT không hề có một lời hô hào xúi giục, kích động người dân biểu tình như báo chí nói.

Họ không thể suy diễn TMT làm clip nhằm tuyên truyền, đả kích chính sách, pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng hay kích động, biểu tình gây phức tạp về ANTT trên địa bàn. Đây là lối áp đặt một chiều, không có căn cứ và không thể thuyết phục được ai. Cũng như ai đó mua một con dao, không thể suy ra anh ta mua để giết người. 

Mặt khác, một TMT lặn lội từ Hà Nội vào không thể kích động được dân biểu tình. Đó là chưa nói đến việc biểu tình là một hành vi phù hợp với Hiến pháp chứ không phải là hành vi xấu. 

Đừng có nói dân bị kích động hoặc hoang mang. Đây là luận điệu sai trái và đã lỗi thời. Nói thế là coi thường dân. Họ có mắt nhìn, tai nghe, óc để suy nghĩ. Đâu có phải chỉ cán bộ nhà nước, báo chí nhà nước mới là thông thái, mới biết suy nghĩ đúng. Mà nếu được vậy, thì làm gì có thảm họa môi trường ở biển Miền Trung để phản động, thế lực thù địch kích động. 

Việc làm của Trương Minh Tam là việc làm lương thiện. Clip của anh đã phản ánh một sự thật, đó là thảm họa môi trường ở Miền Trung trong khi nhà cầm quyền muốn che đậy. Vạch ra một sự thật dù trái ý những kẻ có lòng dạ đen tối nhưng đó là việc làm có công đối với cộng đồng, với xã hội. 

Phong trào Con đường Việt Nam đã ra tuyên bố về việc Công an Hà Tĩnh bắt giữ Trương Minh Tam, nêu rõ: 

“Là một tổ chức xã hội dân sự không có mục tiêu tìm kiếm quyền lực hay chia sẻ quyền lực và không có mục đích trở thành một đảng phái chính trị, chúng tôi không ủng hộ hành vi chính trị hóa những hoạt động dân sự ôn hòa. Con đường Việt Nam cho rằng việc tạm giữ thành viên của chúng tôi trong khi họ chỉ thực thi các quyền dân sự của mình được nhà nước VN bảo hộ ghi trong hiến pháp là việc làm trái luật của một số người trong cơ quan công an điều tra” 

3. Vẫn lại là chuyện nhận tiền của phản động

Ngoài ra, Công an Hà Tĩnh còn đề cập đến chuyện nhận tiền của đối tượng phản động bên ngoài. Đây là luận điệu quen thuộc nhằm hù dọa thiên hạ. Nhà cầm quyền xưa nay cố nhồi nhét vào đầu người dân sao cho họ quen với việc nhận tiền nước ngoài là xấu xa, là tội lỗi. Bây giờ, nhiều người đã hiểu ra nhưng họ vẫn cứ ra rả cái luận điệu cũ rích ấy. 

Bộ luật hình sự không hề có tội danh nhận tiền từ người khác. Nếu có thì cũng phải có văn bản qui định cho rõ, thế nào là phản động, là thế lực thù địch, cá nhân hoặc tổ chức nào là phản động là thế lực thù địch. 

Mặt khác, xét về tội phạm như đã nói là xét về hành vi. Trong các tội được qui định trong Bộ luật hình sự theo từng điều, cũng không có khoản hay tiết nào nói phạm tội trong trường hợp nhận tiền từ bên ngoài để phạm tội là một tình tiết tăng nặng (hay giảm nhẹ) 

Về chuyện này, Nhà báo Đoan Trang cho rằng: “Suy cho cùng, cũng là vì Đảng Cộng sản căm tức khi thấy có những tổ chức có thể nhận tiền nước ngoài mà không chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước, lại không chi cho Đảng một xu mà thôi. Chưa kể, những nguồn tài trợ đó hứa hẹn khả năng lớn mạnh và chuyên nghiệp hóa của các tổ chức đó, đi xa hơn là sự chuyên nghiệp hóa của cả phong trào dân chủ”. 

4. Phải trả tự do cho Trương Minh Tam 

Việc bắt giữ, và có thể truy tố TMT sẽ thêm một cái tát vào mặt chế độ từng khoe "dân chủ gấp vạn lần tư bản" (lời bà Nguyễn Thị Doan nguyên Phó chủ tịch nước) 

Yêu cầu Công an Hà Tĩnh trả tự do ngay cho TMT. Trong thời gian công an Hà Tĩnh chưa làm được điều này, yêu cầu không được xúc phạm đến thân thể anh. Việc Chu Mạnh Sơn ngay sau khi được thả đã đưa ra thông điệp PHẢN ĐỐI CÔNG AN, AN NINH BẠO HÀNH – TRA TẤN làm tôi nghĩ đến TMT cũng bị tra tấn. Nếu đã trót, tôi yêu cầu công an Hà Tĩnh phải chấm dứt ngay. Đấy không phải cách để bảo vệ chế độ, ngược lại càng đẩy nhanh nó sụp đổ.

4/5/2016 

NTT

rfavietnam