You are here

Hiệu ứng cánh bướm

Ảnh của nguyenvubinh

     Hiệu ứng cánh bướm là một cụm từ dùng để mô tả khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc. Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian. Câu chuyện một con bướm vỗ cánh ở bán cầu này có thể gây ra một cơn bão ở bán cầu kia là một ví dụ minh họa cho lý thuyết này nhưng sau này lại trở thành tên gọi học thuyết. Những sự kiện bé nhỏ nhưng để lại những hệ quả to lớn về sau, do đó học thuyết này có ý nghĩa nhân văn và khoa học lớn lao.

     Ở Việt Nam gần đây, đã có những sự việc có tính chất rất giống với lý thuyết hiệu ứng cánh bướm diễn ra. Chúng ta có thể kể sơ lược một vài vụ việc như: một bãi nước bọt của trung úy Nguyễn Văn Bắc, công an khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã làm thành một cơn bão dư luận trên các mạng xã hội, đặc biệt là faceboooks. Vụ việc nhỏ như móng tay (lời của một viên tướng công an) khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào” cũng làm nổi sóng dư luận, đến mức Thủ tướng chính phủ phải chỉ đạo xử lý. Gần đây nhất, vụ nghi án công ty Formosa xả thải gây chết hàng loạt cá, tôm bờ biển bốn tỉnh miền trung, giám đốc đối ngoại công ty này phát biểu: chỉ nên chọn một trong hai, cá tôm hoặc nhà máy thép. Câu nói này đã gây ra siêu bão trong dư luận cả nước. Ngoại trừ nội dung vụ công ty Formosa, các sự việc khác, tuy không phải là lớn, nhưng sự quan tâm và khả năng phát tán, chia sẻ, phổ biến cực nhanh và rộng khắp của mạng xã hội, đã trở thành những cơn bão trong dư luận. Có thể coi đó là một biểu hiện của hiệu ứng cánh bướm nổi tiếng nêu trên.

     Nhìn nhận lại các sự việc diễn ra vừa qua, do tính chất sự việc, cũng như nghịch lý, hoặc tính chất phi lý của sự việc mới đẩy tới phản ứng dữ dội của người dân, của dư luận. Trước hết, đó là những ứng xử vô cùng tùy tiện, độc đoán, bất chấp pháp luật, bất chấp các quy định nghề nghiệp và văn hóa giao tiếp tối thiểu. Một công an khu vực, đang trong đêm tối đến nhà người dân yêu cầu khám nhà khi không hề có giấy tờ, chứng cứ. Khi người dân không đồng ý thì ứng xử như côn đồ, thiếu văn hóa. Tương tự như vậy, chủ quán cà phê  “Xin Chào” không hề vi phạm pháp luật, nhưng đã bị công an, viện kiểm sát khởi tố với tội danh kinh doanh trái phép...

     Khi sự việc được công khai hóa, chúng ta còn được chứng kiến nhiều nghịch lý, nhiều phát ngôn rất thiếu trách nhiệm của những người liên quan thuộc hệ thống công quyền. Công khai hóa cũng làm lộ ra những lỗ hổng, góc khuất và sự hỗn loạn trong quản lý của hệ thống công quyền. Việc Viện kiểm sát huyện Bình Chánh, đồng ý phê chuẩn việc khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào’ trong khi biết rõ đối tượng không hề vi phạm pháp luật thể hiện sự đồng lõa với những điều sai trái, độc đoán chuyên quyền.  Vụ nghi vấn công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường làm cá biển chết hàng loạt là điển hình cho sự hỗn loạn trong quản lý. Khi sự việc đã được công khai hóa, nơi thì nói đường ống xả thải không được cấp phép, cơ quan khác thì lại nói được cấp phép. Việc vào thanh tra công ty, có nơi nói không được phép vào thanh tra vì dự án thuộc quyền quản lý của trung ương, trong khi đó, ngày 26/3/2015 báo Hà Nội Mới lại đăng tin, Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa khi chưa được chính phủ đồng ý (http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/746350/ha-tinh-cap-phep-dau-tu-70-nam-cho-formosa-khi-chua-duoc-chinh-phu-dong-y). Nói chung, có một sự hỗn loạn, không thể hiểu nổi trong quy trình công tác, hoạt động của các cơ quan công quyền ở Việt Nam.

     Hiệu ứng cánh bướm trong các vụ việc vừa qua trong dư luận xã hội Việt Nam còn được tạo ra bởi sự quan tâm của đông đảo người dân vào những vấn đề thời sự nóng bỏng và nhạy cảm. Ngay khi sự việc vừa xảy ra, hàng ngàn, hàng trăm ngàn người quan tâm, đi vào tìm hiểu, phân tích, lý giải, phê phán. Đồng thời, mọi người còn tìm hiểu những thông tin liên quan tới vụ việc, tới  thân nhân những người trong vụ việc. Bởi số lượng người tham gia quá đông, lại đủ các thành phần nên không tránh được những sự xô bồ, cực đoan và thiếu văn hóa. Tuy nhiên, chỉ có những lý giải đúng đắn, hợp tình hợp lý mới thuyết phục được số đông người quan tâm, và đó chính là những điều làm kim chỉ nam cho sự giải quyết các vụ việc.

     Có một câu hỏi đặt ra, một sự việc muốn trở thành hiệu ứng cánh bướm cần phải có những yêu cầu, điều kiện gì? thực hiện ra sao?

     Đầu tiên, sự việc đó phải là những sự việc có tính chất phi lý và oan trái, càng phi lý và oan trái thì càng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Những sự việc bảo đảm yêu cầu này (phi lý và oan trái) trong bối cảnh hiện nay ở Việt nam là vô cùng lớn, ở bất cứ địa phương nào, ngành nghề nào cũng có thể gọi ra ngay được. Điều kiện tiếp theo, sự việc phi lý, người bị oan trái cần phải có chứng cứ xác đáng, thuyết phục. Chúng ta đều biết, nếu cô gái trẻ ở phường Trung Liệt không có clip quay lại cảnh công an khu vực nói năng thiếu văn hóa và nhổ nước bọt vào người, mà chỉ tố cáo bằng lời nói, thì cô gái chắc chắn sẽ thất bại và còn bị trả thù ngược. Tương tự như vậy, nếu không có một phóng viên đã bỏ công nghiên cứu 300 trang hồ sơ khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào” của tòa án và viện kiểm sát thì sẽ không đủ chứng cứ và lý lẽ về luật pháp để đưa ra công luận. Nếu không đủ chứng cứ, và sự chắc chắn về luật pháp thì những người tố cáo sẽ lãnh đủ hậu quả vô cùng thảm khốc. Điều kiện cuối cùng, người tố cáo phải đủ bản lĩnh và theo đuổi đến cùng sự việc. Chúng ta biết rằng, bao giờ các cơ quan công quyền và cán bộ cũng bao che cho nhau. Họ thường đưa ra những yếu tố gây loãng sự việc, hoặc tung hỏa mù rồi dọa dẫm đương sự. Nếu người tố cáo yếu bóng vía, sẽ thỏa hiệp với họ và sẽ thất bại. Chính vì vậy, khi có đủ bằng chứng xác đáng, cần có bản lĩnh để theo đuổi sự việc tới cùng. Muốn vậy, cần tuyệt đối tin tưởng vào truyền thông “lề dân”, vào sức mạnh của faceboook và dư luận.

     Có một điều đáng mừng trong những sự việc qua. Đó là truyền thông chính thống đã vào cuộc, đứng về phía người dân và kết hợp với truyền thông “lề dân” để tạo sức mạnh công phá. Chúng ta cần khen ngợi những phóng viên của báo Sài Gòn Giải Phóng trong vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào”, cũng như VTC, VTC14 trong vụ việc Formosa đang diễn ra./.

 

Hà Nội, ngày 27/4/2016

N.V.B